Ngô Nhân Dụng
Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người duy nhất báo động tình trạng
đảng cộng sản đang nằm trên giường bệnh, có thể chết bất cứ lúc nào, mà
ông gọi là nguy cơ “đe dọa sự sống còn của chế độ.”
Ông Trọng nói thì người ta có thể tin, vì ông là tổng bí thư, một
người nhận được tin tức có lẽ đầy đủ nhất để kết luận mạng sống của đảng
cộng sản đang bị đe dọa. Nhưng việc chẩn bệnh của ông Nguyễn Phú Trọng
không đầy đủ. Ông cho là nguyên nhân khiến sinh mạng của đảng bị đe dọa
là do cán bộ, trong đó có cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
Theo ông chẩn bệnh, họ bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống.”
Chẩn bệnh như vậy là chỉ thấy các triệu chứng bên ngoài, không nhìn
ra gốc của căn bệnh nằm từ bên trong. Ðịnh bệnh sai thì không thấy được
thuốc chữa đúng; chỉ lo chuyện chữa các triệu chứng là không tìm hiểu
tại sao lại sinh ra các triệu chứng này. Không khác gì cứ cho một bệnh
nhân uống thuốc thông cổ, tiêu đờm, giảm chứng ho hen mà không tự hỏi
tại sao bệnh nhân ho. Không tìm hiểu nên không biết hắn đã bị ung thư
phổi từ lâu rồi.
Tại sao các cán bộ bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống?” Trong cơ cấu tổ chức của các đảng cộng sản, trong phương cách
đảng chiếm lấy chính quyền và sử dụng quyền hành để cai trị, mà ông
Trọng gọi là lãnh đạo và quản lý, phải chứa đựng những căn bệnh trầm kha
cho nên mới nẩy sinh ra những cán bộ như vậy. Mà cái triệu chứng ho hen
này cứ kéo dài mãi mãi, càng ngày càng nặng nề hơn, cho thấy nếu cứ
chữa trị loay hoay ở bên ngoài thì không bao giờ hết bệnh cả.
Chúng ta sẽ phân tích những vấn đề cơ cấu gây nên căn bệnh của các
đảng cộng sản khắp thế giới. Nhưng nguyên nhân đầu tiên không phải chỉ
nằm trong cơ cấu tổ chức, mà thực ra đã có sẵn từ khi các chế độ cộng
sản đầu tiên ra đời. Ðó là những bệnh gọi là “tiên thiên.” Giống như
những đứa trẻ bị tật bẩm sinh, người Việt gọi là “tiên thiên bất túc.”
Các đảng cộng sản ra đời dựa trên một niềm tin, tin vào chủ nghĩa
Mác-Lê Nin. Họ lập ra những chế độ gọi là cộng sản; chế độ dựa trên một
trật tự tinh thần do hai ông Karl Marx và Lenin đặt nền tảng. Ông Marx
cho họ niềm tin vào lý thuyết của ông về lịch sử, ông bảo lịch sử đã
diễn biến theo những quy luật mà ông tìm ra, và sẽ đi theo đúng bản lộ
trình đó. Cho nên, cứ theo ông mà đấu tranh thì đi đúng đường của lịch
sử. Marx đã dựng lên một thứ tín ngưỡng, cống hiến cho người ta một niềm
hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều người đi theo chủ nghĩa cộng
sản đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì niềm tin vào hy vọng tương lai;
không khác gì những người ôm bom tự sát bây giờ.
Ông Lenin đặt nền móng để thiết lập một giáo hội, huấn luyện các giáo
sĩ để thực hiện và truyền bá niềm tin đó. Ông chủ trương dùng quyền lực
nhà nước để thực hiện những điều Marx đã tiên tri; thiết lập chế độ
chuyên chính. Một niềm tin cộng với một guồng máy chuyên chế, đó là căn
bản của các chế độ cộng sản.
Nhưng chỉ cần bình tâm suy nghĩ một chút, người ta đã thấy những lý
thuyết của cả Marx lẫn Lenin đều đưa người ta vào ngõ cụt. Bản Tuyên
ngôn Cộng sản do ông Marx viết mở đầu bằng một định đề nói rằng “lịch sử
là lịch sử đấu tranh giai cấp.” Dựa trên ý tưởng đó, ông đã lý luận một
hồi để bảo rằng nếu cứ đi theo ông, sẽ đến lúc xã hội loài người không
còn giai cấp nữa. Kết luận này hoàn toàn trái ngược với định đề đầu tiên
của ông về bản chất của lịch sử. Nếu kết luận của ông đúng, thì cái
định đề đầu tiên sai; còn nếu cái định đề đó đúng thì câu kết luận chỉ
là một ảo tưởng.
Ông Lenin thiết lập một kiểu mẫu chính quyền gọi là “chuyên chính vô
sản,” với giả thiết rằng guồng máy chuyên chế đó sẽ tới lúc tự nó giải
tán, theo đúng lời tiên tri của Marx. Giống như lập ra một giáo hội,
tuyển chọn những tay dám giết người và dám chết làm giáo sĩ; rồi ban cho
các giáo sĩ đó toàn quyền quyết định đời sống với cái chết của tất cả
mọi người; nhưng lại hứa hẹn rằng sẽ có ngày tất cả giáo đoàn này sẽ tự
giải tán. Ðó là một ảo tưởng, còn hoang đường hơn cái ảo tưởng của Karl
Marx. Và độc hại hơn, vì ông Marx chỉ nói suông thôi chứ chưa nhúng tay
vào máu. Cuối cùng, ai cũng biết là những chế độ độc tài toàn trị không
bao giờ tự giải tán được. Thay vì tiến tới một xã hội không có giai cấp,
người ta chỉ thấy hệ thống cấp bực chia chác các đặc quyền đặc lợi ngày
càng phức tạp và kiên cố hơn.
