Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga: “Nước Nga sẽ không bao giờ quay trở lại quá khứ“

Trần Tuấn Anh
Boris Nikolaevich Yeltsin là Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Liên bang Nga. Ông được nhân dân Nga trực tiếp bầu lên vị trí này 2 lần. Lần thứ nhất ngày 12/6/1991. Lần thứ hai ngày 3/7/1996 và ở vị trí Tổng thống Nga đến ngày 31/12/1999.
Yeltsin sinh ngày 1/2/1931 tại làng Butka, quận Talitsa, vùng Sverdlovsk Oblast nước Cộng hoà Nga thuộc Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết tức Liên Xô. Ông tốt ngiệp trung học phổ thông tại Talitsa. Từ năm 1961 đến tháng 7/1990 ông là đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô (CPSU). Ông kể lại quan điểm của ông khi vào Đảng như sau: ”Tôi đã chân thành tin tưởng vào các lý tưởng về sự công bằng do Đảng cộng sản tuyên truyền. Tôi cũng có cảm giác đó khi gia nhập Đảng. Tôi đã nghiên cứu toàn bộ các Hiến chương, các chương trình và các giáo điều, đọc các tác phẩm của Lenin, Karl Marx và Engels“.

Từ tháng 12/1985 đến năm 1987, Yeltsin được chỉ định vào Bộ chính trị ĐCSLX kiêm chức Bí thư thứ nhất ĐCSLX thành phố Moskva và Thị trưởng thành phố Moskva. Năm 1987, Yeltsin to tiếng lên án Bộ chính trị đã chậm chạp tiến hành chương trình cải tổ xã hội, bị Tổng bí thư Gorbachev buộc tội “vô trách nhiệm“ và bị phế truât tất cả các chức vụ trong ĐCSLX, kể cả chức Bí thư thứ nhất ĐCSLX thành phố Moskva. Ở thời điểm này dân chúng nước Nga đang bất mãn mạnh mẽ đối với chế độ chính trị độc tài toàn trị hiện hành và tình trạng kinh tế đang trên bờ vực thẳm nên Yeltsin càng trở thành nổi tiếng trong dân chúng. Tháng 3/1989 Yeltsin được bầu vào Đại hội đại biểu nhân dân và giành được vị trí trong Xô Viết tối cao. Tháng 5/1990 Yeltsin được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga (RSFSR). Ông nhận được sự ủng hộ của cả 2 phía những thành viên có khuynh hướng dân chủ và những thành viên có khuynh hướng bảo thủ trong Xô Viết tối cao. Tháng 7/1990 Yeltsin tuyên bố ly khai khỏi Đảng cộng sản Liên Xô. Ngày 12/6/1991 Yeltsin nhận được 57% tổng số phiếu bầu trực tiếp Tổng thống dân chủ đầu tiên của nước Nga, số phiếu cao hơn nhiều so với Gorbachev.
