Phần 1: Chạm mặt an ninh và “phóng viên báo Thanh Niên"
Tối thứ sáu. Buổi cơm tối gần xong, điện thoại Mẹ reo nhạc chuông lạ. Mẹ bỏ đũa xuống miệng chắc mẫm: “Con Nhung gọi chứ không ai khác”. Đúng thật, chị Nhung gọi điện cho Mẹ. Chị hẹn gặp Mẹ ở đâu đó để cùng mua lương thực và đi thăm nuôi hai đứa con vào sáng mai. Cuộc trao đổi rất ngắn gọn, kết thúc Mẹ ừ một tiếng rồi cúp máy.
Sáng thứ 7. Mẹ đi từ rất sớm. Khi chạy ngang nhà tôi mẹ để ý thấy hai tên “cái mặt gian ác quen quen” ngồi quán café đối diện. Uống café mà mắt chăm bẵm soi mói về phía nhà tôi. Mẹ nhắn cho tôi một tin gọn lỏn: “Kẻ ác gần nhà”. Lúc này là 6h sáng. Tôi tỉnh ngủ, chuyện quái gì nữa đây?
Hôm nay, người thăm nuôi tăng đột biến. Khu vực ngồi chờ đông nghẹt người. Xấp đơn nộp tại phòng dầy cộm. 2 bà mẹ là 2 người nộp đơn sau cùng vậy mà được “sắp xếp” gọi tên trước tiên để tiến về phòng gửi đồ thăm nuôi. Một ngày lạ.Mẹ đưa mắt ngó quanh và phát hiện một số kẻ quen mặt thụp ló trộm nhìn. Lạ nỗi, khi mẹ bước tới 1 bước để nhìn những kẻ đó là ai thì kẻ đó lại lùi 2 bước và đưa mặt đi nơi khác cố tình giấm mặt lẫn tránh. Mẹ cười.
- Con chuẩn bị tâm lý chưa Nhung?
- Dạ, sẵn sàng từ lúc ở nhà.
Hai bà mẹ dắt tay nhau đến quầy gửi đồ. Vẫn như mọi khi, gửi tiền, đồ ăn và không gặp mặt. Đã vậy còn nhận được một tin buồn. Bác sĩ trại giam cho biết rằng Phương Uyên đang bị hạ canxi và mắt bị đau do không đeo kính cận. Nguyên Kha bị ho bẩm sinh, gặp khí trời lạnh thì càng dữ dội hơn.
Mẹ và chị Nhung xin được gửi thuốc và mắt kính cận vào để chữa trị cho hai đứa nhỏ. 1 điều kiện được chấp nhận – đó là thuốc. Còn kính cận thì cấm tuyệt đối, vì họ cho rằng “kính cận và kính sát tròng có khả năng gây ra sát thương, sợ bị can dùng để tự vẫn”. Câu trả lời cuối cùng vẫn là “quy định là vậy”. Hai bà mẹ chán nản, thở dài.
Vừa quay ra về, mẹ và Chị Nhung bị một tốp an ninh chặn lại mời vào phòng làm việc. Vẫn tốp người cũ, vẫn những khuôn mặt cũ đến nỗi gọi là nhàm chán – Huỳnh Văn Nhựt phó phòng PA92 CA Long An.
- Mấy chú mời làm việc cái gì? Làm việc với ai? Làm với tui hay với nó – Mẹ hỏi
- Mời chị Nhung cùng chúng tôi làm việc một số vấn đề.
- Làm việc với nó hả? Vậy tui ngồi đây chờ.
Mẹ quay qua nói với chị Nhung:
- Con vào làm việc đi, bác ngồi đây chờ. Con làm việc thoải mái, khi nào ra rồi bác cháu cùng về. Nếu mày ở đến tối, tao chờ đến tối.
- Dạ.
Chị Nhung cùng những an ninh vào phòng gần đó làm việc một số vấn đề, Mẹ đi tới đi lui ngoài hành lang, bắt chuyện hỏi thăm những người khác. Hình như Mẹ phát hiện một chuyện lạ. Mẹ đi như chạy về phía một cô gái trẻ và thắc mắt:
- Nè con, sao ở đây cấm chụp hình mà con ngồi chụp vô tư vậy?
- Dạ, ở đây cấm chụp hình, nhưng con là phóng viên – cô gái trả lời bối rối.
- Con phóng viên hả? làm ở báo nào vậy? Sao tự nhiên hôm nay có phóng viên ở đây nữa? Phóng viên thiệt không?
- Dạ, con là phóng viên báo Thanh Niên.
- Báo Thanh Niên hả? Con tên gì?
- Con tên H… là phóng viên của báo Thanh Niên, hôm nay con xuống trại giam long an để làm phóng sự về tình hình an ninh trại giam và lấy ý kiến gia đình bị can đánh giá về cách cư xử của cán bộ trại giam.
