Mấy hôm nay đọc cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức rất thú vị, nhất là
tập II (Quyền bính). Đọc chưa xong, nhưng tôi chú ý đến đoạn tác giả
viết về tình trạng sức khỏe của các lãnh đạo Đảng CSVN. Đọc đoạn này mới
biết một thông tin quan trọng: người Tàu nắm giữ thông tin về sức khỏe
của lãnh tụ cao cấp VN còn hơn cả các bác sĩ Việt Nam. Thật là khó hiểu!
Thông thường các thông tin về sức khỏe lãnh tụ thường được giữ kín,
không tiết lộ ra ngoài. Ở Mĩ, mãi đến năm 1955, người ta mới cho giới
báo chí tiếp cận vài thông tin về sức khỏe của các tổng thống và lãnh
đạo. Sau này thì chúng ta biết rằng những thông tin đó không còn là bí
mật nữa (hay bí mật mà chúng ta không biết). Nhưng trong thế giới xã hội
chủ nghĩa thì những thông tin về bệnh tật của lãnh tụ được giữ kín. Tuy
nhiên, Huy Đức đã tiết lộ qua Chương 19 (Đại hội VIII) trong cuốn Bên
thắng cuộc vài thông tin rất thú vị. Chương 19 có đoạn nói cái chết của
ông Lê Mai và Nguyễn Đình Tứ (những chữ nghiêng là trích từ sách, và chữ
thường là ghi chú của tôi):
Trước Đại hội VIII, ứng cử viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Lê Mai, bị mất đột ngột; ngay sau bầu cử, một tân ủy viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đình Tứ, cũng đột tử trước khi nhận chức [473]. Cái chết của ông Tứ đã làm thay đổi chút ít phương thức tiến hành đại hội. Cho dù quy trình nhân sự vẫn được làm kỹ trong thời gian trù bị, nhưng từ Đại hội IX, chỉ khi đại hội chính thức khai mạc việc bỏ phiếu mới được tiến hành. Ngoài hai trường hợp chết bất ngờ này, chuyện sức khỏe Trung ương trước và sau Đại hội VIII cũng diễn ra đầy kịch tính.
Còn tướng Lê Đức Anh thì bị đột quị:
Chỉ mấy tháng sau Đại hội, Tướng Lê Đức Anh bị đột quỵ. Ông bị xuất huyết não khá nặng. Thông tin về bệnh tình của Tướng Anh được giữ kín tuyệt đối. Hơn ba tháng sau, khi bắt đầu hồi phục, bằng một ý chí tại vị sắt đá, Tướng Lê Đức Anh quyết định vẫn xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh đọc lời chúc mừng năm mới.
Giám đốc Quân y viện 108, Bác sỹ Vũ Bằng Đình, nói: “Chúng tôi phải hộ tống ông từ bệnh viện ra phòng thu. Ống kính chỉ quay nửa người nên dân chúng không biết ông vẫn ngồi trên giường bệnh. Các bác sỹ nấp phía sau sẵn sàng cấp cứu”.
Đọc đoạn này làm tôi nhớ đến năm 1919, sau khi tổng thống Woodrow
Wilson bị tai biến mạch máu não, ông được các quan chức Nhà trắng khuyên
phải để râu để che lấp phía trái của mặt bị teo lại vì cơn bệnh. Chẳng
những thế, văn phòng ông làm việc mỗi khi khách đến thăm được điều
chỉnh ánh sáng sao cho mờ mờ để che dấu khuyết tật của ông. Tương tự,
bệnh bại liệt (polio) của tổng thống Roosevelt và bệnh Addison của tổng
thống Kennedy cũng được các quan chức Nhà trắng dấu kín, không tiết lộ
cho công chúng biết.
Nhưng điều khó hiểu là bác sĩ VN không nắm được phác đồ điều trị của bác sĩ Tàu:
Theo Bác sỹ Vũ Bằng Đình, sau khi đọc xong lời chúc năm mới, ông Lê Đức Anh về nhà, từ đây, ông được một ê-kip bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp chăm sóc trong giai đoạn hồi phục. Các bác sỹ Việt Nam hoàn toàn không biết phác đồ điều trị mà các bác sỹ Trung Quốc dùng cho Tướng Lê Đức Anh.
