Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Đang có âm mưu thâu tóm ngân hàng Bảo Việt của giới Mafia Tài chính Hà Nội (1)

Những người khốn khổ của Bảo Việt Bank

Dân Luận

Phần 1: Đang có âm mưu thâu tóm ngân hàng Bảo Việt của giới Mafia Tài chính Hà Nội
Từ đầu năm 2013, đội ngũ cán bộ nhân viên của Ngân hàng Bảo Việt rúng động trước thông tin có nhiều “đại ca” giấu mặt âm thầm tung tiền thâu tóm, muốn cướp không Ngân hàng Bảo Việt, tiếp tay với nhóm này còn có nhiều “tay trong” là lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt (tập đoàn mẹ của Ngân hàng Bảo Việt). Đặc biệt là ngay sau khi bà Nguyễn Thị Phúc Lâm ngừng chức Chủ tịch HĐQT, thời cơ của nhóm Mafia tài chính đã đến, chúng chú trọng phân hoá lãnh đạo Ngân hàng Bảo Việt, và đúng như “kịch bản”, thành phần lãnh đạo Ngân hàng Bảo Việt bị phân hóa nội bộ sâu sắc, đến nay, cuộc chiến vẫn đang rất khốc liệt giữa một bên là thành phần lãnh đạo đã “bán thân” cho lực lượng mafia thâu tóm và muốn xoá sổ Bảo Việt, và một bên là nhóm lãnh đạo muốn giữ lại thương hiệu Ngân hàng Bảo Việt.
Trên thực tế, việc kinh doanh của Ngân hàng Bảo Việt vẫn đang rất thuận lợi, bất chấp ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu và tình hình kinh tế trong nước cũng như nguy cơ phá sản hoặc phải sát nhập của hàng loạt các ngân hàng khác.

kqkd-2012.jpg
Trong khi nhiều ngân hàng khác lỗ nặng, Bảo Việt Bank vẫn đạt mức tổng lợi nhuận trước thuế 121.5 tỷ đồng (trích báo cáo kết quả kinh doanh 2012 – nguồn: CafeF)

