Đoàn Thanh Liêm
Theo Diễn Đàn Thế Kỷ
Từ xa xưa, cha ông ta vẫn thường nói: “Người sĩ phu quân tử thì
phải biết nhìn xa trông rộng”, tức là phải cố gắng mà tìm hiểu cho rành
mạch sâu sắc hơn về tình hình chung của xã hội, của đất nước đang biến
chuyển ra sao – để rồi từ đó đề ra được một chương trình hành động sao
cho thích hợp với nhu cầu đòi hỏi của tình thế. Mà nói theo lối văn hoa,
thì đó là cái “viễn kiến”. Ngược lại, thì dân gian cũng bày tỏ sự coi
thường đối những kẻ gàn dở, ngang bướng, tự cao tự mãn - ví họ như lọai
“ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”, tức là lọai người có cái nhìn
chật hẹp không làm sao mà trông thấy hết được cái bàu trời bao la rộng
mở của không gian thể lý vật chất, cũng như của vũ trụ tâm linh tinh
thần.
Là một người có duyên may được tiếp cận học hỏi với nhiều bậc thức
giả chuyên viên ở trong nước cũng như ngòai nước, tôi xin được chia sẻ
với quý bạn đọc một vài ý kiến sơ khởi mộc mạc về cái tầm nhìn của chúng
ta trong thế kỷ XXI hiện nay qua bài viết có nhan đề “ Suy nghĩ về Tầm
nhìn của chúng ta” (Reflection on Our Vision) như được trình bày trong
mấy điểm sau đây.
I - Quá trình nhận thức vấn đề.
Để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện, tôi xin tường thuật vắn tắt
theo thứ tự thời gian một số điều mình đã tai nghe mắt thấy, đại khái
như sau.
* Trước tiên, vào năm 1960, trong thời gian tập sự tại Thư Viện Quốc
Hội Mỹ ở Washington, tôi có dịp thấy tại nơi đây có một nhóm nghiên cứu
riêng về “Space Law” (Luật Không gian). Là một chuyên viên nghiên cứu
về luật pháp (legal analyst) cho Quốc Hội Việt Nam thời Đệ nhất Cộng
Hòa, tôi thật sửng sốt trước nhóm nghiên cứu này, bởi lý do là trong
giới luật gia ở Việt Nam hồi đó không hề có một ai mà lại có thể đề cập
đến vấn đề mới lạ và rộng lớn như thế. Nhưng đối với một siêu cường như
nước Mỹ, thì quả thật là họ có khả năng và tầm nhìn rộng lớn để khởi sự
công trình nghiên cứu về lãnh vực “Luật Không Gian” như vậy. Sự kiện này
đã khơi gợi cho tôi một tầm nhìn sâu sắc rộng lớn hơn trong lãnh vực
nghiên cứu luật pháp ở Việt Nam.
* Vào năm 1964 – 65, Tổng thống De Gaulle cũng đã lên tiếng kêu gọi
giới thanh niên sinh viên nước Pháp là: “Chúng ta cần phải có một tầm
nhìn vũ trụ“ (vision cosmique). Vào giữa thế kỷ XX, thì nước Pháp cũng
như nước Anh không còn là một lọai cường quốc hàng đầu trên thế giới
nữa. Tuy vậy, do trình độ phát triển cao về khoa học kỹ thuật cũng như
về văn hóa học thuật, thì nước Pháp vẫn còn có một tầm ảnh hưởng đáng kể
trên trường quốc tê, vì thế mà nhà lãnh đạo De Gaulle mới phát biểu kêu
gọi khuyến khích giới thanh niên nước Pháp phải có một tầm nhìn rộng
lớn bao quát như vậy.
* Cũng trong thời gian đó, thì tại nước ta, các nhà giáo dục ở miền
Nam lại đưa ra chủ trương này: “Nền giáo dục của chúng ta phải được
xây dựng theo cả ba tiêu hướng - đó là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”.
Chủ trương này rõ rệt là theo đúng với trào lưu của thế kỷ XX trên thế
giới, nhất là sau cuộc tàn sát từ 2 cuộc thế chiến 1914 – 18 và 1939 –
45, thì nhiều quốc gia đã cố gắng tìm cách xây dựng một xã hội theo tinh
thần tôn trọng phẩm giá và quyền con người một cách triệt để hơn. Mà
điển hình là sự công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp
Quốc đưa ra tại Paris vào năm 1948.
