Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Vi hiến trong lập hiến

Xích Tử


Biếm họa HatKa
Việc sửa đổi Hiến Pháp 1992 của Việt Nam đã có những gợi ý khởi động và chuẩn bị từ rất lâu, nay đã vào hồi kết. Song với quan điểm, cách làm và bản dự thảo được công bố để lấy ý kiến “nhân dân” như vậy, tuyệt đối sẽ không có được một kết quả thực chất nào, xét trong quá trình dân chủ hoá lập hiến cũng như sản phẩm Hiến Pháp mà nó tạo ra, tạo tiền đề chính trị cho một giai đoạn phát triển lâu dài, đúng hướng và bền vững của đất nước. Ngay từ lúc này, cứ so sánh những kết quả tổng hợp sẽ nhất định sẽ có qua toàn bộ các hội thảo, họp hoặc thu thập trực tiếp kiến của “nhân dân” được cò mồi và được đảng tổ chức với những kiến nghị đã được thể hiện bằng cách khác như trên các mạng lề trái, nhất là quan điểm và Dự thảo Hiến Pháp của nhóm boxitvn.blogspot.com, rất dễ hình dung một kết quả cuối cùng được chính thống hoá chỉ là trò đùa, một kiểu thủ dâm chính trị, một kiểu hoang tưởng tạo ra động cơ chính trị vĩnh cửu không thể hoạt động được vì nó tự triệt tiêu năng lượng nội tại của chính nó. Từ đó, cũng dễ hình dung một bản Hiến Pháp mới rồi chắc chắn sẽ được “Quốc Hội” thông qua với những nội dung cực kỳ bảo thủ đối với những quan điểm chính trị bảo thủ, lạc hậu, được tích hợp vào những thiết chế, những điều chỉnh về thể chế chính trị, về tổ chức Nhà nước, về nền kinh tế.v.v...vừa cơ hội, hợp lý hoá cho sự đổi mới nửa vời để tạo ra một thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã đội lốt chủ nghĩa xã hội thời gian qua, vừa đủ hiệu lực để bảo vệ cho những lợi ích của các thế lực, các nhóm xã hội đã được thâm căn hình thành từ những quan điểm và tổ chức chính trị bảo thủ đã “lỡ” bị thiết lập từ 1930 đến nay, vẫn tiếp tục được Hiến pháp mới cưỡng chế nhân dân chấp nhận.

