Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Sếp, ông cần phải có nước!

VN2006A, thành viên Dân Luận chuyển ngữ

Jürgen Braunbach đã làm việc từ 18 năm nay ở Việt nam với cương vị là người quản lý văn phòng của một tập đoàn cung ứng dịch vụ. Đất nước này đang thay đổi và ông cũng thế. Giờ đây nhà Hán học đã tìm thấy sự thú vị trong thuật Phong Thủy, yêu thích cá cảnh và không còn nghe thấy sự ồn ào của hàng xóm. Riêng chuyện ngủ dưới bàn làm việc thì ông không thích.



Sếp của văn phòng hãng dịch vụ Schenker/Đức kể về công việc tại thành phố Sài Gòn

Tôi bị thiếu nước ở chỗ làm việc. Không phải nước để uống, mà nước dùng cho việc ngắm cảnh. Ít ra điều này được chuyên gia Phong Thủy, người xem xét, phân tích văn phòng mới của chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh khẳng định. Dựa vào số liệu của ngày tháng năm sinh anh ta tính toán cho mỗi người một chỗ làm việc lý tưởng, đối với tôi anh ta cho là tôi bị thiếu nước ở nơi làm việc. Người khác thì ví dụ thiếu đồ vật thuộc hành mộc hoặc là màu Đỏ.

