Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Dân chủ

Nguyễn Gia Kiểng
Facebook Nguyễn Gia Kiểng

Tác giả: Bài này tôi viết cách đây đúng 20 năm, cho số báo Thông Luận ra đầu tháng 7-1993. Dĩ nhiên không khỏi có những nhận định không còn hợp thời nữa nhưng về nội dung, đặc biệt là về khái niệm dân chủ, vẫn không có gì thay đổi. Có hai chi tiết cần được nói lại cho rõ:
  1. Bài này dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nước tương tự như các nước cộng hòa vườn chuối với một lợi tức bình quân đầu người khoảng 500 USD. Giá trị đồng UDS đã thay đổi, 500 USD lúc đó tương đương với 1500 USD bây giờ.
  2. Đại đa số các nước Châu Mỹ Châu Mỹ La Tinh ngày nay đều đã trở thành những nước dân chủ với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người khoảng 10.000 USD/năm.




Hô hào dân chủ trong lúc này phải chăng là xông pha vào một cánh cửa đã mở sẵn? Sự thực rất đáng buồn là không: chúng ta đang đi vào một chế độ độc tài với bước chân bình thản.
Một tập đoàn đã thất bại về mọi mặt, đã sụp đổ hoàn toàn về mặt ý thức hệ và không còn một lý tưởng nào cả đang lộnghành, chiếm đoạt đất nước làm của riêng mình, khủng bố trắng trợn và dã man nhữngngười không cùng chính kiến, phủ nhận dân chủ và công khai tuyên bố theo đuổi vô thời hạn một đường lối độc tài toàn trị. Tình trạng này đáng lẽ phải gây ra một phản ứng phẫn nộ và làm bùng lên một phong trào đấu tranh mãnh liệt đòi dân chủ. Nhưng trái lại môt số khá đông người đang cho rằng nên gác lại những đòi hỏi chính trị để tập trung cố gắng vào những vấn đề "thực tiễn" như kinh doanh, văn hóa, từ thiện. Chính quyền cộng sản không thể mong muốn một khuyến khích nào quí báu hơn! Dân chủ không bị đe dọa hay không cần thiết đối với Việt Nam? Chí khí bất khuất của dân ta đâu rồi ? Chưa bao giờ sự bạc nhược và sự non yếu về nhận thức chính trị của người Việt Nam được phơi bày một cách bi đát như lúc này.

Dân chủ sẽ đưa đến hỗn loạn! Lập luận này được đảng cộng sản đưa ra như một sự thực hiển nhiên không cần chứng minhvà được một số người chấp nhận một cách thụ động. Nhưng nó chỉ là một lập luận lỗ mãng, bất chấp cả lý luận lẫn thực tại đất nước.
Hiện nay nước ta đang hỗn loạn và - hơn thế nữa - đang rất hỗn loạn. Trộm cướp, hoành hành như chỗ không người. Buôn lậu có kho nhà nước, tầu chiến, xe tăng. Móc ngoặc, tham nhũng, hối mại quyền thế trở thành luật. Cây rừng, bờ biển, danh lam thắng cảnh, ngay cả di tích lịch sử bị phá hủy một cách vô tội vạ. Chưa kể loạn sứ quân, bắt người tùy hứng, giam giữ, tra tấn. Ngoại trừ chính sách khủng bố chính trị, Việt Nam đang ở trong một tình trạng gần như vô chính phủ. Đảng cộng sản nhân danh một trật tự nào đây?
Dân chủ không đưa tới hỗn loạn, trái lại nó đem lại luật chơi rõ ràng minh bạch, nó bảo đảm công lý và luật pháp, nó đem lại tinh thần trách nhiệm vì nó cho phép mọi người có chỗ đứng và tiếng nói trong việc nước. Nó đem lại trật tự trong đấu óc con người và trong xã hội.
Dân chủ không có lợi cho phát triểnkinh tế! Một xác quyết nông cạn phát xuất từ ngộ nhận về bản chất của dân chủ. Dân chủ không phải là chiếc đũa thần giải quyết mọi vấn đề và đem lại phồn vinh. Dân chủ không thay thế cho những chính sách và những con người. Dân chủ là một phương thức sinh hoạt cho phép đặt vấn đề một cách đứng đắn, tìm giải pháp một cách đứng đắn và chọn lựa một cách đúng đắn những người trách nhiệm. Tự nó, dân chủ không giải quyết một vấn đề nào cả, nhưng không có dân chủ thì không có vấn đề nào có thể giải quyết được một cách đứng đắn. Chính vì thế mà mức độ dân chủ quyết định giới hạn cho phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Chính vì thế mà các nước giầu mạnh đều là các nước dân chủ trong khi các nước độc tài đều chậm tiến.