Ông Đỗ Mười thì có lúc mắc bệnh tâm thần và phải đi China đề điều trị:
Người Trung Quốc còn nắm giữ không ít bí mật về sức khỏe của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Giữa thập niên 1990, thỉnh thoảng, bị cánh nhà báo chặn lại khi vừa bước từ toilet ra, Tổng Bí thư Đỗ Mười, với quần quên kéo khóa, leo lên chiếc bàn nước nhỏ đặt phía sau Hội trường Ba Đình, ngồi xếp bằng vui vẻ chuyện trò với dân báo chí. Nhiều khi cao hứng, ông nói: “Tôi đã từng bị thần kinh đấy”. Không phải ông nói đùa, theo ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng khóa III, người từng hoạt động với ông, có thời gian ông Đỗ Mười bị bệnh thần kinh, gần như không thể làm việc, có lúc lên cơn, ông phải dùng một cây gậy múa cho hạ nhiệt, có lúc người ta thấy ông Đỗ Mười một mình leo lên cây... Năm 1963, ông đã phải đi Trung Quốc chữa bệnh tới mấy năm mới về Việt Nam làm việc [474].
Qua chương này tôi mới biết vài lãnh đạo VN thời đó giấu bệnh hoặc không chịu nhận mình mắc bệnh:
Từ trước Đại hội VIII, khi công việc cơ cấu nhân sự bắt đầu, theo ông Nguyễn Văn An, người có trách nhiệm nắm hồ sơ các nhà lãnh đạo, kể cả các hồ sơ về sức khỏe, trong Bộ Chính trị xuất hiện một số “ông giấu bệnh”. Ông Lê Xuân Tùng, sau khi bị tai biến, một chân gần như bị liệt vẫn khẳng định là đang rất khỏe. Ông Lê Minh Hương giấu bệnh tiểu đường nặng. Ông Đoàn Khuê giấu bị ung thư hạch. Ông Đào Duy Tùng bị ung thư nhưng vẫn bám giữ chức Trưởng Ban Văn kiện của Đại hội cho đến khi bị tế bào ung thư lan lên não.
Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Hà Đăng kể: “Trong nhiều cuộc họp, cả trong một vài cuộc tiếp xúc, thấy anh (Đào Duy Tùng) có những lúc lim dim, chừng như lơ đãng… Sau Hội nghị Trung ương 10, Tổ Biên tập Văn kiện chúng tôi họp lại trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của Trung ương, sửa chữa lần cuối bản Dự thảo Báo cáo chính trị. Tôi thay mặt Tổ trình bày nội dung và cách sửa. Anh vẫn lim dim. Và khi tôi trình bày xong, anh đặt một vài câu hỏi, lại chính là những điều tôi vừa nói” [475]. Tháng 5-1996, “ứng cử viên tổng bí thư” Đào Duy Tùng xuống Hải Phòng dự đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố, đang phát biểu thì bị đột quỵ rồi từ đó, như đã nói, ở trong tình trạng hôn mê sâu cho đến khi qua đời [476].
Tin vào thuốc Bắc:
Ông Nguyễn Văn An kể: “Khi chuẩn bị nhân sự chủ chốt, ông Lê Đức Anh vẫn giới thiệu Đoàn Khuê làm chủ tịch nước và Thường vụ không có ai phản đối. Tôi gặp anh Đỗ Mười nói Đoàn Khuê bị ung thư đấy, anh Mười nói: Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”.
Dứt khoát không chịu điều trị:
Theo Giáo sư Vũ Bằng Đình, viện trưởng Quân y 108 kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương: “Chúng tôi phát hiện Đoàn Khuê bị ung thư hạch rất sớm. Sau khi bí mật hội chẩn trên cơ sở các mẫu xét nghiệm mà không cho biết là của ai, tất cả các chuyên gia trong nước đều khẳng định đấy là ung thư hạch. Tôi đích thân trên dưới mười lần đến năn nỉ ông vào bệnh viện. Biết khi ấy ông Lê Đức Anh đang giới thiệu Đoàn Khuê kế vị, tôi trấn an ông: nếu anh đồng ý để chúng tôi chữa trị kịp thời thì anh không những có thể sống thêm một thời gian dài mà còn có sức khỏe để đảm đương những nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng ông Đoàn Khuê vẫn phủ nhận kết quả hội chẩn và chỉ thị cho tôi phải báo cáo Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương là ông chỉ bị viêm hạch”.
