Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Từ chỉnh đảng đến chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Sang

Nguyễn Nghĩa
Trong bài “Chỉnh đảng, âm mưu gì của Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc” xuất bản đầu tháng 3/2012, khi chỉnh đảng mới nhen nhóm, khi vẫn chưa ai hiểu thực chất của chỉnh đảng là gì, tôi đã đưa ra nhận định:
Chỉnh đảng nhằm “…sắp xếp lại lực lượng, chuẩn bị đưa các nhân vật là “bạn” của Trung Quốc, là phe cánh của Nguyễn Phú Trọng lên nắm các vị trí then chốt của nhà nước Việt Nam… Then chốt nhất, đứng sau các sắp xếp nhân sự của ĐCS VN, lại là ý đồ của Trung Quốc:
Đảm bảo Việt Nam là hậu thuẫn, là phên dậu, là thuộc quốc của Trung Quốc trong ván cờ toàn cầu mà Trung Quốc đang chơi với Hoa Kỳ.”/xem [1]/
Hôm nay, sau một năm rưỡi Nguyễn Phú Trọng tiến hành chỉnh đảng, lấy thời điểm chốt cuối cùng là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ 19 đến 21/6/2013, tôi xin phân tích một số sự kiện và các nhân vật chính của chỉnh đảng để chứng minh cho nhận định vừa nêu ở đoạn trên.

Đến thời gian 7-8/2012, khi Bộ chính trị ĐCS VN tiến hành tự  kiểm điểm, không cần phải sử dụng suy diễn, hay phương pháp qui nạp, phương pháp loại trừ …,  thì những người quan tâm đến tình hình chính trị đã có thể nắm được mục đích chính của chỉnh đảng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qua chính những thông tin trên báo chí “lề đảng”.
Kết thúc của đợt kiểm điểm tại Bộ chính trị, sau đó phải dùng đến phiên họp toàn thể của Ban chấp hành trung ương tại hội nghị 6 để nhằm đánh đổ Thủ tướng là thất bại của Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. Chính Tổng bí thư đã phải nước mắt cá sấu hòng gỡ lại chút thể diện của mình. Còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì đi rêu rao về 1 đồng chí X, một ngón đòn dưới thắt lưng.
1. Đánh đổ Thủ tướng là mục đích của cuộc phê và tự phê tại BCT ĐCS VN, là có lệnh từ Trung Quốc.
Mũi nhọn chĩa vào Nguyễn Tấn Dũng là cáo buộc công khai về Tham nhũng và Điều hành kinh tế kém.
Thế nhưng những lỗi mà Thủ tướng mắc phải về điều hành kinh tế hoàn toàn có thể đổ lỗi ngược trở lại lên BCT vì nguyên tắc cơ bản của BCT là điều hành tập thể.
Về cáo buộc Tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang không tìm ra được 1 bằng chứng đắt giá nào, mặc dù hậu thuẫn Tổng bí thư là Tổng cục 2 Bộ quốc phòng.
Thực ra buộc tội Thủ tướng tham nhũng và điều hành kém thì Thường trực Trương Tấn Sang đã làm trong Đại hội đảng cộng sản VN XI với vụ chìm xuồng Vinashin, nhưng không thành công.
Tuy ở thời gian tháng 4-5/2013, vụ Vinalines vỡ lở với kết luận thất thoát do lỗ và lãng phí trên 2000 tỷ đồng, nhưng trách nhiệm chung vẫn thuộc về BCT, thuộc về đường lối xây dựng những tập đoàn kinh tế khổng lồ do BCT đề ra.
Tại sao hôm nay họ lại lặp lại những cáo buộc này mặc dù trong tay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể?
Ở đây ta phải sử dụng đến phương pháp phân tích và phải chú ý đến yếu tố Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng năm 2009, Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc bản đồ vẽ đường lưỡi bò trên Biển Đông. Cuối năm ấy, Đới Bỉnh Quốc tuyên bố đây là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.  Giới ngoại giao thế giới hiểu cụm từ này rằng: phần lãnh hải tại Biển Đông nằm trong  “Đường lưỡi bò” được coi là phần lãnh hải quan trọng đối với Trung Quốc như lãnh thổ Tây Tạng hay Tân Cương của Trung Quốc, nơi Trung Quốc vẫn coi là lợi ích cốt lõi của họ.
Việc Trung Quốc tuyên bố gần 80% lãnh hải Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc đã gây nên  phản đối gắt gao của những nước Asean có lãnh hải bị đường 9 đoạn chồng lấn lên. Nhằm dành phần lợi cho mình trong các đàm phán tranh chấp, phía Trung Quốc chủ trương: chỉ đàm phán song phương giữa Trung Quốc và nước có lãnh hải bị xâm phạm.
