Hồ Anh Hải
Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 viết (tóm tắt):
1. Đảng Cộng sản Việt Nam …. là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám
sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định
của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Hiện nay có mấy quan niệm khác nhau về Điều 4 Hiến pháp.
1) Quan niệm hạ thấp ý nghĩa, tác dụng của Điều 4. Thí dụ ông Trần
Trọng Tân nguyên Trưởng ban tư tưởng văn hóa Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam (ĐCSVN) nói: "Hiến pháp chỉ thừa nhận Đảng là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội, không phải Hiến pháp cho phép Đảng được
lãnh đạo Nhà nước và xã hội ; hiểu Điều 4 của Hiến pháp như là “giấy
phép” cho Đảng là không đúng." [1]. Chẳng rõ cách giải thích này có
phải là nhằm mục đích hạ nhiệt phản ứng của những người phản đối sự áp
đặt Điều 4 hay không.
Thực ra Hiến pháp là văn bản pháp luật cơ bản, lâu dài, có hiệu lực pháp lý cao nhất của một nước. Vì pháp luật là "những quy phạm hành vi do nhà nước ban hành mà mọi người dân buộc phải tuân theo" [2], do đó tất cả các điều văn được đánh số thứ tự trong Hiến pháp đều có tính ép buộc, cưỡng chế;
ai vi phạm Hiến pháp sẽ bị xử lý (Điều 123), nghĩa là có thể bị bỏ tù.
Thí dụ Điều 14 nói Hà Nội là thủ đô nước ta đâu phải chỉ là sự thừa
nhận, mà là một quy định pháp lý, ai không tuân theo là vi hiến, tức
phạm pháp.
Như vậy Điều 4 không chỉ thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo và cho phép ĐCSVN thực thi quyền lãnh đạo ấy mà còn buộc Nhà nước và xã hội, trong đó có nhân dân, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, không phục tùng là vi hiến. Ý nghĩa, tác dụng của Điều 4 là thế. Dĩ nhiên ai cũng biết rằng phục tùng một cách tự nguyện thì tốt hơn khi bị ép buộc.
2) Quan niệm phổ biến trong dư luận là đánh giá quá cao ý nghĩa tác
dụng của Điều 4, cho rằng nhất thiết phải có Điều 4 thì mới giữ được sự
lãnh đạo của ĐCSVN, bỏ Điều 4 là xóa bỏ sự lãnh đạo ấy; từ đó bất kỳ ý
kiến nào đòi bỏ Điều 4 đều bị coi là chống Đảng. Mặt khác, cũng vì đánh
giá như vậy mà những người phản đối sự lãnh đạo của ĐCSVN cũng nghĩ rằng
chỉ cần bỏ Điều 4 thì sẽ xóa bỏ được sự lãnh đạo của Đảng.
Thực ra vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền và Hiến pháp là hai vấn
đề khác nhau. Hiến pháp không quy định về vai trò lãnh đạo của đảng cầm
quyền không có nghĩa là đảng đó mất quyền lãnh đạo. Vai trò ấy quyết
định bởi lòng dân chứ không bởi Hiến pháp. Lịch sử đã chứng minh đây là
một chân lý không ai có thể bác bỏ.
Như ở Liên Xô, trước năm 1977, Hiến pháp không nói về vai trò lãnh
đạo nhà nước của ĐCS Liên Xô, nhưng Đảng vẫn lãnh đạo xây dựng nước này
trở thành siêu cường. Từ 1977 Hiến pháp có Điều 6 quy định ĐCS Liên Xô
giữ quyền lãnh đạo đất nước, nhưng từ đó Đảng lại suy thoái nhanh và chỉ
sau 14 năm thì Đảng tan rã, bị mất quyền lãnh đạo. Hậu quả làm nhà nước
sụp đổ, xã hội rối loạn, tài sản công do nhân dân làm ra trong hơn 70
năm bị tầng lớp tư bản mới chiếm đoạt. Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn
Đình Lộc nói "Liên Xô sụp đổ cũng là lúc cái điều trong Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định rất mạnh"; sự sụp đổ ấy "có phải là diễn biến hòa bình đâu" mà "là nhân dân vùng dậy lật đổ" [3]. Rõ ràng, khi đã mất lòng dân thì đặc quyền lãnh đạo của ĐCS Liên Xô, dù có Điều 6 bảo đảm, cũng vẫn bị mất.
Trung Quốc từ năm 1982 đến nay các điều văn Hiến pháp hoàn toàn không
có từ Đảng cộng sản, tức không có quy định về vai trò lãnh đạo của
ĐCSTQ, nhưng Đảng vẫn lãnh đạo như cũ.
Tóm lại, trừ các nước độc tài chuyên chế ra, vai
trò lãnh đạo của đảng cầm quyền trong các nước dân chủ không liên quan
gì đến Hiến pháp mà hoàn toàn quyết định bởi lòng dân, tức sự tín nhiệm
của Đảng.
