Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Công An Văn Hoá & Văn Hoá Công An

Tưởng Năng Tiến


Ai nuôi chúng mày lớn,
Cho áo mặc, cơm ăn,
Để mà theo bọn ác
Quay lại đánh người dân?

Thái Bá Tân
Có bữa, vừa mới đặt mắt vào trang Dân Luận đã thấy hình (ngó buồn thiu) cùng với những lời càm ràm của nhà báo Trương Duy Nhất:
Sau khi về quê ngoại truy lục lý lịch, sáng qua thứ sáu 12/10/2012, công an tiếp tục làm việc với tôi.

Ảnh: truongduynhat.net

Thật ra đây là lần thứ ba. Hai lần trước tôi đã im lặng bởi coi đó là những động thái góp ý thiện chí, tích cực. Lần này là A 87 (cục an ninh thông tin truyền thông Bộ Công an), cơ quan an ninh văn hóa và an ninh điều tra…

Một ‘biên bản lấy lời khai’ được lập như mọi lần. Tôi ký như muốn rạch nát tờ giấy sau khi ghi ‘Tôi không đồng ý với cách ghi lời khai’ bởi tôi không phải là tội phạm và cũng không có hành vi sai phạm nào. Tôi không đồng ý với những nhận xét mang tính qui chụp của câu hỏi. Trang blog của tôi không có bất cứ điều gì sai phạm.
Trước đây, cũng đã có lần, tôi nghe nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng cằn nhằn y chang như vậy:
“Mà thằng Tây gian ác cũng lạ… Nó cóc có Ban Tư tưởng, cóc có A25, cóc có hàng chục cơ quan, hàng trăm người thò tay, thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập, tự do bây giờ. Trong thời Tây, nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh ra không biết bao nhiêu là kiệt tác truyền tới hôm nay…”
“Trong thời Tây nô lệ muôn vàn” và“gian ác muôn vàn” thưở trước, nói nào ngay, Việt Nam không có đủ kiểu và đủ cỡ công an như hiện nay: công an khu vực, công an giao thông, công an vũ trang, công an kinh tế, công an tôn giáo, công an biên phòng, công an phòng chống tội phạm, công an môi trường, công an an ninh, công an hình sự, công an tư pháp, công an hải quan, công an phi trường, công an bến cảng…”
Và đất nước này, không chừng, dám là xứ sở duy nhất có một lực lượng được mệnh danh là Công An Văn Hoá (cùng với một thứ văn hoá đặc thù mà nhà báo Bùi Tín đặt tên là nền Văn Hoá Công An) có mặt ở khắp mọi nơi – từ hè phố đông người, vào đến trong trong đồn kín:
Thỉnh thoảng người ta lại mở một đợt càn quét vỉa hè. Phải nói sức sống vỉa hè thật là dai dẳng. Hàng đoàn công an, phòng thuế, quản lý thị trường, khu phố… giằng từng quang rau muống, xách từng sảo cà chua, thu từ nồi bún riêu, rá xôi. Vỉa hè sạch bách được vài ngày. Rồi như Phạm Nhan, nó lại mọc ra. Lại phải mở một đợt càn quét mới. Biết bao giai thoại, huyền thoại chung quanh việc đó. Nào là một anh quản lý thị trường kéo cái thúng của bà bán xôi đội trên đầu xuống, thế là cả một nồi cứt ụp lên mặt anh ta. Rồi chuyện mấy anh liên ngành thu nồi bún riêu vào trụ sở đang ngồi đánh chén với nhau thì bà bán bún vào, bà móc túi lấy ra mấy quả chanh để các thủ trưởng dùng “vì riêu nhà em hôm nay ít chua.” ( Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000).
Khi vào miền Nam, ảnh hưởng tính ôn hoà của sông nước Cửu Long, Văn Hoá Công An – xem ra – có phần xuê xoa hơn chút xíu:
Samit nói ít hiểu nhiều Ba Con Năm (555) vừa nằm vừa ký.
