Diên Vỹ chuyển ngữ
Những lấn lướt gần đây của Trung Quốc trên biển Đông đã dẫn đến những
cuộc biểu tình dân sự tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam.
Tham gia các cuộc biểu tình này là những nhân vật nổi tiếng trong
nước, các trí thức, thanh niên và sinh viên. Trong những hội đàm sau đó
với Trung Quốc, các quan chức Việt Nam đã đồng ý rằng họ sẽ không để
những cuộc biểu tình trên ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. Thoả
thuận này có nghĩa là các cuộc biểu tình sẽ bị trấn áp thậm chí bằng vũ
lực, và dường như nhà cầm quyền Việt Nam đã giữ lời hứa của mình. Việc
lực lượng công an phá vỡ những cuộc biểu tình dân sự đã đặt chính quyền
cộng sản vào một vị thế lạ lùng là đàn áp một cuộc biểu tình đòi hỏi chủ
quyền lãnh thổ Việt Nam.
Chính quyền cộng sản không chấp nhận biểu tình dưới bất kỳ hình thức
và lý do nào. Đảng Cộng sản lo ngại rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ
dẫn đến một phong trào xã hội chống cộng sản lớn hơn tương tự như phong
trào Mùa xuân Ả Rập, đe doạ đến sự sống còn của chế độ độc tài trên
quốc gia này. Họ đã biện hộ cho việc đàn áp các cuộc biểu tình bằng cách
nói rằng các lực lượng thù địch đã lợi dụng biểu tình để kích động bạo
lực nhằm lật đổ chính quyền. Nhưng Giáo sư Tương Lai và ông Lê Hiếu Đằng
đã bác bỏ những cáo buộc này.
Cả hai ông Tương Lai và Lê Hiếu Đằng đã đưa ra những tuyên bố riêng
và chung, được truyền bá rộng rãi trên các mạng xã hội, trong đó phản
đối việc công an vi phạm thô bạo nhân quyền và tự do của công dân. Họ
yêu cầu chính quyền mở một cuộc điều tra xem ai đã ra lệnh đàn áp những
cuộc biểu tình này và với lý do gì. Chính quyền vẫn chưa hồi đáp yêu cầu
của họ.
Đây không phải là cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên tại Việt
Nam - những cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra từ năm 2007. Trong năm
2011, tinh thần dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam gia tăng khi những
tàu hải giám Trung Quốc cố tình cắt đứt dây cáp của một chiếc tàu Việt
Nam đang khảo sát địa chấn trong vùng biển được Việt Nam tuyên bố chủ
quyền. Những cuộc biểu tình lần này được phát động sau một sự kiện tương
tự xảy ra - công ty dầu và khí đốt nhà nước Petro Việt Nam đã tố cáo
các thuyền đánh cá Trung Quốc cắt đứt dây cáp của một chiếc tàu của họ
đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Năm ngoái, một nhóm người Việt
đã thành lập một đội bóng đá mặc áo thun “No-U” nhằm phản đối đường chủ
quyền hình lưỡi bò trên biển Đông mà Trung Quốc tự nhận. Đội bóng này đã
thường xuyên tổ chức những trận đấu gọi là “No-U”.
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã đặt Đảng Cộng sản vào một
tình huống khó xử. Một mặt Đảng Cộng sản tuyên bố rằng một môi trường
hoà bình và ổn định thì quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.
Thật thế, tăng trưởng kinh tế là con đường duy nhất để đảng giữ vững và
củng cố tính chính danh của mình trong khi lòng tin của dân chúng mất
đi, điều này còn tiếp tục tăng vì khủng hoảng kinh tế và nạn tham nhũng
lan tràn. Đảng hiểu rằng đối đầu với Trung Quốc sẽ không tốt cho chính
sách phát triển của mình. Đấy là vì sao khi thảo luận trực tiếp với
Trung Quốc về vấn đề biển Đông, chính phủ Việt Nam thường tránh sử dụng
những ngôn ngữ cứng rắn như chính phủ Philippines.
Mặt khác, tính chính danh trong nước của Đảng Cộng sản đang bị người
dân thách thức, họ không đồng ý với phản ứng của chính quyền đối với
việc Trung Quốc liên tục lấn lướt trên các khu vực đất liền, đảo và biển
mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Đảng luôn tuyên bố rằng mình không
có quyền lợi nào khác ngoài đất nước và nhân dân. Trong một bài viết do
đa số báo chí nhà nước đăng tải, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã phải xác
định rằng Đảng Cộng sản “không bán nước” - tức là không trao đổi quyền
lợi của đảng với quyền lợi của nhân dân. Nhưng thật khó để Đảng Cộng sản
chiếm được lòng tin của người dân và trấn an công chúng trước thái độ
của mình đối với Trung Quốc khi mà những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
tiếp tục bị phá vỡ, những người tham gia biểu tình bị vẫn bị bắt giữ
hoặc bị quấy nhiễu thô bạo, và khi vị chủ tịch, trong một bài viết khác,
đã tố cáo một nhân vật lãnh đạo khác là “cõng rắn cắn gà nhà.”
Rõ ràng là Đảng Cộng sản đang trong tình trạnh tiến thoái lưỡng nan
khi đối phó với những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Để vượt qua
được tình huống này, đảng phải chọn lựa giữa việc đứng cùng phía với
nhân dân hay đứng về phía đối diện.
Nguyễn Hồng Hải đang là ứng cử viên Tiến Sĩ tại Học viện Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc Tế, Đại học Queensland.