Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chủ thuyết Cộng Sản quả là một thảm họa đối với Việt Nam

Thiện Tùng
  Dân Luận
Những điệp khúc, nghe riết thuộc lòng: “Lấy học thuyết Max-Lénin làm kim chỉ Nam…", "Đảng CSVN là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam" v.v… Vì vậy, Đảng CS VN (mãi) là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và Xã hội VN. Trên những nẻo đường đất nước nhan nhản câu “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm!”.
Thói thường, Vua chúa ngày xưa cũng vậy, không riêng ở VN, những ai “anh minh”, vì lợi ích cộng đồng, không cần tự xưng, người dân cũng “tôn” cá nhân hay tổ chức ấy vào vai lãnh đạo. Còn muôn năm hay một năm… tùy thuộc hoàn toàn vào tài năng, đức độ của họ thể hiện trong thực tế.
Hồi còn rập rận, tôi thất kinh khi nghe họ nói “Việt Minh là Cộng sản, bắt người mổ ruột dồn trấu”. Nhưng sao tôi thấy họ bắt toàn là những người dễ thương, đáng kính rồi gán cho người ta cái tội làm “Cộng sản hay Việt Minh” gì đó. Thế mà, “Dầu ai nói ngữa nói nghiêng, lòng dân vẫn vững như kiềng ba chân”. Người quê tôi có thói quen nhận xét con người qua hành động chớ không chỉ ở lời nói, họ rạch ròi và đơn giản: Việt Minh là tốt, Việt Gian là xấu – đa phần họ ủng hộ Việt Minh.

Khi tạm đủ “trí khôn”, tôi tham gia kháng chiến, làm cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ do Hồ Chí Minh phát động. Tôi không phải chuyên gia bóp cò súng mà là chuyên gia đánh giặc miệng. Miệng của tôi luôn to nhỏ với những ai đối diện mình, xung quanh toa cơ bản “Hãy góp sức người sức của cho công cuộc kháng chiến giành độc lập cho đất nước, tự do… cho nhân dân”. Thật lòng, tôi có nghe nhưng không dám nói về Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản, do hiểu biết của mình về nó “chưa sạch nước cản” nên không dám bạo mồm bạo miệng. Hơn nữa, chủ nghĩa, chủ thuyết gì đó không thiết tực, xa vời, chỉ là cái bánh vẽ chưa biết ngon hay dở, sẽ thử nó sau..
Năm 1954, người ta lớn tuổi, có công cán nhiều được đi tập kết ra Bắc, còn tôi là nhóc con, công cán là bao, ở lại và được xem như cán bộ “nằm vùng”. Ông Ngô Đình Diệm gọi số cán bộ bộ nằm vùng nầy là những người “kháng chiến cũ”, là đối tượng số một của “Luật 10/59” của ông ta. Phía Cách mạng gọi số nầy là cán bộ “Mùa Đông”, còn số tập kết ra Bắc là cán bộ “Mùa Thu” cho phân biệt. Thế là tôi mút mùa kháng chiến đến 30/04/1975, tàn cuộc thương tích đầy người.
Tôi không phải là nhà Sử, chỉ là người có chuỗi ngày dài tham gia 2 cuộc chiến chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ. Biết rằng, nói những điều người ta đã biết là tra tấn dã man, nhưng vì muốn chứng minh “Chủ thuyết Cộng sản chẳng những không thành công mà còn gây ra bao thảm họa cho dân tộc Việt Nam”. Vì lẽ đó, bài viết nầy tôi chỉ phải lướt qua những điều mà người cao tuổi ít nhiều đã biết.
Khi cai trị Đông Dương (Việt, Miên, Lào), Pháp chia VN ta ra làm 3 miền Bắc, Trung, Nam, ách cai trị trên mỗi Miền khác nhau theo thỏa thuận giữa phía cai trị và bị trị. Đông Dương Pháp xem như 5 nước, thành lập “Toàn quyền Đông Dương”, họ phát hành giấy bạc L'indochine cho cả khu vục Đông Dương cùng sử dụng.
