Thúy Hiền
Dân Luận: Xin giới thiệu tới độc giả bài viết được giải nhất trong cuộc thi viết Quyền Con Người và Tôi do phong trào Con Đường Việt Nam thực hiện.
Hưởng ứng cuộc thi viết “Quyền Con Người và Tôi” do Phong trào Con Đường Việt Nam tổ chức và ngày Nhân quyền quốc tế 10/12 chủ đề “Tham dự và tham gia vào đời sống xã hội”, em đã chuẩn bị và sẽ hoàn tất bài dự thi vào ngày này, nhằm nâng cao học hỏi và đóng góp ý kiến nhỏ “để có thể mở mang kiến thức về nhân quyền cho bản thân và mọi người” trong khả năng của một học sinh cấp ba.
Cách nay hơn hai tháng, em nhận được tờ rơi vận động cuộc thi viết từ một người bạn. Qua tìm hiểu trên “conduongvietnam.org”, “danluan.org”, em đã hiểu mục đích cuộc thi viết này là để tạo cơ hội cho người Vietnam thoát nạn “mù nhân quyền”, thoát nghèo, thoát khổ, giảm bớt bất công (theo cách nói của mẹ em) nếu có được nhiều người hưởng ứng tham gia, vận động để Quyền Con Người được thực thi.
Ở tuổi 17, chắc rằng những hiểu biết về “Quyền Con Người” của em còn rất hạn chế. Tìm hiểu qua “nhanquyen.vn” thì “quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.” Còn “Quyền Con Người” theo cách nghĩ riêng em là quyền làm chủ của bản thân mỗi người, không cần ai cho phép, làm theo nhu cầu cho bản thân hoặc cho cộng đồng nhưng phải biết giới hạn, không tham lam, không được xâm phạm đến quyền làm người của người khác. Nó được bảo vệ một cách khách quan bởi luật Nhân quyền quốc tế, mà Việt Nam đã là thành viên từ 30 năm qua.
Trong thực tế thì người tham rất nhiều, là nguyên nhân tạo ra bất công xã hội. Họ xâm phạm quyền tư hữu của những cá nhân khác bằng nhiều hình thức, thủ đoạn. Họ chiếm đoạt tài sản, quyền lợi, đất đai,ngày giờ, công sức,cả mạng sống con người. Không chỉ là trộm cắp, lừa đảo trong dân thường mà nó còn tìm ẩn ở tầng lớp quản lí. Những người thừa hành pháp luật tạo ra lợi ích nhóm, tạo ra cường quyền, tạo ra rào cản, tạo ra tâm lí hèn kém chấp nhận nghịch cảnh, khiến người dân sợ hãi không dám đòi công bằng, lẽ phải, và mù mờ không biết tìm công lí ở đâu. Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi đã có biết bao nhiêu người không hề biết rằng “họ là chủ nhân của các quyền con người” để mà đòi luật bảo vệ. Họ chỉ còn biết cam chịu những oan trái như trường hợp những người dân mất đất, mất tàu. Cũng có người uất ức quá đã chống trả theo bản năng tự phát, tự tử, tự thiêu. Tự phát liều mạng theo kiểu nông dân Chí Phèo để phản đối bất công như trường hợp bác Đoàn Văn Vươn chống lệnh cưỡng bức đất đai bằng đạn hoa cải, như hai mẹ con bác Lài liều khỏa thân giữ đất, như mẹ cô Tạ Phong Tần tự thiêu vì con bị tù oan...
Đút lót, tiếp tay cho tham nhũng được coi là việc làm “khôn ngoan” của những người chạy việc, chạy chửa cho nhanh. Qua các câu nói lưu hành trên cửa miệng như “thủ tục đầu tiên” , nói láy là thủ tục tiền đâu hay câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” được hiểu là có đút lót thì mới được việc. Hình thức tham nhũng này phổ biến khắp nơi ở các cơ quan công sở, bệnh viện và cả trường học nữa.
