Lương Lão Kháu
Là một trong những người sống gần trọn đời trong chế độ cộng
sản, tôi chỉ đọc, chỉ biết những gì báo chí của Đảng viết ra. Một thời
tôi đã từng say mê những bài viết của Thép Mới, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn
Hữu Chỉnh, Hữu Thọ, Hoàng Tùng, và cả Bùi Tín nữa khi anh ta còn làm Phó
Tổng biên tập Báo Nhân dân phụ trách tờ Nhân dân chủ nhật. Có lúc chợt
nghĩ nếu Olimpic có môn viết xã luận thì chắc chắn Việt Nam sẽ có huy
chương vàng!
Sau năm 1975, một thế hệ các nhà báo trẻ xuất hiện. Họ trưởng thành ở
một thành phố gặp muôn trùng khó khăn nhưng cũng mạnh mẽ trỗi dậy và đi
đầu trong công cuộc đổi mới. Đó là Đỗ Trung Quân, Nguyễn Ngọc Châu,
Lê Thọ Bình, Bùi Thanh, Thủy Cúc, Lưu Đình Triều, Tâm Chánh, Đà Trang…
ở tờ Tuổi trẻ, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Văn Thịnh, Danh Đức… ở tờ Thanh
Niên; Trong số đó người nổi tiếng nhất là Huy Đức. Tôi đã có nhiều lần
cộng tác với số nhà báo trẻ sớm thành danh nói trên nhưng với Huy Đức
thì chưa một lần gặp mặt. Chỉ “gặp” anh trên các bài viết nóng hổi tính
thời sự và nhân văn. Sau khi buộc phải rời các tờ báo khá mạnh bạo ở
Sài Gòn, Huy Đức nổi tiếng với blog “lề trái” Osin, nhưng tôi cũng ít
đọc cho tới khi Bên thắng cuộc ra đời thì nó như một quả bom nổ giữa sự
nhàm chán của dư luận làm rúng động cả “quân ta” lẫn “quân địch”.
Huy Đức tung ra ánh sáng biết bao chuyện được gọi là “thâm cung bí
sử” mà cả hai bên chiến tuyến, hai bên cựu thù đều dấu kín. Huy Đức
viết những điều mà nhiều người đương thời còn “sống nhăn răng” ra đó nên
người khen kẻ chê, người phản ứng gay gắt khi chạm nọc là điều không
tránh khỏi.
Với một số bà con định cư ở Quận Cam và nhiều thành phố bên nước Mỹ
xa xôi, những cay đắng họ phải gánh chịu từ chuyện cải tạo tư sản, cải
tạo ngụy quân ngụy quyền, từ chuyện đổi tiền, chuyện vượt biên với biết
bao rủi ro và mất mát… sẽ không bao giờ nguôi ngoai sự uất hận trong
lòng họ cho dù hòa bình đã hơn ba chục năm rồi và nhiều người đã lần
lượt trở về quê hương đoàn tụ gia đình tìm cơ hội làm ăn, thậm chí nhiều
người già trong đó có những người nổi tiếng là tướng lĩnh là nhà chính
trị trong quân đội Việt Nam cộng hòa, là văn nghệ sĩ nổi danh đã xin
được về chết trên mảnh đất quê hương bởi vì như Đỗ Trung Quân đã viết
khi còn là phóng viên Tuổi trẻ “Quê hương là chùm khế ngọt”. Ấy là lúc
Trung Quân còn trai trẻ và tương lai của dân tộc cũng như tình yêu quê
hương đất nước còn đang cháy bỏng trong trái tim anh chứ không phải của
Đỗ Trung Quân chín chắn và trưởng thành như bây giờ.
