Tư Chợ Trời
Theo Yume
Cảnh trong phim Bụi Đời Chợ Lớn
Sáng nay Tư Chợ Trời tui gặp Năm Đầu Bạc tại quán cà phê vỉa hè, chưa kịp chào hỏi thì Năm Đầu Bạc đã tíu tít:
- Làm gì biến mất lâu vậy ông?cũng không thấy viết lách gì trên YuMe
nữa hả. Dạo này thấy um sùm cái vụ phim Bụi Đời Chợ Lớn bị cấm chiếu,
nghe nói sáng nay bản nháp bị tung lên mạng. Bà con vào xem ầm ầm rồi
"còm "như mưa. Ông có theo dõi vụ này không?
- Lâu nay nản quá không hứng thú viết bài, nhưng nhân cái vụ này thì cũng muốn viết một bài góp gió với bà con cho vui
- Vậy hả? ông sẽ viết về chuyện này như thế nào?
- À! bài này có tựa là: Bụi Đời Chợ Lớn và hội chứng sân khấu hóa cuộc đời.
- Chà! Sao nghe rối rắm quá. Phim là phim, gì mà hội chứng sân khấu hóa cuộc đời là sao?
- Sở dĩ phải nói dài dòng như vậy mới giải thích được những tranh
cãi phản bác, bênh vực bộ phim BĐCL. Ông thấy đó! kẻ khen người chê,
người bảo cấm là vô lý, kẻ bảo nên cấm. Nhà sản xuất viện dẫn luật lệ và
nói mình không vi phạm gì. Bộ văn hóa thì cho rằng phim quá bạo lực ảnh
hưởng xấu đến công chúng nên cấm. Nhìn ở từng góc độ thấy ai cũng có
lí, bởi vậy mà dư luận cứ nhặng xị lên khiến mọi người thấy rối như mớ
bòng bong.
- Theo quan điểm của ông thì chuyện này như thế nào?
- Nói chính xác thì không phải là quan điểm mà là một cái nhìn khách
quan trong mối tương quan với các nền điện ảnh khác trong thời đại toàn
cầu hóa hiện nay
- Hừm! Nghe sao vấn đề có vẻ to tát quá vậy?
- Đúng vậy! Việc này đụng chạm đến một vấn đề nằm sâu trong tâm thức
người Việt. Đa số chúng ta thường không phân biệt đâu là ranh giới giữa
sân khấu và cuộc đời, giữa hư cấu và hiện thực. Phần đông mọi người
đang sống, làm việc, vui chơi... như đang diễn trên một thứ sân khấu vô
hình. Ông thử lỡ dại viết một bài thơ hay câu truyện mà tên nhân vật
trùng với ai đó xem, thế nào cũng gặp rắc rối. Họ sẽ cho rằng ông ám chỉ
đến họ dù ông có thanh minh đó chỉ là hư cấu. Tôi nhớ hồi năm 1977 hãng
phim truyện Việt Nam làm bộ phim có tựa là "Chuyến Xe Bão Táp" phản ánh
thói quan liêu vô trách nhiệm của một vài nhân viên của hãng xe đò nhà
nước. Sau đó Cục Điện Ảnh bị công ty vận tải nhà nước khởi kiện vì cho
rằng bộ phim có ý nói xấu công ty vận tải mặc cho mọi người có giải
thích thế nào chăng nữa. Còn ai cũng biết ngày xưa sĩ tử đi thi chỉ cần
phạm húy là coi như toi công học hành thi cử, có khi còn bị kết tội khi
quân.
- Chà! Chuyện này nghe thú vị đây, ông bảo là "sân khấu hóa cuộc đời" còn tui thích cho là "cuộc đời hóa sân khấu" hơn
- Thì cũng như nhau cả thôi. Ông nghĩ xem, người ta sống mà như đang
đóng kịch, lúc nào cũng có cảm giác là người khác đang nhìn vào mình.
Chuyện trò, hội họp, trà dư tửu hậu cũng ít ai dám bày tỏ thật lòng vì
sợ đụng chạm người khác, các kịch sĩ đại tài vẫn nhan nhản khắp nơi,
người sống thật ngày càng ít đi. Và bởi vì đóng kịch nhiều quá nên mới
lẫn lộn giữa sân khấu và đời thực là vậy.
- Ha ha !đúng vậy, nhưng phim Bụi Đời Chợ Lớn thì nằm ở đâu giữa hai khái niệm này?
- Bộ phim này cũng chỉ là một bộ phim giải trí đánh đấm kiểu Hồng
Kông mà Việt Nam lâu nay vẫn chiếu nhan nhản trên ti vi, rạp hát. Đến
một đứa con nít cũng biết điều đó. Lẽ ra chỉ cần vài bài phê bình nội
dung phim trên các báo là đủ. Người xem phim ngày nay đâu phải ngây thơ
tin vào những câu chuyện đâm chém vớ vẫn nào đó. Cũng như phim ảnh Mỹ,
lúc nào cũng thấy bắn giết, cháy nổ, đâm xe. Nhưng ông cứ thử qua Mỹ
uống rượu lái xe quá tốc độ xem cảnh sát có còng tay ông tống vào nhà
giam không thì biết.
- Vậy tại sao lại cấm chiếu Bụi Đời Chợ Lớn ?
- Bởi nhiều lí do, cái chuyện bạo lực chỉ là một cái cớ khá chính
đáng để tuyên bố với công chúng nhưng có lẽ cái lí do chính là phim Bụi
Đời Chợ Lớn đã làm tổn thương đến nhiều quan chức trong các ngành quản
lí nghệ thuật và các nhà làm phim mà lâu nay họ vẫn tự hào là "Điện Ảnh
nghệ thuật". Bộ phim hư cấu kia không còn là một sản phẩm giải trí đơn
thuần nữa. Sự cấm chiếu đã biến bộ phim vô thưởng vô phạt thành một câu
chuyện cuộc đời với đầy đủ các màn kịch với sự tham gia bình phẩm của
hàng triệu người
- Tui vẫn chưa hiểu rõ tại sao lại tổn thương đến các nhà làm phim" chính thống"?
- À! vì các nhà làm phim Bụi Đời Chợ Lớn không giả vờ tuyên bố là
làm một bộ phim nghệ thuật sâu sắc gì cả mà chỉ làm phim thương mại
trong khi có những nhà làm phim "chính thống" cũng tiêu tốn bạc tỉ của
nhân dân mà chẳng mang lại tích sự gì. Nhiều người trong số họ lẫn lộn
giữa hiện thực và sân khấu và họ cảm thấy khó chịu với cái cách làm phim
thương mại có hiệu quả kinh tế của ê kíp phim Bụi Đời Chợ Lớn
- Ông nói rõ hơn một chút coi
- Họ cho rằng phim của họ luôn phản ánh hiện thực xã hội nhưng cái
hiện thực trong phim của họ không thuyết phục được người xem. Vì vậy
khán giả quay lại ủng hộ những phim giải trí đơn thuần kiểu Bụi Đời Chợ
Lớn cho đỡ nhức đầu, đó chỉ là một phản ứng tự nhiên của công chúng khi
không có nhiều sự lựa chọn. Nếu có một bộ phim nghệ thuật nghiêm túc hấp
dẫn, khán giả vẫn nô nức đi xem như thường. Công chúng là người rất
công bằng.
- Ông làm tui nhớ cái vụ mang bộ phim "Mùi Cỏ Cháy" đi dự giải Oscar
- Đấy! đó là một thí dụ của việc sân khấu hóa cuộc đời, hiện thực
ngày nay đã không còn như xưa, nó phải được nhìn nhận và thể hiện dưới
một góc độ mới. Cái thời lãng mạn cách mạng đã qua rồi nhưng những nhà
làm phim "chính thống "vẫn cố bám lấy cái hình tượng sân khấu cũ mèm và
gọi đó là hiện thực. Kì thực là chính họ đã mang cái hội chứng mà tui
gọi là "sân khấu hóa cuộc đời"hay "cuộc đời hóa sân khấu". Và vì lẫn lộn
như vậy nên có chuyện quy chụp, áp đặt những thứ tội lỗi lên phim Bụi
Đời Chợ Lớn. Ông cứ thử hình dung phim BĐCL cũng với nội dung, hình thức
đó nhưng nếu câu chuyện ở bối cảnh nước khác thì chắc chắn sẽ được
chiếu mà không hề có sự phê phán nào. Cái tội của nó là kể câu chuyện ở
Việt Nam và người Việt mình như tôi đã nói ở trên là hay lẫn lộn giữa
cuộc đời và sân khấu. Hệ quy chiếu văn hóa xã hội khiến cá nhân cảm thấy
mình được đề cao hay bị xúc phạm trong một tác phẩm nghệ thuật nào đó.