Khoảng đầu năm 1930, chủ thuyết Cộng sản du nhập vào VN. Dựa theo địa giới chia để trị của Pháp, ở mỗi Miền VN thành lập đảng riêng với những tên gọi khác nhau: Đảng CS Liên Đoàn, Đông Dương CS Đảng, An Nam CS Đảng, cùng dưới cờ hiệu Búa Liềm, cùng phản Đế, bài Phong.
Từ năm 1930 đến 1940, cố gắng lắm, cả nước tổ chức được 2 cuộc khởi nghĩa: “Xô Viết Nghệ Tĩnh” và “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” nhưng đều thất bại thảm hại.
Nguyễn Ái Quốc (Cụ Hồ) về Châu Á (Hồng Kông), triệu tập 3 Đảng ở 3 miền VN bàn thảo rồi sáp nhập 3 Đảng thành 1, với danh xưng Đảng CS Đông Dương. Đảng nầy hoạt động cũng không “ăn khách”.
Năm 1941 là phải, cụ Hồ chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ, dùng chủ thuyết Mác – Lê là phương tiện để thực hiện mục đích cách mạng Dân tộc Dân chủ. Nhân thời cơ trục phát xít Đức, Ý, Nhựt bị quân Đồng Minh đánh tan tác, nước Pháp rối loạn do cuộc chiến tranh nầy, Cụ Hồ kêu gọi toàn quốc khởi nghĩa thành công năm 1945, dựng lên thể chế mới với tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Ngay năm 1945, Nhựt chưa kịp rút quân, Pháp trở lai Đông Dương, đổ bộ lên Sài Gòn, bộ máy lãnh đạo Việt Minh ở Nam bộ, do Trần văn Giàu lãnh đạo đang đóng tại đây, họ quyết tử chiến giữ lấy Sài Gòn. Áp lực của quân Pháp quá mạnh, sau 25 ngày đêm, đến ngày 23/9/1945, họ rút tất lực lượng ra bưng biền thành lập những chiến khu kháng Pháp. Sau đó có bài hát “Mùa thu rồi ngày 23, ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”. Những năm về sau, Cụ Hồ thường nói “Miền Nam đi trước về sau”, ai đó đệm vào cho ướt át “bước đường Cách mạng dài lâu đã từng” có lẽ xuất phát từ đây.
Để có sự ủng hộ của nhân dân trong nước và cộng đồng thề giới tháng11/1945, về danh nghĩa Cụ Hồ tuyên bố giải tán Đảng CS Đông Dương, nhưng về thực chất đưa nó vào hoạt dộng bí mật.
Năm 1946, khi Pháp tái chiếm miền Bắc Việt Nam, Cụ Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Không còn con đường nào khác, lực lượng Cách mạng cả 3 Miền phải bám núi rừng, bưng biền, dựa vào dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Thế rồi, Cụ kêu gọi toàn dân dưới cờ đỏ sao vàng làm cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ . Để tạo sức mạnh toàn dân, toàn diện chống thực dân phong kiến, ngày 21/1/1946, cụ Hồ tuyên bố “tự do Tư tưởng và Tổ chức” (tức là đa nguyên Tư tưởng, Chính trị). Thế rồi, Đảng CS Đông Dương tái xuất với tên mới “Đảng Lao Động VN”. Sau đó, ở Bắc VN, “Đảng Dân Chủ” của giới tư sản yêu nước, Đảng Xã Hội Cấp Tiến” của giới trí thức yêu nước lần lượt ra đời; Ở Nam Việt Nam, các tổ chức giáo phái cũng lần lượt hình thành như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Thế là tất cả các tổ chức, đảng phái cùng nhân dân cả nước, dưới cờ đỏ sao vàng, chiến đấu vì mục tiêu chung “Giải phóng dân tộc”. Kháng chiến suốt 9 năm mang lại kết quả hai bên đàm phán ký kết hiệp định Genève 1954. Việt Nam tạm chia 2 miền, 2 năm sau hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Ở Bắc Việt Nam, Đảng Lao Động VN tái phát “bịnh Cộng sản”, bắt chước Trung quốc thực hiện “Chuyên chính vô sản”, tung ra câu “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, tiến hành cải tạo XHCN, phạm phải ít nhất 4 sai lầm lớn:
- Cải tạo Tư sản, làm tiêu tan động lực kinh tế.
