Thục Quyên
Dân Luận
Trước sự cương quyết của dân, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phải nhượng bộ
Dân chúng trương biểu ngữ chống lại một cơ sở chế biến Uranium
tại Jiangmen, Quảng Đông. (Hình chụp do một người dân Jiangmen gởi đăng
trên báo South China Morning Post)
Theo tin của tờ South China Morning Post (Hongkong) từ sáng thứ sáu
12/07/2013 (1) nhiều cuộc biểu tình đã lần lượt xảy ra tại trung tâm
thành phố Jiangmen (Giang môn) để chống lại dự án xây một lò chế biến
Uranium lớn khỏang 230 hecta, sau khi tin này được Cục Phát triển và Cải
cách thành phố Jiangmen loan ra.
Đoàn biểu tình chăng những biểu ngữ nói rõ ý muốn của người dân:
“Jiangmen không muốn phóng xạ"
"Chúng tôi muốn trẻ em, không muốn hạt nhân"
Thành phố đã huy động hàng trăm cảnh sát và công an chìm tìm cách bao
vây ngăn cản cuộc biểu tình khi được tin từ trước đó hai ngày, hàng
ngàn người đã được vận động đi "dạo" trên hai mạng lưới QQ và WeChat.
Một nhóm biểu tình đã tụ họp trước cổng ra vào của Lò chế biến Uranium, và một nhóm khác tại công viên Hồ Donghu.
Cuộc biểu tình được dự tính kéo dài từ 8:00 tới 11:30, sau đó tiếp
nối vào buổi chiều. Nhiều người còn cầm biểu ngữ loan báo và kêu gọi
tham gia một cuộc biểu tình khác vào sáng chủ nhật.
Các blogs đăng tin biểu tình đã bị phá, cho thấy sự quan tâm của
chính phủ để tránh những phản ứng dữ dội của dân chúng như đã từng xảy
ra đầu năm nay tại Kunming (Côn Minh) và Chengdu (Thành Đô)
Cũng theo tin của tờ Spiegel Online (2) hôm nay, thứ bảy, vào lúc
9:00 giờ sáng, phó thị trưởng Wu Guojie đã tuyên bố bãi bỏ chương trình
xây cất như dự tính để "tôn trọng ý chí của dân" trong một cuộc họp báo và lời tuyên bố này được đăng tải chính thức trên trang web của thành phố Heshan, Quảng đông.
Hình chụp: Dickson Lee
Tuy nhiên theo một người tham dự cuộc biểu tình đi từ quảng trường
Donghu tới toà thị chính, chính phủ có thể chỉ tuyên bố để làm dịu lòng
dân trong lúc đang sôi động: "Chúng tôi không tín nhiệm họ. Nhiều
nhân viên chính phủ tham nhũng và chỉ lo kiếm đủ tiền để chạy ra sống ở
ngọai quốc nên họ đâu cần để ý đến sự sống an toàn của người dân".
Một số phụ huynh đã đem theo các con em đi biểu tình: "nhân dịp
này tôi muốn giáo dục con trai tôi và thế hệ sau về sự nguy hại của
những dự án hạt nhân cho cuộc sống của con người và sự phát triển của
vùng châu thổ Châu Giang."
Dự án lò chế biến Uranium tại Jiangmen vì chỉ cách Hongkong và Macao
khoảng 100 cây số nên số lượng người biểu tình đến từ hai thành phố này
rất đông. Một sinh viên cho biết gia đình cô sống tại Jiangmen: "Tôi
biểu tình chống lại dự án nhà máy biến chế Uranium vì tôi muốn bảo vệ
cha mẹ và gia đình tôi không phải sống trong lo sợ hiểm họa phóng xạ".
Điều đáng ghi nhận, Hongkong và Macao là hai đặc khu hành chính (SAR
Special Administrative Regions), sau khi chấm dứt là thuộc địa của Anh
và Bồ Đào Nha vẫn duy trì hệ thống của họ với quyền tự chủ cao. Dân
chúng nơi đây đã và đang tiếp cận nhiều với các nước Âu Mỹ nên rất bén
nhậy với những tin tức liên quan đến tình hình môi sinh và dân quyền.
Hy vọng 4 triệu dân Việt tại hải ngoại tiếp nhận bài học của những
người dân Trung Hoa và đồng lòng lên tiếng chống lại những dự án điện
hạt nhân tắc trách tại Ninh Thuận để bảo vệ cha mẹ, gia đình, bạn bè nơi
quê nhà. (3)
Thục Quyên
____________________________________________________________