Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

37,5 triệu đô và những chiếc “máy chọc tức hàng đầu Việt Nam

Đào Tuấn
Chẳng có gì bất ngờ nếu bản quyền 37,5 triệu USD vẫn được mua. Đơn giản là bởi sẽ có một loại đầu số mới ra đời, bán độc quyền, với giá cắt cổ mang tên, chẳng bạn L+ hay B+ gì đó. Và trên cái đầu số khốn nạn đó sẽ lại có một cái “máy chọc tức hàng đầu Việt Nam”.

Tiền bản quyền bóng đá Anh qua từng năm
Bản quyền giải ngoại hạng Anh Premie League mùa giải 2013-2016 đã được IMG, một công ty Mỹ chào bán tại Việt Nam với giá 37,5 triệu USD. 37,5 triệu USD là bao nhiêu? Khoảng 780 tỷ.
Mở ngoặc cái đây là chưa tính đến tiền thuế, phí đường truyền vệ tinh, phí nhà thầu…mà trả tiền đương nhiên là chúng ta, tức là những người xem truyền hình.
Báo chí đã dùng từ “choáng”, “sốc” với mức giá “khủng khiếp”, “trên trời”. Một nhà đài thì nói không “ném tiền qua cửa sổ”. Một nhà đài khác thì cho là phi lý.
Không sốc không được. Không choáng không xong. Ít năm trước, giá bản quyền chỉ 4 triệu. Rồi, sự xuất hiện của K+ với trò hề độc quyền, mức giá được đẩy lên 19 triệu USD.
Con số 4 triệu là giai đoạn VTC mua bản quyền, dù không độc quyền.
Con số 19 triệu xuất hiện sau khi K+, một con đẻ của Đài truyền hình quốc gia độc quyền. Mang lại cho công ty sở hữu bản quyền MP & Silva khoản lãi 6 triệu USD.
Và bây giờ, 37,5 triệu xuất hiện, sau khi 3 nhà đài lớn nhất xứ Việt, đơn thương độc mã tới cuộc đấu giá gói Premie League tại Việt Nam và đương nhiên, thua mất mặt trước một công ty có lẽ không biết tiếng Việt.
Nói thế là để thấy người được quyền bình luận đắt hay không đắt, sốc hay không sốc, choáng hay không choáng, phải là người tiêu dùng, chứ không phải các nhà đài.
Tin giờ chót thứ nhất: Bộ Thông tin – truyền thông đã có công văn gửi các đài, đồng ý với đề xuất của VTV về việc giao VTV là đầu mối đàm phán mua bản quyền truyền hình Premie League 2013-2016, nhằm tránh để các công ty nước ngoài lợi dụng, tăng giá bản quyền bất hợp lý, gây lãng phí nguồn lực xã hội và gây thiệt hại cho khán giả truyền hình.
Cái bắt tay của các nhà đài, ít nhất cũng sẽ thể hiện cái quyền được mặc cả của người mua.
Tin giờ chót thứ hai: VTC vừa bị đối tác Saigontel “tố” chiếm dụng 3,9 triệu USD. Còn Phó TGĐ VTC thì bảo “Số tiền mà IMG đưa ra là quá vô lý, các nhà đài Việt Nam không thể chấp nhận vì chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ. Quan điểm của VTC cũng sẽ không mua bằng mọi giá, tránh mất tiền một cách vô lý như vậy”. Còn VTV thì khẳng định: “Quan điểm của VTV là mức giá này quá cao và không thể chấp nhận nổi. Nếu trong quá trình đàm phán tới đây, IMG không điều chỉnh, chắc chắn VTV sẽ không mua bằng mọi giá”.
Còn giới fan túc cầu, được an ủi với một cách thức không thể tệ hơn: “Chúng ta có thể không xem Ngoại hạng Anh 1 năm cũng được”.
“Không mua bằng mọi giá” là thứ biểu ngữ nghe cực quen.
Người hâm mộ có thể không xem 1 năm, 3 năm. Nhưng nhà đài không có bản quyền thì lấy gì mà phát?
Bởi thế, chẳng có gì bất ngờ nếu bản quyền vẫn được mua. Đơn giản là bởi sẽ có một loại đầu số mới ra đời, bán độc quyền, với giá cắt cổ mang tên, chẳng bạn L+ hay B+ gì đó. Và trên cái đầu số khốn nạn đó sẽ lại có một cái “máy chọc tức hàng đầu Việt Nam”, đêm đêm táng không thương tiếc vào lỗ nhĩ của những người vốn chót là fan của “chàng hói mới mọc tóc” Rooney, của “chú lùn mà ai cũng phải ngước nhìn” Manta, của “Người da đen tôi yêu duy nhất trên đời” Balotelli…
Thật, chỉ muốn xem một trận bóng mà vừa khổ vừa nhục.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"