WESTMINSTER, California (NV) - Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi tài khoản trên “Facebook” - một trong những trang mạng xã hội ăn khách nhất hiện nay - của Hằng Nguyễn bị một người có tên trong danh sách bạn bè của cô “đột nhập” (hack), ăn cắp mật mã (password), có ít nhất ba người thân quen của Hằng ở Việt Nam bị lừa mất tổng cộng 7 triệu đồng Việt Nam (khoảng $350).
Logo Facebook. (Hình: LIONEL BONAVENTURE/AFP/Getty Images) |
Cú lừa ngoạn mục này, từ người bị ăn cắp tài khoản đến người bị lừa mất tiền, đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các mạng xã hội hiện nay, và đáng để mọi người phải lưu tâm, cảnh giác.
“Cướp” tài khoản trên Facebook
Hằng Nguyễn sinh sống tại miền Ðông nước Mỹ hơn 10 năm qua. Như phần nhiều người sống trong thời đại mà hầu hết thông tin trao đổi đều sử dụng thông qua các trang mạng xã hội, Hằng chọn Facebook làm nơi kết nối các quan hệ với người thân lẫn bạn bè cũ mới.
Trên Facebook, Hằng có một người bạn tên là Nghĩa Trần ở miền Bắc California. Cô và người bạn kia thỉnh thoảng vẫn trao đổi, chuyện trò trong tình đồng hương, bè bạn trên thế giới ảo này từ hơn một năm qua. Ðó là một điều rất bình thường diễn ra trong “cộng đồng mạng”.
Chính vì coi nhau như chỗ thân tình quen biết nên tối Thứ Tư vừa qua, khi vào Facebook, Hằng không hề ngạc nhiên gì khi thấy người bạn có tên “Nghĩa Trần” vào hỏi thăm mà không hề có một chút nghi vấn gì.
“Nói năm điều ba chuyện, anh đó nói rằng đang dự định về Việt Nam một chuyến. Tôi cũng đang sắp về Việt Nam nên khi nghe vậy tôi không ngần ngại cho anh biết thời gian gia đình chúng tôi sẽ về quê,” Hằng kể.
Trong câu chuyện, người bạn này gợi ý muốn gửi cho Hằng coi một số hình ảnh gia đình anh đi dã ngoại. Hằng đồng ý. Người bạn bèn gửi liền cho cô một đường dẫn (link).
Không mảy may nghi ngờ, Hằng bấm vào đường dẫn đó.
“Khi tôi bấm vào, anh đó hỏi ‘coi được chưa?’ Tôi thấy màn hình hiện lên những dòng yêu cầu phải nhập ID và password của yahoo vào. Tôi tỉnh bơ gõ vào,” Hằng tiếp tục kể.
Do sử dụng chức năng mọi tin nhắn từ trên Facebook đều được chuyển vào trong “yahoo mail” nên sau khi vừa nhập mật mã yahoo theo yêu cầu của đường link thì ngay lập tức Hằng nhận được tín hiện từ điện thoại di động báo cho biết “có một email mới được đưa thêm vào trong tài khoản Facebook” của cô.
“Ngay tích tắc đó là tôi biết liền mình đã bị ‘hack’ rồi,” Hằng nhớ lại.
Biết mình bị mắc bẫy, Hằng trở lại ngay trang Facebook nhưng cô đã không còn vào tài khoản của mình được nữa. Kẻ đánh cắp tài khoản kia một cách rất nhanh lẹ đã đổi mật mã của Hằng.
Sáu chiếc thẻ điện thoại trị giá 3 triệu đồng Việt Nam (khoảng $150) mà Hoàng Ngọc bị kẻ gian lừa mua qua Facebook. (Hình: Hoàng Ngọc cung cấp) |
Cách thức Hằng Nguyễn bị đánh cắp tài khoản trên Facebook cũng tương tự như trường hợp xảy ra với một người có tên là Ngoc Nhi Nguyen, vào ngày 4 Tháng Bảy vừa qua.
Theo Ngoc Nhi Nguyen, một người có nick name là Huong Tranngoc cũng ở trong “friends list” của cô, “giả bộ làm quen rồi nói cho nghe thơ nhạc anh sáng tác và cho một cái link là blogfamily-tructuyen.weebly để kêu mình vào đó xem”.