Qua đến Thời Kỳ Đổi Mới, tác giả Hồ Phú Bông có nhận xét như sau:
Thế giới bắt đầu đổ tiền của đầu tư vào Việt Nam. Tài nguyên, biển, đảo, đất đai, cộng thêm sức cần cù lao động của nông dân, công nhân nghèo khó, ‘Đảng ta’ đem đánh đổi tất cả cho Trung Cộng và Tư Bản để chia chác lợi nhuận. Cũng chẳng cần che dấu, bất cứ nơi nào cơ ngơi của ‘Đảng ta’ cũng bề thế hơn của chính phủ. Đảng ủy, Chính trị viên bao giờ cũng nắm trọn quyền lực. Tài sản của đảng viên, viên chức, con cái và gia đình giàu nứt đố đổ vách trước sự cùng khốn của cả ¾ dân số cả nước. Kỳ công nầy là phần thưởng tự chia chác của tầng lớp cai trị và phe cánh.”
Phần thưởng của phe công an, tất nhiên, không nhỏ. Nhờ thế, tô bún riêu, điếu thuốc lá (thời bao cấp) không còn là nhu cầu thiết thân hàng ngày của họ nữa.
Phú qúi sinh lễ nghĩa. Đám công an, từ đó, mỗi lúc một thêm quan quyền và quan cách. Họ có thể bóp cổ người dân chỉ vì “đi xe máy và bật đèn pha quá sáng” – theo như tường thuật của báo Dân Trí:
Ông Nguyễn Văn Thanh (Phó trưởng Công an xã Long Hòa, thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã dừng xe anh Bùi Văn Hùng, trói tay chân rồi cùng 2 người khác đánh đập, bóp cổ cho đến khi anh Hùng bị kiệt sức. Lý do chỉ vì nạn nhân đi xe máy và bật đèn pha quá sáng. Sự việc xảy ra tối 5/7, tại ấp Tân, xã Long Hòa. Anh Hùng dọa sẽ tố cáo liền bị ông Thanh dùng chân đạp thẳng vào mặt anh nhiều lần.
Dùng chân “đạp thẳng vào mặt người dân” không phải là phương cách tác nghiệp riêng biệt của ông Nguyễn Văn Thanh ở Tiền Giang, hay ông Nguyễn Đức Minh ở Hà Nội. Cứ theo như “sưu tập” của tác giả Trương Nhân Tuấn (đọc được trên trang Thông Luận) thì công an ở bất cứ đâu cũng đều tai quái như thế cả:
- Ngày 8/8, anh Nguyễn Văn Hô, trong lúc đi xe đạp ngang qua đồn công an phường Thanh Xuân, Hà Nội, đã bị hai công an chạy từ trong đồn ra gọi giật lại, rồi bị đánh nhiều lần vào đầu, ngực, tát và giật tóc. Lý do chỉ vì anh Hô bị vẩu nặng, răng chìa ra, theo lời hai công an thì “trông ngứa mắt”, “như trêu tức chúng ông”.
- Ngày 4/6, chị Trần Thị Thắm, mua bán đồng nát, đã bị ông Trần Nguyên, phó đồn công an ở thị xã Phú Thọ, bắt giam 24 tiếng. Lý do là chị đã rao “Ai sách báo giấy cũ bán đêêê….” quá to làm mất giấc ngủ trưa của ông Nguyên. Theo người dân xung quanh kể lại, chị Thắm đã bị bắt tự tay đốt hết đống giấy và các-tông chị thu lượm được trong ngày, và bị dán băng dính vào miệng trước khi được thả ra về
- Ngày 24/3, đầu bếp và chủ nhà hàng thịt chó Hồng Cẩu ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã bị bốn công an đuổi đánh. Hai người này phải nhảy xuống ao bơi mới thoát được trận đòn. Lý do là món dựa mận của nhà hàng “không được nhừ”, ngoài ra lại bị “hết bánh đa”. Không bắt được chủ quán, bốn công an quay lại đập phá bát đũa, bàn ghế...
Chỉ vì bật đèn quá sáng, rao hàng quá lớn, hay nấu món rựa mận không nhừ mà người dân Việt bị công an đạp vào mặt, dán băng dính vào miệng, hay tẩn cho nhừ đòn là chuyện thường ngày – lâu nay – vẫn xẩy ra ở huyện. Nó đã trở thành truyền thống văn hoá, Văn Hoá Công An.
 