* Nhưng sau năm 1975, khi đổi tên nước ta thành “Cộng hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam”, thì giới lãnh đạo cộng sản lại nêu khẩu hiệu kêu
gọi tòan thể dân tộc phải: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên
Chủ nghĩa Xã hội ”. Vào thời gian đó, thì tôi được một anh bạn tên là
anh Năm - vốn quen biết trong giới Phật tử chuyên làm công tác xã hội từ
hồi thập niên 1960 – 70 – anh Năm tâm sự với tôi đại khái như sau:
“Vấn đề cần thiết cho chúng ta lúc này, đó chính là cái tầm nhìn phải
vừa đủ xa, đủ rộng để có thể từ đó mà đề ra được một đường hướng tiến bộ
thích hợp với những đòi hỏi thực tế mà cấp bách của thời đại...”
* Vào cuối thập niên 1980, trước khi bị công an cộng sản tại Việt
Nam bắt giữ, thì tôi được đọc trên báo chí nước ngòai cái khẩu hiệu được
giới trẻ trên thế giới rất tâm đắc, khẩu hiệu đó viết bằng Anh ngữ chỉ
gồm vẻn vẹn có 4 chữ ngắn gọn như thế này: “Think globally – Act
locally” (Suy nghĩ tòan cuộc – Hành động trong tầm tay).
* Và gần đây, người trong nước còn hay sử dụng từ ngữ “Đó là người
vừa có Tâm, mà lại vừa có Tầm” để đề cao một số nhân vật vừa có cả tâm
hồn nhân hậu và cả trí tuệ sắc bén. Hai tính chất Tâm và Tầm đó cũng
tương tự như nội dung ba phẩm cách “Nhân, Trí, Dũng” mà bất kỳ người Sĩ
phu Quân tử nào cũng phải có được - theo bức thang giá trị truyền thống
xưa nay của dân tộc chúng ta.
II – Những cản trở trong Tầm nhìn của người Việt ở hải ngoại.
Hiện có đến trên 4,5 triệu người Việt sinh sống tại trên 60 quốc gia
và lãnh thổ khắp thế giới. Trong số này, thì riêng tại Bắc Mỹ gồm Canada
và Hoa kỳ đã có đến 2 triệu rồi. Ở Âu châu gồm cả các nước thuộc Tây Âu
và Đông Âu, thì cũng đến con số cả 1 triệu người. Tại Úc châu và các
nước thuộc Á châu, thì cũng đến con số trên 1 triệu người.
Về mặt khách quan, thì phần lớn các nước mà người Việt chúng ta đã
chọn đến định cư sinh sống đều có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, có
trình độ khoa học kỹ thuật cao và nhất là có chế độ chính trị dân chủ,
tự do thông thóang. Nhờ vậy, mà các thế hệ thứ hai, thứ ba là lớp con,
lớp cháu của các gia đình người Việt đã có thể dễ dàng hội nhập sâu sắc
vào môi trường văn hóa xã hội địa phương sở tại. Do đó mà trình độ hiểu
biết và tầm nhìn của thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngọai cũng không khác
biệt là bao nhiêu so với các bạn cùng trang lứa thuộc dòng chính của
quốc gia nơi cha mẹ mình đã chọn để cho cả gia đình đến định cư lập
nghiệp lâu dài.
Con số trên 500,000 sinh viên tốt nghiệp tại các đại học ngọai quốc
trong mấy chục năm gần đây là một dấu chỉ tích cực rất đáng phấn khởi
cho tòan thể dân tộc chúng ta vậy. Đó quả thật là một nguồn tài nguyên
trí tuệ đồi dào phong phú, một thứ “valuable asset” (tích sản quý giá)
của đất nước Việt Nam.
Có thể so sánh việc khối đông đảo người Việt chúng ta hiện định cư
lập nghiệp tại khắp nơi trên thế giới như đàn cá từ nơi sông hồ chật hẹp
trong nội địa mà nay thóat ra ngòai biển cả mênh mông - thì mặc sức mà
“vẫy vùng cho thỏa chí”, thi đua nhau đem phát triển cái khả năng vốn
tiềm ẩn trong bản thân mình từ bấy lâu - hầu gặt hái được những thành
tích to lớn như lòng mong ước ấp ủ suốt bao năm trường.
* Nhưng riêng đối với một số người tương đối lớn tuổi, thì cái việc
hội nhập, thích nghi với môi trường văn hóa xã hội mới lạ như thế không
phải là một việc đơn giản dễ dàng chút nào – so sánh với trường hợp của
lớp con cháu còn trẻ tuổi. Trong ý nghĩ của lớp người lớn tuổi này, hiện
vẫn còn tồn đọng những lấn cấn với những luyến tiếc về cái hào quang
khi xưa của thế hệ mình, vào cái thời mà họ còn đóng vai trò chủ động
trên quê hương đất nước Việt Nam vào những thập niên 1960 – 70. Ta có
thể ghi ra một số trở ngại trong việc hội nhập này như sau:
1 – Lối suy nghĩ theo cái ước vọng của riêng mình (Wishful Thinking).