Tuy nhiên, “Khi vào đó thì sẽ ra một trang khác yêu cầu đăng nhập vào bằng Facebook hoặc tài khoản bên yahoo. Khi bạn đăng nhập thì lập tức anh sẽ lấy được mật mã của bạn và bạn sẽ mất tài khoản Facebook. Bạn sẽ bị 'té' ra khỏi Facebook ngay và không đăng nhập vào được nữa vì kẻ gian sẽ đổi password của bạn,” Ngoc Nhi Nguyen kể lại câu chuyện.
Từ kinh nghiệm bản thân, cô cảnh báo với mọi người, “Ðể bảo mật bạn nên đổi mật mã thường xuyên. Nên mở chọn lựa là nếu có ai đó đăng nhập vào tài khoản của bạn từ một máy tính khác máy tính bạn thường dùng, họ phải nói được mật mã đã được bạn gửi vào điện thoại di động của bạn trước đó.”
Hằng Nguyễn thì cho rằng, “Có lẽ Facebook của anh Nghĩa Trần cũng đã bị kẻ nào đó ‘hack’, chứ tôi không nghĩ là anh làm việc này. Tôi sẽ email hỏi anh.”
Dùng tài khoản “cướp” được để lừa người khác
Dù bần thần, Hằng cũng chỉ nghĩ kẻ gian vào Facebook có thể sẽ xóa mất những hình ảnh gia đình, bè bạn mà cô đã cất công bỏ (post) lên, chứ không hề nghĩ đến chuyện có sự lừa gạt nào.
Thế nhưng, chỉ khoảng chừng một giờ đồng hồ sau, một người cháu của cô từ Việt Nam gọi điện thoại sang hỏi, “Có phải dì nhắn trên Facebook kêu con mua thêm thẻ điện thoại không?”
“Không có. Facebook của dì bị ‘hack’ rồi!” Hằng hoảng hốt nói.
Nhưng chậm mất rồi!
Khi đó người cháu đã mua hết bốn thẻ điện thoại, mỗi thẻ trị giá 500 ngàn đồng Việt Nam, tổng cộng hết 2 triệu đồng (khoảng $100) để cào ra, rồi ghi số seri, số mật mã cho người mà anh cứ ngỡ là dì Hằng Nguyễn của mình.
Trong lúc Hằng thất thần, không thể nào ngủ được vì lo lắng không biết có ai trong số bạn bè người thân của cô tiếp tục là nạn nhân của vụ lừa này không, tại Việt Nam, một người bạn khác của Hằng từ thời đại học, tên Hoàng Ngọc, cũng đang ngỡ mình chuyện trò với bạn “Hằng Nguyễn”.
Kẻ đánh cắp tài khoản Facebook của Hằng đã vào phần “history” để đọc hết các mẩu chuyện trò trước đây giữa cô và Hoàng Ngọc nên có thể hỏi thăm về công việc, sức khỏe, việc học hành... của từng thành viên trong gia đình Ngọc, khiến Ngọc không chút mảy may nghi hoặc gì cả.
“'Nó' nói chuyện tình cảm lắm kìa!” Hoàng Ngọc đau khổ kể.
Và cũng từ trong phần “history” còn lưu lại này mà kẻ gian cũng biết được hết ngày giờ Hằng sẽ về Việt Nam, cũng như số điện thoại cô từng cung cấp cho bạn bè thân thiết.
Thế nên khi Hoàng Ngọc nghe “Hằng Nguyễn” nhờ mua sẵn giùm 6 thẻ điện thoại, trị giá tổng cộng 3 triệu đồng Việt Nam (khoảng $150) để Hằng sẵn sàng cho chuyến về đến sân bay Tân Sơn Nhất là có thể gọi điện thoại được liền, thì Hoàng Ngọc mua liền giúp bạn, sau khi cũng “cẩn thận hỏi lại ngày giờ về, số điện thoại của Hằng” và “thấy đúng hết với những thông tin mình có trước đó”.
Sau khi cạo và ghi lại số seri cũng như mật mã các thẻ vào Facebook cho “Hằng Nguyễn” xong, Hoàng Ngọc lại nghe thấy “bạn” mình kêu mua thêm nữa!
Bán tín bán nghi, Ngọc nhắn tin cho một người bạn khác ở Mỹ nhờ gọi điện thoại cho Hằng xác nhận lại chuyện này.
Khi biết rằng Hằng Nguyễn “thật” không hề nhờ vả, thì Hoàng Ngọc cũng chỉ biết kêu trời, đồng thời còn cho biết, “Kẻ ăn cắp tài khoản của Hằng vẫn còn đang tiếp tục nói chuyện với mình trên Facebook kìa!”