Khuyết tật của thái độ "thực tiễn" vừa nói trên chính là ở chỗ nó không thực tiễn: chấp nhận độc tài để hy vọng phát triển kinh tế người ta sẽ chỉ có độc tài mà không có phát triển.
Dân chủ không đem cơm áo và hạnh phúc để phát không. Dân chủ không bố thí. Nó tạo ra những con người tự do và trách nhiệm, làm chủ đời mình, phát huy được khả năng và sáng kiến của mình để xây dựng đời mình và đất nước mình. Chính vì vậy mà dân chủ mới đẹp.
Dân chủ thành thực không nhất thiết là dân chủ hoàn chỉnh, mức độ hoàn chỉnh của một nền dân chủ tăng lên với thời gian, cùng với mức độ phát triển và dân trí ; nhưng một nền dân chủ thành thực vẫn có thành tố tối thiểu của nó : tự do ngôn luận, đa đảng và bầu cử tự do.
Chính quyền độc tài này đang khoe khoang những thành quả về kinh tế vừa đạt được. Nhưng thành quả ở chỗ nào và thành quả cho ai? Quả nhiên đã có một vài tiến bộ trong một số địa hạt, với giá rất đắt phải trả về công bằng xã hội, về giáo dục, y tế, về những giá trị đạo đức, về môi sinh và về cả chủ quyền dân tộc. Nhưng những tiến bộ này đã có được không phải vì nhà nước cộng sản đã làm đúng mà vì nó đã rút lui. Ở đâu nhà nước cộng sản rút lui nhường chỗ cho xã hội dân sự, ở đó có tiến bộ. Đó là nhận xét rõ nét nhất hiện nay.
Nếu không có một cuộc vận động dân chủ tích cực, diễn biến của đất nước có thể thấy trước được: đảng cộng sản sẽ còn tiếp tục nhượng bộ trước sức ép của kinh tế thị trường cho tới khi đạt tới một thăng bằng thỏa hiệp giữa những yêu sách của giới tài phiệt và của tập đoàn độc tài. Việt Nam sẽ trở thành một nước tương tự như các nước cộng hòa vườn chuối với một lợi tức bình quân đầu người khoảng 500 USD mỗi năm, với một nửa lợi tức quốc gia trong tay 1% cường hào và chủ nhân ngoại quốc. Đó là khuôn mẫu cổ điển của một quốc gia bị tù hãm trong vòng luẩn quẩn tàn khốc của đàn áp - phẫn nộ - chống phá - đàn áp.
Dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với các nước thiếu mở mang! Quả là một thái độ miệt thị và kỳ thị chủng tộc. Dân chủ không phải là một xa xỉ phẩm đối với bất cứ một dân tộc nào. Khi các dân tộc phương Tây bắt đầu dân chủ, họ ở một mức độ kinh tế, xã hội và dân trí còn kém xa chúng ta ngày hôm nay. Riêng người Mỹ chưa hề biết một chế độ nào khác hơn là dân chủ, họ bắt đầu dân chủ từ những con người đến từ nhiều nguồn gốc và phong tục, thiếu thốn tất cả, kể cả văn hóa và đồng thuận. Nhờ có dân chủ họ đã tạo ra quốc gia hùng mạnh nhất trái đất.
Nhưng dân chủ có thể là một xa xỉ phẩm,và trên thực tế, dân chủ đã từng là xa xỉ phẩm trong nhiều trường hợp. Dân chủ bịp bợm quả nhiên là một trò chơi vô cùng tốn kém và là một gánh nặng. Trái lại dân chủ thành thực là một nền tảng quí giá. Những người cầm quyền cho rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm thực ra chỉ có ý định dàn dựng một thứ dân chủ bịp bợm.
Dân chủ thành thực không nhất thiết là dân chủ hoàn chỉnh, mức độ hoàn chỉnh của một nền dân chủ tăng lên với thời gian, cùng với mức độ phát triển và dân trí; nhưng một nền dân chủ thành thực vẫn có thành tố tối thiểu của nó: tự do ngôn luận, đa đảng và bầu cử tự do.
