Những người khốn khổ của Bảo Việt Bank
Dân Luận: Chúng tôi đang yêu cầu nhóm tác giả bài viết cung cấp thêm các chứng cớ liên quan đến sự việc này. Cho tới khi có các chứng cớ đầy đủ hơn thì xin độc giả tham khảo với sự dè dặt cần thiết.
Như chúng tôi đã trình bày trong bài số 1 “Đang có âm mưu thâu tóm Ngân hàng Bảo Việt của giới Mafia Tài chính Hà Nội”, âm mưu thâu tóm Ngân hàng Bảo Việt của nhóm Mafia tài chính Hà Nội bắt đầu bộc lộ công khai ngay sau khi “kết thúc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội” và ngày mà bà Nguyễn Thị Phúc Lâm nhận quyết định về hưu từ 1/6/2013 (theo nghị quyết số 05/2013/NQ). Với tỷ lệ chiếm giữ 70.91% của Bộ Tài chính trong Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Việt, một “đại ca” dấu mặt của Bộ Tài chính đã dùng tỉ lệ này để gây áp lực đưa Trần Trọng Phúc nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Tập đoàn Bảo Việt và mạnh tay chi phối để điều khiển tập đoàn này theo ý đồ riêng, điều mà “đại ca” này quyết tâm thực hiện là chiếm đoạt Ngân hàng Bảo Việt làm của riêng cùng với nhóm Mafia tài chính mà ông ta là người điều khiển trực tiếp. Ngay khi lên cương vị “sếp tổng” tập đoàn, Trần Trọng Phúc theo chỉ thị của “đại ca” lập tức lôi kéo thêm Dương Đức Chuyển cũng là thành viên HĐQT Ngân hàng Bảo Việt vào phe cánh của mình. Phúc và Chuyển đã trở thành “tay trong” để thực hiện mưu đồ chiếm đoạt Bảo Việt Bank của vị “đại ca” với lời hứa “Thực lực của bọn anh thì các chú đã biết rồi, hãy yên tâm, các chú sẽ không mất phần đâu”.
Từ câu chuyện “Quan làm báo”, vị đại ca dấu mặt kia đã biết thế nào là “sức mạnh truyền thông”, nhưng để đạt được mục đích, cần một phương tiện truyền thông chính thống, có sức ảnh hưởng, và tờ Vietnamnet được ông ta nhắm tới và đặt vấn đề với “ông chủ” của mình. Một ngày đẹp trời cuối tháng 5/2013, ngài Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son được triệu tập đến gặp một ông “rất to”, ông ta nói thẳng: “Cậu sắp phải về rồi, có dự tính gì không?”, được lời như cởi tấm lòng, Bắc Son trả lời: “Em vẫn ao ước được tiếp tục làm gì đó cho dân, cho nước, nhưng không biết thế nào”. Ông “rất to” bảo: “Hội nghị 8 sắp đến, anh sẽ giới thiệu chú vào, còn thiếu một suất, chú biết rồi?!?”. Bắc Son mừng rơn “Được vậy thì em đội ơn anh lắm!”. Ông “rất to” phán : “Thế tốt rồi”, tiếp đó, ông “rất to” chỉ vị “đại ca” kia và nói: “Nó là em anh, nó có việc cần nhờ Vietnamnet, chú chỉ đạo sát sao vào nhé.”. Không biết tiếp đó họ bàn tính những gì mà ngay sau khi ra về, Bắc Son đã gọi ngay Lê Thành Hưng, Phạm Anh Tuấn (Phó Tổng Biên tập Vietnamnet) lên bàn chuyện để chuẩn bị cho chiến dịch truyền thông theo ý của “đại ca”. Phạm Anh Tuấn sướng rơn khi được Bắc Son chuyển điện thoại để “ông anh rất to” khích lệ tinh thần, hứa sẽ lo cho chu đáo sau phi vụ này.
