Ngưới Buôn Gíó
Lúc 6 giờ sáng tôi mở mắt, hai người bạn vẫn ngủ say. Tôi mở cửa ban
công nhìn xuống đường nhìn. Trời vẫn mưa lắc rắc và rét buốt. Bên kia
đường, bên này đường, hai đầu đường, quanh khách sạn có khoảng 40 dân
phòng chia làm mấy tốp, dùi cui, băng đỏ chỉnh tề. Chưa kể những người
thường phục đứng quanh họ.
Một chốc có thêm chiếc xe tải to chở đến 30 dân phòng nữa, họ đổ
xuống và đi thẳng vào khách sạn đứng quanh cửa. Những người dân nhìn họ
rồi nhìn khách sạn ngạc nhiên như hỏi có chuyện gì. Tôi quay vào pha
trà, cầm cốc trà trên tay với điếu thuốc, quấn thêm cái khăn. Tôi đứng
ban công hút thuốc, uống trà và nhìn mấy chục người dân phòng đi lại
trong giá rét thấy họ thật vất vả.
Quay vào tôi gọi hai người bạn đang ngủ say.
- Dậy đi, sắp bắt rồi, có gì thì chuẩn bị đi.
Các bạn tôi dậy nhìn cửa sổ, họ đánh răng, rửa mặt thu xếp đồ. Lúc
này tôi thấy cáu với Lân Thắng, nó vốn thư sinh, công tử nên rất lề mề,
làm cái gì cũng bài bản đủ lệ bộ. Nhưng mọi cái cũng xong. Chúng tôi ai
về giường đấy nằm. Tôi bảo chúng ta ra xe về Hà Nội thôi, Thắng bảo ra
thì việc gì phải vội, cứ ngủ thêm tí nữa.
Thế là chúng tôi lại ai nằm giường đó ngủ.
Cửa phòng bật mở, kinh hoàng, hai mươi người đàn ông to khoẻ xộc vào
phòng. Họ quát chúng tôi ngồi im, ai ngồi chỗ nấy. Người trưởng thôn có
vẻ cay tôi nhất, ông ta xông tới cướp điện thoại trên tay tôi. Nhưng tôi
kịp bấm nút tắt nguồn. Lúc này căn phòng chật ních người, tôi không thể
nhìn thấy gì ngoài người và người. Một người chửi.
- đm cái bọn phản động này, bắt hết luôn.
Tôi bật cười nhẹ, khiến nhiều người trong số họ ngạc nhiên, và chính
câu nói của người kia làm tôi thấy bình thản. Tôi ngồi yên mỉm cười nhìn
họ. Chắc nhiều người đi bắt chúng tôi hôm đó ngạc nhiên lắm, vì họ chưa
bao giờ nghĩ bắt bất ngờ như vậy mà các đối tượng thái độ thản nhiên
như đang chờ đợi vậy.
Họ khoắng hết đồ chúng tôi cho vào hành lý của chúng tôi, lục soát
người chúng tôi thấy có tiền họ lại nhét trả vào ví. Rồi họ dẫn chúng
tôi xuống tầng, phải đến 30 người bên trong khách sạn và 30 người bên
ngoài toàn mặc thường phục. Con số thường phục đến 60-70 người, chưa kể
công an và dân phòng. Nhưng công an, dân phòng chỉ đứng cản đường cho
những người thường phục thực hiện cuộc bắt bớ kinh hoàng này.
Tôi đã xem nhiều phim hành động, hay phim thời sự về các cuộc bắt bớ.
Nhưng tôi chưa thể hình dung mình bị bắt bởi nhiều người đến nỗi chính
những người bắt phải rẽ làn người mà đi. Có thể họ dùng nhiều vậy vì che
khuất tầm nhìn không có ai chụp ảnh được, hoặc có thể họ e ngại người
dân Vinh , nơi mà tôi có nhiều bạn bè kéo đến.
Chúng tôi bị tống lên xe chở tù loại đặc biệt, có thùng kín đằng sau,
trên xe cứ một người chúng tôi thì hai người thường phục bám tay hai
bên. Công bằng mà nói họ chỉ bám tay chứ không bẻ hoặc vặn hay bấu mạnh
gì cả, họ chỉ bám nhẹ trong tư thế sẵn sàng khống chế. Xe chạy hú còi,
có xe dẫn đường, xe hộ tống , đoàn xe đi qua chỗ toà án Vinh đang xét xử
14 thanh niên Công Giáo. Ba rie chặn đường mở cửa, tôi nhìn qua khe cửa
thấy đông người đội mũ trắng đang đứng ở hè đường trước toà.
Xe chở chúng tôi vào công an TP Vinh, khi mở cửa rất nhiều công an,an
ninh đứng dưới sân đợi. Họ dùng máy quay phim ghi lại hình ảnh chúng
tôi bước xuống xe chở tội phạm. Nhiều người trong số họ nhìn chúng tôi
với vẻ tò mò, háo hức ý như kiểu vừa bắt được những tên tội phạm nguy
hiểm.
Chúng tôi bị đẩy vào 3 phòng riêng. Họ chỉ tôi ngồi vào ghế, cái
phòng kiểu hỏi cung thì tôi vốn quá quen thuộc, nó giống bất kỳ đâu ở TP
HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, B14, Hà Nội....một cái bàn đơn giản nhưng chăc
chắn, những cái ghế cũng kiểu đơn giản truyền thống, dưới chân ghế sát
tường là cái cùm chân nặng chịch. Tôi nhấc thử cái đế cùm và ngạc nhiên
bởi cái cùm của công an TP Vinh nặng và to không nơi nào tôi thấy có thể
sánh nổi. Nó là một cái thanh sắt đặc dày 6cm, bản 12 cm, dài 120 cm,
như là một khối sắt.
Nhưng chúng tôi không bị cùm, cũng không bị động vào người, trong túi
tôi còn thuốc lá bật lửa, tôi lấy ra để bàn định hút. Một công an trẻ
vớ lấy bao thuốc kiểm tra với bật lửa, xong trả tôi hút. Tôi hỏi có nước
uống cho tôi xin, họ lấy nước trà xanh cho tôi uống. Tôi uống trà hút
thuốc, còn bên ngoài hành lang, trong phòng công an đi lại rầm rập trao
đổi về chúng tôi. Một vị thượng tá an ninh đeo kính trắng vào hỏi.
- Hiếu à.?
Tôi gật đầu.
- Hiếu Gió phải không.?
Tôi mỉm cười không xác nhận gì cả, dường như vị thượng ta an ninh này biết rõ về tôi. Khi ông ta qua ra ngoài nói ở hành lang.
- Hiếu Gió đấy.
Mấy người khác vào nhìn mặt tôi, có người nói Hiếu Gió viết hay lắm đấy. Ai đó nói vẻ nửa tiếc, nửa trách.
- Viết tốt thế mà không viết báo đàng hoàng, toàn đi viết láo lếu trên mạng.
Người khác nói.
- Thì viết trên mạng được tiền nước ngoài mà.
Tôi lại mỉm cười, viết cho báo nhà nước thì cũng phải được tiền chứ.
Mà sự thật thì viết cho báo nhà nước cỡ như tôi thì chắc chắn sẽ được
rất nhiều tiền, được ưu đãi nhiều chế độ vì cứ so ra thì thấy khả năng
viết báo của nhiều nhà báo chính thống chẳng thể nào hơn được tôi lắm,
dù có khiêm tốn thì cũng phải nhận thế chứ chẳng phải tôi ngạo mạn gì .
Tôi có bao giờ viết theo đơn đặt hàng của báo nước ngoài nào để nhận
tiền đâu. Thích gì tôi viết lấy, chả lấy ai xu nào, miễn phí. Ai đọc
thấy quý thì gửi cho tí trà thuốc nào thì gửi. Tôi không hề đòi, không
có gì cũng tốt, tôi vẫn viết như thường để khỏi mang tiếng là viết cốt
để kiếm ăn. Đời tôi từng buôn thuốc phiện, đòi nợ thuê, chém mướn,cho
vay lãi, cầm đồ, cá độ bóng đá,rồi hoàn lương làm giám đốc công ty quảng
cáo, xây dựng... tôi viết blog để kiếm tiền hay không thì ai đọc và
biết tôi đều rõ.
Tôi cứ mỉm cười nhiều lần trong ngày hôm ấy. Đến nỗi cậu trẻ tên Diệp hay Tiệp trông tôi phải nói.
- Anh Hiếu lạc quan, yêu đời nhỉ, ngồi trong công an mà cứ tủm tỉm cười suốt.
Tôi tưởng làm việc với an ninh, nhưng không, bên cảnh sát vào làm
việc. Hoá ra ban nãy họ trao đổi xem bộ phận nào làm việc với chúng tôi.
Sau cùng họ quyết định để phòng cảnh sát điều tra PC44 tỉnh Nghệ An thụ
lý do thượng tá Vũ Văn Duệ phó trưởng phòng chỉ đạo, cùng với các điều
tra viên cấp cao hàm thương tá như ông Quang, Hướng, Đồng hỏi cung.
Nguồn Facebook Người Buôn Gió