Nhưng bác sĩ nhất định báo cáo bệnh án:
Trước khi Quốc hội khóa IX nhóm họp để chuẩn bị nhân sự cao cấp, theo Đại tá Vũ Bằng Đình, Tướng Lê Khả Phiêu, với tư cách là ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An yêu cầu Viện 108 báo cáo sức khỏe của cả hai vị tướng Lê Đức Anh và Đoàn Khuê. Ông Đình nói: “Tôi và bác sỹ Nguyễn Thế Khánh cùng ký vào bệnh án, bí mật báo cáo lên Bộ Chính trị”.
và bác sĩ bị mất chức chỉ vì dám báo cáo bệnh của lãnh đạo:
Theo ông Nguyễn Văn An: “Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố: “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng ủy Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức”. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, Tướng Đoàn Khuê chết.
Đọc qua những trích dẫn trên đây, dễ dàng thấy Đảng CSVN rất coi
trọng vấn đề sức khỏe của lãnh đạo. Điều này thì chắc chẳng có gì đáng
ngạc nhiên vì có sức khỏe tốt mới làm lãnh đạo được. Nhưng ngạc nhiên là
Đảng có hẳn một ban bảo vệ sức khỏe cho lãnh đạo. Tôi không rõ các nước
như Mĩ, Canada, và Âu châu có ban này hay không, nhưng ở Úc thì không
có. Thủ tướng Úc khi mắc bệnh vẫn đi chữa bệnh ở các bệnh viện như mọi
người, và họ cũng không giấu diếm bệnh trạng với công chúng. Tại sao để
cho Tàu nắm thông tin về tình hình sức khỏe của lãnh đạo Việt Nam?
Đoạn trích dẫn trên còn cho thấy làm bác sĩ cho mấy lãnh đạo xem ra
là một nguy cơ. Đến nỗi chỉ đơn giản báo cáo bệnh của các vị lãnh đạo mà
bị mất chức. Ở các nước phương Tây, bác sĩ ra y lệnh và bệnh nhân, dù
là thủ tướng, phải tuân thủ; còn ở VN, bệnh nhân lãnh đạo ra lệnh ngược
lại cho bác sĩ! Chẳng biết các bệnh nhân này có hành xử như thế với các
bác sĩ Tàu hay không?
Chú thích:
[473] Ngày 27-6-1996, trong phiên trù bị, Đại hội Đảng lần thứ VIII
đã bầu Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, một nhà vật lý tên tuổi, vào Trung ương
và ngay sau đó, được Trung ương đưa vào Bộ Chính trị. Sẽ không có gì để
thường dân xầm xì nếu như ông Nguyễn Đình Tứ không bị tai biến và đột
ngột chết vào lúc 20 giờ ngày hôm sau, 28-6-1996, ngày mà về công khai,
Đại hội VIII mới bắt đầu khai mạc. Và theo chương trình làm việc được
công bố cho người dân thì mãi tới ngày 30-6-1996, đại hội mới bắt đầu
bầu cử. Thế nhưng, Cáo phó do Ban Chấp hành Trung ương đưa ra vẫn phải
công bố ông Nguyễn Đình Tứ là ủyy viên Bộ Chính trị. Những người trong
hệ thống thì không có gì bất ngờ, nhưng thường dân ngay tình thì không
hiểu tại sao một người chết vẫn được Đảng bầu vào hàng ngũ mười chín
người quyền lực nhất.
[474] Ông Đặng Quốc Bảo xác nhận, ông đã từng đi Trung Quốc chữa bệnh
cùng ông Đỗ Mười mấy năm trời. Trong tiểu sử tóm tắt của ông Đỗ Mười,
có một khoảng trống từ năm 1961 đến 1967 không nêu chi tiết chức vụ và
công việc.
[475] Tuyển tập Đào Duy Tùng II, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2008, trang 634.
[476] Đào Duy Tùng mất vào tháng 6-1998.