Đỗ Thúy Hường
Cuộc cách mạng mở ra nền văn minh công nghiệp
Tháng 7 hàng năm, thế giới vẫn thường lệ kỷ niệm cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. Năm đó, khi Việt Nam và châu Á còn chìm đắm dưới chế độ phong kiến độc đoán và hủ bại thì châu Âu đã bước vào kỷ nguyên dân chủ dưới chế độ tư bản – một chế độ tôn trọng quyền tự do cá nhân, trong đó có quyền sở hữu cá nhân. Trước đó, quyền sở hữu “toàn diện và tuyệt đối” – gắn liền với quyền cai trị cũng “toàn diện và tuyệt đối” – là của riêng vua chúa, được họ cắt nghĩa là do mệnh trời. Thời nay, đâu có gì mới mẻ khi một nhóm chuyên chế cứ nằng nặc giải thích về quyền hành “toàn diện và tuyệt đối” của mình là do quy luật khách quan, gắn với “sứ mệnh lịch sử” của giai cấp công nhân mà họ tự nhận là đại diện.
Nói bao quát, cách mạng tư sản đưa loài người từ văn minh nông nghiệp bước vào văn minh công nghiệp. Một bài học rút ra là tiến bộ kinh tế lâu dài và bền vững chỉ có thể bắt nguồn từ tiến bộ chính trị. Làm ngược lại, muốn thay đổi kinh tế nhưng cứ giữ chính trị lạc hậu... là cách làm ngược quy luật, tức phản động.
Sau năm 1789, ngay tại châu Âu chế độ chuyên chế vẫn lác đác xuất hiện, với đặc trưng một cá nhân hoặc nhóm nhỏ giành được quyền cai trị “toàn diện và tuyệt đối”. Chưa xa lắm, đó là chế độ phát xít Đức của Hitler, chế độ độc tài của Stalin. Châu Á, với di sản phong kiến nặng nề, càng có điều kiện và cơ hội để ra đời những nhà nước chuyên chế đeo mặt nạ dân chủ: Chế độ của Mao, chế độ cha truyền con nối của họ Kim... Có nguyên nhân.
Chế độ tư bản đã hết thời?
Văn minh nông nghiệp phát triển ỳ ạch trong hàng chục ngàn năm, trong đó riêng chế độ phong kiến đã dài mấy ngàn năm. Nhưng đó là tuổi thọ “trời ban”, không ai có thể cưỡng đoạt. Chế độ phong kiến đã hưởng trọn tuổi trời, xứng đáng được an táng. Chế độ tư bản ra đời mới vài trăm năm, còn trẻ lắm, hẳn là cũng được “trời ban” một tuổi thọ nhất định. Liệu có ai đoán được nó sẽ kéo dài bao lâu nữa?
Đã có người thử đưa ra một cách tính.
- Thời mông muội (Mác gọi là “cộng sản nguyên thủy”) kéo dài nhiều triệu năm. Đã đào được xương người hóa thạch có tuổi 4 và 7 triệu năm tương ứng thời kỳ con người sống bằng hái lượm, săn bắt; tức là khai thác những thứ có sẵn trong môi trường sống. Rồi, tới lúc con người biết trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra nền văn minh nông nghiệp.
- Chế độ chiếm hữu nô lệ tương ứng với thời kỳ đầu của nền văn minh này, kéo dài nhiều vạn năm. Cho đến khi roi vọt không đủ đẩy năng suất tăng lên, giới cai trị (chủ nô) nghĩ ra cách khoán sản phẩm – nghĩa là ban cho giai cấp nô lệ “quyền sử dụng đất” và định ra mức tô phải giao nộp. Nhờ khoán, năng suất tăng vọt. Từ đó, chủ nô biến thành vua quan, nô lệ biến thành tá điền.
Liệu có thể liên hệ với chuyện “khoán sản phẩm” trong nông nghiệp nước ta gần đây?
- Chế độ phong kiến ra đời từ chế độ chiếm nô “diễn biến hòa bình” sang, đã kéo dài vài ba ngàn năm (từ vua Hùng đến nay là 2500 năm). Thay đổi chính trị quả là đã giải phóng sức sản xuất.
Nếu trên trục tọa độ, ta ghi 3 điểm tương ứng với thời gian tồn tại của 3 chế độ nói trên, rồi nối chúng với nhau, ta được đường cong dạng conic. Từ đó có thể suy ra tuổi thọ “trời ban” của chế độ thứ tư: Chế độ tư bản.