Như một giải pháp tạm thời, cô thư ký của tôi đặt một bát nước lên bàn làm việc. Và từ một vài tuần nay chúng tôi đã có một bể cá cảnh lớn dùng nước biển ở trong văn phòng. Nhiều công ty ở đây cũng có bể cá tương tự như vậy. Những bể cá này có những người chuyên chăm sóc bảo dưỡng đến từ công ty khác, họ đi hết văn phòng này sang văn phòng khác, cho cá ăn, thay nước bể cá và đảm nhiệm cả việc kiếm mua cá mới, nếu như có con bị chết.
Tôi sống đến nay đã 18 năm ở Việt Nam, trước đó tôi đã từng ở Bắc Kinh 5 năm. Lúc đầu tôi không cho rằng thuật Phong Thủy là chuyện hoàn toàn nghiêm túc, nhưng sau một thời gian tôi thấy nó thực sự thú vị. Bây giờ thì chúng tôi thường xuyên có các chuyên gia Phong Thủy lui tới văn phòng làm việc và mỗi lần như vậy số doanh thu của công ty lại được cải thiện rõ rệt. Có lẽ tôi cũng phải mời ai đó đến nhà riêng của tôi để xem xét, phân tích mới được.
Tôi từng nghiên cứu Hán học, trong thập niên tám mươi ngành học này còn là một ngành rất xa lạ, ít được biết đến - và sau vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 thì ngay lập tức không còn ai thèm đếm xỉa đến ngành học này nữa. Lúc ấy chẳng còn ai muốn làm gì dính dáng đến Trung Quốc cả. Nhưng tôi thì bị cuốn hút bởi triển vọng nghề nghiệp. Thật vậy, ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 1989 tôi đã tìm được một chỗ làm trong tập đoàn cung ứng Schenker của Đức tại Bắc Kinh, tập đoàn này chuyên đảm nhận công việc vận chuyển hàng hóa cho trụ sở của hãng hàng không Lufthansa lúc đó vừa mới được thành lập. Tôi đã đến với hãng dịch vụ cung ứng như thế – và trụ lại làm việc ở đó. Chỉ có món Hán học, theo năm tháng, chẳng hiểu sao tôi lại quên ráo trọi.
Năm 1994 khi tôi đảm nhận quản lý văn phòng của hãng Schenker tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi mới chỉ có 3 người, giờ đây đã có hơn 500. Đất nước này thay đổi rất nhiều trong thời gian qua: từ một nơi sản xuất hàng hóa rẻ tiền, chủ yếu là sản xuất giầy dép và dệt may, thành một nơi sản xuất những sản phẩm chất lượng. Ví dụ hãng Samsung và Intel có nhà máy sản xuất tại đây.
Huyền thoại thịt chó thui
Kể từ năm 2002 hãng Schenker trực thuộc ngành Đường sắt Đức. Chúng tôi cung ứng đủ các loại dịch vụ, từ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường không cho đến phục vụ, đảm nhận việc dời chuyển hãng xưởng, trụ sở. Thời điểm này đã có ít nhất 20 công ty chuyên vận tải của Đức có mặt ở đây. Việt Nam nằm ở vị trí địa chiến lược rất tốt, nhờ đó người ta có thể nhanh chóng có mặt ở Bangkok hay Singapur, đồng thời cũng có thể đi xa đến Âu châu hoặc Úc châu. Và kể từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới, đất nước này đã có thể cạnh tranh kinh tế với nhiều nước khác.
Nhưng điều đó cũng làm cho giá cả tăng lên đáng kể. Các món ăn Việt Nam ở các tiệm ăn người ta vẫn có được với giá rẻ nhưng đi mua sắm ở siêu thị thì thực sự đắt đỏ, đắt đỏ hơn cả ở nước Đức. Những món ăn lạ lẫm như thịt chó thui cũng có, nhưng đây chỉ là một mảng văn hóa ẩm thực phụ. Chín trong số mười người Việt cũng không ăn món ấy.
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố có tầm vóc quốc tế. Điều làm cho tôi thấy đặc biệt dễ chịu là ở đây không có những khu Ghettos cho người nước ngoài. Người dân Việt Nam rất có thiện cảm với người nước ngoài, hơi đáng tiếc là họ thiếu nhạy cảm với tiếng ồn. Ở đây cũng không có luật quy định khoảng thời gian cần phải giữ gìn sự tĩnh lặng, đã xảy ra cảnh người ta khoan tường ầm ĩ ngay giữa đêm khuya. Với người Đức vốn yêu chuộng sự yên tĩnh thì đó là một điều không phải dễ chịu.
Tiền thuê nhà có giảm một chút trong thời gian qua. Người ta phải dự chi khoảng 1000 US$, cho một căn hộ 3 phòng ở khu phố cổ nằm trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, tiền thuê nhà cao không có giới hạn. Gần như ở đây ai cũng có một người giúp việc ở nhà, để nấu ăn và chăm sóc trẻ em, điều này hoàn toàn bình thường ở Việt Nam và không phải là một đặc quyền của người nước ngoài. Giáo dục và chăm sóc nuôi dạy trẻ em ở đây rất được chú trọng.
Ngủ trưa dưới bàn làm việc
Tôi đã đánh giá thấp chuyện ngôn ngữ. Là nhà Hán học chắc rằng tôi sẽ học tiếng Việt dễ thôi, tôi nghĩ vậy. Trật lất. Trong tiếng Hoa có 4 thanh điệu, trong tiếng Việt có 6. Điều này làm cho nó trở lên rất khó học - vâng, bên cạnh đó tôi cũng còn phải làm việc. Sau 3 lần khởi động thử tôi đã đầu hàng.
Sức ép cũng không đủ lớn để gây “đau khổ”, với việc sử dụng tiếng Anh người ta có thể trao đổi ở khắp mọi nơi. Đó cũng là thứ ngôn ngữ mà chúng tôi trao đổi ở nhà. Vợ tôi đến từ nước Nga, các con trai của tôi vì vậy lớn lên cùng với 3 ngôn ngữ, với tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nga. chúng có thể hiểu tiếng Việt, song nói thì quá ít. Ở đây chúng đi học ở trường quốc tế.
Chúng tôi thường xuyên nghỉ phép ở Đức và mùa đông thì chẳng hạn đến Mittenwald để trượt tuyết. Sau gần 25 năm ở Á châu tôi luôn cảm thấy vui mừng, nếu như tôi có thể ngủ mà không có điều hòa nhiệt độ. Gốc gác của tôi là ở thành phố Köln, các con trai tôi thực sự trở thành fans của câu lạc bộ bóng đá thành phố Köln.
Trong thời điểm hiện tại tôi khó có thể tưởng tượng rằng tôi sẽ quay trở về sinh sống tại nước Đức. Tôi yêu mến Việt nam. Đất nước này có thể không đặc biệt và không hấp dẫn du lịch như Thái Lan hay Kambodscha, nhưng con người ở đây thật tuyệt vời, rất chăm chỉ và nhanh nhẹn.
Chỉ có điều tôi không thể nào làm quen được với chuyện ngủ trưa: giữa 12h30 và 13h30 những người làm của tôi trải chiếu ra nền nhà, tắt đèn và ngủ ngay dưới bàn làm việc của họ. Sau đó thức dậy và tiếp tục làm việc. Tôi không thể làm thế được.
Ghi chép bởi Verena Töpper
Nguồn: Der Spiegel

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"