Sau Cách mạng tháng Tám, ĐCSVN tuy chỉ có vài nghìn đảng viên nhưng
đã được nhân dân suy tôn làm đảng lãnh đạo. Dù chẳng viết điều đó vào
Hiến pháp 1946 và 1959, thậm chí có lúc còn tuyên bố giải thể, song Đảng
vẫn giữ vững vai trò ấy và đã lãnh đạo cực kỳ xuất sắc. Tất cả là do
ĐCSVN có đường lối đúng, đảng viên dẫn đầu hy sinh vì dân vì nước, biết
bao đảng viên đã ngã xuống. Đảng không coi lãnh đạo đất nước là đặc
quyền đặc lợi mà coi là sứ mạng lịch sử trao cho, là nhiệm vụ nặng nề
phải gánh lấy, dù biết phải hy sinh lợi ích riêng, kể cả tính mạng. Vì
thế tất nhiên ĐCSVN giành được tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân. Thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám và mấy cuộc kháng chiến chống xâm lược là
những sự thực lịch sử không thể phủ nhận, đem lại uy tín cao cho Đảng.
Về sau, do học theo Điều 6 Hiến pháp Liên Xô mà Hiến pháp 1980 và
1992 của ta có thêm Điều 4; nhưng ĐCSVN không vì thế mà mạnh lên, ngược
lại càng suy thoái biến chất tới mức như Nghị quyết 4 nhận định, khiến
lòng tin của dân ngày một giảm sút và tiềm ẩn nguy cơ tự tan vỡ từ bên
trong [4]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lo nghĩ: "Bây giờ trong Đảng
[ĐCSVN] cũng có sự phân hoá giàu-nghèo… Mai kia Đảng này sẽ là đảng của
ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của
nhân dân lao động, của dân tộc không?" [5]. Nỗi lo ấy rất có lý, vì
khi ĐCSVN do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi mà đánh mất bản
chất cách mạng thì nước ta tất sẽ đi theo vết xe đổ của Liên Xô.
Trên thế giới ngày nay hầu hết các nước đều do một hoặc vài chính
đảng lãnh đạo. Lịch sử Việt Nam trao cho ĐCSVN sứ mạng lãnh đạo sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng nước ta trở
thành một nước dân chủ tự do, giàu mạnh văn minh. ĐCSVN đã hoàn thành sứ
mạng giành độc lập, thống nhất tổ quốc và hiện đang lãnh đạo nhân dân
xây dựng đất nước. Tuy rằng thời gian qua trong Đảng xuất hiện tình
trạng suy thoái biến chất nguy hiểm ở một bộ phận không nhỏ đảng viên
cán bộ khiến cho uy tìn của Đảng bị giảm sút, nhưng đa số nhân dân ta
vẫn ủng hộ Đảng.
Hơn nữa, sau gần 70 năm cầm quyền, ĐCSVN đã xây dựng được một hệ
thống chính trị, tư tưởng, văn hóa, tổ chức vững mạnh ở tất cả mọi cơ sở
dân cư, tổ chức xã hội, kinh tế, chính trị, quân đội …, nắm chặt cương
vị lãnh đạo từ cấp thấp nhất tới cao nhất trong cả nước. Các thế lực
ngoài Đảng dù mạnh đến đâu cũng không xóa bỏ nổi vai trò lãnh đạo của
ĐCSVN. Nguy cơ làm Đảng mất quyền lãnh đạo chỉ có thể đến từ trong Đảng,
Hiến pháp chẳng thể cứu được, như bài học Liên Xô đã cho thấy.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng Nguyễn Bá Thanh mới đây nói: "Tình
hình của Đảng đang lâm nguy. Nếu như không mở được ‘cuộc chiến’ giành
lại lòng tin của chính đảng viên và của dân thì gay đến nơi rồi." [6]
Đúng vậy, chỉ có giành lại lòng tin tuyệt đối của nhân dân thì ĐCSVN
mới giữ được vai trò lãnh đạo. Lòng tin mạnh hơn luật pháp và không thể
áp đặt, Điều 4 không làm dân thêm tin Đảng mà còn bị một bộ phận không
nhỏ đảng viên coi là vũ khí đem lại đặc quyền đặc lợi cho họ; chớ nên
tin nó là bảo bối có thể giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi Đảng đã
suy thoái mà còn trông chờ vào Điều 4 thì khác gì người sắp chết đuối
trông chờ vào cọng rơm.
Cách duy nhất đúng là thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 4, sao cho
toàn thể đảng viên giữ được phẩm chất tiên phong, liêm khiết, Đảng thực
sự trong sạch vững mạnh. Đây là một cuộc chiến cực kỳ gian nan, đau khổ,
vì phải chiến đấu với chính mình, với đồng chí, người thân của mình.
Nhưng cách làm này có lợi cho dân tộc và cả cho ĐCSVN, vì thế là thượng
sách.
Tác giả gửi cho Quêchoa
…………………………
Tài liệu tham khảo:
[2] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội 1994