Nếu tình hình tại Châu Á không xẩy ra  sự kiện  thay đổi chiến lược quay về Thái Bình Dương của Mỹ (Tuyên bố Hà Nội của Hillary Clinton 24/7/ 2010 tại Hà Nội), thì chắc chắn với ban lãnh đạo Việt Nam gồm Trọng, Sang, Dũng, Trung Quốc cũng không có yêu cầu gì hơn.
Trung Quốc muốn thắng thầu EPC thì họ dành được  90% các gói thầu.
Trung Quốc muốn đưa người vào các cánh rừng chiến lược của Việt Nam thì chính phủ Việt Nam cũng đã tạo điều kiện để họ được thuê các cánh rừng ấy.
Trung Quốc muốn đưa ô nhiễm môi trường và khống chế yết hầu Tây Nguyên, thì Bộ Chính Trị ĐCS VN cũng giở mọi thủ đoạn, như chia nhỏ dự án để tránh thông qua Quốc hội Việt Nam, để họ vào được Tây Nguyên.
Trung Quốc muốn không một người Việt Nam nào được ghét Trung Quốc, được công khai bầy tỏ sự bất bình trước xâm lăng của Trung Quốc thì Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha,…đều bị bắt vào tù, mặc dù hành vi của họ không cấu thành tội…
Việc Hoa Kỳ quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương là khởi nguồn chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ tại Biển Đông.
Tuyên bố Hà Nội Clinton có những nét cơ bản sau:
1. Hoa Kỳ có  lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, trong tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải quốc tế và với việc tôn trọng luật biển quốc tế của các nước có duyên hải với Biển Đông.
2. Hoa Kỳ ủng hộ, thúc đẩy các đàm phán đa phương để giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
3.  Hoa Kỳ thẳng thừng phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Rõ ràng, Tuyên bố Hà Nội Clinton là một chiến lược ngoại giao nhằm chế ngự tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Truyền thông thế giới đã mô tả sự hồ hởi của các nước Asean hoan nghênh Tuyên bố này.
Trung Quốc bị bất ngờ
Họ không ngờ Thủ tướng Việt Nam đi một nước cờ ngoại giao không nằm trong dự tính của họ. Hoa Kỳ tuyên bố một chiến lược ngoại giao nhằm chế ngự tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, ngay tại thủ đô của 1 quốc gia mà bấy lâu nay Trung Quốc đã coi là thuộc quốc của họ.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tức sùi bọt mép, chỉ tay vào đại diện Singapore, lúc đó đang hoan nghênh Tuyên bố của bà Clinton, mà nói rằng: Các anh chỉ là 1 tiểu quốc, sau đó bỏ ra ngoài phòng họp. Sau Hội nghị Diễn đàn khu vực Asean lần thứ 17 này, đã có bàn luận công khai trên báo chí Trung Quốc về việc cách chức Dương Khiết Trì khỏi chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
Nhưng sự dũng cảm của cặp đôi Nguyễn Tấn Dũng- Phạm Gia Khiêm vì lợi ích quốc gia Việt Nam, cũng phải trả giá. Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm đã bị mất nghế ủy viên TW  ĐCS VN tại đại hội đảng 11.
Còn nhiều sự kiện về vai trò của Thủ tướng trong việc phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, thí dụ như:
- Phát biểu của Thủ tướng tại Quốc hội Việt Nam 25/11/2011, khẳng định khúc chiết :
“… Việt Nam chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ Thế kỷ XVII. Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên hợp quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.”
-  Cuộc họp báo 26/5/2011 của PVN về vụ cắt cáp tầu Bình Minh2  và cuộc họp báo 30/5/2011 của Bộ ngoại giao VN khẳng định viêc Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tầu Bình Minh 2 trong hải phận EEZ của Việt Nam .
Do vậy,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không tránh được trả thù của Trung Quốc.
Đây chính là lý do Trung Quốc của Chỉnh đảng do Tổng bí thư ĐCS VN phát động tháng 2/1011.
Như vậy, Chỉnh đảng là đợt Trung Quốc trả thù Thủ tướng Dũng vì đã tạo điều kiện cho Hoa Kỳ triển khai 1 chiến lược kiềm chế bành trướng Trung Quốc tại Biển Đông, nhằm loại trừ Nguyễn Tấn Dũng qua bàn tay Nguyễn Phú Trọng với hậu thuẫn của 1 trang mạng mới lập, đây là ủng hộ cụ thể của Trung Quốc.
Trong cuộc chiến tranh dành ngôi vị bá chủ thế giới, Trung Quốc muốn có 1 thuộc quốc tin cậy, muốn có 1 phên dậu chắc chắn, muốn có 1 Việt Nam không có người chống lại chính sách của Trung Quốc.
Trung Quốc muốn Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi.
2. Chỉnh đảng tiến hành dựa theo mô hình mẫu của Cách mạng văn hóa vô sản do Mao phát động vào những năm 60-70 thế kỷ trước.
