M. K. Gandhi
Phan Trinh dịch
Phan Trinh dịch
Theo blog pro&contra
3.CUỘC ĐẤU TRANH CỦA LƯƠNG TÂM
Không lịch sử
Người đọc: Có chứng cớ lịch sử nào cho thấy điều ông gọi là
Quyền lực Lương tâm đã từng thành công? Tôi chẳng thấy có quốc gia nào
vươn lên được nhờ Quyền lực Lương tâm cả. Tôi vẫn nghĩ kẻ ác sẽ cứ làm
ác nếu không bị vũ lực trừng phạt.
Người biên tập: Nhà thơ Tulsidas có nói: ”Trong tôn giáo thì
lòng thương xót, hay tình thương, chính là gốc, nó quý giá hơn hẳn thể
xác. Vì vậy, đừng đánh mất lòng thương xót khi ta còn sống.” Với tôi,
đây là môt sự thật khoa học. Tôi tin vào điều này như tin hai với hai là
bốn. Quyền lực của Tình thương, Quyền lực của Lương tâm hay Quyền lực
của Sự thật cũng chỉ là một. Chúng ta có chứng cớ về tác dụng của nó
khắp nơi, trên từng bước đi. Vũ trụ sẽ biến mất nếu không có sức mạnh
này. Nhưng bạn đã hỏi về chứng cứ lịch sử, vì vậy, ta cần hiểu lịch sử
là gì.
Trong tiếng Gujarati, lịch sử có nghĩa là “đã xảy ra như thế”. Nếu đó
là nghĩa của lịch sử thì chứng cớ cho sự hiện diện của Quyền lực Lương
tâm có đầy rẫy. Nhưng, nếu lịch sử có nghĩa là những hành vi của vua
chúa các thời đại thì có thể nói không có chứng cớ gì về Quyền lực Lương
tâm hoặc Đấu tranh Bất bạo động ở đây cả. Bạn không thể nào tìm thấy
quặng bạc trong mỏ thiếc được.
Lịch sử, như ta biết, là biên bản ghi lại những cuộc chiến tranh của
thế giới. Một thành ngữ quen thuộc của người Anh nói rằng: một quốc gia
không có lịch sử, tức không có chiến tranh, là một quốc gia hạnh phúc.
Các vua đấu trí ra sao, họ trở thành kẻ thù của nhau ra sau, rồi họ giết
nhau ra sao đều thấy ghi rõ trong lịch sử.
Nhưng nếu thế giới chỉ xảy ra có bấy nhiêu thôi thì thế giới đáng lẽ
đã chấm dứt từ lâu rồi. Nếu câu chuyện của thế giới bắt đầu bằng chiến
tranh và chỉ là chiến tranh thì ngày nay hẳn sẽ không còn ai sống sót.
Những dân tộc lâm chiến cũng sẽ biến mất, như những tộc thổ dân Úc khi
kẻ xâm lăng gần như không để ai sống sót. Nên để ý rằng những người thổ
dân kia đã không dùng Quyền lực Lương tâm để tự vệ, và chẳng cần là tiên
tri cũng đoán được rằng nếu điều này cứ tiếp diễn thì người Úc rồi cũng
sẽ đối mặt với số phận y như nạn nhân của họ thôi. “Ai dùng gươm sẽ
chết bằng gươm.” Một ngạn ngữ Ấn Độ cũng nói tương tự: Táng trong mộ
nước có cả những tay bơi chuyên nghiệp.
Sự thật và tình thương
Hiện tượng đông đảo nhân loại vẫn sống trên thế giới hôm nay cho thấy
thế giới không được xây dựng trên nền tảng vũ lực, mà được xây dựng
trên nền tảng quyền lực của sự thật và tình thương. Vì vậy, chứng cớ vĩ
đại nhất và không thể nào bác bỏ cho thấy quyền lực này thành công chính
là: dù có trải qua bao nhiêu cuộc chiến đi nữa, thế giới vẫn sống còn.
Biết bao nhiêu con người đã và đang tồn tại được nhờ tác dụng tích
cực của sức mạnh này. Những cuộc cãi vã vặt vãnh của hàng triệu triệu
gia đình hàng ngày đã biến mất trước sức mạnh của sự thật và tình
thương, và hàng trăm quốc gia cũng đang có thể sống chung hòa bình. Lịch
sử đã không ghi nhận và không thể ghi nhận những thực tế này. Lịch sử
quả thực chỉ là một biên bản ghi chép những lúc đứt quãng, khi sức mạnh
của tình thương và lương tâm, vốn bền bỉ đều đặn, không phát huy được
tác dụng.