Câu nói “có tiền là có quyền” đã khiến nhân quyền của người nghèo bị chà đạp. Họ thường bị coi thường không chỉ ở phạm vi ngoài xã hội mà nó còn diễn ra ở môi trường em đi học và nơi em sinh sống. Ba mẹ em đều là thầy cô giáo. Mẹ em đã bỏ nghề vì lương quá thấp. Ba em vì yêu nghề, yêu trẻ nên đành chấp nhận số tiền lương ít ỏi không đến ba triệu đồng mỗi tháng trong thời buổi khó khăn hiện tại vì không muốn bắt học trò học thêm. Do vậy nhà em gặp nhiều thiệt thòi trong đời sống, may mà có dì dượng giúp đỡ mà đời sống gia đình em vượt qua thiếu hụt. Qua tìm hiểu Quyền Con Người, em đã hiểu ba không dạy thêm vì tôn trọng nhân quyền, tôn trọng “Quyền nghỉ ngơi” của học sinh (điều 24- TNQTNQ); Còn ba em và nhiều giáo viên khác nữa đang bị vi phạm “Quyền làm việc và hưởng thù lao” (điều 23- TNQTNQ).
Phần nhiều giáo viên giải quyết khó khăn về lương bằng cách dạy thêm ngoài giờ, để có nhiều học thêm, có giáo viên không dạy phần trọng tâm bài học trong giờ học chính mà để dành cho dạy thêm. Nhà trường cũng muốn tăng thu nhập bằng cách tổ chức lớp văn hóa ngoài giờ nên nội dung bài học trong lớp học chính lại bị cắt xén chừa cho lớp học về đêm. Bằng hình thức ấy, học sinh đã bị vi phạm nhiều quyền mà dễ thấy nhất là “Quyền nghỉ ngơi” phần nhiều phải học ba ca mỗi ngày, không còn thời gian hồi phục hay làm việc giúp đỡ gia đình. Phụ huynh lại chồng chất thêm gánh nặng tiền học thêm, gánh nặng đưa đón con em đi học trên những con đường thường là kẹt xe, khói bụi và mưa nắng. Anh em trở thành nạn nhân kiểu học ấy, bị suy nhược thần kinh, phải bỏ học vào giữa năm lớp 12 và đang điều trị về tâm thần làm ba mẹ em thật là đau xót. Có bạn không đi học thêm vì hoàn cảnh nên bị phân biệt đối xử, bị o-ép về điểm, nhiều bạn chán nãn sinh ra nhiều việc làm tiêu cực. Vì chạy theo thành tích hoặc đồng tiền, có trường còn làm lơ, bao che cho những giáo viên có những việc làm sai trái trong dạy học, bỏ mặc học sinh với những yêu cầu chính đáng không được quan tâm giải quyết.
Những sự việc trên đều xuất phát từ lòng tham của một số người đã tạo ra nạn tham nhũng, tạo ra cường quyền bảo vệ lợi ích nhóm, làm cho người dân hãi sợ, chấp nhận mất mát nghèo nàn, không dám chống lại bất công khiến Việt Nam trở thành nước lạc hậu và tụt hậu ở một khoảng cách xa so với các nước trong khu vực.
Muốn xoay chuyển tình trạng này của đất nước, người dân phải vượt qua sợ hãi, dám đòi lại công bằng theo cách mà Phong trào Con đường Việt nam đề ra, đó là cách hay nhất và ôn hòa nhất nhưng không kém quyết liệt, trên cơ sở mọi người phải hiểu biết về luật nhân quyền theo pháp định Việt Nam,biết đòi hỏi chính quyền ưu tiên tôn trọng và bảo vệ.
Muốn người dân vượt qua sợ hãi, cần đầu tư Quyền Con Người về mặt giáo dục bằng cách vận dụng Luật nhân quyền Việt Nam và dựa vào Tuyên ngôn về Giáo dục Nhân quyền LHQ với 14 điều khoản, ta nên ưu tiên thực hiện điều 1,2,4,6,,10,11,14. (Trích: Luật nhân quyền- Nghiên cứu& Giáo dục).