Cho nên một số bà con Việt kiều dù chưa đọc một dòng Bên thắng cuộc
nhưng nghe lời xúi dục của các phần tử quá khích đã đi biểu tình chống
Bên thắng cuộc là một điều đáng tiếc. Nếu họ đọc, đọc thật kĩ và suy
ngẫm về những điều Huy Đức nói về những “người thua cuộc” thì họ sẽ từ
chối đi “biểu tình “ như vậy . Quả thật, nhờ những thông tin mà Huy Đức
cung cấp trong kho sử thi đồ xộ của đất nước trong hơn ba chục năm qua,
chúng ta bây giờ mới có thể biết được vì sao Cộng sản giải phóng được
Sài Gòn và toàn Miền Nam. Không chỉ là chuyện hai miền “nội chiến”” nồi
da xáo thịt” mà có sự can dự và hưởng lợi của các nước lớn mang danh
đồng minh với cả hai phía của cuộc chiến dai dẳng ba chục năm
Tất cả các câu chuyện về thành phố Sài Gòn sau giải phóng đã được Huy
Đức giải mã một cách đầy đủ và chân thực. Tại sao những người chịu đau
thương và mất mát trong các sự kiện kể trên lại có thể phản đối tác giả
khi anh đã giúp họ nói lên một phần sự thật để phần nào nguôi ngoai nỗi
đau thương dấu kín bấy lâu. Có lẽ chỉ vì chuyện Huy Đức đã mô tả rất
chi tiết việc quân đội Việt Nam cộng hòa tan rã nhanh chóng trước sức
tấn công như vũ bão của quân đội miền Bắc chăng? Lúc đó ở Hà Nội, tôi
thắc mắc tại sao Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn là một vị tướng lại ra
lệnh “tùy nghi di tản” dẫn đến cuộc tháo chạy ồ ạt từ Ban Mê Thuột, đến
Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… cho đến tận Sài Gòn. Nếu chỉ bằng
những thông tin trên báo chí Miền Bắc thì ta có thể suy ra rằng quân đội
cộng hòa Sài Gòn là đội quân bạc nhược sau khi bị Mỹ bỏ rơi. Nhưng Huy
Đức đã chỉ ra rằng có rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan đã “tử vì đạo”.
Có người đã bắn chết cả gia đình sau đó tự sát như các võ sĩ Nhật Bản.
Đáng lẽ người Việt phải rời quê hương ra đi phải biết ơn Huy Đức đã cho
tòan thế giới biết bên cạnh những tướng lĩnh bạc nhược vẫn có những
người “anh hùng” như vậy chứ. Vậy thì cớ gì phản đối Bên thắng cuộc?
Năm 1995, trên tờ Tuổi trẻ chủ nhật nhân kỉ niệm 20 năm ngày giải
phóng Miền Nam thống nhất đất nước tôi đã viết bài “Sài Gòn 1975-1995
dưới con mắt một người Hà Nội”. Bài viết kể chuyện về ông chú vì đói
thông tin đã bán hết hàng hóa ôm một đống tiền, khi chính quyền quân
quản đổi tiền ông mất trắng. Trong khi người cháu là sĩ quan quân đội,
là đảng viên cộng sản ngày 30-4 vào tiếp quản thành phố đã không dám đến
gặp người chú vì sợ bị liên lụy. Chuyện của người anh trai của tôi với
ông chú không chỉ là chuyện cá biệt trong trận chiến ba mươi năm giữa
những người cùng dòng máu đỏ da vàng, cho nên chuyện cha con Lưu Quý
Kỳ và Lưu Đình Triều cũng chẳng có gì là khó hiểu và anh Triều không nên
có phản ứng với người đồng nghiệp một thời cùng chung lưng đấu cật làm
nên thương hiệu của tờ Tuổi trẻ. Cuộc chiến Nam Bắc không chỉ hy sinh
hàng triệu nhân mạng những người con ưu tú của dân tộc mà còn là cuộc
chiến tranh ý thức hệ giữa một bên là cộng sản một bên là cộng hòa mà
cuộc chiến về ý thức hệ này còn dai dẳng đến tận bây giờ. Nếu nó không
chấm dứt với một bên thắng một bên thua hoàn toàn thì sẽ không bao giờ
có hòa hợp dân tộc một cách đúng nghĩa.