Hai anh em tranh chấp, sau đó một trong hai nghĩ lại, đánh thức tình
thương ngủ chìm trong lòng mình, thế rồi hai anh em hoà giải và sống yên
vui trở lại… chẳng ai ghi chép những chuyện như thế làm gì. Nhưng nếu
hai anh em, được người ngoài xúi giục hoặc vì lý do gì khác, bỗng cầm
lấy vũ khí đánh đập nhau, hoặc đưa nhau ra trước pháp luật – vốn cũng là
một hình thức thể hiện sức mạnh khống chế – thì việc làm của họ lập tức
sẽ được báo chí chú ý, hàng xóm láng giềng sẽ bàn tán râm ran, và biết
đâu chừng họ có thể đi cả vào lịch sử.
Chuyện gia đình và cộng đồng ra sao thì chuyện quốc gia cũng vậy.
Không có lý do gì để tin rằng luật lệ chi phối sinh hoạt trong gia đình
lại khác với luật lệ chi phối các quốc gia.
Như vậy, có thể nói lịch sử là văn bản ghi lại sự gián đoạn của những
gì tự nhiên thường có. Quyền lực của lương tâm, vốn tự nhiên và hằng
có, không được ghi trong lịch sử.
Tâm thay cơ
Người đọc: Theo những gì ông nói, rõ ràng là những ví dụ về
hình thức đấu tranh bất bạo động này không tìm thấy trong lịch sử. Vì
thế càng cần hiểu đầy đủ hơn về đấu tranh bất bạo động. Có lẽ ông nên
nói thêm.
Người biên tập: Đấu tranh bất bạo động là phương pháp giành
lấy quyền lợi cho mình bằng cách tự chịu khổ; nó đối nghịch với đấu
tranh vũ lực. Khi tôi từ chối làm một việc trái với lương tâm mình thì
đó là lúc tôi dùng quyền lực của lương tâm.
Chẳng hạn, khi nhà cầm quyền thông qua một đạo luật có liên quan đến
tôi nhưng tôi không đồng tình, nếu tôi dùng bạo lực để buộc chính quyền
bãi bỏ đạo luật, thì tôi dùng đến quyền lực cơ bắp. Nếu tôi không tuân
phục đạo luật và sẵn sàng chấp nhận hình phạt sẽ đến thì lúc đó tôi dùng
quyền lực lương tâm. Điều này ám chỉ người đấu tranh phải chịu hy sinh
quyền lợi của riêng mình.
Ai nấy đều tin rằng hy sinh quyền lợi bản thân thì chắc chắn cao đẹp
hơn bắt người khác hy sinh quyền lợi của họ. Thêm vào đó, nếu sức mạnh
này được dùng cho một lý do không hoàn toàn đúng thì cũng chỉ người dùng
nó chịu khổ mà thôi. Anh ta sẽ không làm ai khổ vì sai lầm của mình.
Là con người, ai cũng từng làm nhiều điều mà sau đó mình thấy là sai.
Không ai có thể tự hào tôi tuyệt đối đúng, hoặc cho rằng một điều gì đó
là sai chỉ vì tôi nghĩ vậy. Nó chỉ sai đối với tôi, sau khi tôi đã suy
nghĩ chín chắn và đi đến kết luận. Và một khi đã tin vào kết luận của
mình, tôi không nên làm điều mình cho là sai và sẵn sàng đón nhận hậu
quả, bất kể đó là gì. Đây là điểm then chốt khi sử dụng quyền lực lương
tâm.
Không phải là người
Người đọc: Như vậy là ta sẽ bất chấp luật pháp ư? Đây là
điều bất thường. Nước ta là một đất nước luôn biết tuân thủ luật pháp.
Dường như ông còn muốn đi xa hơn cả những người cực đoan thì phải. Họ
chủ trương chúng ta phải vâng theo những điều luật đã được thông qua,
nhưng nếu luật sai trái thì hãy dùng bạo lực để đánh đuổi kẻ làm luật!
Người biên tập: Tôi có đi xa quá hay không thực ra không
liên quan gì đến bạn và tôi. Chúng ta chỉ muốn tìm ra điều đúng và làm
theo. Ẩn sau mệnh đề “nước ta luôn tuân thủ luật pháp” là ý nghĩa này:
chúng ta là những người phán kháng thụ động. Khi chúng ta không đồng
tình với đạo luật nào đó, chúng ta sẽ không đập vỡ đầu những kẻ làm luật
và cầm quyền, ngược lại, tự chúng ta sẽ chịu khổ nhưng dứt khoát không
tuân thủ những luật lệ như thế.