- Cải cách ruộng đất, Tổ chức Đoàn, Đội đấu tố bừa bãi, ngoài hàng mấy trăm ngàn người bị giết, bị sỉ nhục còn làm cho lòng dân ly tán…
- Triệt tiêu “Nhân Văn Giai Phẩm”, thẳng tay trừng phạt giới Văn Nghệ chỉ vì họ muốn tự do sáng tạo, sáng tác, vượt khỏi khuôn khổ giáo điều…
- Trừng phạt “Những phần tử Xét lại chống Đảng”, xử tù và loại bỏ hàng ngàn cán bộ đảng viên, có cả cán bộ cao cấp, chỉ vì họ có ý kiến đề nghị Đảng thay đổi một số chủ trương chính sách quá khắc nghiệt, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Họ bị Đảng qui tội “mất lập trường giai cấp, xét lại chủ nghĩa Mác – Lê – Mao”.
Bốn sai lầm lớn nầy làm cho lòng dân Bắc Việt Nam ly tán, nội bộ đối kỵ nhau, kinh tế bị sụp đổ - Thủ tướng Phạm văn Đồng phải tất tả ngược xuôi các nước XHCN cầu viện, phụ thuộc ngày càng sâu vào các nước XHCN, mất đi tính độc lập. Thế mà Bắc VN bao giờ cũng cường điệu, làm thứ gì cũng vượt kế hoạch. Tôi còn nhớ đại khái câu nói của Thủ Tướng Phạm văn Đồng lúc bấy giờ: “Nói phét vừa vừa nó các cha, nói quá làm cho thằng già nầy khó ăn xin!”.
Ở Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại bằng cuộc “Trưng cầu dân ý” gian lận. Khi đắc cử, ông Diệm lấy cớ không phải là người ký hiệp định Genève để không phải thi hành nó. Ông Diệm nhanh chóng thiết lập thể chế Độc tài Gia đình trị ở Nam Việt Nam với quốc hiệu “Việt Nam Cộng hòa”, được Mỹ chống lưng. Như một quốc sách, anh em ông Diệm chủ trương “triêt tiêu các phe phái đối lập”, làm cuộc chiến đơn phương: truy sát những người kháng chiến cũ, dùng bạo lực khử đầu lĩnh Trịnh Minh Thế (Cao Đài); Lê Quang Vinh tự Ba Cụt (Hòa Hảo); Bảy Viễn (Bình Xuyên), rồi dùng áp lực tước khí giới, giải tán lực lượng vũ trang các giáo phái nầy, khiến số sót lại phải vào Đồng Tháp Mười thành lập Liên minh Giáo Phái mang tên “Cao Hòa Bình” thề tử chiến với anh em ông Diệm. Chưa hết, anh em ông Diệm còn phân biệt đối xử trong tôn giáo: Trọng Thiên Chúa giáo, miệt thị Cao Đài giáo, Hòa Hảo giáo, Phật giáo - đến mức Thích Quảng Đức tự thiêu. Ngoài ráo riết đôn quân bắt lính chuẩn bị Bắc tiến, anh em ông Diệm tiến hành “Bình định” bằng cách thành lập những “Khu trù mật”, “khu Dinh điền”, “khu Dân sinh”, “Ấp Chiến lược”để gom dân vào những nơi đó cho dễ cai quản…
Những việc làm của anh em ông Diệm khiến ”Trời sầu, đất thảm, nước khóc, sông buồn”, năm 1960, từ tỉnh Bến Tre rồi lan dần khắp cả Nam Việt Nam, nhân dân nổi dậy “Đồng khởi” chống chế độ độc tài gia đình tri Ngô Đình Diệm và can thiệp Mỹ. Theo phương châm “từ không đến có, từ có ít đến có nhiều”. Lực lượng nổi dậy liên minh với giáo phái “Cao Hòa Bình”, từng bước hình thành các tổ chức “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam”, “Mặt trận Liên minh các dân tộc vì hòa bình”, “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, ”Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam”. Xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân : Chủ lực quân, Địa phương quân, Du kích quân với tên gọi chung “Quân Giải phóng Miền Nam” - gọi tắt “Quân Giải Phóng”. Tất cả chiến đấu dưới kỳ hiệu “nửa đỏ, nửa xanh, ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa”. Phương thức chiến đấu “Hai chân, 3 mũi giáp công” – Hai chân là Chính trị, Vũ trang; Ba mũi giáp công là kết hợp Chính trị, Vũ trang , Binh vận... Thế là cuộc nội chiến song phương bắt đầu. Phía nổi dậy ngay từ đầu giành được lợi thế chính nghĩa, dầu khởi đầu còn yếu, nhưng “Đâu cần Nhân dân có, việc gì khó có Nhân dân” – người trẻ tuổi ra tiền phương cầm súng, cầm mã tấu…; người lớn tuổi ở lại hậu phương, ngoài lo cơm áo gạo tiền, còn phải đi đấu tranh chính trị, làm binh vận và lo chăm sóc thương bịnh binh, chôn cất chiến sĩ tử trận v.v... Thế là từ không đến có, từ có ít đến có nhiều. Đến năm 1964, sau những trận đọ sức: Ấp Bắc, Phước Thành, Bình Giả, Ba Gia, Dương Liễu, Đèo Nhông…, phần thắng nghiêng hẳn về Quân Giải Phóng. Để Việt Nam Công hòa khỏi sụp đổ, Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, bật đèn cho giới Quân nhân làm cuộc đảo chánh hạ sát hai anh em Diêm+Nhu, loại những người thuộc gia đình trị họ Ngô ra khỏi vũ đài chính trị, lập ra đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa - kỳ thực là chính quyền Quân sự, từ cấp Trung ương đếnTỉnh, Quận, Huyện đều do tướng tá cầm đầu, nạn tranh quyền, chia bè kéo cánh xuất hiện - khỏe thì đảo chánh chơi, mệt nghỉ.
Năm 1965, Mỹ và một số nước đồng minh của họ hộc tốc đổ quân vào Nam VN, khiến cho Bắc VN phải câu với các nước XHCN và công khai tuyên bố làm hậu phương lớn cho tiền tuyết lớn (Cách mạng Miền Nam).Thế là cuộc Nội chiến được thay bằng cuộc chiến “Ý thức hệ” giữa 2 phe XHCN và TBCN.
Vậy là cuộc chiến phải kéo dài, cường độ chiến tranh ngày một khốc liệt hơn. Nắm chính nghĩa trong tay, được nhân dân hậu thuẫn, Cách mạng Miền Nam đề ra phương châm chiến đấu “Dài hơi, không cụt hơi và không được hụt hơi”.
Cuộc chiến ngang ngữa, dằng dai suốt 8 năm (1965-1973), “Nai dạc móng Chó cũng le lưỡi”, 4 bên của 2 phe (Bắc VN + CP Cách mạng Miền Nam và Mỹ + VNCH) phải cùng ngồi vào bàn đàm phán và ký kết hiệp định Paris với những nội dung chính yếu: Ngừng bắn tại chỗ, Mỹ và chư hầu của họ rút quân, BắcVN ngưng chi viện cho Cách mạng Miền Nam, 2 phía Nam Việt Nam thương lượng tuyển cử làm tiền đề cho hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Có điều cần nói ngay ở đây: Phía VNCH bị Mỹ ép nên ký trong miễn cưỡng.
Cuộc chiến tranh ở Nam VN là cuộc chiến tranh “Cày răng lược”, ngừng bắn tại chỗ thì vùng chiếm đóng hai bên xen nhau với dạng “da beo”. Do bị ép, hiệp định ký chưa ráo mực, VNCH tranh tối tranh sáng hành quân lấn chiếm xóa “da beo”. Đáng ghi nhận là họ mở chiến dịch “Làm cỏ (rừng) U Minh”; lấn chiếm 17 xã vùng 20/7 ở tỉnh Mỹ Tho; lấn chiếm, đóng mới hơn 400 đồn bót ở tỉnh Bến Tre…. “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, cuộc nội chiến lần thứ hai lại bắt đầu. Quân giải phóng từ phản ứng tự vệ sang tấn công. Khi điều kiện và tương quan lực lượng cho phép, theo phương châm “Thần tốc tiến công, thời gian là lực lượng”, họ dùng tổng lực Nam Bắc tiến đến trung tâm Sài Gòn đúng giờ ngọ 30/04/1975 như mọi người đã biết.