Ảnh: hoacai2012
Và với thời gian thì mức độ tàn ác của cái thứ văn hóa bạo ngược này mỗi lúc một đáng ngại, theo như nhận xét (tổng quát) của blogger Lê Anh Hùng:
“… như vụ việc Đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ huy quân lính bắn xối xả vào nhà ông Đoàn Văn Quý ở Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5/1/2012 để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật rồi sau đấy lại tự vỗ ngực huênh hoang rằng đó là ‘trận đánh đẹp’; vụ Trung tá Nguyễn Văn Ninh (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh ông Trịnh Xuân Tùng gãy cổ ngày 28/2/2011 khiến ông tử vong nhưng chỉ bị Toà án Hà Nội tuyên xử 4 năm tù giam; vụ anh Nguyễn Công Nhựt chết tại đồn công an huyện Bến Cát (Bình Dương) với nhiều thương tích trên người song phía công an lại thông báo là anh Nhựt ‘tự nguyện ở lại đồn công an trong 4 ngày từ 21-25/4/2011 rồi tự tử vì ân hận’, còn viên cảnh sát được giao điều tra vụ việc khi anh Nhựt đang bị tạm giữ thì trắng trợn gạ tình vợ đương sự; hay hiện tượng tiêu cực ngày càng ngang nhiên và lộ liễu trong lực lượng CSGT suốt bao năm qua, v.v.”
Sau “trận đánh đẹp” ở Hải Phòng của đại tá Đỗ Hữu Ca, nền Văn Hoá Công An còn vượt lên cao hơn nữa qua câu nói của Trung Tá Vũ Văn Hiển (“tự do cái con c…”) vào ngày 24 tháng 9 – khi đương sự nhìn thấy một thanh niên VN, mặc áo có in dòng chữ “tự do cho những người yêu nước.
Rồi nó lên đến đỉnh cao chói lọi sau khi đại tá Nguyễn Sáu – Thủ Trưởng Cơ Quan An Ninh Điều Tra tỉnh Long An – khẳng định:
“Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra gửi thông báo gia đình bị can Uyên nhận phải mất vài ngày chứ không phải không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu.”
Theo nhận xét của blogger Lê Diễn Đức thì đây “là một người khoác mã đại diện pháp luật nhưng trong não bộ trống rỗng kiến thức về pháp luật, hoặc là một kẻ trơ tráo, vô liêm sỉ và coi thường dư luận. Một sự dối trá chính danh, được ký tên đóng dấu!”
Đỗ Hữu Ca, Vũ Văn Hiển, Nguyễn Sáu … không phải là những kẻ mới từ trên Trời rớt xuống. Họ đều sinh trưởng trong lòng cách mạng Việt Nam, và đều là thành quả tự nhiên của chế độ công an trị.
Chế độ này đã từng có vị Bộ Trưởng Công An đầu tiên, tên Trần Quốc Hoàn, là một kẻ sát nhân (trong vụ thảm sát hai chị em bà Nông Thị Xuân và Nông Thị Vàng và vị Bộ Trưởng Công An đương nhiệm, tên là Trần Đại Quang, là một kẻ đang bị dư luận kết án về tội “đổi trắng ra xanh” và “man khai lý lịch cũng như bằng cấp.”
Những tên vô lại này sẵn sàng nhúng tay vào bất cứ tội ác nào – miễn là “còn Đảng còn mình” cho dù là đảng cướp.
© Tưởng Năng Tiến

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"