Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

“Ông nghĩ gì Việt Nam?”

Theo blog Green Rice
Đang nghe đoạn phỏng vấn HLV của đội Arsenal… buồn cười là VN phỏng vấn người nước ngoài luôn hỏi (thậm chí thường là câu hỏi đầu tiên) các ông/ các bạn nghĩ gì về Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn trên đất nước đó chẳng nhẽ lại nói xấu?! (nói linh tinh cẩn thận không còn đủ răng về nước) Câu trả lời cho dạng câu hỏi kể trên gần như chắc chắn luôn là những lời khen, và thường là những lời ca ngợi chung chung. Như là đồ ăn Việt Nam có món phở rất ngon!!!
Những câu hỏi phỏng vấn sáo mòn kiểu này phơi bày tư duy lười biếng của nhiều nhà báo, phóng viên. Tệ hơn nữa là… phải chăng chúng ta thực sự kém tự tin đến vậy?! Luôn quan tâm, luôn để ý xem người khác nghĩ gì về mình (và luôn đặt những người được hỏi vào những tình huống chỉ có thể khen). Chắc không mấy người thích bị kẻ khác đánh giá. Việc đánh giá một người khác là rất phức tạp, huống hồ cả một dân tộc?! (lại còn với những người vừa đặt chân tới Việt Nam có mấy tiếng đồng hồ?!?) Ấy thế mà mang danh cả đất nước lại cứ muốn dồn người ta vào thế phải đưa ra đánh giá là sao? Chúng ta cần những lời khen ngợi an ủi vuốt ve đó đến vậy sao?

Đến bao giờ Việt Nam mới thôi cái trò cứ động phỏng vấn người nước ngoài là hỏi bạn nghĩ gì về Việt Nam, bạn thấy con người Việt Nam ra sao (đến hỏi mình câu này mình còn đếch biết trả lời thế nào)… blah blah? (với những thứ dễ đụng chạm chính trị thế này thì chỉ nên hỏi những câu vô thưởng vô phạt, dễ trả lời thật lòng, vd như bạn đã thử món ăn VN nào chưa, bạn thấy thích món ăn nào nhất, bạn dự định sẽ đi thăm những thắng cảnh nào ở VN v.v... thiếu gì, chỉ tại không chịu động não)
Ấy thế mà buồn cười là không nhiều người biết cách khen. Hình như VN mình không có văn hóa khen ngợi (nên chúng ta ‘thèm khát’ lời khen từ người khác đến vậy?!). Ngày nhỏ, tôi học ở Thực Nghiệm, các thầy cô hay sử dụng một cấu trúc câu mà ban đầu tôi nghe thấy rất lạ tai: cô khen bạn này..., cô chê bạn kia... Ví dụ như là nhắc nhở học sinh giữ trật tự thì giáo viên sẽ nói là: cô chê bạn B chưa giữ trật tự tốt nhé. Còn khi học sinh làm được tốt việc gì đó, giáo viên sẽ khen: cô khen bạn A đã lau bảng rất sạch. Cấu trúc câu kiểu này không được... thuần Việt, xuôi tai lắm, nhưng vấn đề chủ yếu ở đây là cách khen ngợi và góp ý của giáo viên đối với học sinh, khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ và góp ý, nhắc nhở chứ không phải chê bai, vùi dập. Tôi không có cảm giác kinh khủng, tồi tệ khi mình mắc lỗi gì đó ở trường (và điều tuyệt vời này đã chấm dứt khi tôi rời khỏi trường Thực Nghiệm).
Hẳn ai cũng thấy tình trạng chê bai, chửi bới, ném đá nhau trên các trang mạng xã hội đang tồi tệ ra sao. Chả hiểu kiểu gì cứ ném đá hội đồng thì nhanh thế, đông thế ‘___‘. Như thể việc chê bai khiến họ thấy mình có “sức mạnh”, “quyền lực”, “trình độ” hơn ấy. Còn khen thì tức là đứng ở tầm dưới, ngưỡng mộ nhìn lên.
Có một page khá thú vị tên là Teach me Vietnamese. Anh chàng này thường đưa ra những nhận định, ý kiến rất gây tranh cãi (nhưng tôi thấy chúng thường đúng). Và không thiếu những comment tức giận chửi bới lại anh ta. Thật đáng buồn là chúng ta thích hỏi ý kiến người nước ngoài về VN, nhưng khi họ đưa ra những ý kiến không được lung linh, lấp lánh thì chúng ta đùng đùng tự ái. Trong khi chỉ nên nghĩ xem ý kiến của anh ta thế nào, vì sao anh ta lại đưa nhận định như vậy... và nếu không thấy đồng tình thì... thôi. Sao phải cố thay đổi ý kiến của MỘT người nước ngoài về VN làm gì? Anh ta có căm thù đất nước VN thì cũng có ảnh hưởng gì đâu ta? (trừ khi anh ta là tổng thống Mỹ). Mà thực tế tôi thấy anh ta đưa ra ý kiến là có thiện chí. Chúng ta không cần phải đồng tình hết, nhưng nên tham khảo, suy nghĩ.
Khi nào chúng ta thôi suy nghĩ tủn mủn, thôi cảm tính lặt vặt... thì có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu thôi nhỏ bé.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"