Shujie Yao [*], Financial Times
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Chưa đầy hai tháng kể từ khi diễn ra Đại hội lần thứ 18 của
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung Quốc đã điều tra năm trường hợp
tham nhũng liên quan đến các lãnh đạo chính trị cấp cao ở Trùng Khánh,
Quảng Đông và Tứ Xuyên.
Tuy nhiên, chỉ đơn giản đưa ra các biện pháp điều tra sẽ không đủ.
Các lãnh đạo Trung Quốc cần phải cải cách hệ thống chính trị, kinh tế và
xã hội để nhổ tận gốc những nguyên nhân của tham nhũng.
Trung Quốc quyết tâm chống tham nhũng được phản ánh bởi ý kiến táo
bạo của các lãnh đạo hàng đầu trong và sau Đại hội. Hồ Cẩm Đào [Hu
Jintao], Tổng Bí thư vừa kết thúc nhiệm kỳ, cho biết rằng nếu không chặn
được nạn tham nhũng thì đảng nhà nước sẽ bức tử.
Tập Cận Bình [Xi Jinping], người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trong cương
vị Tổng Bí thư và lãnh đạo lực lượng quân đội sau Đại hội, tái khẳng
định lời nói của người tiền nhiệm một cách tinh tế hơn, rằng con người
cần có những điều kiện mạnh mẽ để đối diện với nhiều công việc – một ý
nghĩa ẩn dụ của Trung Quốc rằng các quan chức chính phủ cần phải trong
sạch để cai trị đất nước tốt hơn.
Số lượng uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, nơi giữ quyền quyết định cao
nhất ở Trung Quốc, đã giảm từ chín uỷ viên trong Đại hội trước xuống
còn bảy uỷ viên trong đợt này, gửi tín hiệu rằng Đảng Cộng sản Trung
Quốc muốn trở nên hiệu quả hơn so với thời gian trước đây.
Vương Kỳ Sơn [Wang Qishan] đã được giao nhiệm vụ phụ trách phần kỷ
luật trung ương của đảng và ủy ban điều tra chống tham nhũng. Ông Vương
đã đạt được danh tiếng như một người ‘lính cứu hỏa’ tuyệt vời từ bên
trong lẫn bên ngoài đảng kể từ khi ông được giao nhiệm vụ chiến đấu với
đại dịch SARS năm 2003 và tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Việc
ông được bổ nhiệm vào vị trí này gửi đi thông điệp mạnh mẽ và nhạy cảm
rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn nạn tham nhũng.
Câu hỏi mà mọi người có thể đặt ra là liệu Trung Quốc có thành công
trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng chỉ bằng cách thực hiện những
thay đổi nói trên hay không. Thật không may, câu trả lời có lẽ là
“không”.
Trong năm năm qua, hơn 660.000 quan chức chính phủ đã bị điều tra
liên quan đến tham nhũng, đại diện cho một tỷ lệ phần trăm rất cao cả
bên trong ĐCSTQ lẫn các quan chức nhà nước. Có nhiều trường hợp nghiêm
trọng liên quan đến nhiều khoản tiền rất lớn và các quan chức ở cấp Bộ
hoặc cao hơn.
Điều này có nghĩa rằng ĐCSTQ đã không hết mình trong việc đấu tranh
chống tham nhũng, vì tại sao càng chống thì lại càng có nhiều vụ tham
nhũng lớn và nghiêm trọng xuất hiện liên tục trong thời gian qua?
Lý do rất đơn giản: truy tố không đủ để chống tham nhũng. Tham nhũng
cần được ngăn chặn thông qua việc cải cách cơ cấu quyền lực, tránh sự
tham gia trực tiếp của các quan chức chính phủ hoặc thân nhân của họ
trong các hoạt động kinh doanh, giảm sức mạnh độc quyền của các doanh
nghiệp lớn và các ngân hàng dưới quyền kiểm soát của nhà nước, và cho
phép môi trường kinh doanh cạnh tranh và nhiều tham vọng hơn để các
doanh nghiệp vừa và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể phát
triển.