Âm mưu thâu tóm Bảo Việt thực ra đã manh nha từ rất lâu, nhóm Mafia tài chính đã lần lượt nấp dưới nhiều danh nghĩa cùng với những “tay trong” gồm một số lãnh đạo biến chất của tập đoàn Bảo Việt đã “làm giá” để thu gom cổ phiếu Bảo Việt Bank với giá “bèo”; lần lượt các lượng cổ phiếu lớn của Tập đoàn Bảo Việt (đang sở hữu 52% BVBank), Công ty Cổ phần Tập đoàn CMC (đang sở hữu 7.65% BVB), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (đang sở hữu 7.65% BVB) và các cổ đông độc lập đã bị nắm giữ bởi thành phần Mafia tài chính Hà Nội.
Thủ đoạn thâu tóm của giới Mafia tài chính Hà Nội
Bảo Việt Bank là ngân hàng dù có tỷ lệ nợ xấu khá cao (5.94% tính đến cuối 2012) nhưng không nằm trong nhóm các ngân hàng thuộc diện bắt buộc phải tái cơ cấu theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên đây không phải vấn đề lớn, bắt đầu từ quý 2/2013, sau khi bà Nguyễn Thị Phúc Lâm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bảo Việt nghỉ hưu, giới Mafia Hà Nội bắt đầu thể hiện rõ mưu đồ thâu tóm bằng nhiều thủ đoạn và nhiều thành phần tham gia gồm: Xã hội đen – Truyền thông – Mafia tài chính – Tay trong và Chính trị gia.
Phát pháo đầu tiên là chúng dùng truyền thông làm “tiên quân”, tờ báo điện tử Vietnamnet đóng vai trò tiên phong với loạt bài viết đánh Ngân hàng Bảo Việt bắt đầu từ câu chuyện ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng bị bắt. Thực tế trong câu chuyện này, Ngân hàng Bảo Việt là nạn nhân nhưng bằng ngòi bút “sắc bén” của “Nhóm phóng viên điều tra(thực chất là không có “nhóm phóng viên điều tra” nào hết, chỉ có hai con sâu đen của tờ báo mạng Vietnamnet là Phạm Anh Tuấn - Phó TBT và người giúp sức là Ngô thị Thu Lý – phụ trách chuyên trang batdongsan mà thôi, chúng tôi sẽ vạch trần trong những bài sau), dưới cái mác “nhóm phóng viên điều tra”, Phạm Anh Tuấn đã dựng lên câu chuyện bê bối trong việc quản lý điều hành nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, và quan trọng nhất là hạ giá cổ phiếu Ngân hàng Bảo Việt nhằm giúp sức cho lực lượng thâu tóm đi thu gom. Các “phóng viên điều tra” nhai đi nhai lại tiêu chí của Bảo Việt Bank: “Bảo Việt Bank - Ưu đãi cho vay thỏa sức tiêu dùng” kèm theo dấu “?” to tướng để chế diễu, thậm chí còn lôi cả bản tự khai lý lịch cá nhân của ông Lê Trung Hưng tại Tập đoàn Bảo Việt và so sánh khiên cưỡng với vụ việc bà Đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm Đặng Thị Hoàng Yến với mục tiêu “đuổi” ông này khỏi ngân hàng Bảo Việt theo ý đồ của lực lượng thâu tóm (ông Lê Trung Hưng chính là người “một mình chống mafia” khi đã dũng cảm dám ngăn đường thâu tóm của nhóm mafia tài chính này). Dư luận đặt ra những câu hỏi: Ai đã tiếp tay, cung cấp hồ sơ, tài liệu cá nhân của ông Lê Trung Hưng cho “phóng viên điều tra” của Vietnamnet? Ai đã “bảo trợ” cho Vietnamnet công khai vi phạm Điều 226 Bộ luật Hình sự (“công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó”)?
Song song với việc “khuấy động dư luận” để tạo lợi thế cùng với sự “áp đặt” “từ bên trên”, giới Mafia tài chính Hà Nội bắt đầu thực hiện chiến dịch thu gom cổ phiếu đang trên đà hạ giá của Ngân hàng Bảo Việt, dù không đứng tên thật hoặc chỉ đứng một phần rất nhỏ, nhưng lần lượt số cổ phiếu lớn của Ngân hàng Bảo Việt bị “tay trong” tuồn ra bên ngoài dưới nhiều tên tuổi khác nhau, từ những cô bé tuổi teen tên Nguyễn Thu Hương (1994), Nguyễn Hữu Mạnh, Hồ Vĩnh Hoàng, thậm chí ngay cả bà già “gân” tên Bùi Thị Cẩm Vân cũng trở thành “cổ đông lớn”,… ngoài ra, cổ phiếu của các tập đoàn nắm giữ chi phối Bảo Việt Bank gồm Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư CMC, Công ty Sữa Việt Nam lần lượt bị mua “thoả thuận” với số lượng cực lớn. Tính tới thời điểm hiện tại, trên 50% cổ phần của Bảo Việt Bank đã rơi vào tay giới Mafia tài chính Hà Nội và ông Lê Trung Hưng cùng thành phần lãnh đạo muốn giữ lại thương hiệu Bảo Việt Bank đã không còn nhiều quyền để tự quyết định số phận của mình.
Trong loạt bài kế tiếp, chúng tôi sẽ công khai những thủ đoạn và những kẻ tiếp tay, những kẻ mafia tài chính đứng trong bóng tối điều khiển cuộc thâu tóm này là những ai? Đặc biệt là vị Chính trị gia “rất to” đứng đàng sau những kẻ mafia là ai và chỉ đạo những gì?
Những người khốn khổ của Bảo Việt Bank

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"