Bịnh Cộng sản” lại tái phát bắt nguồn từ Đảng Lao động Việt Nam: Sau 30/4/1975, hầu như tất cả các vị chốp bu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “bỏ bót” vào Nam Việt Nam thị sát và bàn chuyện thống nhất đất nước. Ai cũng ngỡ rằng, việc thống nhứt đất nước sẽ được tổ chức rình rang, không ngờ, chỉ trong vòng 6 ngày từ 15 đến 21/11/1975, phái đoàn Đảng Lao động VN và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Nam gom 25 vị đầu lĩnh các tổ chức Cách mạng Miền Nam vang danh một thời vào dinh Gia Long họp kín, “tay vuốt tay véo” thế nào đó khiến họ phải “tự nguyện” sáp nhập 2 miền Nam Bắc không kèn không trống. Những tổ chức chính trị, vũ trang… vốn có ở Nam Việt Nam không hô mà nó phải biến vào những tổ chức sẵn có ở Bắc Việt Nam. Năm 1976, Đảng Lao Động Việt Nam mở Đại hội 4, quyết định đổi tên nước, tên Đảng – Từ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” thành “Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, từ “Đảng Lao động Việt Nam” thành “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Những người lãnh đạo Đảng CSVN “khéo léo thuyết phục” các đảng chiến hữu như: Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam, Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội Cấp Tiến “tự nguyện” giải tán, được xen như “cái chết tự chọn”, đảng viên các Đảng giải tán không còn cách nào khác đành “tự giác” nhập vào Đảng CSVN cho có “tụ”.
Đảng CSVN nhận lớp bước “Dân chủ” của cuộc Cách mạng “Dân tộc Dân chủ” đầy máu, nước mắt, mồ hôi của cả dân tộc suốt 35 năm (1940-1975), để cả nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH. Đảng CSVN nhanh chóng tổ chức bầu cử Quốc Hội chung cho cả nước theo thể thức “Đảng chọn Dân bầu”, rồi từ Quốc hội lập ra Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN VN, ghi vào đó nội dung: “Đảng CSVN là Đảng duy nhất, đại biểu quyền lợi cho giai cấp và dân tộc, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối Nhà nước và Xã hội Việt Nam…”. Quân đội và Công an Nhân dân từ lâu ghi “Trung với nước, hiếu với Dân” nay ghi trong Hiến pháp “Trung với Đảng hiếu với Dân”. Gắp rút xây dựng các tổ chức quần chúng của Đảng để hình thành hệ thống chính trị như kiềng 3 chân: Đảng + Nhà nước + Các tổ chức Quần chúng của Đảng. Thế là, Đảng CSVN đã tạo được cho mình thế đứng thượng phong, vững như bàn thạch, tự sướng “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.
Cũng giống như ở Bắc VN sau 1954, Đảng CSVN chủ trương cải tạo chính trị và kinh tế:
1- Tập trung cải tạo Ngụy quân, Ngụy quyền mang tên X.1: Gọi non nửa triệu Ngụy quân, Ngụy quyền tập trung theo từng tỉnh rồi phân loại đưa vào các trại cải tạo, thời gian cải tạo ngắn hay dài hạn tùy theo cấp chức.Việc làm nầy gây ngỡ ngàn không chỉ đối với những người “thua cuộc”, bỡi vì, trước khi kết thúc cuộc chiến, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra lời kêu gọi hai bên “hòa giải hòa hợp Dân tộc”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, vào những ngày cuối, hai bên tự giác tháo ngòi nổ, kết thúc cuộc chiến êm ái, trọn vẹn, chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn, mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Việc tập trung Ngụy quân, Ngụy quyền cải tạo làm cho người ta cảm thấy “bên thắng cuộc” ỷ quyền, cậy thế và bội ước, gây thù chuốc oán không cần thiết.
2- Mở chiến dịch mang tên X.2 loại bỏ Tư sản mại bản: Những nhà Tư sản có quan hệ làm ăn với nước ngoài hay dính líu với chế độ cũ (VNCH) đều bị tịch thu nhà cửa và mọi tài sản khác, đưa đi vùng kinh tế mới đầy khắc nghiệt.