Khẳng định với mọi người rằng việc Giáo dục Nhân quyền được luật pháp qui định hẳn hoi và có tư liệu “Giáo Trình Lý Luận Và Pháp Luật Về Quyền Con Người” (xuất bản vào tháng 11/2009 bởi NXB Chính trị quốc gia) để mọi người yên tâm tham khảo và tự tin thực hiện, yên tâm là mình không phạm luật.(điều 4)
Dù từ lâu đã có luật, nhưng phần nhiều những người nắm quyền không muốn vận động đem ánh sáng nhân quyền đến cho người dân chỉ vì lòng tham,vì tham-ô, tham nhũng hay vì trình độ quản lí kém.
Như vậy, chỉ còn cách người dân chúng ta tự vận động, phổ biến Quyền Con Người cho nhau, dựa trên Tuyên ngôn Giáo dục nhân quyền LHQ bằng nhiều cách sáng tạo sao cho phù hợp với tình hình đất nước hiện nay.
Dựa vào văn kiện pháp lí không chưa đủ, ta nên dựa vào sức mạnh cộng đồng quốc tế (điều 11,12,13), dựa vào các công nghệ thông tin, các Phương tiện truyền thông đại chúng và các biện pháp nghệ thuật để góp phần đào tạo và nâng cao nhận thức về nhân quyền.(điều 6) .
Ở mức trình độ dân trí thấp hay ở lứa tuổi thanh-thiếu niên ta nên áp dụng phương pháp “học hỏi đi kèm với quyền lợi” bằng hình thức đố vui có thưởng, vận dụng những kiến thức nhân quyền trong vui học. Chẳng hạn như hình thức trả lời câu hỏi qua nhắn tin, trả lời trúng thì được tặng thêm tài khoản trong điện thoại. Hay nêu trả lời những câu đố- những yêu cầu hiểu biết nhân quyền thông qua địa chỉ của những trang báo mạng trái chiều, kích hoạt bằng những phần thưởng tượng trưng.
In địa chỉ “ nhanquyen.vn”, “conduongvietnam.vn” trên những bìa sách-vở, trên thân thước-bút-gôm tẩy, kinh dịch hay những sản phẩm tiêu dùng từ ngoài nước chuyển về. Thật đáng mừng nếu vận động này có nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong- ngoài nước và những tổ chức nhân quyền thế giới.
Vận động dân oan khiếu kiện đất đai bằng hình thức số đông, tập thể làm đơn gởi lên cấp cao giải quyết, nếu chưa thỏa đáng thì gởi đơn đến các cơ quan nhân quyền LHQ….
Vận động và tham gia ký Thỉnh Nguyện Thư cần 100000 chữ ký do nhạc sĩ Trúc Hồ ở hải ngoại tổ chức hay ký Ý Nguyện Thư về Kinh tế 2012 do Phong trào Con đường Việt Nam phát động để góp phần giải quyết về nhân quyền và khó khăn kinh tế hiện nay. Khi đất nước vượt qua khó khăn về kinh tế thì các thầy cô giáo trong đó có ba em nữa sẽ được mức thù lao công bằng hơn hiện tại.
Học sinh chúng em cần những nhà giáo có tâm huyết vận động một số nhà trường hủy bỏ lớp học “văn hóa ngoài giờ”, vận động thầy cô chỉ dạy thêm khi thực sự học sinh có nhu cầu, tránh tình trạng “ép” đi học vì thu nhập cá nhân người dạy.
Em mong lời chúc của mẹ em thành sự thật: “Mẹ chúc con được giải trong cuộc thi này, nó là cơ sở để con vận động nhân quyền tốt hơn đến với các bạn trong trường”. Kết quả ấy sẽ là phương pháp “học hỏi đi kèm với quyền lợi” sẽ có tác dụng giúp bạn bè tự tin sử dụng và phổ biến quyền con người rộng rãi hơn theo cách mà Phong trào Con đường Việt Nam đã đề ra.
Em tin những vận động của phong trào này là ngọn gió lành đang thổi vào ngọn lửa yêu nước, tôn trọng nhân quyền của dân tộc, tạo thành sức bật thay đổi bộ mặt xã hội, trở thành một đất nước dân chủ - văn minh – tự do – bình đẳng và thịnh vượng./.
Thúy Hiền