Nguồn: Vitalk
Chuyện người Việt sính ngoại không phải bây giờ mới biết, nhưng căn
bệnh này đã trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Là một người con của
đất Việt, tôi cảm thấy rất lo lắng vì điều này.
Đầu tiên, phải kể đến việc các tờ báo thường xuyên đưa yếu tố Tây vào
để câu khách. Bởi vì, hơn ai hết, các nhà báo biết rõ, cái gì Tây thì
cũng được quan tâm nhiều hơn. Tôi không trách các nhà báo, nhưng, cái
lỗi ở đây là do công chúng, họ quá sính ngoại, và báo chí phải chiều
lòng công chúng là điều tất nhiên nếu muốn phát triển.
Chẳng hạn như ông Tây điều khiển giao thông gây sốt cộng đồng mạng.
Nói thật quá nhiều người Việt cũng điều khiển giao thông, thậm chí, tôi
còn thấy những bác già lọm khọm mà vẫn đứng giữa trời nắng, mồ hôi nhễ
nhại, chẳng ma nào chú ý, vậy mà một thằng ku người Tây khoảng 30 tuổi
thì được trịnh trọng kêu là ông Tây, và nhiều cư dân mạng tỏ ra rất cảm
kích.
Điều thứ hai là những vụ tai nạn giao thông, mỗi ngày, cả nước có
hàng chục vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng hàng trăm công dân Việt, nhưng
cũng không bằng một ông Tây bất cẩn bị tai nạn. Dân mạng sẽ nhao nhao
lên rằng, đẹp mặt Việt Nam chưa, để ông Tây phải bỏ mạng. Xin lỗi nhưng
tôi nói thẳng, chẳng lẽ mạng của Tây thì quý hơn mạng Việt hay sao? Tư
tưởng này giống có vẻ đã ngấm vào máu, từ thời đế quốc, thực dân.
Thứ ba, vấn đề lấy chồng ngoại. Hiện nay tại nước ta đang tồn tại
hàng nghìn sản phẩm hỏng của xã hội phương Tây. Đó chính là Tây ba lô.
Đây là những con người thất bại ngay trên chính quê hương của họ, vậy
tại sao họ lại được coi trọng ở Việt Nam như thế, thậm chí, nhiều cô gái
còn xếp hàng dài trong khách sạn, khỏa thân để cho những thành phần này
lựa chọn. Nhiều cô sau khi đã cặp được với một Tây ba lô, sống bằng
tiền trợ cấp thì vênh váo, lên mặt với bạn bè của mình, những người chỉ
lấy được công chức, kỹ sư, nhà giáo người Việt…
Điều thứ tư tôi muốn nói là bệnh sính hàng ngoại. Tôi đã chứng kiến
chuyện một anh bạn nhất quyết phải mua bằng được cái quần Jeen D&G
trị giá 500 USD. Trong khi cũng chính cái quần đó, một người bạn của anh
ta ra giá 500 nghìn đồng nhưng vẫn nhất quyết không mua. Bởi vì anh ta
có người làm trong nhà máy sản xuất hàng hiệu xuất khẩu. Những chiếc
quần đó sau khi được xuất khẩu về Mỹ, đóng mác, dán tem, sau đó nhập
khẩu trở lại và bán với mức giá mà như các bác nông dân hay ví von, trị
giá nửa tấn thóc. Sở dĩ giá nó cao vì gồng lưng chịu mấy lần thuế.
Chuyện này có nói cả đời mới hết, nhưng tại sao người Nhật họ đi ra
nước ngoài luôn vỗ ngực xưng danh, tôi là người Nhật Bổn. Chính lòng tự
hào dân tốc khiến họ thành cường quốc, còn Việt Nam mãi nhược tiểu vì
tính tự ti “Tôi là người An Nam”.