3- Cải tạo Công, thương nghiệp và dịch vụ: Mọi cơ sở Công nghiệp, Thương nghiệp và dịch vụ, nếu không “hiến” cho Nhà nước thì bị quốc hữu hóa, tập thể hóa, ai chống lại bị trừng phạt không nương tay. Chỉ trong thới gian ngắn, hai hình thức kinh tế Quóc doanh và Tập thể chiếm toàn bộ thị phần.
4- Cải tạo Nông nghiệp: Cùng một lúc tiến hành cải tạo Nông nghiệp theo hình thức “Hợp tác xã” trên toàn cõi Nam Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam), tỉnh Tiền Giang làm trước một bước - làm theo mẫu Bắc. Nông dân phản ứng “không chừa cặn”,gần như tử thủ, nhiều đảng viên do dự bị khai trừ. Sau thời gian hơn một năm, Trung ương chỉ đạo tỉnh Tiền Giang mở hội nghị tổng kết, ngoài những đoàn của các địa phương, có Báo giới, Văn giới và 6 vị trong trung ương Đảng về đây tụ hội. Làm chẳng ra hồn, nhưng tổng kết nghe cũng khá, pháo tay nổ giòn. Sau hội nghị nầy “đứa con” nào sinh trước chết trước, sinh sau chết sau – không bao lâu chúng chết phủi tay!.
Chủ trương “Cải tạo XHCN” làm cho kinh tế Nam VN rơi vào cảnh khốn cùng, lòng người, kể cả cán bô, hoang mang tột độ, hàng triệu người liều chết tìm cách vượt biên tha phương cầu thực, những người ở lại lâm vào cảnh sống dở chết dở, đến mức phải nhập thức ăn gia súc (bo bo) để cho người cầm hơi v.v... Đúng là cái bánh vẽ Chủ thuyết CS quảng cáo rất ngon, khi ăn vào mới biết nó có quá nhiều cát sạn, nuốt ẩu hư dạ dày.
Những cán bộ cao cấp thức thời, có tâm huyết như Trần văn Trà, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Trấn, Trần Độ, Trần Xuân Bách… công khai đòi phải có sự thay đổi. Tất cả họ đều bị xem là “mất lập trường giai cấp”, là “những phần tử xét lại chống Đảng”, cho ra rìa. Một số cán bộ cấp tiến khác ở Nam VN âm thầm “xé rào” như Võ văn Kiệt, Phạm Hùng, Nguyễn văn Chính (Chín Cần), Lê Phước Thọ (Sáu Hậu),Nguyễn Thành Thơ, Tư Giao… chẳng hạn. Nhờ xé rào, từng bước khôi phục tiểu, thủ công nghiệp, phát triển nông nghiệp, bãi bỏ cấm chợ ngăn sông bằng cách giải tán các trạm kiểm soát trên các trục giao thông thủy bộ… Chính từ đó, hàng hóa lưu thông dễ dàng, Công nghiệp và Nông nghiệp trở thành thị trường của nhau… giải quyết được một phần khó khăn, nhất là về lương thực, thực phảm và hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Chịu không nổi sức ép, mãi đến Đại hội 6 (1986), Đảng CSVN mới chấp nhận đổi mới kinh tế từ Tập trung sang Thị trường. Dầu đổi mới chưa triệt để, đất nước tạm thời thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, dân chúng mỉm cười. Chưa chi, Đảng CSVN tự vinh danh “Nhờ Đảng sáng suốt đổi mới, cởi trói”. Người ta lấy làm lạ, Nam VN vốn là kinh tế thị trường, Đảng CS chê, tiến hành cải tạo XHCN, làm “hư bột hư đường”, buộc phải trở lại kinh tế thị trường rồi gọi là “đổi mới” – “đổi cũ” mới đúng chớ? Đảng trói, Đảng mở, nếu không tính tội gây khốn khổ cho nhân dân, trì trệ trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước suốt 10 năm (1976-1986), thì làm gì Đảng được tính công trong vụ nầy? Tự vinh danh như thế ứng với câu từ miệng dân gian: “Mất mùa đổ tại thiên tai, được mùa do bởi thiên tài Đảng ta”.