- Ừ ừ.
- Mà theo Bác, cán bộ trại giam cư xử với mọi người có tốt không ạ?
- Trời ơi, bác là mẹ của bị can, là dân thường, dĩ nhiên tụi nó đâu có hỗn láo. Vấn đề là cách đối xử của tụi nó với những đứa đang trong kia kìa. Đối đãi tốt hay ngược đãi thì có trời mới biết. Nhưng ở đây tụi nó có cái quy định quái gỡ, không cho mang kính cận và kính sát tròng.
- Sao vậy bác?
- Nó sợ bị can tự tử.
- Người nhà của bác đang gặp vấn đề đó hả?
- Ừ, bác là mẹ của Đinh Nguyên Kha , còn nhỏ kia mới vào phòng làm việc với an ninh là mẹ của Nguyễn Phương Uyên. 2 đứa nó bị nhốt vào đây hơn 3 tháng rồi.
Vừa nghe xong thân thế 2 bà mẹ, cô phóng viên trẻ bỗng sượn mặt ra không nói gì, nhấc mông ngồi xa Mẹ một tý, dè dặt.
- Con có biết Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên không? Báo chí và tivi đăng tin rầm rộ và kết tội điều 88 đấy.
- Dạ…. con không biết.
- Sao kỳ vậy? Phóng viên mà cái chuyện như vậy cũng không biết? Mấy ông chạy xe ôm còn biết nữa là…
- Dạ con làm báo Thanh Niên nhưng làm ở mảng khác.
- Mảng nào thì cũng phải theo dõi tin tức thường ngày để nắm bắt chứ?
- …
- …
- Con chụp hình nãy giờ, hỏi thăm nảy giờ thì nhớ đăng lên báo nhe. Bác đón chờ báo Thanh Niên đăng tin về cái trại giam này đó. Nhớ đănng tin nhe.
Nói xong mẹ đứng dậy đi, lại đi tới đi lui trước hành lang của cái phòng chị Nhung đang ngồi làm việc, lâu lâu ngó mắt dòm chừng. Cô phóng viên vẫn âm thầm cầm máy chụp hình, chụp chụp âm thầm.
Chờ hơn 2 tiếng đồng hồ, đến 11h30, khi mọi người đã về hết thì chị Nhung mới làm việc xong và bước ra. Chị tươi cười và nói với Mẹ;
- Phát mệt, tất cả những thứ cần nói con đã nghi rõ trong đơn tố cáo gửi chủ tịch nước rồi, cứ hỏi tới hỏi lui hoài cũng không có gì mới. Chắc con còn bị họ làm khó dễ dài dài.
- Tao tưởng đến tối chứ. Thôi vậy cũng được, về con, thằng Uy đang đợi, có gì nói sau...
Phần 2: “Côn đồ” quấy rối
Được Mẹ báo tin có “kẻ ác” ngồi chờ trước nhà, tôi chuẩn bị mọi thứ để đương đầu. Xong, nghĩ lại, có gì phải dè dặt chứ, bình thường thôi.
Chở Mẹ và Chị đến trại giam xong, tôi vào quán café ngồi chờ. Vừa đặt lưng xuống ghế chưa kịp gọi café thì cái tên lẽo đẻo theo sau nảy giờ cũng vào quán. Nó ngồi bàn đối diện hơi xa xa, tay cầm điện thoại chụp hình rẹt rẹt, rồi gọi điện lén lút. Tôi ngồi đó từ 8h30 sáng đến gần 12h, nó vẫn ngồi đó chờ đợi.
12h trưa. Khi Mẹ và Chị bước vào quán, nó liền móc điện thoại ra, giơ cao chụp thêm vài tấm nữa. Điệu bộ nghiệp dư, trơ trẽn nhìn tức cười. Nó bóc máy lên gọi gọi, làm liên tục, tất bật như tổng đài taxi. 2 bà mẹ nhìn thấy cười sặc sụa, xong cũng thấy lo lo vì không biết sẽ sảy ra chuyện gì. Nhìn thấy cái bản mặt thằng “côn đồ” này non chẹt, tôi lại thấy lo hơn. Lo bởi vì mấy thằng du côn trẻ người non dạ thường thất học nên hăng tiết thích làm càn. Tôi nhìn xung quanh, dò xét địa điểm rồi trấn an:
- Nơi này là quán café lớn, đông người, chắc mấy thằng côn đồ cũng không dám làm càn. Thôi mình cứ tự nhiên.
- Tao thách nó dám làm gì đấy, tao già sắp chết, nó rớ vào mắc công tốn tiền mua hòm bồi thường – mẹ trả lời to tiếng.
