Phạm Gia Minh
Tin liên quan:
Từ xa xưa trong lịch sử các dân tộc chung sống trên mảnh đất Việt Nam
đã hình thành nên những truyền thống mang nhiều nội dung dân chủ,đề cao
tính nhân văn và giải phóng con người. Đạo Mẫu của tộc Việt đề cao vai
trò người phụ nữ trong xã hội khác hẳn với một Trung Hoa phong kiến hà
khắc, phi nhân tính. Hoặc như tập tục “phép vua còn thua lệ làng” cùng
rất nhiều dẫn chứng được lấy từ văn học dân gian là những ví dụ sinh
động đầy tính thuyết phục cho cái “chất” yêu tự do, dân chủ của con
người Việt Nam.
Vị trí đất nước ở ngã ba thủy lộ của Biển Đông và nằm giữa hai nền
văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ lại sớm tiếp xúc với giới thương nhân
và các nhà truyền đạo Phương Tây một cách tự nhiên đã tạo cho chúng ta
phong thái linh hoạt và lối tư duy “đón gió bốn phương ” để dễ dàg tiếp
thu, nhưng cũng mau chóng đào thải những gì không phù hợp với cái cốt
cách yêu tự do của mình.
Và chính những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với biết bao hy sinh
nhưng rất đáng tự hào là minh chứng hùng hồn nhất cho khát vọng độc lập,
tự do của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Từ thời Lê Sơ nhà nước Việt Nam đã có bộ Luật Hồng Đức (1470-1497)
tiếp thu 200 điều từ bộ luật nhà Đường, 17 điều từ luật nhà Minh, trong
đó có 178 điều chung đề tài với các bộ luật Trung Hoa nhưng lại khác hẳn
về giải pháp. Đáng ghi nhận là có tới 328 điều luật không tương ứng với
bất kỳ điều luật nào của Tàu(1). Quyền và địa vị của người phụ nữ trong
xã hội được coi trọng và đặc biệt đã có sự phân định rõ ràng sở hữu đất
đai của người dân (Tư điền/Tư thổ) với đất đai của nhà nước phong kiến
(Công điền/Công thổ). Điều này được giới nghiên cứu đặc biệt đánh giá
cao bởi lẽ ở chính nơi mà không gian ngột ngạt, trì trệ và toàn trị của
mô thức phát triển kiểu Châu Á, nơi mà toàn bộ đất đai đều thuộc về vua
chúa hay Hoàng Đế(2) lại có những ngoại lệ cho phép người dân sở hữu
ruộng, đất, làm chủ mùa màng và chỉ phải đóng thuế. Đó là đặc điểm dân
chủ hiếm có ở phương Đông phong kiến.
Trải qua hơn 20 năm bôn ba hải ngoại tìm đường giành độc lập cho dân
tộc, Hồ Chí Minh đã tiếp thu nền văn minh phương Tây với những giá trị
Tự do, Bác ái, Dân chủ, Bình quyền và nhận thức rằng đó chính là những
đặc trưng phù hợp với khát vọng ngàn đời của người Việt. Bản tuyên ngôn
Độc lập và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra
đời trong bối cảnh như vậy.
Đó là một bản hiến pháp chưa thể nói là hoàn hảo nhưng sự ra đời của
nó KHÔNG BỊ BẤT CỨ THẾ LỰC BÊN NGOÀI NÀO ÉP BUỘC và hoàn toàn dựa trên ý
nguyện xây dựng một xã hội dân chủ, tự do của một dân tộc sau bao năm
bị giam hãm trong ý thức hệ Khổng giáo và ách cai trị của chủ nghĩa thực
dân cũ.
Trong những lần tiếp xúc với Archimedes Patti, sĩ quan OSS – một tổ
chức tiền thân của CIA, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn thừa nhận rằng đối với
ông mục tiêu tối thượng là giành độc lập cho dân tộc, còn chủ nghĩa
cộng sản là phương tiện, là một cứu cánh để đạt mục tiêu trên (đại ý:
trước hết tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc, sau đó tôi mới là người
theo chủ nghĩa cộng sản)(3). Những bức thư “cầu thân” mà Hồ Chí Minh gửi
cho các Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Truman nếu được quan tâm đúng
mức thì chắc chắn lịch sử đã đi theo hướng khác.
Viện trợ to lớn và toàn diện của khối Xô viết và Trung Quốc một mặt
đã giúp Việt Nam giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhưng mặt
khác đã biến Việt Nam thành bãi chiến trường giữa hai phe Tư bản và
Cộng sản với bao hy sinh xương máu và hận thù giữa người Việt từng đứng ở
hai bên chiến tuyến cho tới nay vẫn chưa được hóa giải. Đáng phải suy
nghĩ hơn là con đường phát triển của đất nước đã bị ép theo những chuẩn
mực và khuôn mẫu của các cường quốc cung cấp viện trợ là Liên Xô và
Trung Quốc mà nếu xét về bản chất chế độ xã hội là những quốc gia toàn
trị, thiếu vắng dân chủ.