Tiếp theo đó, một người bạn thời trung học của Hằng cho biết cô cũng đã mua hết 2 triệu đồng Việt Nam (khoảng $100) tiền thẻ điện thoại theo yêu cầu của “Hằng” từ tin nhắn trên Facebook.
Một người bạn khác của Hằng Nguyễn ở Hà Nội thì may mắn “thoát nạn” khi cô cẩn thận gửi email ngược lại cho Hằng để xác định có đúng là Hằng nhắn tin trên Facebook nhờ mua thẻ điện thoại hay không.
Sáng ngày hôm sau, Hằng liên lạc với nhóm quản trị trang mạng xã hội này để thông báo cho biết việc cô bị “đột nhập” để đổi lại mật mã.
“Tuy nhiên, đến giờ này thì email chính dùng trong tài khoản Facebook của tôi vẫn còn là email của kẻ đã cướp tài khoản này mà tôi chưa biết làm cách nào để đổi trở lại,” Hằng nói một cách mệt mỏi.
Email kẻ gian đã dùng trong tài khoản của cô là taula.kuem36@yahoo.com.vn.
Cô cũng chưa biết còn ai trong số bạn bè của cô là nạn nhân của vụ lừa bịp này nữa không, “vì có nhiều khi họ cũng bị kêu mua thẻ như vậy mà chưa biết bị lừa, cứ tưởng là tôi nhờ”.
Cảnh giác với email lạ và các đường link
Ngay trong đêm tối lúc xảy ra chuyện có những bạn bè người thân của Hằng Nguyễn bị lừa, vài người bạn của cô đã thông báo trên Facebook của họ chuyện này.
Và thật bất ngờ khi trong lúc một số người tỏ ra xa lạ với kiểu lừa đảo này thì một số khác lại không hề tỏ ra ngạc nhiên.
Một người có nick name Duong Cam ở Sai Gon viết, “Bên Việt Nam bị lừa vụ này hoài à. Hai ‘chiến hữu’ của mình cũng mới xém dính.”
Tương tự, một người có nick name Lưu Thái Bình cho biết, “Chuyện này xảy ra ở Việt Nam hoài à. Bạn tôi cũng vừa mới bị mất $600 cho đứa cháu bị 'hack' ở yahoo.”
Người bạn của Lưu Thái Bình không bị lừa từ Facebook mà từ yahoo mail.
Theo lời của Bình, bạn anh nhận được email của một người cháu, trong đó đại loại nói rằng “Cháu anh đi chơi ở Manila, Philippines, và bị một đám lạ mặt tấn công lấy đi hết toàn bộ tiền bạc, điện thoại, thẻ ngân hàng, cùng những vật có giá trị khác. Cháu anh báo cho chính quyền địa phương nhưng họ nói phải mất khoảng 2-3 tuần để điều tra. Nhưng bây giờ cháu anh muốn về nhà liền nên cần số tiền là $3,100 để mua vé máy bay, thanh toán tiền khách sạn. Mọi người nghe vậy nên kẻ ít người nhiều hùn lại để gửi đi. Bạn của Bình đã gửi cho cháu mình $600.”
“Thế nhưng sau khi gửi rồi, bạn tôi mới thử gọi điện thoại cho nó thì nó bảo nó có đi đâu đâu, đang mùa thi ở trường mà!” Bình kể.
Người có nick name Le Minh Ha khuyên, “Nói chung là xin lỗi tất cả các mối quan hệ, nhưng hễ bạn bè bỗng dưng kêu nạp tiền điện thoại là phải cảnh giác cao độ, liên hệ khổ chủ ngay thôi.”
Người có tên Nguyen Thi Ngoc thì nói, “Bọn hacker đã nghiên cứu rất kỹ trước khi ra tay vì vậy không ai nghĩ là đang bị lừa. Chỉ khi vừa thực hiện yêu cầu của nó rồi mình mới phát hiện ra thôi. Chúng tinh vi, xảo quyệt lắm!”
Một người tên Bui Ngoc Suong nhắc nhở, “Chú ý khi login vào mail hay Facebook phải nhìn kỹ trang chủ. Các trang dạng khác là bị lừa. Cẩn thận khi click vào link do người khác gửi vì trang web có thể có virus và cẩn thận khi mở mail khi có file doc. file ảnh.”
–-
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com