Chúng ta bây giờ đã sống hơn trăm năm kể từ ngày ông Marx thuyết
giáo, gần 100 năm kể từ lúc ông Lenin cướp được chính quyền. Khi nhìn
lại, phải tự hỏi không hiểu tại sao đã có những người tin tưởng vào
những lý thuyết mơ hồ và đầy nghịch lý như vậy. Nhiều đảng viên cộng sản
sau này hay nêu ra những “nghịch lý” trong xã hội họ đang sống; khi
thấy lý thuyết và thực tế trái ngược nhau. Nhưng phải biết từ căn bản,
chủ nghĩa Mác-Lê Nin đã đầy mâu thuẫn ngay trong tư tưởng. Chính vì thế
mà ngay từ lúc thành hình các chế độ cộng sản đều chứa sẵn cái mầm tự
hủy diệt; vì những mối mâu thuẫn càng ngày càng nặng hơn, không thể tự
cởi bỏ được. Cho nên, các chế độ cộng sản ở Nga và các nước Ðông Âu đã
tự giải thể. Các đảng cộng sản tự tan rã mà không ai tiếc nuối, kể cả
các đảng viên. Trên thế giới không còn ai coi những lý thuyết của Marx
và Lenin là chuyện đứng đắn nữa. May mắn cho các nước trên, những cuộc
cách mạng diễn ra trong hòa bình, không đổ máu vô ích.
Nhưng “diễn biến hòa bình” là con đường tốt nhất để giải quyết những
tai họa cho xã hội mà chế độ cộng sản đã tạo nghiệp. Trong khi ai cũng
biết một chế độ dẫu đầy mâu thuẫn không thể nào tồn tại được nữa thì con
đường tốt nhất là cho chúng giải tán một cách hòa bình.
Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng của ông lại lo sợ về “diễn
biến hòa bình.” Khi đã biết thế nào cũng phải giải tán, nếu không muốn
tan rã một cách hòa bình tức là chọn con đường tan rã trong hỗn loạn.
Các lãnh tụ cộng sản chống “diễn biến hòa bình” vì họ nghĩ rằng có thể
tìm một con đường khác để tiếp tục cai trị, coi như tất cả mọi người đều
ngu dốt hoặc hèn nhát, hoặc vừa ngu lại vừa hèn. Cảnh tan rã của các
đảng cộng sản ở Âu Châu đã xóa sạch niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê Nin.
Sau hơn 20 năm, các nước Ðông Âu trở lại cuộc sống bình thường đã xây
dựng dân chủ tự do và kinh tế phồn thịnh, ai cũng trông thấy. Cho nên,
chính các đảng cộng sản ở Trung Quốc cũng như Việt Nam trên thực tế đang
tự thực hiện một diễn biến hòa bình! Họ đã biết không còn dùng chủ
nghĩa Mác-Lê Nin vào việc gì nữa. Thay vì tin vào cách mạng vô sản toàn
thế giới, ngày nay họ chỉ mong theo gót những chế độ độc tài kiểu tư bản
thời hoang sơ. Họ cố gắng bảo vệ độc quyền chính trị với một hệ thống
chia chác quyền lợi, nuôi một bộ máy kìm kẹp dựa hoàn toàn trên lợi lộc.
Tất cả những tuyên ngôn về chủ nghĩa Mác-Lê Nin đưa ra trong các kỳ đại
hội chỉ là cái màn che đậy cho sự thật nhem nhuốc ở bên trong. Như
chúng ta đang chứng kiến, những màn tranh chấp, đấu đá giữa Ba Dũng với
Tư Sang, giữa Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Tấn Dũng, giữa Dũng với Nguyễn
Bá Thanh hoàn toàn không liên quan gì đến các vấn đề như chủ nghĩa
Mác-Lê Nin hay tư tưởng Mao Trạch Ðông! Tất cả đều là những cuộc cãi cọ
về hệ thống chia chác quyền ban phát đất để làm ra tiền.
Chế độ độc tài mới của đảng cộng sản dựa trên một cơ cấu chia chác
quyền lợi mà chính cơ cấu đó cũng chứa đựng những mâu thuẫn không thể
đứng vững được. Cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Nguyễn Phú Trọng đều nói đến các
cán bộ, đảng viên suy thoái. Nhưng mọi người biết họ chỉ dùng chiêu bài
đó để tìm cách đá lẫn nhau, nếu được thì lật đổ nhau. Tất cả đều tham
nhũng như nhau, anh này đưa tay lên chỉ trỏ bảo anh kia là tham nhũng.
Vì vậy các anh giành nhau cái chức trưởng ban bài trừ tham nhũng, để
dùng khí cụ đó hại lẫn nhau.
Những cảnh tranh quyền giành lợi lộc đang diễn ra cho thấy sợi dây
cấu kết các lãnh tụ cộng sản lớn nhỏ với nhau đang rạn nứt. Mối rạn nứt
ngày càng nặng nề hơn và càng khó thỏa hiệp hơn. Vì vậy, cảnh tan rã của
đảng cộng sản đang diễn ra trước mắt chúng ta.