Ý niệm cho rằng ta phải tuân phục luật pháp dù nó tốt hay xấu thế nào
mặc kệ quả là một ý niệm mới toanh. Trước đây không hề có điều này.
Trước đây dân chúng vẫn bất tuân những luật lệ họ không đồng tình và sẵn
sàng chấp nhận hình phạt vì vi phạm chúng. Chúng ta sẽ không còn là
người nữa nếu chúng ta tuân thủ những luật lệ xung khắc với lương tâm
mình. Giáo huấn này đồng nghĩa với phản tôn giáo và đồng nghĩa với nô
lệ.
Nếu chính quyền nói mọi người hãy ra đường nhưng đừng mặc quần áo gì
cả thì chúng ta có làm không? Nếu tôi là người đấu tranh bất bạo động,
tôi sẽ nói với chính quyền rằng: tôi sẽ không chấp hành cái luật lệ quái
gở kia.
Nhưng vấn đề là chúng ta đã đánh mất bản thân mình và trở nên quá dễ
phục tùng, dễ đến nỗi chúng ta không ngại tuân theo bất cứ luật lệ hạ
cấp nào.
Một người thực sự trưởng thành, một người chỉ biết kính sợ thượng đế,
sẽ không sợ bất cứ ai khác. Luật lệ do loài người tạo ra không nhất
thiết sẽ trói được anh ta. Ngay cả chính quyền cũng không đòi hỏi đến
thế. Họ không nói “Anh phải làm như thế, như thế,” mà họ nói: “Nếu anh
không làm thế, chúng tôi sẽ trừng phạt anh.”
Chấm dứt đồng lõa
Chúng ta đã xuống cấp quá thấp, đến độ chúng ta xem việc tuân thủ bất
cứ những gì luật pháp áp đặt cho mình như bổn phận của mình, như tôn
giáo của mình.
Nếu hiểu được rằng tôi sẽ không còn là con người nữa nếu cứ nhắm mắt
tuân theo những luật lệ bất công, thì không có sự độc tài khắt khe nào
có thể biến tôi thành nô lệ. Đây là chìa khóa cho sự độc lập của bản
thân lẫn độc lập nước nhà.
Thật mê tín và không đúng nếu tin rằng hành vi của đa số đúng hơn của
thiểu số. Có thể đưa ra nhiều ví dụ cho thấy hành vi của đa số đã từng
sai và của thiểu số đã từng đúng. Tất cả mọi cải tổ đều xuất phát từ
sáng kiến của một thiểu số chống lại đa số. Nếu những băng nhóm trộm
cướp luôn cho rằng trộm cướp là điều bắt buộc phải làm, thì một người tử
tế có chấp nhận lối suy nghĩ này không? Chừng nào con người còn mê tín
rằng mình phải vâng phục các luật lệ bất công thì chừng đó con người vẫn
còn là nô lệ. Và chỉ có người đấu tranh bằng quyền lực lương tâm mới có
thể phá tan lòng mê tín kia.
Dùng bạo lực, dùng súng đạn là việc mâu thuẫn với đấu tranh bất bạo
động, nó có nghĩa chúng ta khiến kẻ thù làm điều ta không muốn họ làm.
Nếu việc sử dụng vũ lực được biện minh thì chắc chắn kẻ thù cũng sẽ làm y
như vậy. Và như thế sẽ chẳng bao giờ có một thỏa hiệp nào. Chúng ta chỉ
giả vờ, chẳng khác gì con ngựa mù đi quanh quẩn cối xay, rằng mình đang
tiến bộ mà thôi.
Những ai tin rằng họ không bị buộc phải tuân thủ những luật lệ xung
khắc với lương tâm thì họ chỉ còn con đường duy nhất là đấu tranh bất
bạo động. Mọi con đường khác đều dẫn đến thảm họa.
(Trích từ Hind Swaraj or Indian Home Rule, Chương XVII)
Nguồn: M.K. Gandhi, Non-Violent Resistance
(Satyagraha) (Đấu tranh bất bạo động (Satyagraha), NXB Dover
Publications, INC. New York, 2001. Trang 6-19. Tựa, tiêu đề và các ghi
chú là của người dịch.