Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Tập làm văn: Phân tích nội dung điều 4 trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp


Trường: PTTH Lê Văn Tám Lớp: 8A1 Họ và tên: Hò Văn Tẻn.
Thời gian: 20p không kể chép đề.
Đề bài: Em hãy phân tích nội dung điều 4 dưới đây:
Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

BÀI LÀM
Điều 4 nêu trên được trích trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đây là điều gây ra nhiều tranh cãi từ trước đến nay và không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Là một học sinh, nên trình độ của em có giới hạn. Tuy nhiên, với trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân, cũng như quyền lợi chính đáng của mình, em xin phân tích như dưới đây.
Thứ nhất, nên chuyển nó sang thành điều 5 hoặc điều 3. Đại loại là đừng để ở số 4. Số 4 theo nghĩa của nước bạn Trung Quốc thì là tử. Tử tức là chết. Rất xui. Có lẽ chính vì đặt nó ở con số này, mà nó gây nhiều tranh cãi hay chăng? Đây là một phát hiện của em, em xin được giữ bản quyền và xin được cộng thêm 1đ cho phát hiện này.
Thứ hai, em xin phân tích đoạn 1 trong điều này:
Đoạn này câu cú rối rắm, thừa thiếu lung tung. Nếu muốn người đọc hiểu ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân thì phải thay dấu phẩy (,) bằng chữ là. Tuy nhiên, ở giữa của đoạn ĐCSVN lại nói là của cả dân tộc, thế nên những cụm từ như giai cấp công nhân, nhân dân lao động là bị thừa - hay trùng lặp.
Nên sửa cụm thứ nhất lại là: ĐCSVN là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của cả dân tộc Việt Nam.
Đặt sau chữ của cả dân tộc trong đoạn 1 là một dấy phảy là sai. Nếu không muốn tách ra thành một câu riêng biệt thì phải đặt dấu chấm phảy (;). Tương tự thế cho sau chữ nền tảng tư tưởng.
Em xin mạnh dạn sửa lại cả đoạn 1 thành:
ĐCSVN (Đảng) là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của cả dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, em thấy rằng sửa lại cũng chưa rõ nghĩa. Cần phải giới thiệu thêm rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Cả 2 cái song song hay như thế nào? Lấy cái nào ít, cái nào nhiều, cái nào trước, cái nào sau... Bên cạnh đó, nếu Đảng là đội tiên phong thì sẽ có đội trung phong và hậu phong, chưa nói tới dự bị. Thế những đội ấy là đội nào? Những đảng khác hay sao?
Đoạn thứ 2, em xin trích dẫn: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Em xin đề nghị nói cho rõ: Chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào?
Đoạn 3: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Từ trước đến nay, em thấy các đảng viên trước khi bị pháp luật trừng trị vì một vi phạm nào đấy đều đã bị tước thẻ đảng viên, không còn nằm trong ĐCSVN nữa. Vì thế, em thấy cái đoạn 3 này không chuẩn xác.
Thứ cuối cùng, em cứ nghe tụi phản động nói rằng điều 4 chứng minh chỉ có ĐCSVN là đảng duy nhất được hoạt động chính trị ở Việt Nam. Em đọc đi đọc lại mà chả thấy từ ngữ nào nói điều ấy cả. Hay em dốt? Ở trên, ĐCSVN là đội tiên phong của cả dân tộc và là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thôi. Thế nên em cho rằng các đảng khác hoàn toàn không bị cấm. Tuy nhiên, lại chưa có một bộ luật nào quy định việc thành lập đảng phái. Mà những gì pháp luật không cấm thì người dân được phép làm. Cho nên, em cho rằng việc thành lập đảng phái chính trị ở Việt Nam là hoàn toàn bình thường.
Nếu chứng minh của em rằng đúng, nó đã đập tan mọi luận điệu của một bộ phận không nhỏ các thế lực thù địch, cô nhỉ?
Em xin hết.
Kính chào cô.
Tẻn.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"