Sai lầm to lớn khác: dân chủ tự nhiên sẽ tới. Nếu dễ dàng như vậy thì tại sao mặc dầu mọi nước dân chủ đều giàu mạnh nhưng chỉ có một số ít dân tộc có được dân chủ ? Dân chủ là một điều quí giá cho nên nó không tự nhiên mà mọc lên như cỏ dại mà phải tranh đấu cam go để có. Các nước dân chủ phương Tây mà đa số người Việt Nam mơ ước đã phải tranh đấu cam go lắm mới có được dân chủ như ngày nay và họ vẫn còn rất cảnh giác bảo vệ nền dân chủ đã tranh thủ được. Ở đâu và bao giờ cũng thế khuynh hướng chuyên quyền độc đoán luôn luôn là một cám dỗ mạnh. Nếu chúng ta không phấn đấu mà chỉ ngồi chờ để có dân chủ thì chắc chắn chúng ta sẽ chỉ có cái ngược lại của dân chủ.
Cũng không nên cuồng tín và quá khích. Phải thực tế mà nhìn nhận dân chủ sẽ không thể đem lại tất cả mọi phúc lợi của nó trong một tình trạng dân trí chưa mở mang, điều cần phải ý thức một cách rất rõ rệt là dù trong hoàn cảnh nào dân chủ cũng hơn xa độc tài.
Dân chủ không đem cơm áo và hạnh phúc để phát không. Dân chủ không bố thí. Nó tạo ra những con người tự do và trách nhiệm, làm chủ đời mình, phát huy được khả năng và sáng kiến của mình để xây dựng đời mình và đất nước mình. Chính vì vậy mà dân chủ mới đẹp.
Các chế độ độc tài không những đã làm phá sản mọi nước Châu Phi mà còn đẩy rất nhiều nước vào cảnh bạo loạn và còn làm tan vỡ luôn một số quốc gia khác. Tại Trung Đông các chế độ độc tài nhân danh Hồi Giáo đã phí phạm hết nguồn lợi dầu khí và đẩy các quốc gia đến chỗ kiệt quệ. Và người ta vẫn chưa thể đo lường hết được hậu quả tai hại do các chế độ độc tài cộng sản để lại tại Liên Xô và Đông Âu.
Rõ ràng nhất vẫn là các nước Châu Mỹ La Tinh. Các nước này có đất đai bao la, tài nguyên phong phú, có tinh thần tích cực của nền văn minh Thiên Chúa Giáo, họ cũng có ngôn ngữ thống nhất và một trình độ dân trí khá cao. Họ lại đã được độc lập từ gần hai thế kỷ nay. Tóm lại họ có tất cả mọi điều kiện để trở nên giàu mạnh. Nhưng không may cho họ, họ đã có những người hùng và những chế độ độc tài, nên họ đã phải quằn quại trong đói khổ và lạc hậu trong một thế kỷ rưỡi. Chỉ mới gần đây các nước Châu Mỹ La Tinh mới vươn lên được nhờ chuyển hướng về dân chủ. Kinh nghiệm của các quốc gia Châu Mỹ La Tinh đáng được chúng ta đặc biệt chú ý vì nó chứng tỏ rằng các chế độ độc tài không cộng sản cũng có khả năng kềm giữ một quốc gia rất lâu trong cảnh bần cùng. Cho nên hết cộng sản không phải là hết tai họa nếu chỉ để đi vào một chế độ độc tài kiểu khác.
Không làm gì có các chế độ độc tài sáng suốt. Nền tảng của mọi chế độ độc tài là sự kiêu căng bệnh hoạn của một số người cho rằng họ đủ thông minh để suy nghĩ thay cho cả một dân tộc. Nhà độc tài trước hết là một kẻ u mê. Vả lại thực tế đã chứng minh một cách rất hùng hồn: tất cả mọi tập đoàn độc tài đều vô học.
Không phải là một sự ngẫu nhiên mà các quốc gia giàu mạnh nhất thế giới đều là các quốc gia dân chủ. Không phải vì nhờ có kinh tế phát triển mà họ có dân chủ, cũng như không phải vì nhờ ăn mặc đẹp mà một người trở nên giàu có. Họ đã trở nên giàu có vì đã có dân chủ. Và họ có dân chủ vì họ đã tranh đấu cam go để có và cũng đã phấn đấu cam go để giữ gìn.