Ngày 25/6/2013, một cuộc “họp khẩn” đã được vị “đại ca” triệu tập tại “căn cứ” Đông Anh, Hà Nội gồm: Trần Trọng Phúc, Dương Đức Chuyển, Nguyễn Bắc Son, Lê Thành Hưng và Phạm Anh Tuấn. Vị “đại ca” cho biết: “Thời cơ đã chín rồi, hôm 17/5 thằng Long đã bị CA Hà Nội bắt, nghe nói có liên quan đến ngân hàng Bảo Việt, như đã tâm sự với mấy anh, mục tiêu của ông anh (ý nói ông “rất to”) là phải đuổi bằng được mấy đứa cứng đầu như thằng Tuấn (Nguyễn Hồng Tuấn – Tổng giám đốc BVB), thằng Hưng (Lê Trung Hưng – Phó chủ tịch BVB), mấy anh làm sao giải bài toán này cho gọn, ông anh mình không muốn lùm xùm!”. Thế là Phúc, Chuyển có nhiệm vụ soát xét lại hồ sơ liên quan đến các khoản vay của Vĩnh Hưng tại Ngân hàng Bảo Việt, thậm chí còn lôi cả gia phả của các ông Nguyễn Hồng Tuấn (Tổng Giám đốc Bảo Việt Bank) và Lê Trung Hưng (Phó Chủ tịch HĐQT) ra để “nghiên cứu” và chuyển cho Phạm Anh Tuấn. Núp dưới danh nghĩa “nhóm phóng viên điều tra”, Phạm Anh Tuấn gấp rút thành lập gồm Tuấn và cô em sinh năm 1987 Ngô Thị Thu Lý – Phụ trách chuyên trang Bất động sản của Vietnamnet. “Đại ca” cũng nhắc nhở: “Các anh làm việc nhà nước thì phải hiểu, đầu tiên phải gửi công văn đến các nơi rồi hãy làm”. Phúc và Chuyển lập tức “chấp bút” công văn “Đề nghị điều tra, làm rõ dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng” chuyển cho Phạm Anh Tuấn ký tên và đóng dấu tòa soạn gửi cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính, Ban Kinh tế, Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra và hàng chục cơ quan khác ngay trong ngày Chủ nhật 30/6/2013!!!
Với đầy đủ tư liệu “quý giá” được “xì” ra từ Phúc, Chuyển, hai con “sâu đen” Phạm Anh Tuấn và Ngô Thị Thu Lý đã uốn cong ngòi bút và xào nấu lên loạt phóng sự “nóng phỏng tay” khiến Bùi Sỹ Hoa (vị Tổng Biên tập “bù nhìn” của Vietnamnet) cũng phải khiếp đảm và yêu cầu chỉnh sửa lại cho nhẹ bớt nhưng Tuấn nói thẳng: Anh yên tâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang rất quyết tâm làm vụ này?! ta đã được bật đèn xanh, anh Son, anh Hưng (Thứ trưởng 4T) chỉ đạo làm quyết liệt để đưa vụ này ra công luận!. Thế là vụ Vĩnh Hưng trở thành cái cớ “tuyệt diệu” để “Nhóm phóng viên điều tra” tiến hành “hạ nhục” Ngân hàng Bảo Việt và ông Phó chủ tịch Lê Trung Hưng, số phận ông Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Tuấn cũng chẳng tươi sáng gì hơn khi nhóm Mafia tài chính có sự “đỡ đầu chính trị” thẳng tay trừng trị trong thời gian tới, chí ít thì 2 vị này có thể cũng phải khăn gói ra đi trong niềm tiếc hận.
Chưa rõ loạt bài trên Vietnamnet gây ra cơn “địa chấn truyền thông” cỡ nào nhưng hàng loạt cổ đông của Ngân hàng Bảo Việt và các tập đoàn sở hữu (Bảo Việt, CMC, Vinamilk) đã bán đổ bán tháo số lượng cổ phiếu cực lớn với giá “bèo” cho những người mua không rõ nguồn gốc. Tất nhiên trong đó phải kể đến công lao “rỉ tai” tích cực của Trần Trọng Phúc và Dương Đức Chuyển cùng lũ đàn em trong Bảo Việt Bank và Tập đoàn Bảo Việt. Hơn nửa tháng qua, nhóm Mafia tài chính đứng đầu bởi vị đại ca này đã thâu tóm đến trên 50% cổ phần của Ngân hàng Bảo Việt với giá “rẻ hơn bèo”.
Vị đại ca đáng sợ kia là ai? Nhóm Mafia tài chính đứng trong bóng tối điều khiển cuộc thâu tóm này ngoài ông ta còn những ai? Vị Chính trị gia “rất to” – ông chủ của nhóm Mafia này là ai? Chúng tôi sẽ lần lượt giải đáp những câu hỏi này trong những bài viết tới.
Những người khốn khổ của Bảo Việt Bank