An Thanh Lương
Dân Luận
Hôm nay, trên Face book, dưới nick name Kim Cương, giáo sư Văn Như
Cương, Hiệu trưởng trường tư thục nổi tiếng Lương Thế Vinh đưa tin: Năm
học này theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, có 18 trường chất
lượng cao (CLC) có mức học phí 2,9 triệu/tháng đối với cấp PTCS và 3
triệu/tháng đối với cấp PTTH , cao gấp 150 lần mức 20 ngàn đồng đối với
học sinh đại trà ở ngoại thành. Ông đặt câu hỏi “Phải chăng đây là
khởi đầu cho một cuộc cách mạng giáo dục?”. Và ông cảm thán: Rồi đây
giáo dục chúng ta sẽ đào tạo ít nhất là hai loại học sinh “học sinh CLC”
và học sinh “chất lượng hạng bét”. Nhà giáo già kêu lên “Đau đớn thay”!
Ngay khi đọc stastu này, tôi đã bình luận “Phân hóa giầu nghèo trong
giáo dục là sự phân hóa khốn nạn nhất do con người đẻ ra”. Comment này
đã được nhiều người đồng tình. Thấy chưa nói rõ được ý của mình tôi viết
tiếp bài viết này gửi giáo sư Văn Như Cương, người tôi chưa từng một
lần giáp mặt nhưng rất kính trọng.
Trước hết tôi phải tự giới thiệu, tôi cũng là một nhà giáo đã có 33 năm đứng lớp và 25 năm làm cán bộ quản lý một trường PTTH chuyên nên có thể chủ quan mà nói rằng, với ngành giáo dục VN, tôi hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc. Nhưng từ cách đây 20 năm, chính xác là 19 năm 6 tháng, tôi đã chia tay ngành giáo dục để đi làm một công việc khác thỏa được cái chí tang bồng của mình hơn. Tuy nhiên trong tôi, lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm đối với ngành giáo dục, ngành đã tặng tôi huy hiệu “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Dẫn chứng ư? Năm ông Nguyễn Thiện Nhân từ thành phố Hồ Chí Minh ra Ba
Đình làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và dùng con bài “người đương
thời” Đỗ Việt Khoa dấy lên ngọn cờ “ chống tiêu cực trong thi cử và bệnh
thành tích trong giáo dục”, qua Vietnamnet, tôi đã gửi ông thư ngỏ
“Mong Bộ trưởng điềm tĩnh hơn” . Bài này gõ qua google vẫn có thể tìm
đọc được và vẫn đầy tính thời sự. Và qua hết đời bộ trưởng này đến bộ
trưởng khác, tôi đều có thư ngỏ. Có thể các vị không đọc nhưng bàn dân
thiên hạ ai cũng đọc cũng biết thực trạng giáo dục VN.
Có thể tóm lược một câu: Từ sau khi ông Nguyễn Văn Huyên qua đời, các
đời bộ trưởng kế tiếp từ bà Bình, ông Quân, ông Hạc đến ông Hiển, ông
Nhân và bây giờ là ông Luận giáo dục VN ngày càng kém đi. Năng lực,
trách nhiệm và uy tín của các đời bộ trưởng cũng càng ngày càng kém đi.
Đương nhiên thôi. Các vị đều là các thày mũ cao áo dài, đều mang tính
hàn lâm, đào tạo trong các trường danh tiếng nước ngoài, chưa bao giờ
hoặc rất ít khi đứng bục giảng một tiết học nên làm sao hiểu được thực
trạng giáo dục VN đang thay đổi từng ngày từng giờ theo cơ chế thị
trường bất chấp cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cấp dưới cũng
vậy, các vụ trưởng, vụ phó, viện trưởng viện phó… có mấy người đã từng
đứng lớp nên tham mưu cho Bộ trưởng nhiều chủ trương không sát thực tế,
cứ cải tiến, thí điểm hoài và có những chủ trương rất ba láp, vô trách
nhiệm. Từng ấy năm, hàng triệu học sinh, những mầm non tương lai của đất
nước đã trở thành những con chuột thí nghiệm của cái gọi là “cải cách
giáo dục”, “cải tiến chương trình và sách giáo khoa”, “phân ban và không
phân ban”… dự án này dự án nọ tiêu hàng chục tỉ đô la mà chất lượng dạy
và học “nguyễn y vân”.
Khi Nhà nước không cứu được giáo dục thì người dân tự cứu mình. Các
trường tư thục mọc lên, đặc biệt là tư thục đại học mọc lên như nấm sau
mưa thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng bởi ông phải lo sao có đủ
20.000 tiến sĩ mà ông lỡ hứa sẽ thực hiện! Và nhân nào quả nấy. Hôm nay,
xin cho con vào lớp 1 và lớp 10 còn khó hơn vào trường đại học nhiều.