Kinh nghiệm phát triển dân chủ phương Tây cho thấy rằng tự do báo chí
là điều kiện cần thiết cho việc chống tham nhũng, nhưng cuộc biểu tình
của nhiều nhà báo tự do, sinh viên và cư dân địa phương trong tháng vừa
qua gần Tập đoàn Truyền thông miền Nam Trung Quốc [South China Media
Group] ở Quảng Châu cho thấy rằng tự do ngôn luận vẫn còn là một khu vực
cấm kỵ tại Trung Quốc.
Đối phó với tham nhũng cũng giống như điều trị một bệnh nhân. Một bác
sĩ giỏi sẽ sử dụng các phương pháp phòng ngừa nhiều hơn so với quy định
thuốc chữa bệnh để giảm bệnh tật của bệnh nhân. Cách hiệu quả nhất để
ngăn chặn tham nhũng là thực hiện các công tác phòng chống những hoạt
động tham nhũng chứ không phải truy tố các quan chức tham nhũng.
Thật không may thì hiện nay ở Trung Quốc, chống tham nhũng phần lớn
vẫn dựa vào việc truy tố các quan chức tham nhũng chứ không phải cải
cách hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội – hệ thống mà hiện đang nuôi
dưỡng vấn nạn tham nhũng. Điều này là bởi vì nó liên quan đến những lợi
ích tài chính quá lớn mà các quan chức không ai mong muốn cải cách hệ
thống để làm gì.
Hơn nữa, đấu tranh chống tham nhũng cũng giống như một con sói đuổi
theo một đàn cừu. Bất kỳ con cừu nào chạy chậm lại phía sau sẽ bị con
sói đánh bắt. Nói cách khác, chỉ những quan chức tham nhũng không muốn
trở thành thành viên của các nhóm tham nhũng bị đưa ra truy tố; và những
người gắn kết trong một nhóm tham nhũng có thể bảo vệ lẫn nhau một cách
rất hiệu quả để tránh bị điều tra và truy tố.
Kết quả là, để đối phó với nạn tham nhũng ở Trung Quốc thì cần nhìn
vào khả năng của đảng và sự sẵn sàng trong việc cải cách hệ thống chính
trị nhằm giảm sự tập trung cao độ và kiểm soát vào một người hoặc một
nhóm người. Ngoài ra, bất kỳ một nhóm chính trị nào đi cùng với lợi ích
kinh tế nên được chia ra bằng cách di chuyển những người này xung quanh
các vị trí khác nhau một cách thường xuyên hơn. Mặt khác, các phương
tiện truyền thông cần phải được phép hoạt động độc lập và tự do để điều
tra, phê phán những việc làm sai trái của các quan chức trong đảng và
nhà nước.
Những biện pháp cải cách chính trị trên có thể giúp ngăn chặn tham
nhũng và có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty nước ngoài kinh doanh
tại Trung Quốc.
Ví dụ, các công ty nước ngoài có thể sẽ thay đổi chiến lược tham gia
của họ với các quan chức Trung Quốc. Thay vì làm việc với một người nào
đó để thực hiện việc kinh doanh thì họ có thể phải làm việc với một nhóm
các quan chức chính phủ. Các hợp đồng kinh doanh cần phải dựa trên các
quy định thể chế hơn là so với mối liên hệ cá nhân hoặc sự tin cậy lẫn
nhau như hiện nay.
Hơn nữa, Trung Quốc có thể chọn lọc và phê duyệt các dự án đầu tư mới
của các công ty nước ngoài. Rõ ràng rằng nước này sẽ tập trung vào bảy
ngành công nghiệp chiến lược bao gồm cả sản xuất công nghệ cao, nông
nghiệp, thuốc men, năng lượng cao, sản phẩm môi trường, công nghệ
các-bon thấp, v.v …
Cuối cùng, các công ty nước ngoài có thể phải chú ý nhiều hơn đến các
doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm
năng tăng trưởng tốt – mặc dù việc duy trì mối quan hệ tốt và mạnh mẽ
với các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước vẫn có thể có ích trong
thời gian ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh như vậy cuối cùng sẽ giúp mang lại lợi ích
cho các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, vì họ sẽ giúp tạo ra thị
trường mở và công bằng, trong đó các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh
sẽ thực sự đóng góp tốt hơn.
[*] Shujie Yao là người đứng đầu Trường Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Nottingham
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013
Nguồn: Financial Times