Tính toán cách gì, tuổi thọ của chế độ tư bản cũng dài gấp bội so với suy nghĩ của cụ Mác. Chả là, khi chế độ này mới có 60 năm tuổi (1789-1848) cụ đã ra “tuyên ngôn” với hàm ý nó sắp chết “đến đít” rồi. Xin cụ, cụ hãy cho phép nó sống để nó hoàn thành hết cỡ nền văn minh công nghiệp.
Những giá trị vĩ đại
Cách mạng tư sản đã mang lại những giá trị mà nhân loại cần thực hiện đầy đủ trong cuộc sống để chế độ phong kiến đã chết, thì chết tiệt nọc. Không như vậy, chế độ chuyên chế, độc tài kiểu phong kiến biến hình… sẽ có cơ xuất hiện. Chế độ của cụ Stalin và cụ Mao là ví dụ. Việc đầu tiên của các chế độ phong kiến trá hình này là đả kích những giá trị mà chế độ tư bản mang lại.
Nhưng vai trò chủ yếu và lâu dài của những giá trị này là để phát triển và hoàn thiện một chế độ dân chủ ngày càng mỹ mãn. Chính chế độ tư bản cũng không nhận nó là vĩnh viễn. Sau văn minh công nghiệp sẽ là văn minh trí tuệ.
- Ba quyền phải phân lập
Lập pháp, hành pháp, tư pháp phải phân lập. Nếu không như thế, đó là độc tài, chuyên chế. Xin chớ ngụy biện rằng chỉ cần có sự “phân công” giữa ba quyền này. Phân lập và phân công là hai khái niệm khác nhau, xin chớ đánh tráo theo kiều chơi chữ. Xin hỏi: Cái thế lực có quyền “phân công” 3 quyền nói trên hẳn là phải đứng trên đầu cả 3 quyền đó. Khác gì vua?
- Hiến pháp phải là ý chí của toàn dân – với tư cách là chủ nhân toàn xã hội. Người chủ xã hội đương nhiên biết mình có những quyền gì, trước hết là quyền con người, tiếp đó là quyền công dân. Hiến pháp chỉ chính danh khi được trưng cầu dân ý; sau đó được thực thi. Cai trị 40 năm trong hòa bình mà không một lần trưng cầu ý dân, kể cả khi đổi tên nước, đổi thể chế, khi viết mới và sửa hiến pháp… Thế là thế nào?
- Quyền sở hữu cá nhân
Sở hữu những gì có được do lao động của chính mình, nhưng trước hết là quyền sở hữu những tài sản để kiếm sống. Đây là cơ sở và phương tiện để mỗi cá nhân thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc. Nếu nông dân không sở hữu đất đai, té ra, 2/3 dân số trở thành người làm thuê cho đám tự xưng đầy tớ?
Cứ mơ trên mây, nhưng đừng gọi bãi cỏ trâu gặm là thiên đường
Chế độ XHCN mà Việt Nam đang hướng tới mới chỉ được mô tả trên giấy. Nhưng con người có quyền tưởng tượng và mơ ước một xã hội hơn hẳn chủ nghĩa tư bản.
Chú bé mục đồng được giao chăn trâu để trâu no nê. Đó là thực tại của chú. Nhưng chú vẫn có thể leo lên tận lưng con trâu, thổi sáo, nhìn cánh diều trên cao mà mơ ước cõi tiên… tận trên chính tầng mây. Chỉ cần chú chớ có gọi bãi cỏ dưới chân là “thiên đường”, cũng như cha mẹ chú chớ đưa tính từ XHCN vào quốc hiệu của một nước chưa thoát khỏi văn minh nông nghiệp. Hoang tưởng một người, chả lẽ hoang tưởng cả nhà?
Chế độ tư bản vẫn còn sức sống mạnh mẽ. Điều quan trọng là nhờ chính những giá trị mà nó mang lại, nó tự hoàn thiện ngày càng cao. Nó là thượng tầng của nền văn minh công nghiệp, làm gương cho những nước nông nghiệp mà người lao động ở đó vẫn còn… tay “nắm chắc” cái cày, chân “vững vàng” bám theo đít con trâu, miệng không ngớt hô “tiến thẳng”...
Lương thiện là phải đi nhanh con đường gập ghềnh mà chế độ tư bản đã trải qua – tức là tăng tốc để đuổi kịp. Còn nói “đi tắt, đón đầu” là ăn gian trong mọi cuộc chạy thi ngay thẳng. Để đuổi kịp, đáng sợ nhất là nền văn minh tri thức đang hình thành ngay trong lòng những chế độ tư bản tiên tiến nhất và xu hướng hội nhập toàn cầu không ai cưỡng nổi.
Hãy tự sờ lên gáy. Vì cái ông Gadaphi sống ở cái xã hội bộ lạc kia cũng đã mạnh dạn gọi nước mình là XHCN.
Đ.T.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN