Theo blog Phan Ba
Bà S., 70 tuổi, giáo sư, Vũ Hán: “Tôi tuy đã bảy mươi tuổi rồi, nhưng vẫn làm việc và bận rộn với nhiều dự án văn hóa. Trong cuộc đời của tôi, tôi chưa từng bao giờ cảm thấy được tự do như ngày nay. Những người như tôi, đã trải qua sáu mươi năm vừa rồi với nhận thức về chính trị, đều hài lòng. Tất nhiên là vẫn còn có khiếm khuyết. Tôi không muốn chối bỏ điều đó. Nhưng chúng tôi đang ở trong một quá trình phát triển, và hướng đi thì đúng rồi.
Bà S., 70 tuổi, giáo sư, Vũ Hán: “Tôi tuy đã bảy mươi tuổi rồi, nhưng vẫn làm việc và bận rộn với nhiều dự án văn hóa. Trong cuộc đời của tôi, tôi chưa từng bao giờ cảm thấy được tự do như ngày nay. Những người như tôi, đã trải qua sáu mươi năm vừa rồi với nhận thức về chính trị, đều hài lòng. Tất nhiên là vẫn còn có khiếm khuyết. Tôi không muốn chối bỏ điều đó. Nhưng chúng tôi đang ở trong một quá trình phát triển, và hướng đi thì đúng rồi.
Trong vòng ba mươi năm vừa qua, người ta đã thành công trong việc bảo đảm thu nhập cho nhiều triệu người, cho họ có cái ăn cái mặc và tạo nơi ở cho họ. Đó là một thành tích không được phép khinh thường. Chúng tôi có thể làm được điều đó trong một hệ thống dân chủ Phương Tây trong cùng thời gian đó hay không? Tôi tin là không. Chúng tôi cố gắng tiếp tục tiến lên. Người ta không thể ngay lập tức đạt được tất cả. Cả ở nhiều nước phương Tây cũng cần phải có thời gian dài, cho tới khi tự do và dân chủ thắng thế. Mỗi một nước phát triển tùy theo những đặc điểm lịch sử riêng của nó.
So với thời Mao, ngày nay chúng tôi có nhiều tự do. Chúng tôi có thể chửa rủa thỏa thích, có thể phê phán các chính khách và đảng viên. Trước kia, chúng tôi sẽ bị tố cáo là phản cách mạng chỉ vì một nhận xét phê bình nhỏ nhất. Thời đó tôi lúc nào cũng sống trong sự sợ hãi. Ban ngày tôi thường hay tự hỏi liệu tôi sẽ gặp lại cha mẹ tôi bình yên ở nhà vào lúc chiều tối hay không. Khả năng người ta tới bắt họ và quẳng họ vào tù lúc nào cũng có, vì tôi xuất phát từ một gia đình được gọi là xấu. Trước cuộc Cách mạng, cha tôi là sĩ quan trong quân đội Quốc gia. Mặc dù vậy, năm 1949 ông đã không chạy trốn sang Đài Loan như nhiều thành viên quân đội khác, vì ông cho rằng Tưởng Giới Thạch và chính phủ của ông ấy cực kỳ tham nhũng. Nhưng sau này thì không có một ai quan tâm tới quan điểm đó nữa. Thay vì vậy, chỉ riêng sự việc, rằng ông đã là thành viên của quân đội chính phủ trước kia, là đã khiến cho ông trở thành một cá nhân có hại. Mỗi một từ không thích hợp mà ông nói ra có thể trở thành tai họa cho ông. Trong những ngày đó, khi có một người mặc quân phục tiến đến gần căn nhà của chúng tôi là lần nào tôi cũng hoảng sợ. Hiện giờ tôi đã đọc quyển nhật ký của Anne Frank. Tôi có thể cảm nhận được rất tốt nỗi sợ hãi mà bà ấy viết ở đó. Tôi cũng đã cảm nhận nó một cách tương tự như thế. Người ta không bao giờ biết khi nào thì sẽ gặp nạn và rồi sẽ có những gì sẽ xảy ra với mình. Vì thế mà chúng tôi cũng sợ láng giềng của chúng tôi, những người mà chúng tôi chia sẻ căn hộ với họ. Chúng tôi luôn luôn tự hỏi liệu họ có nghe được gì đó từ những điều mà chúng tôi bàn bạc với nhau trong phòng của chúng tôi và sử dụng chúng để chống lại chúng tôi hay không. Nỗi lo sợ này đã biến mất với chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình.
Trong ký ức tôi, bầu không khí dưới thời Mao rất nặng nề. Ngày nay, ai còn có thể tin rằng trước đây ba mươi năm chúng tôi còn cần tới tem phiếu? Không chỉ cho lương thực thực phẩm như ngũ cốc, thịt và dầu mà còn cho những thứ cần dùng hàng ngày như xà phòng, diêm quẹt và bông vải. Tất cả đều được phân phối. Tem phiếu nhỏ tí và rất dễ bị đánh mất. Thỉnh thoảng, chúng cũng bị lấy trộm. Có lần tôi đã đánh mất một phiếu cho 125g thịt. Thật là đáng sợ. Tôi đã để dành phần này cho thời gian mà chồng tôi cùng với đứa con gái nhỏ của chúng tôi đến thăm tôi, hai người sống trong một thành phố khác. Tôi nghĩ là tôi đã đánh mất nó trong gian phòng của chúng tôi, nơi tôi sống cùng với cha mẹ và hai chị em gái của tôi. Tôi đã tìm mảnh giấy nhỏ đó không biết là bao lâu, lật tất cả mọi thứ lên, bò trên sàn nhà và khóc. Chị em gái của tôi giúp tôi. Nhưng chúng tôi không tìm thấy. Đánh mất một tem phiếu như thế được xem là dấu hiệu của sự lơ đãng. Vì thế mà tôi cũng không dám kể lại cho cha mẹ tôi nghe về việc rủi ro này.
Thời đó, không ai có thể tự quyết định về cuộc sống cá nhân của mình. Tất cả đều do Đảng quyết định: người ta sống trong thành phố nào, người ta làm việc trong nhà máy nào, người ta sống ở đâu. Đảng đẩy chúng tôi qua lại giống như những quân cờ. Ai tốt nghiệp đại học có thể đưa ra một thỉnh cầu, người ta rất muốn làm việc ở đâu và cho tổ chức nào. Thông thường thì người ta nói rằng người ta sẽ tới nơi mà Đảng cần mình, ngay cả trong vùng lạc hậu nhất. Ở những đôi vợ chồng thì thông thường là người ta chia cắt ra, để người nào cũng có thể tập trung hoàn toàn vào phần đóng góp xây dựng tổ quốc của người đó. Vì thế mà điều có thể xảy ra là người chồng làm việc ở miền Nam và người vợ cách đó vài ngàn kiômét ở miền Bắc và họ chỉ nhìn nhau được một, hai lần trong một năm. Điều đó là bình thường. Tôi còn có may mắn. Tôi sống và làm việc ở Vũ Hán và chồng tôi ở Thượng Hải. Cách nhau không xa cho lắm. Mặc dù vậy, chúng tôi chỉ có mười lăm ngày phép trong một năm, những ngày mà chúng tôi có thể sống cùng với nhau. Nhưng trong số mười lăm ngày quý báu đó thì đã mất hai ngày cho chuyến đi và về. Chúng tôi luôn luôn đếm ngược ngày: còn mười ba ngày, mười hai ngày … chỉ còn ba ngày cho tới khi chúng tôi có thể gặp nhau trong năm tới.
Có lần tôi đã ở lại Thượng Hải thêm năm ngày vì ngã bệnh. Sau khi trở về Vũ Hán, viên bí thư đã tổ chức một cuộc họp phê bình và hạ nhục tôi. Ông ta buộc tội tôi là nói dối và ích kỷ. Ông ta không muốn đơn giản tin rằng tôi đã thật sự ốm.
Khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền năm 1977, ông tuyên bố rằng ông muốn nhất định sẽ giải quyết vấn đề của các đôi vợ chồng bị chia cắt. Thời đó, tôi gửi một gói kẹo nhỏ từ Vũ Hán đến cho con gái tôi. Cháu mới bốn tuổi, và tôi biết rằng cháu thích ăn kẹo. Tôi đưa gói quà nhỏ đó cho một người quen đi Thượng Hải. Con gái tôi nhận gói quà và mở nó ra. Hương thơm ngon ngọt tỏa ra và cái nhìn đến những viên kẹo đã mê hoặc cháu. Nhưng chồng tôi đã lấy gói quà từ tay cháu và nói rằng: ‘Mình nên để dành cái này thì hơn. Nó có thể giúp bố con mình mang mẹ từ Vũ Hán về Thượng Hải. Con có đồng ý không?’ Lúc đó đã có thể trao đổi nơi cư ngụ với những người khác. Tôi chỉ có quyền ở Vũ Hán. Nhưng nếu tôi tìm được người nào đó sống hợp pháp ở Thượng Hải và vì lý do nào đó sẵn sàng chuyển về Vũ Hán, thì người ta có thể trao đổi quyền cư ngụ và sau khi các đơn vị lao động đồng ý thì có thể tiến hành trao đổi. Tại những cơ hội như thế, quà tặng nho nhỏ thường là những sự khích lệ thêm vào. Mặc dù con gái tôi còn bé đến như thế, cháu đã hiểu mối liên quan: nếu cháu từ bỏ gói kẹo thì có thể là mẹ sẽ có khả năng dọn về ở với cháu. Vì thế mà cháu đồng ý, và chồng tôi đặt gói quà nhỏ vào trong một ngăn kéo để giữ lại. Sau đó, anh ấy bước ra hành lang để nấu bữa ăn chiều. Chỉ sau một lúc, anh ấy nhận thấy rằng trong gian phòng mà con gái tôi còn lại một mình ở trong đó yên lặng cho tới mức đáng ngờ. Anh nhìn vào gian phòng thêm lần nữa để đề phòng. Anh thấy cháu mở ngăn kéo và lấy gói quà ra, ngửi nó rất lâu và trìu mến vuốt qua nó, nhưng rồi lại bỏ vào và cẩn thận đóng ngăn kéo lại. Cháu đã không lấy một viên nào từ gói kẹo đó. Thật sự là chỉ ít lâu sau, chúng đã giúp chúng tôi để tôi có thể dọn về Thượng Hải.
May mắn là chúng tôi đã qua được cái thời gian điên rồ đó. Nó đã thuộc về quá khứ rồi. Tất cả đã thay đổi. Biết bao nhiêu khả năng đang mở ra cho những người trẻ của ngày hôm nay. Tự do cá nhân hầu như không có giới hạn nữa. Chúng tôi thật sự tự do. Mỗi người đều có thể phát triển theo khả năng riêng của người đó và kiếm tiền tương ứng với thành quả của mình. Một vài người qua đó đã trở nên rất giàu có. Những người khác bị xui xẻo và không sử dụng cơ hội của họ được. Có lẽ họ cũng chỉ không khéo léo và không có khả năng hay đơn giản là không muốn khó nhọc và lười biếng. Vì thế mà họ vẫn còn nghèo. Sự khác biệt giữa nghèo và giàu ngày nay rất lớn. Có nhiều người ở trong nước không hài lòng, những người mong ước thời của nền kinh tế kế hoạch hãy quay trở lại. Lúc đó, dưới quyền của Mao, mọi thứ đều tốt hơn, họ nói. Đã công bằng hơn, vì tất cả đều nghèo, và vì vậy mà những người này hô lớn: ‘Mao Trạch Đông muôn năm!’. Tôi không hiểu được điều đó. Trong những ngày đó, người ta dù có thông minh và có khả năng đi chăng nữa thì cũng chẳng giúp ích gì được cho mình. Người ta không cho năng lực có cơ hội. Không có gì khuyến khích cả. Người ta phải cố gắng để làm gì, khi trước sau gì thì cũng chỉ nhận được tiền lương eo hẹo, có làm việc tốt hay xấu cũng thế. Ngày nay, ai cũng có cùng những cơ hội. Nếu anh tinh khôn và có khả năng, anh cũng sẽ tìm được công việc làm tốt và có một cuộc sống tốt. Nếu anh không có khả năng và làm việc tồi, tôi rất lấy làm tiếc. Rồi anh sẽ nhanh chóng bị thất nghiệp và không còn tìm được việc làm tốt nữa. Nhưng đó là lỗi của anh.”
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch