Song Chi
Theo RFA Blog
Một số người VN mà tôi quen, do chủ yếu chỉ xem phim Mỹ và phim Tàu
(ngoài phim VN) nên thường hay nghĩ rằng đa số phim Mỹ có nhiều cảnh
“nóng”, cảnh bạo lực, nói chung là không tốt cho trẻ con! Nhưng thật ra
nếu xem nhiều nguồn phim của nhiều nước khác nhau, mới thấy cảnh sex,
cảnh bạo lực trong phim Mỹ chả phải thuộc loại ghê gớm gì.
Về cảnh sex, đúng là các nhân vật cứ gặp nhau, mới có thiện cảm với
nhau là đã có thể lên giường, đúng như văn hóa, lối sống của người Mỹ và
người phương Tây nói chung ở ngoài đời, nhưng chỉ cần so sánh với phim
châu Âu, ví dụ như phim Pháp hay phim của các nước Bắc Âu thì còn thoải
mái, táo bạo hơn nhiều.
Trong những cảnh sex, các nước này rất thoáng trong việc thể hiện
trên màn ảnh thân thể trần trụi, để lộ cả cơ quan sinh dục, của cả diễn
viên nam, diễn viên nữ, với những động tác y như thật. Chẳng hạn, những
phim như “L’amant”, “Breaking the waves”, “Last Tango in Paris”, “L'amour braque”…mà không bạo hơn nhiều phim Mỹ à?
Chưa kể những bộ phim với những cảnh sex hoàn toàn thật, diễn viên
đóng thật nhưng không phải là pornography, và phần lớn là phim của các
nước châu Âu, ví dụ "Romance", "Pola X", "Baise-moi"…của Pháp,"9 Songs" của Anh, "All About Anna" của Đan Mạch hay "In the Realm of the Senses",
phim hợp tác Pháp-Nhật. Và có những đạo diễn thường có xu hướng cho
diễn viên làm thật trong những cảnh sex, như Catherine Breillat (Pháp)
với "Romance", "Anatomie de l'enfer" ("Anatomy of Hell"), "Sex Is Comedy" hay Lars Von Trier (Đan Mạch) với "The idiots", "Antichrist"…
Một số quốc gia châu Âu cũng thoáng hơn Mỹ khi thể hiện những cảnh
tình dục đồng tính. Mới đây nhất, liên hoan phim Cannes năm 2013 tràn
ngập cảnh sex, trong đó bộ phim “Blue is The Warmest Colour” (tiếng Pháp “La Vie D’Adele”)
của đạo diễn Abdellatif Kechiche với những cảnh tràn đầy nhục cảm giữa
hai nhân vật nữ chính đã đoạt giải Cành Cọ Vàng, hay bộ phim “Behind The Candelabra”
của đạo diễn Steven Soderbergh về cuộc tình đồng tính nam do Michael
Douglas và Matt Damon thủ vai, trước đó đã bị tất cả các rạp ở Mỹ từ
chối chiếu. Điều đó cho thấy thật ra đối với những cảnh sex trên phim,
người Mỹ “bảo thủ” hơn một số dân ở châu Âu nhiều.
Còn cảnh bạo lực, đúng là phim Mỹ thuộc các thể loại phim action,
detective hay thriller không bao giờ thiếu những cảnh bạo lực, bắn giết
bừa bãi, máu chảy ào ào. Nhưng theo nhận xét cá nhân của người viết bài
này, thật ra những cảnh bạo lực kiểu đó tuy đập ngay vào mắt nhưng lại
không làm cho người xem bị ám ảnh bằng những cảnh bạo lực trong nhiều bộ
phim Hàn Quốc, Nhật Bản với thể loại phim trả thù (revenge film) chẳng
hạn. Vì cái ác của nhân vật được mô tả chi tiết, với những cách trả thù
thật kinh khủng, càng “sáng tạo”, không giống ai, càng làm cho kẻ bị trả
thù đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác bao nhiêu càng tốt. Ví dụ cho
những loại phim này là "Confessions", "Ichi the Killer", "Audition"…của Nhật, "Pietà","Oldboy"…của Hàn.
Xem những bộ phim loại này, người ta chỉ biết rùng mình trước cái ác
của con người. Chưa kể phim Mỹ tuy cũng bắn giết ào ào, nhưng hầu hết
đều có tư tưởng, đó là cuối cùng cái Thiện sẽ thắng, người anh hùng sẽ
thắng, cái Ác sẽ thất bại, những kẻ xấu sẽ bị trừng phạt. Còn trong rất
nhiều bộ phim thuộc thể loại revenge film của Hàn Quốc, Nhật Bản, hầu
như vấn đề này không được đặt ra, kẻ ác chẳng thấy bị gì, cũng chẳng có
tư tưởng gì ngoại trừ đừng làm điều xấu, điều ác cho người khác nếu
không muốn bị trả thù tàn độc, ví dụ thế.
Những bộ phim ma, phim kinh dị của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ám ảnh
người xem hơn phim Mỹ, dù nhiều khi không cần thể hiện con ma mà tác
động đến tâm lý người xem bằng khung cảnh, không khí, âm thanh, nỗi sợ
hãi cuồng loạn của các nhân vật…
Nhưng tại sao lại đề cập đến cảnh sex, cảnh bạo lực trong phim nước người?
Đó là vì phim ảnh của các quốc gia từ Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Na Uy,
Thụy Điển cho tới Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản…vẫn tràn ngập những cảnh
sex, cảnh bạo lực nhưng các quốc gia này chẳng hề lo sợ rằng những bộ
phim như vậy sẽ làm xấu đi hình ảnh đất nước, dân tộc họ. (Ví dụ như đất
nước gì mà bạo lực xảy ra kinh hoàng như vậy mà lại không thấy sự can
thiệp của cảnh sát, của tổ trưởng dân phố, của cơ quan chính quyền. Hoặc
xã hội gì có quá nhiều kẻ xấu, quá nhiều yếu tố tiêu cực mà không có
người tốt, nhân tố tích cực xuất hiện v.v…).
Chẳng hạn, Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất
game bạo lực, phim khiêu dâm mang những nét đặc thù riêng, (trong đó
hình ảnh các nữ sinh rất hay được sử dụng), phim ảnh Nhật như đã nói
cũng rất “nóng”, rất bạo lực, nhưng ai dám nghĩ xấu cho nước này, dân
tộc này? Khi một quốc gia đã có những giá trị cao thấp, phong phú khác
nhau thì họ chẳng sợ gì.
Các nước này cũng chẳng sợ phim ảnh sẽ tác động xấu đến khán giả, vì
họ đã có những quy định rạch ròi trong việc chiếu phim, phổ biến phim,
một trong những quy định đó là “dán nhãn”, giới hạn độ tuổi được phép
xem từng bộ phim, rất cụ thể, chi tiết. Rạp nào hoặc cửa hàng bán phim
nào mà vi phạm là bị phạt thẳng tay. Ngay cả bố mẹ nếu để cho con cái
xem những bộ phim như vậy ở nhà mà mình biết nhưng không ngăn cản cũng
bị phạt nữa kia. Và khi đã có quy định thì chả việc gì phải sửa tới sửa
lui, phải cấm phát hành cả.
Nói như vậy không có nghĩa ở các nước khác không có chuyện cấm chiếu
một bộ phim nào đó, nhưng những lý do đưa ra phải thật rõ ràng, bởi vì
luật pháp ở các nước bao giờ cũng rất rõ ràng, chứ nếu cứ phán chung
chung “không đúng với thực tế xã hội, phản ánh tiêu cực về xã hội, có ảnh hưởng xấu đến người xem” thì rất khó cho người làm phim.
Một điều không khó gì mà VN có thể học các nước khác để làm ngay là
xếp loại phim, cũng đã đủ đỡ khổ cho các nhà làm phim rồi. Nếu bộ phim
nào khi chiếu ra rạp mà có chất lượng dở, chỉ dùng cảnh sex, cảnh bạo
lực để câu khách nhưng nội dung kém thì khán giả cũng sẽ nhận ra và tự
động tẩy chay thôi, khán giả bây giờ có nhiều nguồn phim để coi lắm,
đừng coi thường họ.
Bên cạnh đó là việc đánh giá, chấm điểm cho từng bộ phim do những nhà
phê bình có uy tín thực hiện như nhiều nước vẫn thế. Khán giả nếu phân
vân không biết có nên đi xem bộ phim nào đó không thì có thể tìm gợi ý
từ bảng chấm điểm này, giống như ở nước ngoài trước khi đi xem một bộ
phim nào đó người ta có thể tìm xem tỷ lệ phần trăm đánh giá về bộ phim
theo website Rotten Tomatoes của Mỹ chẳng hạn.
Trong khi đó ở VN lâu nay rất hiếm những bài phê bình phim nghiêm túc
của người trong nghề, còn những bài điểm phim trên báo thì đa phần các
nhà báo không phải là dân trong nghề, không hiểu rõ về điện ảnh nên chỉ
giới thiệu nội dung phim là chính.
Một khi đã làm tốt việc phân loại phim và đánh giá phim thì chẳng cần
phải kiểm duyệt làm cái gì. Cũng đừng sợ phim ảnh sẽ làm người xem bị
ảnh hưởng về sex hay bạo lực. Nói thật, chưa cần đến phim ảnh tác động,
xã hội VN bây giờ cũng đã đầy rẫy bạo lực, các trang báo mạng của nhà
nước ngày nào chả đầy những tin tức về “cướp, giết, hiếp” các loại, tình
dục thì phóng khoáng, chỉ riêng tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành
niên, theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam như
báo chí đưa tin, VN thuộc loại cao nhất Đông Nam Á và đứng hàng thứ 5
thế giới nữa kia!