Vẫn có một số người không chịu tìm cách suy nghĩ tìm hiểu vấn đề theo
lối khách quan khoa học, mà lại suy nghĩ dựa theo những thành kiến có
sẵn hay theo cái ước vọng chủ quan của mình. Do vậy mà sự hiểu biết về
sự việc, về con người lại thiếu tính chất chính xác. Điển hình như
chuyện một số người vẫn tin là có chuyện vị Đại sứ Pháp ở Saigon hồi năm
1975 - tên là Jean-Marie Mérillon - viết cuốn Hồi ký có nhan đề là
“Saigon et moi” tường thuật về những chuyện xảy ra chung quanh ngày 30
tháng 4 năm đó. Thực ra đây là một bài báo ngụy tạo, hòan tòan bịa đặt
ra mấy chuyện vớ vẩn do một người viết vô trách nhiệm tung ra vào năm
1987. Thế nhưng, một số bà con mình lại coi chuyện đó là phù hợp với ước
vọng của riêng mình, nên đâm ra tin đó là điều có thật. Mặc dầu chính
ông Mérillon vào cuối năm 1990 đã viết thư trả lời cho Giáo sư Hòang
Ngọc Thành rằng: “Ông không hề viết một cuốn Hồi ký nào có nhan đề là
Saigon et moi như thế.”
2 – Lối nhận định sự việc theo cảm tính (emotional).
Cuộc chiến tranh Quốc Cộng ở Việt Nam kéo dài từ thập niên 1950 trong
bối cảnh của Chiến tranh Lạnh giữa hai khối Mỹ và Nga – gây ra bao
nhiêu thảm cảnh cho người dân chúng ta – mà đặc biệt đối với những nạn
nhân của chính sách tàn bạo của đảng cộng sản, thì mối hận thù ân óan
vẫn còn rất sâu đậm, khó mà có thể hàn gắn dẹp bỏ đi được. Vì thế mà mặc
dầu qua thế kỷ XXI, với cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới đã chấm dứt
từ trên 20 năm nay kể từ khi khối Xô Viết bị giải thể, thì vẫn còn
nhiều người Việt ở hải ngọai giữ nguyên cái não trạng của những năm 1950
– 60.
Do vậy, mà họ không chú trọng nhiều đến những đổi thay lớn lao trong
cục diện thế giới – để rồi từ đó mà có sự điều chỉnh lại cái phương
thức hành động khả dĩ thích hợp với tình hình thực tế hiện nay trong bối
cảnh của một thế giới đã tiến bước mạnh mẽ dứt khóat vào giai đọan tòan
cầu hóa. Cái lối nhận định sự việc theo cảm tính như thế quả thật đã
trở thành một hạn chế tai hại cho hiệu năng trong lề lối sinh họat, cũng
như trong họat động của chúng ta trong hiện tại và cả tương lai nữa
vậy.
3 – Sự thiếu tiếp cận trao đổi với dòng chính trong xã hội sở tại.
Một phần vì do cách biệt ngôn ngữ, một phần vì lối sống quần tụ riêng
giữa các gia đình người Việt với nhau, nên hầu như nhiều người vẫn còn
tự cô lập mình, không chịu hòa nhập với cộng đồng địa phương. Điều này
rõ rệt là đang đi ngược lại với lời nhắc nhủ của cha ông chúng ta từ xa
xưa qua câu ngạn ngữ quen thuộc: “Nhập gia tùy tục”. Tình trạng này,
người Mỹ gọi là lối sống biệt lập nơi các “Ghetto” - nó ngăn trở kìm hãm
cái quá trình hội nhập êm thắm giữa người mới nhập cư vào với dòng
chính của xã hội Mỹ. Mà tình trạng đó cũng làm xa cách thêm cái khỏang
cách giữa các thế hệ cha mẹ với con cháu trong cùng một gia đình
(Widening Generation Gap) người Việt chúng ta đang sinh sống ở hải ngọai
nữa.
4 – Không chịu nhìn tòan cảnh bức tranh xã hội hiện đại.
Bạn Đỗ Trọng Linh ở San Jose là một người thành công trong ngành Bảo
hiểm và Địa ốc. Nhiều lúc thảo luận trao đổi với tôi, bạn Linh hay nói
thế này: “Cái khuyết điểm của nhiều người ở hải ngọai là không chịu nhìn
cho thật rõ ràng được cái “big picture” của xã hội quanh mình. Có thể
coi đó là một cái nhìn hời hợt, thiển cận. Vì thế mà không thể đánh giá
cho xác thực được cái môi trường văn hóa xã hội rất đa dạng phức tạp
trong thế giới hiện đại – để mà từ đó đề xuất ra được những hành động
hợp lý, hợp thời với hiệu quả cao trong công việc của cá nhân hay của
tập thể mình theo đuổi được. Hậu quả của lối nhìn thiển cận này là nhiều
bà con cứ loay hoay bận rộn và bực bội với những “chuyện ruồi bu, vô bổ
“ mà không làm sao giải quyết dứt khóat được tình trạng bế tắc của mình
– cũng như tìm ra được cái hướng đi có tính chất khai phóng tiến bộ cho
cả tập thể cộng đồng của mình…“ Tôi hòan tòan chia sẻ cái lối phân tích
vấn đề một cách thông suốt rốt ráo như thế của anh bạn trẻ này.
