Theo TTHN
Chật vật tìm việc làm mùa hè Nếu những ngày đầu hè, học sinh kéo nhau đi
bán vé số kiếm thêm tiền trang trải cho niên học tới, thì vài ngày gần
đây, sau khi tốt nghiệp hoặc sau khi thi học kì 2 và chính thức nghỉ hè,
nhiều sinh viên ở thành phố Đà Nẵng bủa ra khắp các huyện để bán vé số.
Phần lớn họ là những sinh viên trường cao đẳng nghề và cao đẳng kinh tế
ở thành phố Đà Nẵng. Họ có gốc gác từ các vùng quê hẻo lánh và miền
núi, có kinh tế gia đình khó khăn, không chen chân phục vụ được ở các
quán, họ phải nghĩ kế sinh nhai qua mùa hè.
Một bạn nữ tên Thùy, sinh viên năm thứ nhất trường cao đẳng kinh tế - kế
hoạch Đà Nẵng, cho chúng tôi biết rằng mỗi sáng, em thức dậy lúc 5h và
ăn uống qua loa một gói mì tôm, sau đó đón xe bus vào thẳng Điện Bàn,
rồi đi bán dạo vé số ở Điện Bàn trong buổi cà phê sáng ở các quán. Đến
trưa, em đón xe bus hoặc đi nhờ xe của ai đó xuống Hội An để tiếp tục
bán trong các quán, đến 3h30 chiều, em lại bắt xe bus Hội An về Đà nẵng
trả vé. Trên xe bus, em cũng tranh thủ mời vé các hành khách với hy vọng
bán được tấm nào mừng tấm đó.
Thùy cho biết thêm, em quê ở huyện Trà My, ra Đà Nẵng học được một năm
nay, nghỉ hè, em định sẽ về nhà phụ với gia đình làm vườn, làm ruộng,
nhưng bây giờ nhà nông đang rảnh rỗi vì mùa lúa đã sạ xong, làm vườn thì
trời nắng nóng, rau cải cũng chẳng lên được, nội tiền nước và phân tro
không bù lỗ được, nếu Thùy về nhà làm phụ, có khi lại thành gánh nặng
của gia đình. Mà đi tìm việc làm thêm ở các quán trong thành phố quá khó
bởi mùa hè năm nay có quá nhiều sinh viên ở lại tìm việc làm thêm. Các
quán nhậu, quán cà phê trong thành phố cũng đầy nghẹt sinh viên xin
việc. Nghĩ mãi không ra, cuối cùng, Thùy quyết định nhận vé số đi bán.
Một nữ sinh viên khác tên Khánh, học năm thứ nhất trường cao đằng nghề
Đà Nẵng, cùng đi bán chung nhóm với Thùy, chia sẻ với chúng tôi thêm là
gần như mùa hè năm nay, chuyện đi kiếm việc làm thêm đối với sinh viên
nhà nghèo quá khó khăn. Tuy vậy, cơ hội thường đến với những sinh viên
con nhà giàu vì họ sành điệu, quen với nếp sống thành phố, biết tiếp
xúc, nói năng hợp với khách hơn sinh viên nhà quê như Khánh. Và trên hết
là với sinh viên thành phố, con nhà giàu, chuyện đi làm thêm của họ lại
không vì đồng tiền bát gạo mà mang tính chất thử nghiệm đời sống, lấy
điểm với cha mẹ.
Có nhiều sinh viên thành phố làm xong ba tháng hè là cho luôn hai tháng
tiền lương sau cho chủ, chỉ lấy tháng đầu về mua quà cho cha mẹ, bù vào
đó, sau mùa hè, có khi các sinh viên này được cha mẹ mua sắm cho xe hơi
hoặc xe tay ga. Nói chung, sinh viên con nhà giàu đi làm ít quan tâm đến
tiền lương và sành điệu. Chính vì thế, cơ hội tìm việc của sinh viên
thành phố, sinh viên con nhà giàu luôn cao hơn nhiều so với sinh viên
nghèo đến từ các miền quê.