- Trời đất! nếu nước nào cũng giống mình thì còn gì điện ảnh để xem
nữa. Xem điện ảnh nước ngoài thì thấy đôi khi cả tổng thống cũng bị điện
ảnh biến thành tên hề huống chi là người khác, thế mà cũng chiếu ầm ầm
đó thôi.
- Bởi vì họ không lẫn lộn giữa sân khấu và cuộc đời. Nếu anh vu cáo
một người trên báo chí hoặc phương tiện truyền thông anh có thể bị kiện
hoặc đi tù, còn sân khấu là chỗ hư cấu của trí tưởng tượng, nó được
quyền sáng tạo tác phẩm miễn là không vi phạm luật pháp và người xem
cũng thừa biết đó là sự bịa đặt, hư cấu. Nghệ thuật nằm ở chỗ câu chuyện
bịa đặt đó có hấp dẫn hay không?
- Chuyện này làm tui nhớ cái trò đô vật (wresling) của Mỹ. Chỉ toàn
đánh cuội nhưng người xem cũng hò hét um sùm như thật. Có một sự thỏa
hiệp ngấm ngầm của người xem và những võ sĩ như một qui ước. Người ta
mặc nhiên xem đó là một trò vui để tiêu khiển, xả stress, chẳng chết ai,
mọi người đều vui. Võ sĩ có thu nhập, ban tổ chức thu được tiền bán vé,
nhà nước thu thuế.
- Hà, đúng vậy! phim ảnh nếu hiểu ở góc độ nào đó thì cũng giống trò
đô vật vậy. Chỉ là chuyện "đánh cuội", máu me chỉ là thuốc đỏ. Ông có
xem trailer phim Bụi Đời Chợ Lớn không ?bà con đứng chật hai bên đường
thích thú xem ê kíp làm phim, cười nói rôm rả. Mới hôm qua người bạn tui
cho xem một bộ phim của Mỹ. Trong phim khủng bố Bắc Triều Tiên tấn công
Nhà Trắng bắt sống tổng thống Mỹ, máy bay quần trên bầu trời thủ đô bắn
chết vô số đặc vụ của Nhà Trắng. Ai xem phim này cũng phì cười vì cái
sự nhảm nhí của nó nhưng quả thật là nó rất hấp dẫn về mặt giải trí, thế
thôi.
- Vậy là cũng tại cái văn hóa "sân khấu hóa cuộc đời " của mình mà mọi thứ trở nên nghiêm trọng như vậy?
- Chứ sao, bởi vậy mà ngày nay người ta mới đóng kịch nhiều, lỡ dại
mà nói thẳng nói thật thì dễ vạ vào thân. Để tui kể ông nghe chuyện này
của tui thật 100%. Số là hồi tui còn làm thiết kế trang trí tui cũng hay
gặp gỡ nhiều người. Hôm nọ đi làm việc, gặp khách hàng là một bà cũng
cỡ 50 gương mặt rất giống diễn viên Mỹ Chi. Sau khi bàn công việc xong
tui muốn lấy lòng bả nên khen bả giống Mỹ Chi, ai ngời bả nổi cáu mắng
tui xối xả. Sau đó tui mới biết là bả rất ghét diễn viên Mỹ Chi, thế là
cái hợp đồng của tui cũng toi luôn.
- Ha ha! thế mới biết là ở xứ mình không có ranh giới giữa cuộc đời
và sân khấu. Chắc mấy ông làm phim Bụi Đời Chợ Lớn hiểu điều này thì
cũng đã muộn rồi
- Đúng vậy!