Ý kiến về việc kiện TQ ra một trọng tài quốc tế là không mới. Nhiều học giả trong quá khứ đã từng đặt vấn đề. Monique Chemillier-Gendreau qua hồ sơ « La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys » hay Brice M. Claget thuộc tổ hợp luật sư Covington&Burling qua tập hồ sơ « Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long »… là những thí dụ điển hình. Đây là những công trình nghiên cứu khoa học, có thể đặt làm nền tảng lịch sử và pháp lý cho hồ sơ của VN. Tuy nhiên, các hồ sơ này khó có thể áp dụng nguyên trạng, VN có thể thua kiện (hay bị thiệt hại) vì hồ sơ pháp lý của VN có khiếm khuyết. Lý ra, hồ sơ này cần được các học giả VN nghiên cứu sâu xa thêm để bổ túc.
Vụ Phi đệ đơn kiện Trung Quốc đầu tuần trước đã làm nóng lại vấn đề kiện tụng.
Học giả VN đã khen rằng «Phi đã rất khôn ngoan», cho rằng Phi đã «lách qua một khe cửa hẹp» của Luật quốc tế về Biển.
Thực ra thì chẳng có gì khôn ngoan trong việc này. Vì đây chỉ là một
thủ thuật khá đơn giản của giới luật gia. Một người bình thường, không
phải là chuyên gia về luật Biển, sau khi nắm được những gì mà phía Trung
Quốc bảo lưu, chỉ cần nghiền ngẫm bộ Luật quốc tế về Biển 1982 và tham
khảo một số vụ án mẫu của các Tòa quốc tế, cũng có thể thấy được kẻ hở
này.
Xét hồ sơ kiện của Phi, nguyên nhân của vụ kiện là đặt trên việc diễn
giải giải khác nhau giữa các bên về một điều ước trong UNCLOS, ở đây là
những vấn đề chung quanh cách diễn giải của điều 121. Tại sao Phi không
kiện TQ về vấn đề chủ quyền và việc phân định ranh giới biển?
Bởi vì phía Trung Quốc, qua tuyên bố này 26-8-2006, đã bảo lưu như sau:
Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ thủ tục
nào được qui định theo mục 2, Phần XV của Công ước đối với tất cả các
loại tranh chấp được ghi ở các khoản a), b) và c) của điều 298 của Công
ước.
Tức là phía Trung Quốc từ khước các thủ tục giải quyết của Luật Biển,
trong việc hoạnh định ranh giới các vùng biển hay tranh chấp về vịnh
hay danh nghĩa lịch sử.
Từ sau vụ tàu Bình Minh bị cắt cáp, ngày 24-6-2011 tác giả có viết
bài «Việt Nam cần điều chỉnh lại chiến lược biển Đông», có viết như sau:
« … khi việc diễn giải một điều ước trong bộ Luật biển giữa hai nước
có mâu thuẫn, chiếu theo điều 286 của luật biển 1982, nếu tranh chấp
không thể giải quyết bằng thuơng thuyết, các bên liên quan có thể đưa ra
một trọng tài để xét xử. …Hiệu lực các đảo theo điều 121 có thể phân xử
bằng một trọng tài quốc tế. Bởi vì, nếu các bên tranh chấp có những
cách diễn giải đối nghịch nhau về một điều ước trong bộ Luật biển 1982,
thì cơ quan có thẩm quyền giải thích các điều ước của bộ luật này là một
trọng tài quốc tế. »
Ta thấy ý kiến của Phi đâu có mới mẻ gì, cũng đâu có «khôn ngoan» gì,
(vì người viết còn viết ra được), như học giả VN đã nói? (Cũng thật
phiền khi nghe học giả khác kể công rằng việc Phi kiện TQ là dựa trên ý
kiến của mình!)
Vấn đề kiện tụng đặt ra đúng lúc. Tuy nhiên nhà nước VN hiện nay có
chủ trương « khai thác chung » với Trung Quốc chứ không muốn giải quyết
những tranh chấp.
Ngày 11-10-2011, hai bên Việt-Trung đã ký « Thỏa thuận về những
nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa », theo
điều 3 và điều 4:
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh
tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã
đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng
xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đối với tranh chấp trên biển giữa
Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp
thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp
thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề
trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có
lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm
thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao
gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát
triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này
Việc « hợp tác cùng phát triển » là định hướng chủ đạo. Có thể vì vậy
nên không có hồ sơ nào của học giả VN lập ra để bảo vệ những quyền lợi
chính đáng của mình tại HS và TS bằng phương hướng luật pháp. Nhiều học
giả Việt Nam, kể cả một tổ chức chính trị vừa mới được thành lập, cũng
chủ trương « khai thác chung » với Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là việc
khai thác chung đó được đặt trên nguyên tắc nào ?
Đề nghị «gác tranh chấp cùng khai thác» không phải là mới, từ thập
niên 90, đã có nhiều học giả nước ngoài đề nghị. Trong tất cả các đề
nghị, không thấy giải pháp nào là «công bằng», không gây thiệt hại cho
VN.
Nguyên tắc hợp tác giữa hai bên một mạnh một yếu là nguyên tắc của kẻ mạnh.
Trở lại vụ kiện của Phi, trên trang web của Bộ Ngoại giao Phi, có
đăng bài giải thích vì sao Phi kiện TQ, dưới hình thức câu hỏi và câu
trả lời. Trong đó có câu hỏi như sau:
Hỏi: tại sao chúng ta không khai thác chung với Trung Quốc?