Nữ sinh đi bán vé số Courtesy Tuoitre.vn |
Lây lất, tủi nhục kiếm cơm và học phí
Bán vé số mùa hè trong giới sinh viên, dường như chỉ có sinh viên nữ
chọn việc này, ít thấy sinh viên nam nào tham gia. Một nữ sinh viên
trường cao đẳng nghề Đà Nẵng khác tên Dung, thường đi bán vé số ở Hòa
Vang và Liên Chiểu, những quận vùng ven thành phố Đà Nẵng, than thở với
chúng tôi rằng bán vé số nhọc nhằng lắm lắm, đôi khi buồn và tủi nhục
nữa. Nói là buồn vì bây giờ người ta đi bán vé số quá nhiều, chuyện đi
bán mỗi ngày cho được năm mươi tờ vé, kiếm năm mươi ngàn đồng quá ư là
khó khăn.
Có nhiều hôm Dung đi suốt ngày, mời từ bàn này sang bàn nọ, từ quán này
sang quán kia, cuối cùng, cả ngày đi bộ cả mấy chục cây số chỉ bán được
hai mươi lăm tấm vé, buổi sáng ăn mì tôm, buổi trưa ăn mì tôm, buổi tối
lại ăn mì tôm để dành ra một ít tiền tích lũy. Có tuần liên tục ba ngày
ăn mì tôm, nói chuyện cũng nghe mùi mì tôm xốc lên mũi. Nhưng Dung vẫn
nuôi hy vọng kiếm được nhiều tiền để dành cho năm học sau.
Dung nói có nhiều lần, vào quán cà phê hoặc quán nhậu mời vé, nhiều ông
sòn sòn tuổi ngang với cha của Dung ở nhà chọn mua vài tấm vé nhưng kéo
dài cả mười lăm, hai mươi phút, sau đó mời Dung uống bia, cô từ chối thì
ông khách này đặt thẳng vấn đề là chỉ cần đi chơi, đi ngủ với ông một
tuần, ông sẽ cho đủ học phí hai năm sau, khỏi cần phải lang thang đầu
đường xó chợ mời từng tấm vé cực khổ. Nghe ông khách nói vậy, Dung thấy
tê buốt cả lồng ngực bởi vì tổn thương, người ta đã hiểu nhầm động cơ
kiếm tiền của cô, họ nghĩ rằng cô đi bán dâm trá hình bằng kiểu chào mời
vé số.
Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, cô càng quyết tâm hơn và không thấy buồn bực
vì loại khách này nữa, bởi cô nghĩ rằng họ gặp cũng không ít các cô gái
giả dạng sinh viên hoặc là sinh viên thực thụ cũng đi bán dâm trá hình
kiếm tiền phụ giúp gia đình và trang trải học phí. Chuyện này nhiều, cô
biết, và cô thấy thông cảm, thương xót cho các bạn cùng lứa hơn là ghét
họ.
Một nữ sinh viên khác, yêu cầu giấu tên, hiện làm tiếp thị cho hãng bia
Huda – Huế tại thị trường Liên Chiểu, Đà Nẵng, nói với chúng tôi rằng
ban đầu cô cũng có ý nghĩ trong sáng như bao sinh viên nhà nghèo khác,
cũng đi làm thêm, đi bán vé số mùa hè để kiếm tiền, nhưng dần dần, quá
khổ, da sạm đen mà kiếm không ra tiền, bữa được bữa mất, mẹ cô ở quê lại
bệnh nặng, cô tình cờ gặp một ông khách già hỏi cô muốn về làm việc cho
ông không, giúp việc trong khu biệt thự của ông. Cô đồng ý, về làm được
vài hôm thì ông này mời cô uống vài lon bia, cô say, đến khi cô tỉnh
dậy, cuộc đời con gái của cô đã tan theo bọt bia của ông già. Nhưng, ông
già này cho tiền cô rất nhiều, cô về chuyển mẹ lên bệnh viện tuyến trên
để phẫu thuật, chữa trị và làm nhà.
Kết cục, cô quyết định đi làm tiếp thị, cuộc đời sinh viên của cô chấm
dứt sau một mối tình kéo dài gần hai năm với một ông già nhà giàu, cho
đến phút ông ta lâm chung vì một tai nạn đột ngột trên giường với một
sinh viên khác. Cũng may là gia đình ông khéo bưng bít chuyện này nên
ông chết có thanh thản, không mang tiếng. Kể đến đây, cô tiếp thị bùi
ngùi nói rằng đồng tiền là thứ thuốc độc mà đôi khi người ta biết nó độc
vẫn cứ uống vì không còn lựa chọn nào khác.
Nghe câu chuyện của cô gái tiếp thị xong, một mối cảm hoài xa xôi nào đó
về đời sống sinh viên thời kinh tế khốn khó lại dấy lên, buồn khó tả!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-07-17