III – Để tóm lược lại.
Bài viết lan man đã dài rồi, tôi xin tóm tắt lại với hai điểm như sau:
* 1 - Từ gần 40 năm qua, người Việt chúng ta đã phải rời bỏ quê hương
đất nước để ra đi lập nghiệp sinh sống ở khắp các châu lục trên thế
giới. Sau những vất vả cực nhọc những năm đầu nhập cư trên xứ sở xa lạ,
đa số chúng ta đã bắt đầu xây dựng được một cuộc sống ổn định – và đặc
biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3 là lớp con, lớp cháu trong các gia đình đều
đã gặt hái được những thành công đáng kể về nhiều mặt khoa học kỹ thuật
chuyên môn, cũng như về mặt kinh tế, xã hội văn hóa. Nói chung, thì đó
là một điểm thuận lợi lớn lao – trong cái rủi ro chật vật lúc phải trả
giá nặng nề để tìm đường chạy thóat khỏi ách độc tài cộng sản ở trong
nước, chúng ta đã được nhiều quốc gia mở rộng vòng tay đón tiếp và cưu
mang các gia đình người tỵ nạn. Nhờ sự tiếp cứu đầy tình nhân đạo cao
quý này, mà đa số bà con chúng ta đang được thụ hưởng những tiện nghi
thuận lợi của nếp sống văn minh trong thế giới hiện đại. Cái ân nghĩa
này, chúng ta không bao giờ có thể coi nhẹ hay bỏ quên đi được.
Mặt khác, chúng ta cũng không quên được những bà con ruột thịt đang
còn phải sống dưới chế độ tham nhũng thối nát và độc tài ác nhân ác đức
do người cộng sản gây ra ở bên quê nhà. Thành ra, bất kỳ người Việt nào ở
hải ngọai cũng đều có cả hai cái nghĩa vụ phải góp phần vun đắp cho quê
hương nguyên quán của mình – cũng như cho quê hương mới hiện đang cưu
mang cho mình – như cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở trong câu: “Ăn
cây nào, rào cây ấy”. Cả hai nghĩa vụ này đều nặng nề, không thể nào
sao lãng bỏ qua bất kỳ một trách nhiệm bổn phận nào được.
Lại nữa, trong thời đại của thế kỷ XXI hiện nay, thì giữa các quốc
gia càng ngày càng gắn bó liên đới với nhau khăng khít chặt chẽ hơn. Do
đó, mà người Việt hiện đang sinh sống ở hải ngọai cần phải cố gắng hòa
nhập thuận thảo hơn với xã hội sở tại – để nhờ đó mà mở rộng được một
tầm nhìn khóang đạt rộng rãi hơn về bối cảnh chính trị xã hội cũng như
văn hóa trên thế giới hầu đề ra được phương thức hành động thích nghi
với tình thế mới – cũng như giúp chúng ta hòan thành tốt đẹp được cả hai
nhiệm vụ đối với quê hương bản quán, cũng như đối với quê hương mới
hiện đang hết sức chăm sóc cưu mang cho mình vậy.
* 2 – Trong phần I ở trên, tôi đã ghi ra cái khẩu hiệu “Think
Globally – Act Locally“ mà giới trẻ trên thế giới rất tâm đắc. Nay để
kết thúc bài viết này, tôi xin được thêm vào khẩu hiệu đó cái vế thứ 3
cũng chỉ gồm có 2 từ ngữ nữa – như thế này: “Love Totally “ (Hãy Yêu
Thương Trọn Vẹn). Nói khác đi, mỗi người trong chúng ta cần phải có được
một trái tim thật nhân hậu – để mà sẵn sàng hy sinh nhẫn nại trong công
cuộc xây dựng trường kỳ gian khổ - hầu đưa đất nước và dân tộc ta tới
được một cuộc sống tươi đẹp, văn minh nhân ái xứng đáng với phẩm giá cao
quý của mỗi người và của tất cả mọi người.
Loại công việc xây dựng tích cực như thế đòi hỏi phải có một đội ngũ
những người có quyết tâm cùng nhau sát cánh thật chặt chẽ ăn ý nhịp
nhàng thuận thảo với nhau – như là một thứ “perfect team” – thì mới mong
đạt tới kết quả lý tưởng tốt đẹp mong muốn được./
Westminster California, đầu tháng Bảy năm 2013
Đoàn Thanh Liêm