Nếu như phần I của Bên thắng cuộc với tiêu đề “ Giải phóng” làm cho
ai đó bên thua cuộc phản ứng là điều có thể hiểu được thì phần II có
tiêu đề “ Quyền bính” đã và sẽ làm cho nhà cầm quyền Hà Nội, bên thắng
cuộc phát điên. Bao nhiêu chuyện thâm cung bí sử dấu lẹm đã bị Huy Đức
phơi bày. Huy Đức “khôn “ lắm, anh chỉ cung cấp thông tin có dẫn chứng
người nói, dẫn chứng từ các văn bản “mật” chứ không bình luận. Tự thân
các sự kiện nói lên tất cả tùy nhận thức của người đọc. Cũng không ai
có thì giờ và tâm huyết đi kiểm chứng xem những thông tin Huy Đức tung
ra là đúng hay sai, đúng bao nhiêu phần trăm, sai bao nhiêu phần trăm.
Cho nên nói như Bùi Tín rằng Huy Đức mới chỉ nói 30% sự thật là nói đại.
Còn 70% nữa Bùi Tín có giỏi thì nói nốt đi. Cần biết rằng để viết Bên
thắng cuộc, Huy Đức không chỉ dành 3 năm để viết và chỉnh sửa, anh đã
dành gần cả trọn cuộc đời làm báo của mình để tích lũy sử liệu, để thẩm
tra các dữ kiện, để phỏng vấn các nhân vật và nhờ có internet, anh đã
lưu trữ được nó trong một chiếc laptop nhỏ bé để mang theo nó sang nước
Mỹ rồi tung nó ra toàn cầu bằng giải pháp kĩ thuật số, điều mà ở trong
nước anh không thể làm được.
Sau một thời gian im ắng, các báo trong nước chủ yếu là các tờ báo
công an bắt đầu phản công Bên thắng cuộc và tác giả Huy Đức. Đọc qua
một vài bài tôi thấy hình như họ viết theo sự chỉ đạo của cấp trên nên
gò ép và thiếu sự thuyết phục. Những “dư luận viên” mà ông Trưởng ban
tuyên huấn thành ủy Hà Nội nói theo sự chỉ đạo của cấp trên không đủ tâm
và đủ tài để chọi với các bài phản biện của các tay bút bên lề trái.
Nó tương tự như bài của ông nghị Hoàng Hữu Phước viết trên blog của mình
đại ý rằng một thằng nhóc mới 13 tuổi khi Sài gòn giải phóng thì biết
gì mà viết nhăng viết cuội. Cái ông nghị rởm này như có bạn viết trên
Facebook là đã bị ung thư dây thần kinh giai đọan cuối này làm sao có đủ
trình độ và tư cách phê phán Bên thắng cuộc.