Theo tôi, sự trì trệ về nhiều mặt hiện nay là do chưa đồng bộ về kinh tế và chính trị, trái với nguyên lý: “Tồn tại quyết định ý thức”, nói cách khác “Hạ tầng quyết định thượng tầng”- Hạ tầng là kinh tế thị trường (chia) thì thượng tầng không thể là Chủ nghĩa Cộng sản (cộng) - phải là Chủ nghĩa Tư bản mới đồng bộ.”Treo đầu Dê bán thịt Chó” đang là một thực trạng của nước Việt Nam ta hiện nay?!
Nếu những điều tôi vừa kể trên không ngoài sự thật thì sẽ cho ta bốn kết luận:
1 - Không thể đơn giản là học thuyết Cộng sản không thành công ở Việt Nam, mà phải nói thêm rằng, những người (không phải tất cả) có đầu óc Cộng sản, trong Đảng Lao động Việt Nam trước đây và Đảng CSVN sau nầy, quá đam mê và kiên trì vận dụng học thuyết Cộng sản, đã phạm phải quá nhiều sai lầm, chẳng những hại chết và làm ngất ngư biết bao sinh linh mà còn làm cho nước Việt Nam ta nhiều mặt tụt hậu.
2 - Trong chiến tranh, Việt Nam chỉ thành công trong những thời đoạn giương cao ngọn cờ dân tộc với thể chế chính trị đa nguyên - Độc tài gia đình trị hay độc tài Đảng trị theo kiểu chuyên chế đều gây thảm họa cho đất nước, và dân tộc.
3 - Nếu tính công không trừ tội, Đảng Lao động Việt Nam cũng chỉ là một đảng chính trị, một thành viên tham chiến bình thường như những đảng và tổ chức chính trị khác, có gì đặc biệt đâu mà thay phiên nhau tự vinh danh công trạng theo kiểu “ăn mày dĩ vãng” để giành quyền thống trị đất nước??! (1)
4 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1976 (sau kháng chiến), nó là một tổ chức úp bộ, là nơi hội tụ của cả 4 đảng chính trị: Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Dân Chủ Việt Nam, Đảng Xã Hội Cấp Tiến Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam (2) . Đảng Nhân dân CM MN, Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội nặng về dân tộc, nhẹ về giai cấp. Do cấu tạo thành phần như thế, Đảng CSVN chứa đựng ít nhất 2 khuynh hướng: Theo chủ nghĩa Cộng sản và theo chủ nghĩa dân tộc. Do đó, nội bộ Đảng CSVN luôn “cắn đắn” với nhau về thể chế chính trị, về đường lối, chính sách… là lẽ tất nhiên.
Bài viết nầy đoán chắc Đảng CSVN khó hài lòng, nhưng biết sao bây giờ, nếu tôi nói khác đi thì sự việc đâu còn là sự thật??! – hãy thông cảm cho tôi.
Và, bài viết nầy chắc chắn làm phiền lòng những người đã biết, nhưng chắc nó làm hài lòng phần nào đối với những người chưa biết hoặc biết chưa đày đủ về những sự kiện quá phức tạp xảy ra trong một giai đoạn lịch sử ở Việt Nam ta.
15/07/2013
T.T
______________________
(1) Ngoài thương binh, hãy nhìn vào các nghĩa trang liệt sĩ, biết bao bộ hài cốt đươc qui tập về đây, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam chỉ chiếm một phần quá nhỏ.
(2) - Riêng Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam góp “phần hùn” vào Đảng CSVN khoảng 500 ngàn đảng viên, họ là “gạo cội”của lực lượng kháng chiến ở Nam Việt Nam trong những năm 1960-1975 - là đảng trẻ nhất trong thời chiến, nay phần lớn đảng viên đã về hưu.
- Ai vào Đảng bất kỳ từ năm 1952 đến 1976 không rặt là Cộng sản. Ai vào Đảng CSVN từ năm 1976 tới nay, dầu mang danh Cộng sản thứ thiệt, họ chỉ thiết tìền và quyền chớ không thiết gì về Chủ nghĩa Cộng sản. Nếu không có gì thay đổi, với cái đà nầy, khoảng một thập niên nữa thôi, Đảng CSVN sẽ có đội ngũ đảng viên “rặt Cộng sản”- chuyên nghề gom tài sản thiên hạ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"