Ngày 18/8/1991, những người cộng sản do Vladimir Kryuchkov theo đường lối Mác- Lênin cứng rắn đứng đầu đã làm đảo chính, bắt giam Gorbachev tại Krym. Dân chúng Moskva đã tổ chức 1 cuộc tuần hành lớn phản đối cuộc đảo chính. Quân đội đứng về phía dân chúng từ chối thi hành lệnh đàn áp của phe đảo chính. Yeltsin đứng trên tháp pháo 1 chiếc xe tăng đọc bài diễn văn lịch sử lên án cuộc đảo chính và được dân chúng ủng hộ. Gorbachev được giải cứu. Hầu hết những người lãnh đạo cuộc đảo chính trốn khỏi Moskva. Tuy nhiên kể từ sau cuộc đảo chính, uy tín và quyền lực thực tế của Gorbachev bị giảm sút mạnh, Sự ủng hộ của nước Nga ngả về Yeltsin. Tháng 11/1991 Yeltsin ban hành một Nghị định cấm Đảng cộng sản Liên Xô hoạt động trên toàn nước Nga (RSFSR). Tháng 12/1991 Liên bang Xô viết giải tán. Ngày 24/12/1991 Liên Bang Nga giành được ghế của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc. Ngày 25/12/1991 Gorbachev từ chức đồng thời là ngày chấm dứt sự tồn tại của Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết tức Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã, từ tháng 1/1992, Yeltsin và Chính phủ Nga ưu tiên hàng đầu việc gấp rút tiến hành chương trình tái cơ cấu kinh tế theo xu hướng kinh tế thị trường, trong đó có việc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, nhằm cứu vãn nền kinh tế khỏi sụp đổ. Do bước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường là quá trình rất mới mẻ đầy khó khăn. Nước Nga lúc đó thiếu các chuyên gia am hiểu sâu về kinh tế thị trường, thiếu người có khả năng lãnh đạo quá trình chuyển đổi này để tái cơ cấu nền kinh tế và tái phân phối tài sản quốc gia, cộng vào đó là sự phản công mạnh mẽ của những người muốn duy trì cơ cấu kinh tế cũ và cách quản lý cũ, nền kinh tế nước Nga lại rơi vào trạng thái hỗn loạn. Tuy vậy, ngày 25/4/1993 Yeltsin vẫn chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về lòng tin của dân chúng Nga đối với ông và đối với chương trình cải cách.
Cuộc trưng cầu dân ý này đồng thời thông qua bản Hiến pháp mới của nước Nga, là bản Hiến pháp dân chủ hơn so với các bản Hiến pháp thời Liên Xô. Bản Hiến pháp này xây dựng trên các nguyên tắc:
“Chủ quyền nhân dân, đa nguyên về chính trị và tư tưởng trong đời sống xã hội, hỗ trợ kinh tế thị trường, dân chủ và chống chế độ chuyên quyền, tạo điều kiện phát huy tính chủ động của con người trong mọi lĩnh vực đời sống, đảm bảo mức sống tương xứng với sự bảo trợ của nhà nước“ (trích tài liệu của Đại sứ quán CHLB Ngahttp://www.russianembassy.org/RUSSIA/CONSTIT/index.htm/).
Tháng 7/1996 Yeltsin lại thắng cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2, đánh bại đối thủ Gennedy Zyuganov thuộc Đảng cộng sản Nga. Ngày 31/12/1999, tuy chưa hết nhiệm kỳ, Yeltsin đột nhiên tuyên bố từ chức và theo Hiến pháp, Vladimir Putin khi đó là Thủ tướng trở thành Tổng thống tạm quyền của nước Nga.
Trong bài diễn văn tuyên bố từ chức đọc trước toàn thể nhân dân Nga ngày 31/12/1999, Boris Yeltsin nói: Hôm nay, ngày cuối cùng của thế kỷ này, tôi xin từ chức. Tôi ra đi sớm hơn hạn định. Nước Nga cần phải bước vào thiên niên kỉ mới với những con người mới, thông minh, mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực. Còn chúng tôi, những người đã nắm quyền lực trong nhiều năm qua cần phải ra đi. Tôi xin lỗi các bạn vì những gì chúng ta tưởng là đơn giản lại hoá ra cực kỳ nặng nề. Tôi đã không làm hài lòng những người có hy vọng và tin tưởng rằng chỉ cần một bước nhảy và ngay lập tức chúng ta có thể nhảy từ một quá khứ độc đoán, trì trệ, tối tăm sang một tương lai tươi sáng, giàu đẹp, văn minh. Nhưng tôi đã hoàn thành sứ mạng chính của đời mình. Nước Nga sẽ không bao giờ quay trở lại quá khứ.
Sau khi từ chức Tổng thống, Yeltsin khá kín tiếng. Ông mất ngày 23/4/2007, thọ 76 tuổi.
Tư liệu tham khảo:
- Boris Yeltsin, Bách khoa toàn thư (http://vi.wikipedia.org/) năm 2012 và tác phẩm
- “Cuộc chạy đua Tổng thống“ của Yeltsin, tại Việt Nam thư quán (http://vnthuquan.net/)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"