Trả lời: việc khai thác chung, theo nguyên tắc của Trung Quốc đặt ra,
thì trái ngược với luật pháp của Phi. Việc khai thác chung phải phù hợp
với luật pháp của Phi.
Tức là, việc khai thác chung, lập trường của TQ trước sau không đổi,
là nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình : khai thác chung nhưng chủ quyền thì
thuộc về Trung Quốc. Vì nếu TQ đồng ý khai thác theo quan điểm của Phi,
việc khai thác chung đã thực hiện.
Như vậy, việc «khai thác chung» là trái với qui định của luật lệ của VN, giống như trường hợp của Phi.
Một câu hỏi và trả lời khác, cũng nên nghiền ngẫm, trong văn kiện giải thích vì sao Phi kiện TQ:
Hỏi: tại sao dân Phi cần ủng hộ hành động này?
Trả lời: nếu người ngoài vào nhà của mình, cướp đi một vật của mình,
thì phản ứng của mình như thế nào? Hành động của chúng ta là nhằm bảo vệ
lãnh thổ và vùng biển của tổ quốc mình.
Nếu cần phải khen hành động của Phi, thì nên khen ngợi những lập luận
này. Những lập luận chính đáng này đã thúc đẩy Phi làm việc đó.
Mà ý kiến của các câu hỏi-trả lời này, từ rất lâu, nhiều lần, tác giả cũng đã viết với nội dung tương tự:
«Một tên cướp, vào nhà người ta đòi chia hai ngôi nhà với chủ. Trường
hợp này chủ nhà sẽ “bảo vệ” chủ quyền ngôi nhà của mình hay là tìm
phương pháp giải quyết “tranh chấp” với kẻ cướp?»
Điều tác giả muốn nhấn mạnh trong bài này, dường như khuynh hướng
muốn VN kiện Trung Quốc tăng cao trong dư luận VN. Đây sẽ là điều tốt.
Đánh một đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần thì cần phải đánh liên hoàn,
theo lối «quần hồ» vây «mãnh hổ». Nhưng có nhiều điều cần suy nghĩ lại.
Thứ nhứt, VN không nên hấp tấp kiện TQ ở Trường Sa. Hồ sơ Trường Sa
tuy nóng nhưng phải giải quyết lúc «nguội», mà nên kiện ở vấn đề Hoàng
Sa, một hồ sơ « đóng băng » vì để quá lâu. Mặt khác, chuyện Trường Sa
nên để cho Phi giải quyết. Không phải vụ kiện của Phi cũng giúp cho VN
giải quyết các vấn đề mấu chốt ở TS hay sao ?
Vấn đề nên nghiên cứu là VN sẽ kiện về cái gì ở Hoàng Sa và kiện ở đâu?
Vì thiếu thông tin từ nội bộ VN, người viết loáng thoáng nghe tin
hiện hai bên Việt-Trung đang phân định vùng ngoài cửa vịnh Bắc Việt.
Phía TQ đòi (?) chia theo đường trung tuyến, tính từ đường cơ bản quần
đảo Hoàng Sa với bờ biển VN.
Việt Nam hiện nay «bí lối», không có lý lẽ nào để phản biện lại TQ về
chủ quyền của nước này tại HS. Phương pháp mà VN đã và đang làm, là tìm
cách làm giảm hiệu lực (theo điều 121, khoản 3 UNCLOS) các đảo HS để
bớt thiệt hại. Đây cũng là việc mà các «học giả» VN đã và đang nỗ lực để
làm.
Nhưng việc này cho thấy hoài công, ít ra là không có kết quả cho đến
nay. Bởi vì, nếu mình không biết Trung Quốc muốn gì, các việc làm này sẽ
chỉ kéo dài thời giờ, mà việc này càng gây khó khăn cho VN. Biết địch
biết ta, địch mạnh hơn ta nhiều lần, chưa chắc thắng. Đằng này, địch
mạnh hơn ta nhiều lần mà ta hoàn toàn không biết gì về địch. Kết quả ta
chỉ có thua, mà thua cháy túi.
TQ chiếm HS và sẽ chiếm TS vì muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông. Đó
là « không gian sinh tồn » của TQ. Thuơng lượng với TQ để giảm hiệu lực
các đảo HS và TS là làm việc viễn vông, mất thời giờ. Vì chủ ý của TQ là
chiếm HS (và TS) là để thực hiện một chiến lược đã thành hình từ 6, 7
thập niên nay. Người viết đã nhiều lần cảnh báo.
Vấn đề là, VN không thể để TQ chiếm các đảo TS. Nếu họ chiếm, điều
này đồng nghĩa với việc VN mất toàn bộ vùng biển của mình. Mặt khác, nếu
không thể lấy lại HS, thì phải giảm thiểu những đòi hỏi quá lố của TQ ở
vùng của vịnh Bắc Việt (và sau đó vùng biển các tỉnh miền trung).
Vấn đề HS, theo tôi, VN có thể áp dụng điều 284 UNCLOS để hòa giải
với TQ qua trung gian một nước nào đó. VN có thể áp dụng các trường hợp
như đã áp dụng tại vùng Địa Trung Hải, tách rời từng phần cột nước, thềm
lục địa và chủ quyền các đảo, sau đó thuơng lượng với TQ từng vấn đề
một.
Trước mắt là phân định cột nước. Ngư dân VN cần an ninh để khai thác
vùng biển HS vì đó là ngư trường truyền thống. Nên thành lập một vùng
«đánh cá chung» ở HS, như trong vịnh Bắc Việt.
Blog Trương Nhân Tuấn