Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

100.000 đồng và những quả đấm thép

Nguyễn Văn Thạnh
Dân Luận

100.000 Đồng

Gần một đời lặn lội với cây lúa, lò gạch kiếm tiền nuôi anh em tôi ăn học, bố mẹ tôi lại sống đơn côi ở quê. Khi có dịp rảnh rỗi dài ngày là tôi về thăm nhà, dù cố gắng nhưng mỗi năm cũng chỉ về được 1-2 lần.
Với thành phố tôi sống-Đà Nẵng- trong 1-2 năm thay đổi nhiều nhưng ở quê hàng chục năm cũng gần như vậy. Quê tôi nghèo, ngoài nghề nông còn có thêm nghề làm gạch thủ công. Đây là một nghề cực nhọc, vất vả nhưng tính ra có thu nhập hơn so với làm ruộng. Hoạch toán, làm ruộng 1 sào trong ba tháng lãi tầm 300-400 ngàn (đồng), đó là vụ được mùa, còn mất mùa thì ít hơn thậm chí bị lỗ.
Do vậy dù làm gạch thủ công rất cực, một ngày chụm lò nóng nực liên tục 10-11 tiếng (bạn thử tượng tượng mùa hè nắng đổ lửa bạn đứng trước cửa lò trong cái nóng hừng hực được bao lâu?) có thu nhập tầm 100.000đ (100.000đ-140.000đ). Nhìn cảnh này tôi thấy xót xa.

image003_9.jpg
Gần một ngày thế này để lấy 100.000-140.000 đồng
Với người dân quê tôi, những đồng tiền, những chỉ vàng đối với họ rất quí giá. Tôi thường nghe các nhà kinh tế ví von tiền là máu để minh họa vai trò lưu thông của nó, còn dân quê tôi xem nó quí còn hơn cả máu mình. Với mức thu nhập vậy, sau khi trừ chi phí sống, bạn tính xem bao lâu có thể góp được một chỉ vàng? Với họ, một chỉ vàng có sức nặng như cả tấn vàng. Từng chỉ vàng được nâng niu, cất giữ rất kỹ, chỉ dùng khi ốm đau, bệnh tật nhưng có khi họ chấp nhận chết để lại vàng cho con.
Chị Hiệp là người cùng làm gạch với bố mẹ tôi, chị bị phát hiện ung thư vú nhưng chấp nhận chết chứ không đi điều trị (vì biết điều trị rất tốn kém mà tỷ lệ thành công thấp, trong khi chi phí điều trị lớn có thể làm tiêu tan số vàng tích cóp được), khi chị chết để lại cho con 6 chỉ vàng.

Những quả đấm thép:

Nếu may mắn, có xem ti vi thì những người dân quê tôi thấy được đất nước phát triển hoành tráng qua những lễ cắt băng khánh thành, lễ hạ thủy những con tàu siêu trọng của Vinashine; may mắn hơn họ có thể nghe loáng thoáng những mỹ từ hào hùng như “quả đấm thép”, điều gợi cho họ sự tự hào chiến thắng như những cánh quân năm xưa- những quả đấm thép đánh tan Mỹ-Ngụy (không một ai biết chi phí cho chiến thắng đó là bao nhiêu nhân mạng, xương máu).
Có lẽ họ rất tự hào phấn khởi, dù họ không có chút sở hữu nào trong cái con tàu hoành tráng đó. Bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng vui mừng, xúc động khi thấy cảnh đất nước giàu có, hoành tráng dù là của ai đó.
Sau vài năm, những quả đấm thép tan chảy để lại số nợ 80.000.000.000.000 đồng. Một con số có thể gây lúng túng cho nhiều người dân quê tôi, ngay cả tôi cũng là lần đầu cố gắng viết cho đúng con số để chỉ một món tiền lớn đến vậy. Tôi dám chắc là rất ít số người dân quê tôi biết tin này, họ chỉ biết loáng thoáng là có kẻ tham nhũng, có kẻ biến chất, có kẻ thoái hóa đã làm sai một chủ trương tốt đẹp vì dân vì nước của Đảng và nhà nước. Những kẻ đó đã trả giá bằng những bản án thích đáng với hàng chục năm tù. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.
Bắt đầu những cơn lạm phát phi mã, mọi cái đều tăng giá khủng khiếp, bữa cơm gia đình teo tóp đi. Họ phải làm quần quật hơn để nhận được đồng tiền công đủ mua những thứ mà trước kia có vẻ nhàn hạ hơn đã đủ mua. Gạch làm ra ít người mua hơn, cuộc sống khó khăn hơn. Không ai biết tại sao lại như thế?
Không ai biết lạm phát là một loại thuế đánh trên toàn dân. Và cũng không ai biết đồng tiền thuế đó dùng để trám phần nào số nợ nần siêu khủng kia và những lỗ nợ nần nhỏ hơn nhưng vô danh. (tôi dùng từ không ai biết là để chỉ phần lớn người không biết; có thể một ai đó biết nhưng ở quê thì số này là cực kỳ ít).
Những quả đấm thép đã đấm thẳng vào những chiếc bụng vốn đã lép kẹp của người dân quê tôi.
image007.jpg
Ai biết những quả đấm thép này đấm vào bụng người dân quê tôi?
Xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm, tôi viết lách để mong góp công sức bé nhỏ thúc đẩy sự thay đổi tốt đẹp hơn cho cả nước cũng như những người dân quê tôi. Nghịch lý là phần lớn họ đều ái ngại khi gặp tôi, họ xem tôi như tên phản động. (Công an tỉnh đã về quê tôi điều tra, tin tức xì ra là tôi thuộc thành phần lười nhác, không lo làm ăn, hoạt động phản động, nhận tiền nước ngoài, chống phá đất nước,…).
Theo bạn, giải pháp nào cho nghịch lý này?
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Vì sao Vinashine làm khổ dân quê tôi?
Tôi bỏ thời gian, chấp nhận rủi ro để viết bài này, nếu thấy có giá trị, bạn vui lòng chia sẻ cho ít nhất 10 người. Thanks!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"