Dân chủ vừa khó khăn mới có lại cũng đòi hỏi rất nhiều bản lãnh để giữ gìn. Bản chất của dân chủ là sự tranh cãi không ngừng giữa những ý kiến khác biệt. Khó khăn của nó là phải luôn luôn tìm đồng thuận trong sự khác biệt. Điều kiện thành công của nó là sự hiểu biết và lòng bao dung. Các chế độ độc tài trước hết là sự đơn giản hóa quan hệ giữa người và người. Cấm đoán, khủng bố là chọn lựa dễ dãi luôn luôn cám dỗ những người cầm quyền thiếu bản lãnh trước trở ngại, thiếu trí tuệ trước những vấn đề phức tạp. Các chế độ độc tài không phải chỉ thô bạo mà còn kém cỏi
Các chế độ dân chủ cũng có thể vấp váp, và chắc chắn là có vấp váp. Những sai lầm của một chế độ dân chủ càng dễ thấy hơn vì không được che đậy, nhưng cuối cùng dân chủ vẫn là chế độ hiệu quả nhất để đạt tới không phải riêng sự giàu mạnh mà cả cái gì nhiều lần quí báu hơn: đó là tự do và phẩm giá con người.
Tại sao nhiều tổ chức chống cộng lại mất khí thế?
Từ lập trường phục quốc, diệt cộng họ đi dần đến những đòi hỏi rất khiêm tốn: thả tù nhân chính trị, tu chỉnh hiến pháp, bỏ điều 4 v.v... Những thay đổi lập trường theo chiều hướng ôn hòa này rất đúng và đáng mừng, nhưng tại sao lại có dáng dấp chán chường của một sự triệt thoái? Bởi vì họ không muốn và cũng không chọn lựa lập trường ôn hòa mà đã chỉ trôi dạt đến đó, sau khi bị thực tại hành hung và xô đẩy.
Cùng một lập trường nhưng có thể có hai tư thế rất khác nhau.
Nếu không có lý tưởng dân chủ làm kim chỉ nam, nếu chỉ muốn "thắng lợi toàn diện" người ta sẽ liên tiếp phải nhượng bộ đơn phương và miễn cưỡng một cách vô trật tự, giống như một sự thua chạy liên tục. Ngược lại, nếu quả quyết chọn lựa dân chủ làm lý tưởng, nếu biết nhận diện dân chủ, tự biến mình thành những con người dân chủ, nếu biết tự mình loại bỏ tất cả những đòi hỏi không thuộc nội dung của một cuộc đấu tranh vì dân chủ, nếu có được phong cách dân chủ và dáng đứng dân chủ, chúng ta sẽ có một vị thế vẻ vang hơn nhiều. Chúng ta sẽ tiến thẳng tới cột mốc dân chủ, dương cao ngọn cờ dân chủ, rồi buộc chính quyền cộng sản phải liên tục nhượng bộ và cuối cùng đầu hàng dân chủ tại đó.
Cuộc tranh đấu hiện nay bắt buộc phải là cuộc tranh đấu vì dân chủ và chỉ vì dân chủ.
Chúng ta đang giã từ chế độ cộng sản, và trên thực tế đã giã từ chủ nghĩa cộng sản nhưng tương lai đất nước vẫn đầy bất trắc. Tùy ở hành động lúc này của những con người hôm nay mà chúng ta sẽ tiến lên đại lộ thênh thang của dân chủ hay sẽ đi vào đường hầm đen tối- và có thể rất dài- của độc tài. Chúng ta đang sống ở một thời điểm vô cùng nghiêm trọng. Chúng ta không có quyền lỡ khúc quanh lịch sử trọng đại này. Các thế hệ trước đã từng lỡ cơ hội canh tân vào thế kỷ thứ 19 và chúng ta mất nước, đã lỡ cơ hội đoàn kết giành độc lập sau thế chiến II và chúng ta đã phải trải qua ba thập niên chiến tranh tàn khốc. Những bài học cay đắng vẫn còn quá mới và những vết thương vẫn còn chảy máu.
Nguyễn Gia Kiểng (ThôngLuận 62, tháng 7/8-1993)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"