Mao che lấp mục đích thực sự của mình là đánh đổ tập đoàn cộng sản Lưu Thiếu Kỳ bằng kích động quần chúng tiến hành Cách mạng văn hóa vô sản, tiến hành cách mạng không ngừng chống sự trở lại của tư tưởng tư sản.
Chỉnh đảng che lấp mục đích đánh đổ Thủ tướng Dũng bằng khẩu hiệu chống tham nhũng nhằm xây dựng đảng.
Điểm khác là Mao dùng lực lượng hồng vệ binh đánh đổ chóp bu cộng sản đối địch với Mao, nhuộm ĐCS TQ từ hồng sang Chủ nghĩa đại hán bành trướng cực đoan, mà sau này Đặng Tiểu Bình là người kế tục trung thành tư tưởng bành trướng của Mao.
Chỉnh đảng do uy tín mỏng manh của Nguyễn Phú Trọng nên đấu đá diễn ra chủ yếu trong BCT ĐCS VN và chỉ xuống đến hội nghị TW 6 ĐCS VN là mất sinh khí. Nguyễn Phú Trọng đã không đánh đổ được Nguyễn Tấn Dũng, người có tư tưởng kháng Trung Quốc cao nhất trong BCT, người có xu hướng chính trị hướng về Hoa Kỳ rõ ràng nhất trong BCT. Nguyễn Phú Trọng đã thất bại.
3. Thủ tướng Dũng là người kích thích tính cạnh tranh của Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.
Ta lấy ví dụ điển hình nhất làm chứng minh cho nhận định trên.
Ngày 24/11/2011, tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Phát biểu này có tính bản lề cho đối sách của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ 14/9/1958, ngày Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa tới ngày 24/11/2011, không có 1 lãnh tụ cao cấp Việt Nam nào tuyên bố dõng dạc trước Quốc hội Việt Nam Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam sau 11 cuộc xuống đường của nhân dân Hà Nội, Sài Gòn phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, mùa hè 2011 đã hiểu rằng không được im lặng thêm nữa trước vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau phát biểu của Thủ tướng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng cũng ganh đua với Nguyễn Tấn Dũng trong thể hiện lòng “yêu nước” của mình.
Ông Sang thì làm 1 tua du lịch lên Thác Bản Giốc.
Còn Nguyễn Phú Trọng thì lắp bắp đôi điều đại ý: Chủ quyền quốc gia là rất quan trọng tại 1 số hội nghị.
4. Tuyên bố Shangri-La của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài phát biểu tại Shangri-La ngày 31/05/2013, Thủ tướng Việt Nam đã đề cập đến một số vấn đề quan trọng, nhưng tôi lưu ý đến các dòng sau:
- “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”, nói về Trung Quốc.
- “Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung”.
- “Tôi cũng muốn đề cập trường hợp của Mi-an-ma như một ví dụ sinh động về kết quả của việc kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau, mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Mi-an-ma mà cho cả khu vực chúng ta”.
Những câu này không phải là nội dung quan trọng nhất của bài phát biểu, nhưng là những câu mà Chủ tịch Sang và Tổng bí thư Trọng không bao giờ nói được.
Kết luận.
Phát biểu Shangri-La của Thủ tướng Việt Nam đã làm Trung Quốc phật ý.
Ông Trương Tấn Sang vội vã sang Trung Quốc sau 19 ngày kết thúc Shangri-La.
Những ký kết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Trung Quốc thực tế là dọn địa bàn, chuẩn bị cho Trung Quốc hoàn toàn chinh phục, thống trị Việt Nam. Đây là phiên bản của Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc do Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn của ông ta ký khi thăm Trung Quốc, qua chữ ký của CT nước Việt Nam.
Sự kiện Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là vấn đề an ninh quốc gia, quyết không thể là vấn đề chỉ của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Rõ ràng Luật Biển Việt Nam ghi:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;
Quốc hội Trung Quốc trong tháng 7/2012 đã thông qua quyết định thành lập thành phố Tam Sa gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam.
Đây không phải là tranh chấp lãnh hải, mà là Xâm lược lãnh hải.
Hợp tác với quốc gia xâm lược nước mình, ông Trương Tấn Sang còn thanh minh, trước các cử tri đã bầu ông ta vào Quốc hội, là không làm mất chủ quyền sao?
Chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới thực tế là 1 ganh đua sáng kiến chính trị của CT Sang với ông Dũng.
Vấn đề Hoa Kỳ rất quan tâm là Nhân quyền sẽ không được CT Sang đưa ra 1 thỏa thuận nào.
Rõ ràng, nếu muốn có chuyển biến về Nhân quyền, phải có 1 nhân vât khác Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang thăm Mỹ.
Người đó có thể là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chăng?
—————————————–
Tham khảo.
[1]. Chỉnh đảng, âm mưu gì của Nguyễn Phú Trọng-Trung Quốc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"