Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
HÀ NỘI – Thiếu minh bạch, tham nhũng, kém hiệu quả – các công ty nhà
nước tại Việt Nam đã quen với những lời chỉ trích, nhưng hiện nay họ
đang bị cáo buộc đã tạo ra cuộc khủng hoảng hệ thống kinh tế mà chế độ
cộng sản không thể sửa chữa.
Hơn 25 năm sau khi bắt đầu quá trình đổi mới sang nền kinh tế thị
trường, chính phủ cố gắng tháo gỡ một mạng lưới doanh nghiệp nhà nước
phức tạp vốn đang bóp nghẹt nền kinh tế và ngoan cố chống lại những cải
cách cần thiết.
“Khu vực doanh nghiệp nhà nước là một sai lầm lớn nhất của Đảng Cộng
sản”, kinh tế gia Nguyễn Quang A tại Hà Nội cho biết, và thêm rằng “cơn
bạo bệnh” này đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn hơn.
“Nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 1986,” ông
nói với AFP, đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế trong đó pha lẫn những
cải cách với nền kinh tế thị trường tự do.
Khu vực [doanh nghiệp] nhà nước là “đứa trẻ hư hỏng của các nhóm lợi
ích khác nhau trong đó họ không muốn cải cách vì muốn bảo vệ quyền lực
của họ… Họ đang tìm cách duy trì tình trạng đó với bất cứ giá nào”.
Mặc dù nước này đã liên tục cắt giảm lãi suất nhằm kích thích nền
kinh tế nhưng tăng trưởng hàng năm của Việt Nam đã sụt giảm xuống mức
thấp nhất trong 13 năm qua trong năm 2012. Trong khi đó lạm phát đang
bắt đầu tăng trở lại và việc này gây thêm hạn chế đối với gói kích cầu
từ phía chỉnh phủ.
Việt Nam có hơn 1.300 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Họ chiếm 45% tổng
vốn đầu tư của cả nước, sử dụng 60% vốn vay từ các ngân hàng thương mại
và chiếm 70% viện trợ phát triển.
Nhưng theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi tháng Mười
một vừa qua thì các doanh nghiệp nhà nước này chỉ đóng góp 30% vào tăng
trưởng GDP hàng năm.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu tính các công ty con thuộc doanh
nghiệp nhà nước và cái gọi là doanh nghiệp tư nhân mà trong thực tế đều
dưới quyền kiểm soát của các quan chức hàng đầu trong chính phủ thì khu
vực doanh nghiệp nhà nước chiếm lên đến 70% trong các hoạt động kinh tế
tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước đang trong tình trạng rất
yếu kém. Doanh nghiệp nhà nước đã rót khoảng 61 tỷ USD nợ nần, chiếm hơn
một nửa tổng số nợ công tại Việt Nam.
Một số các doanh nghiệp nhà nước đã sụp đổ trong thời gian vừa qua,
bao gồm cả tổng công ty vận chuyển khổng lồ Vinashin – với số nợ lên đến
4,4 tỷ USD – và Vinalines đã không thể thanh toán số nợ 1,1 tỷ USD.
Sự thất bại của họ đã bị nhiều chỉ trích từ những người chống Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng – người được xem như một nhà cải cách khi ông nhậm
chức vào năm 2006, nhưng hiện nay là người bị đổ lỗi gây ra cuộc khủng
hoảng kinh tế tại nước này.
Ông Dũng đã đấu tranh cho các doanh nghiệp nhà nước như một cách để
giúp Việt Nam đi đến sự thịnh vượng khi ông trích dẫn mô hình từ các tập
đoàn Chaebol của Nam Hàn.
Các kinh tế gia nói rằng các doanh nghiệp nhà nước đã trở thành
chuyên gia che giấu các khoản nợ, có nhiều chiến lược không thể hiểu
được, đầu tư nguy hiểm trong các lĩnh vực không thuộc sở trường cũng như
đưa ra những chiến thuật xảo trá để tránh né các quy định của chính
phủ.
Nhiều quan chức hàng đầu điều hành các công ty nhà nước thường xuyên
phô trương lối sống không phù hợp với thù lao chính thức của họ, làm
công chúng tức giận vì tình trạng tham nhũng, điều hành kém hiệu quả và
lãng phí.
“Cuộc khủng hoảng nợ công là vấn nạn kinh tế đầy kịch tính đã kéo dài
năm năm nay rồi và được liên kết chặt chẽ với cơ quan của Đảng Cộng
sản”, ông Quang A nói.
Trong vài tháng qua, tin đồn đã được nhân đôi về những điểm yếu của một loạt các doanh nghiệp nhà nước khác.
Truyền thông chính thức đã chỉ ra rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam
(EVN) và Tập đoàn Than Vinacomin khổng lồ nặng ký là hai tập đoàn sẽ bị
sụp đổ tiếp theo. Tuy nhiên, chúng chỉ sống lây lất nhờ sự hỗ trợ và cấp
thêm tín dụng từ chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết vào
tháng Mười hai thì khoảng 30 trong 85 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất đã
tích lũy các khoản nợ từ 3 đến 10 lần lớn hơn so với vốn của họ.
“Mọi người cố tình vi phạm pháp luật vì lợi ích cá nhân”, ông nói,
nhắc đến các khoản đầu tư khổng lồ vào các lĩnh vực mà họ không được
phép hoạt động.
Người đứng đầu tổng công ty Vinashin đã bị kết án 20 năm tù giam,
trong khi đó các quan chức hàng đầu tại Vinalines đang bị giam chờ ngày
xét xử.
Hiện nay không có hệ thống giải pháp nào được đề xuất để tránh lặp
lại những thất bại trên. Tuy nhiên, mô hình Việt Nam – sự pha trộn kỳ
quặc của “nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” đã bị
mất uy tín cả trong lẫn ngoài nước.
“Các doanh nghiệp nhà nước phải cầu xin trợ cấp từ phía nhà nước để
tồn tại – họ đã trở thành một căn bệnh ung thư trong nền kinh tế”, một
đại biểu Quốc hội Việt Nam yêu cầu giấu tên nói.
“Quá trình cải cách hiện nay quá chậm bởi vì việc này đang gặp sự
phản đối mạnh mẽ từ các lãnh đạo và giám đốc công ty. Việt Nam đã phải
mất hàng chục tỷ đô la. Tuy nhiên, không ai bị đưa ra đối mặt với công
lý cả”.
Nguồn: AFP
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013