Chúng ta phải cám ơn Bên Thắng cuộc và tác giả Huy Đức đã dũng cảm
giải mã biết bao sự thật ở Ba Đình. Ví dụ người có công tiến hành đổi
mới đất nước là ông Trường Chinh về lí luận và ông Võ Văn Kiệt về hành
động chứ không phải ông Nguyễn Văn Linh với mấy bài “Những việc cần làm
ngay”. Ví dụ vì sao các lãnh đạo Việt nam từ thời ông Lê Duẩn, ông
Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu, ông
Nông Đức Mạnh, đến ông Nguyễn Phú Trọng hôm nay đều “kiên trì” định
hướng xã hôi chủ nghĩa cho dù mang tiếng là giáo điều. Bởi vì tuy Huy
Đức không nói ra nhưng nếu không bám vào cái lí thuyết không tưởng đó
thì không có lí do gì tồn tại Đảng Cộng sản mà nếu không còn Đảng thì
còn đâu mảnh đất tham nhũng như ngày hôm nay. Cho nên nói chống tham
nhũng mà vẫn khư khư theo đuổi định hướng XHCN một cái rất mơ hồ thì chỉ
là nói chống cho vui vậy thôi. Bây giờ bên Đảng có Ban nội chính chống
tham nhũng, bên chính quyền lại mới đẻ thêm Ban chỉ đạo gì đó tương tự
thì chỉ là cuộc chiến giữa Đảng và Chính quyền chứ bè lũ tham nhũng vẫn
phè phỡn ngoài vòng pháp luật vì các ông đang kềm chế nhau chứ có đánh
gì tham nhũng đâu
Trong hai thứ những người cộng sản sợ nhất là chủ nghĩa xét lại và
chủ nghĩa giáo điều. Xét lại hiểu theo một cách nào đó là một sự đổi mới
chủ nghĩa Marx đã lỗi thời còn giáo điều là cố níu kéo cái đã lỗi thời
đó để thể hiện mình là người trung thành tuyệt đối với lí tưởng mà thời
trai trẻ mình đã mù quáng tuyên thệ. Tất cả những gì làm trái quy luật
dù cố níu kéo bằng lý thuyết ma giáo hay bằng chuyên chính vô sản tàn
bạo, mà tàn bạo nhất là chiến tranh đều không thoát khỏi sự phán xét và
trừng phạt của lịch sử mà lịch sử thì rất công bằng.
Nhiều thế hệ người Việt nam phải biết ơn “sử gia” Huy Đức bằng những
thông tin mà anh cung cấp. Những đời tư của các nhân vật quyền thế từ
Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Võ
Văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng
Tấn, Văn Tiến Dũng, Đoàn Khuê, Võ Nguyên Giáp, Đinh Đức Thiện, Mai Chí
Thọ, Nguyễn Hà Phan, Trần Xuân Bách, Nông Đức Mạnh… Tất cả những sự
kiện hư hư thực thực kể cả chuyện Hồ Chí Minh có vợ đăng trên tờ Tuổi
trẻ - lí do mà Tổng biên tập Kim Hạnh mất chức và suốt đời không được
làm báo, những chuyện Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng có bố có mẹ chứ
không phải là con ông nọ bà kia đều đã được Huy Đức công khai danh tính
và có thể đó là lí do mà các “dư luận viên” viết theo Lề Đảng sẽ vin
vào đó để kết tội Huy Đức làm lộ bí mật quốc gia và bí mật đời tư chiểu
theo nghị định này nghị định nọ để có thể bỏ tù khi Huy Đức về tới sân
bay Tân Sơn Nhất.
Huy Đức đã không thể từ trong nước phát hành Bên Thắng cuộc, anh cũng
chưa thể in thành sách. Anh lựa chọn phát hành trên mạng. Cách phát
hành này có thể không mang lại cho anh nhiều tiền bạc tương xứng với
công sức anh bỏ ra và giá trị của quyển sách mà anh mang đến cho độc giả
nhưng bằng cách này sẽ có nhiều người trên thế giới tìm đọc quyển sách
đang rất hot này. Càng có nhiều người khen kẻ chê càng có nhiều người
tìm đọc. Đó là quy luật mà những người làm công tác tuyên giáo của Đảng
Cộng sản rất biết nhưng họ vẫn cứ phải lên án nếu như không muốn bị cấp
trên khiển trách, mắng mỏ. Và tôi nghĩ như ai đó đã từng viết rằng các
lãnh đạo Việt nam, các Trung ương ủy viên, các ủy viên Bộ Chính trị
càng nên đọc sách này để biết một phần sự thật mà họ chưa được biết.
Biết để mà phòng thân và tránh các sai lầm khuyết điểm mà tư tưởng giáo
điều đã ám ảnh họ, Trên hết ông Nguyễn Phú Trọng cần đọc quyển sách
này. Và nếu là người thực sự cầu thị, thì ông phải khuyến khích các
đảng viên của ông cùng đọc mới đúng. Và tôi tin lịch sử sẽ rất công
bằng với Huy Đức, một nhà báo dấn thân.
Lương Kháu Lão