- Thôi kệ nó đi mà bác, con chạy chậm lắm – Chị nói vui giả lả, Mẹ cười.
Mẹ và Chị ngồi trao đổi chuyện gia đình. Mẹ hỏi thăm tình hình sức khỏe hai vợ chồng, rồi công việc làm ăn những ngày cận Tết. Chị kể về những vấn đề khó khăn về mặt xã hội và bức xúc khi nói về sự kỳ thị của xã hội đối với gia đình Chị. Những trường học ngoài khu vực Chị sinh sống, họ đem hẳn vụ việc con chị bị bắt tuyên truyền cho học sinh cấp 2 ,3 và phụ huynh biết để phòng tránh. Vợ chồng chị ốm đi rất nhiều vì dư luận và vì lo lắng cho đứa con gái mới lớn đang trong tù tội. Còn đứa con nhỏ thì thường xuyên nhắc đến tên chị của nó trong mỗi bữa ăn và sau những sáng thức dậy. “Mẹ ơi con nhớ chị Uyên”, Chị nói lại câu này, miệng cười nhưng ánh mắt lưng tròng.Mẹ thở dài - “Tao có hay ho gì hơn mày đâu” rồi cả hai lặng yên.
Mẹ nhắc đến việc gửi đơn cho ông Nguyễn Sáu để yêu cầu được gặp mặt gửi quà tết cho 2 đứa nhỏ nhưng không được chấp nhận. Chị cũng nói về việc gửi đơn cầu cứu, tố cáo về sai phạm của CA Long An. Thằng côn đồ nghe loáng thoáng gì đó đến công an Long An, mắt nó sáng lên, móc điện thoại ra hí hoái làm gì đó. Chắc có lẽ, côn đồ luôn làm chuyện ác nên nghe hai từ công an là giật mình, vậy thôi, tôi không quan tâm nữa. Mẹ và Chị thấy thế, càng nói to tiếng hơn, nói nhiều hơn nữa, tôi chỉ biết cười.
1h30 trưa. Chúng tôi ra về, vừa ra khỏi quán, tôi nhìn lại, tên “côn đồ” lật đật đứng dậy theo sau. Tôi chở Chị ra bến xe khách Long an để về Sài Gòn, Mẹ chạy theo sau. Tôi đưa Chị lên tận xe, dặn dò kỹ lưỡng rồi đi. Điện thoại tôi reo, Mẹ gọi: “Nó theo, xe dream tàu 62K4 8375”. Tôi tức tốc quay ngược lại bến xe, xe vừa xuất bến. Tôi chạy theo, thấy 1 tên côn đồ chạy theo sau xe, 1 tên đứng núp lùm ngay trụ ATM của ngân hàng đối diện. Bực mình, mẹ quay đầu xe chạy vào con hẻm bên hông bến xe rồi quay ngược lại, bóp còi và đâm mũi xe vào tên “núp lùm”:
- “Đậu chi chỗ này, tránh chỗ tui rút tiền”...
Tên “côn đồ” quay lại nhìn thấy Mẹ, hoảng hốt, nổ máy xe bỏ chạy, mặt sượn ngắt. Tôi gọi điện cho Chị dặn dò cẩn thận nhưng vẫn không an tâm. Thôi, chạy theo sau xe Chị cho chắc ăn vậy. Bởi vì, “côn đồ gian ác” cướp của giết người, hiếp dâm phóng hỏa, chuyện gì mà tụi nó không dám làm. Tôi càng nghĩ, càng lo sợ cho Chị. Tôi và Mẹ quyết định “hộ tống’ Chị và 2 tên “côn đồ” ra khỏi địa phận TP . Tân An, thậm chí lên tận cả Sài Gòn. Chạy hơn 10km, thấy yên lặng, cả 2 quay về.
Ở cái xã hội này, trên diện tích 1 mét vuông có đến 4 thằng ăn cướp. Chị, thân phụ nữ một mình vượt đường xa hơn 300km để vào thăm con. Nguy hiểm. Tôi và Chị không bà con máu mủ, không bạn bè chí cốt. Nhưng, chúng tôi như người một nhà. Có một thứ gì đó vô hình gắn kết chúng tôi lại với nhau không thể tách rời. Chắc đó là sự đồng cảm, sự nhận định về công lý và lẽ phải. Chúng tôi sẽ đoàn kết, đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau và đoàn kết để bảo vệ cho lẻ phải. Có lẽ những người có lý trí và chính nghĩa mới hiểu được. Còn bọn “côn đồ đầu đất” thì ngàn năm muôn thuở.
Đi thăm con trong tù. Một việc làm bình dị giản đơn của những người mẹ.Nhưng sự thật thì không đơn giản. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho những ngày sắp tới, ở cái xã hội này?
Tôi tự đặt câu hỏi rồi lại không dám trả lời.