Đào tạo cái kiểu đánh trống ghi tên, mạnh ai nấy thu cho nhiều tiền,
không lấy giáo dục làm mục tiêu đào tạo con người mà là cơ hội để kinh
doanh làm giầu thì than ôi tương lai con trẻ VN hỏng mất rồi!!!
Trở lại câu chuyện mà giáo sư Văn Như Cương bức xúc. Từ hơn hai chục
năm nay khi còn dạy học ở một trường chuyên, tôi đã viết trên báo Lao
Động một bài phê phán việc mở tràn lan các trường chuyên lớp chọn tạo ra
một cơ chế bất bình đẳng trong giáo dục, tạo ra nguồn gốc của tệ học
thêm dạy thêm tràn lan mà cho đến nay ông Bộ, ông Sở không thể kiểm
soát, không thể ngăn cấm, trở thành bệnh dịch làm khốn khổ các cháu học
sinh, suốt ngày đi học thêm, không còn đâu thì giờ vui chơi giải trí tối
thiểu, làm khốn khổ nhiều gia đình nhất là những gia đình có thu nhập
thấp.
Sau bài báo đó, Bộ Giáo dục đã chỉ thị các tỉnh không được mở trường
chuyên cấp PTCS nhưng cấp PTTH thì vẫn được phép, được cấp kinh phí. Còn
chủ trương bỏ lớp chọn thì chả ai nghe Bộ cả. Mà như đã nói ở trên, còn
trường chuyên, còn lớp chọn thì còn học thêm dạy thêm tràn lan. Điều
không ít lần được Quốc hội bàn thảo, nhưng có ai nói ra được cái gốc của
vấn đề.
Quan điểm của tôi là trong một lớp học phải có đủ các đối tượng giỏi,
khá , trung bình và kém. Thày giáo phải dạy như thế nào sát các đối
tượng để em nào cũng hiểu bài và trong bối cảnh đó những em nào thông
minh hơn, chịu khó hơn sẽ đứng đầu lớp, sẽ đỗ đại học điểm cao do tự
thân các em chứ không phải do học thêm ”trúng tủ”. Nhớ lại ngày xưa đi
học, cuối tháng được xếp nhất nhì hoặc trong tốp 5, tốp 10 về khoe bố mẹ
thì sướng làm sao. Còn nếu lười học thì “đội sổ”. Học sinh bây giờ
không biết “đội sổ” là gì. Cả lớp đều tiên tiến, không có học sinh lưu
ban. Cả lớp phải 70 - 80% học sinh giỏi, và phải trên cả giỏi tức xuất
sắc thì cha mẹ mới yên tâm. Bệnh thành tích là đây chứ chả ở đâu cả ông
Phó Thủ tướng phụ trách Văn Xã ơi. Tiên tiến xuất sắc mà thi vào lớp
10, thi vào đại học trượt chổng vó thì vô nghĩa.
Việc trong một lớp có đủ các đối tượng khá giỏi kém, đủ các thành
phần giai cấp giầu nghèo, từ con ông phó thường dân đến con ông quan lại
cao cấp thì đó là một nền giáo dục nhân bản nhất, bình đẳng nhất.
Tiếc thay hiện nay chỉ con nhà giầu mới được theo học các trường có
cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giáo viên có chất lượng, còn con nhà
nghèo thì “cố lấy cái bằng lớp 12 rồi tìm việc mà đi làm kiếm sống”và
sống chết gì cũng phải cố kiếm lấy cái bằng tốt nghiệp phổ thông. Bằng
mọi giá mà Đỗ Việt Khoa năm thi nào cũng xăm soi “đáng ghét”. Xã hội
càng phát triển thì phân hóa giầu nghèo càng rõ nét . Người ta có thể
giầu lên nhờ kinh doanh làm ăn giỏi và nhờ có chức có quyền để tham
nhũng . Người ta sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, đó là quy
luật khách quan. Nhưng trong giáo dục phải có sự bình đẳng. Ngành giáo
dục cả nước và Hà Nội (kể cả chính quyền) bằng những chủ trương sai lầm
đã vô hình trung tạo ra một sự bất bình đẳng, một sự phân hóa giầu
nghèo. Nó không chỉ làm các em con nhà nghèo thiệt thòi và nó để lại di
chứng đáng buồn trong tâm hồn thế hệ trẻ. Vì thế tôi lấy tên bài viết
này là: Sự phân hóa giầu nghèo trong giáo dục là sự phân hóa khốn nạn
nhất do con người đẻ ra!
An Thanh Lương