“Cải cách ruộng đất” rồi “Chỉnh Phong” hay “chống nhân văn giai
phẩm”, “chống xét lại” hay “Cách mạng văn hóa”, “ Xét thành phần, lý
lịch” và “chống diễn biến hòa bình” “không Tây hóa” v.v… mang hơi hướng
Bắc Kinh hoặc “cải tạo tư bản tư doanh”, “quốc hữu hóa”, “Hợp tác hóa
nông nghiệp”, “công nghiệp hóa XHCN theo hướng đẩy mạnh công nghiệp
nặng” v.v…theo mô hình “Tập trung - quan liêu bao cấp” nay đã hoàn toàn
thất bại của Liên Xô khiến lòng người ly tán, tài nguyên bị hao kiệt nên
đất nước sau nhiều năm vật vã buộc phải tìm lối ra và gần như phải xây
dựng lại từ đầu nền kinh tế thị trường với bao mối liên hệ phong phú và
tinh tế vốn đã một thời hưng thịnh từ mấy thế kỷ trước đây.
Tưởng rằng giành được độc lập thì dân tộc ta có cơ hội tiến nhanh
tiến mạnh về phía trước thế nhưng ngay lập tức chúng ta chưa nhận thức
hết được sự tụt hậu ngày một rõ nét về các quyền tự do và dân chủ trong
xã hội nếu so với những thành quả đã đạt được thời Cách mạng Tháng Tám
1945 khiến xã hội Việt Nam ngày nay ngày một lún sâu trong cơn khủng
hoảng sâu sắc và toàn diện.
Với bản Hiến pháp 1992 chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Liên Xô 1977 rất nhiều quyền tự do, dân chủ trước đây đã bị teo dần(4).
Cũng chính vì Liên Xô đã thủ tiêu các quyền dân chủ, tự do của nhân
dân đồng thời tăng cường đến mức tột đỉnh thể chế ĐẢNG TRỊ nên sự sụp đổ
đã diễn ra(5) không cưỡng lại được ngay trong lòng bộ máy hùng hậu của
ĐCS, quân đội, KGB (ủy ban an ninh quốc gia) và trong toàn bộ nền kinh
tế Xô Viết khiến các đối thủ phương Tây cũng phải ngỡ ngàng.
Phải chăng chúng ta cũng muốn đi theo vết xe đổ đó?
Không, một ngàn lần không!
Dân tộc này đã đổ quá nhiều xương máu để có được nền độc lập trước
các thế lực ngoại xâm và khát vọng của chúng ta là được cùng nhau chung
tay xây dựng một Tổ Quốc Việt Nam Thống nhất, Dân chủ, Giàu mạnh, Độc
lập,Tự do và Hạnh phúc. Không có ý thức hệ ngoại lai nào có thể làm vật
cản mãi mãi trên con đường chúng ta đi khi chúng ta giữ vững nguyên tắc
TRUNG THÀNH VỚI QUYỀN LỢI DÂN TỘC. Bản tính yêu tự do hình thành ngàn
đời nay sẽ giúp các thế hệ con dân Đất Việt trong thế kỷ XXI này phải tự
vượt lên chính mình, vứt bỏ mọi gông cùm của quá khứ để “sánh vai cùng
bạn bè năm châu, bốn bể”(6).
Trong bối cảnh quốc tế ngày nay, chúng ta đang ở một vị thế thuận lợi
hơn thời “Chiến tranh lạnh “ rất nhiều và không thế lực bên trong hay
bên ngoài nào có thể ép buộc chúng ta đi chệch khỏi con đường phát triển
độc lập, dân chủ theo xu hướng chung của nhân loại văn minh.
Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 thiết nghĩ nên được tiến hành theo con
đường sáng mà bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa
năm 1946 đã khởi đầu.
_____________________
(1) Wikipedia. Bộ luật Hồng Đức
(2) Phạm Gia Minh, “ Thoát Á mới có thể thoát thân”
(3) Archimedes Patti “Tại sao Việt Nam?” (Prelude to America’s Albatros) NXB Đà nẵng.
(4) Hoàng Xuân Phú.” Teo dần quyền con người trong Hiến Pháp”.Blog Hoàng Xuân Phú, 18/01/2013
(5) Kiến nghị về sửa đổi Hiến Pháp 1992. Bauxitvn.blogspot.com ngày 22/01/2013
(6) Hồ Chí minh. Di chúc
Thăng long - Hà nội, 22/1/2013
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-1-13