Nguyên nhân của kỳ vọng bi quan đó chính là do sự vi hiến ngay trong quá trình lập hiến mà bản chất của nó là không dân chủ, không khoa học, không văn minh trong lập hiến. Trong trường hợp này là tu chính, sửa đổi Hiến Pháp.
Lập hiến là quyền chính trị cao nhất của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Trong điều kiện chưa có tổ chức nhà nước đại diện, việc xây dựng Hiến Pháp phải do một tổ chức lâm thời do nhân dân cử ra thông qua đại diện ưu tú của các chính đảng, các dân tộc, các giai tầng xã hội, các tôn giáo…Tổ chức này sẽ làm việc độc lập để soạn thảo dự thảo Hiến Pháp và phải hoàn thành để trình tổ chức quyền lực nhân dân (Quốc Hội) được nhân dân bầu ra sau đó để cơ quan quyền lực này thực hiện quyền lập hiến của mình đề trình quốc dân phúc quyết. Cách làm đó được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và cơ bản cũng được thực hiện trong Hiến Pháp 1956, 1967 của Việt Nam Cộng Hoà. Và đó là cách làm bình thường của văn minh chính trị thế kỷ XX.
Trong điều kiện đã có tổ chức quyền lực nhân dân trong một thể chế chính trị liên tục hoặc không liên tục có thừa nhận và kế tục, việc soạn thảo hiến pháp mới hoặc sửa đổi phải do tổ chức này thực hiện bằng cách bầu một Hội Đồng hoặc Uỷ Ban đặc trách độc lập. Điều 147 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) đã ghi “Chỉ Quốc Hội mới có quyền sửa đổi Hiến Pháp. Việc sửa đổi Hiến Pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc Hội biểu quyết tán thành.” nhưng không thiết lập trình tự thủ tục thực hiện nên trong lần sửa đổi này, việc thành lập Ban chỉ đạo tổng kết Hiến pháp 1992, Uỷ ban dự thảo sửa đổi, Ban biên tập, Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân rất tuỳ tiện và không thông qua hình thức bầu cử nào trong Quốc hội; chủ yếu là cử, biểu quyết để nghị quyết trong Uỷ ban thường vụ. Cách làm đó vi phạm quyền của nhân dân, vi phạm nguyên tắc dân chủ và vì vậy, nó vi hiến. Hơn nữa, nếu có thực hiện bằng những thủ tục kỹ thuật bình thường, hợp thông lệ thì quyền của nhân dân vẫn bị cướp đoạt do đảng đã giành và chiếm giữ độc quyền lãnh đạo chính trị để tạo ra một “quốc hội” với tuyệt đa số đại biểu là đảng viên cộng sản, không đại diện cho toàn bộ nhân dân. Và đó chính là sự vi hiến bản chất.
Từ lịch sử và bản chất bất hợp hiến và bất hợp pháp như vậy, dự thảo Hiến Pháp do đảng tạo ra vẫn giữ nguyên việc tự ý giành quyền lãnh đạo của đảng và thực hiện quyền ấy bằng cách ngạo mạn bảo lưu Điều 4 (ngạo mạn trong nội dung và số thứ tự của điều này trong Hiến Pháp 1992). Sự hài hước của việc sửa đổi Hiến Pháp chính là do thái độ ngạo mạn ấy: Từ nay, ở Việt Nam, vị trí điều 4 trong Hiến Pháp có ý nghĩa thiêng liêng, thần bí, huý kỵ; nếu đổi vị trí, thứ tự đó đi cũng là “tự sát”.
Cũng chính Điều 4 đó cùng với nội dung duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã làm nên sự mâu thuẫn cốt lõi trong bản chất chính trị của dự thảo Hiến pháp, cũng là của chế độ. Đã ghi/giữ nguyên Điều 4 và chế độ sở hữu đất đai như vậy thì làm sao còn có dân chủ, nhân quyền, tự do được. Xét về bản chất và lịch sử, sự xuất hiện quyền lãnh đạo của đảng trong đời sống chính trị của đất nước cùng với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là hoàn toàn bất chính, không dân chủ, không căn cứ trên nguyên tắc quyền lực nhân dân. Chưa bao giờ nhân dân được trực tiếp thể hiện ý kiến của mình về hai thiết chế này và việc hợp hiến hoá nó được thực hiện bởi một “quốc hội” phi dân chủ như đã nói ở trên. Một nhóm lợi ích được bảo vệ bằng các công cụ bạo lực áp đặt tham vọng, ý chí của mình lên số đông bất lực còn lại là một thứ độc quyền khốn nạn nhất trong các kiểu độc quyền.
Từ đó, không thể nào triệt tiêu được mâu thuẫn giữa nội dung xác định bản chất, vị trí, vai trò, quyền lãnh đạo của đảng với bản chất nhà nước “của dân, do dân, vì dân” được. Do hiệu lực của Điều 4, đảng sẽ thiết kế mô hình và lấp đầy nhân sự của mình vào mô hình đó nhất định phải theo những mục tiêu và lợi ích của mình; quá trình đó sẽ tạo ra hệ luỵ rất khách quan là quyền lực thật sự của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước “của” mình sẽ bị hạn chế và giả hiệu. Bởi lẽ, dù được định nghĩa mị dân với rất nhiều đồng vị ngữ và “là”, đảng vẫn không là dân. Đảng và dân vẫn là hai thực thể, hai phạm trù, hai khái niệm với nội hàm và ngoại diên phân biệt với nhau (tuy về mặt vật chất con người, có sự trùng lặp với nhau).
Đảng thể hiện quyền lãnh đạo của mình thông qua nhà nước và đây là công cụ lãnh đạo chủ yếu. Nhà nước đó có bản chất và mục tiêu chính trị là “của dân, do dân, vì dân” như đã được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ từ 1776 và được điển chế thành thông lệ chính trị cho tất cả Hiến Pháp của các quốc gia muốn cho mình là dân chủ. Với Việt Nam hiện nay, đó cũng là nội dung thừa kế từ Hiến Pháp 1946. Cho dẫu đó là mục tiêu thành tâm và thực chất, liệu có thể thực hiện đến đâu khi đảng không tự xác định cho mình bản chất ấy: đảng có phải là “của dân, do dân, vì dân” không? Câu trả lời vĩnh viễn là không, xét về logic. Bởi nếu như vậy, đảng sẽ là nhà nước; sẽ không còn đảng nữa; và Điều 4 cũng không cần ghi vào Hiến Pháp làm gì như tất cả các quốc gia khác. Từ đó suy ra trở lại nhận định đã nêu ở trên: Đảng vẫn có bản chất ngoài/đối lập/khác biệt với nhà nước và nhân dân; nhà nước cũng đối lập với nhân dân (cho nên mới có công cụ bạo lực cách mạng mạnh nhất thế giới); không thể là một; nếu thống nhất là một, sẽ không có Điều 4. Một khi đã khác biệt, đối lập mà đảng lại tự ý ghi Điều 4 vào Hiến Pháp cho nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đảng đã vi hiến tiền Hiến Pháp.
Cũng từ đó, hoàn toàn cũng dễ hiểu về lý do tồn tại của những nội dung khác trong dự thảo về quan niệm, định nghĩa, cách thiết kế mô hình, các mối quan hệ để hiện thực hoá các phạm trù nhân quyền, quyền công dân, dân chủ, tự do…Tất cả đều phải khác với thông lệ quốc tế để tạm thời phù hợp với những mâu thuẫn nói trên, vì sự rủi ro, lỡ lầm của số phận dân tộc.
Đến đây, với một mức hiểu đơn giản nhất, một bộ phận không nhỏ của nhân dân biết rằng, đảng được thành lập, sống được, hoạt động và thành công được từ trong nhân dân của các giai đoạn lịch sử và chế độ chính trị có chút ít tự do về sở hữu (để tự lo về cái ăn), tự do hoạt động chính trị, tự do báo chí xuất bản ngôn luận, tôn giáo, lập hội và hội họp…, và thậm chí cả tự do sử dụng vũ khí, thuốc nổ nữa. Đảng dạy cho đám dân mù chữ rằng đó là những chế độ thối nát, là tự do giả hiệu; cách mạng thành công, sẽ xây dựng chế độ mới triệu triệu lần hơn. Khi đảng đã thắng lợi, nhảy tót lên đầu nhân dân ngồi, qua cầu rút ván; cấm tiệt hoặc làm khác đi những cái đã giúp đảng hình thành, tồn tại, hoạt động nói trên. Những cái “giả hiệu” đó sẽ không bao giờ được tái lập, mặc dù nó vẫn được thể hiện bằng các từ hoa mỹ đồng âm trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với cách hiểu khác để phù hợp với Điều 4.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"