Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Viết cho người mẹ đi xa

Nguyễn Văn Thạnh
29092012070.jpg

Tình nhà:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân Cha che chở đời con.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc.
Là người con, chúng ta nhiều lúc ngậm ngùi khi nghĩ về cha mẹ-đấng đã sinh thành, dưỡng dục ta từ thưở thơ ấu, chăm lo ta trong suốt cả cuộc đời, người đã chịu nhiều nỗi nhọc nhằn để cho ta có cuộc sống yên vui. Vậy nên, có lẽ trong cuộc đời con người, giờ phút mất đi người mẹ là lúc con người ta thấu hiểu cảm giác đau khổ và hụt hẫng của sự mất mát chia li. Hôm nay, một người anh của tôi-anh Lê Thăng Long-đang trải qua những phút giây khó khăn ấy, xin được chia sẻ cùng anh nỗi niềm này.

Dù biết rằng, con người có sinh ắt có tử nhưng khi hay tin má anh mất, trong tôi cũng gợn lên một nỗi niềm khôn nguôi. Một lần vô thăm, khi anh vừa ra tù, anh đang chăm sóc mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, trông bà gầy ốm vô cùng. Cái gầy ốm, tiều tụy không chỉ vì sự tàn phá của căn bệnh quái ác mà còn đến từ sự lo lắng cho anh trong suốt 3 năm anh bị giam cầm, tù đày. Nếu anh là một tên tội phạm phải trả giá cho những lỗi lầm, những thiệt hại cho cộng đồng do mình gây ra thì sự tù của anh cũng là lẽ thường, nhưng sự đi tù anh lại khác. Trước khi đi tù anh là một doanh nhân thành đạt, anh cùng bạn bè sở hữu công ty có giá đến hàng trăm tỷ đồng, công ty OCI - một điểm sáng của ngành công nghệ thông tin nước nhà - anh còn là con của một gia đình cách mạng, có bố mẹ, ông bà là những đảng viên kỳ cựu vài chục năm theo cách mạng. Anh đi tù vì anh chấp nhận rủi ro làm người báo bão cho dân tộc. Cơn bão là sự khủng hoảng kinh tế qui mô lớn bắt nguồn từ những sai lầm của Đảng, nhà nước trong quyết sách kinh tế.
Cũng như anh, chúng ta, ai cũng được sinh thành, nuôi dưỡng từ tình yêu thương, hy sinh vô bờ bến của bố mẹ. Chúng ta cũng có một gia đình nhỏ ấm êm với người vợ hiền, với con thơ. Lẽ tự nhiên, trong trái tim mỗi người, trước khi ta sống và chết cho quê hương, đất nước, dân tộc,… ta đang ngày ngày sống cho những người thân yêu, sống cho gia đình mình. Trái tim nào không biết rung động trước những nhọc nhằn của người thân yêu ruột thịt thì khó mà rung động trước nỗi khổ của đồng bào mình. Đây là lý do vì sao bao nhiêu chuyện bất công, ngang trái, nhũng nhiễu trong cộng đồng diễn ra khắp nơi, kéo lùi bước tiến dân tộc khủng khiếp nhưng số người lên tiếng quá ít. Chúng ta có thể mạnh miệng kết tội mọi người về thái độ hèn nhát, thờ ơ, vô trách nhiệm nhưng ít người thấy được gánh nặng tình cảm gia đình trên vai mọi người. Suy cho cùng, chính bố mẹ, người thân trong gia đình là người lo lắng, thương yêu ta nhất. Mẹ anh Long thì tiều tụy vì con ngồi tù, bố anh Thức dù đã gần 80 tuổi vẫn phải vất vả ngược xuôi vận động cho sự tự do của anh, vợ các anh thì âu lo, một thân một mình bôn ba cuộc sống tảo tần nuôi nấng các con. Dòng đời vẫn tấp nập, ít ai quan tâm đến họ dù họ ngồi tù để cuộc đời mọi người trong đất nước này tốt hơn, thịnh vượng hơn.

Trách nhiệm với đất nước:

Một cộng đồng, một dân tộc sẽ như thế nào nếu ai cũng chỉ biết vun vén cho gia đình mình, làm mọi việc để người thân yêu mình được đầy đủ, sung túc mặc cho những gì đang diễn ra xung quanh? Người cầm quyền tìm mọi cách để giữ địa vị quyền lực của mình và phe nhóm mình mặc cho bất công ngang trái; doanh nhân làm mọi cách chạy chọt, im lặng để có thể làm ăn, để giành được hợp đồng bằng mọi giá, để công ty không bị chính quyền thanh tra, sách nhiễu; người dân im lặng để khỏi liên lụy cái gia đình vốn bé nhỏ, khó khăn của mình; trí thức thì tung hô kẻ quyền thế để có được chỗ yên ấm hay ít ra vẫn có thể thu vén được với khả năng trí tuệ của mình,….? Câu trả lời cho những câu hỏi trên là: chúng ta sẽ cột chân nhau cùng chết, dân tộc ta sẽ suy thoái, nghèo mạt và biến mất trên bản đồ thế giới, nếu không như vậy thì con cháu chúng ta cũng không có tương lai tươi sáng, chúng chỉ có thể là những nô lệ lao động kiếm ăn trên chính quê hương xứ sở của mình. Việc này không phải là những tiên đoán thiếu cơ sở mà nó từng là bài học đau đớn cho dân tộc ta. Cách đây 150 năm, khi nền văn minh phương Tây bắt đầu lan sang các nước châu Á tăm tối.
Từ ngày đi sứ tới Tây-kinh
Thấy việc Âu-châu phải giật mình
Kêu tỉnh đồng-bang mau kíp bước
Hết lời năn-nỉ chẳng ai tin
Tiếng kêu não lòng của cụ Phan Thanh Giản sau khi ra ngoài nhìn thấy thế giới và về kể lại cho các quan và Vua trong triều đình. Tư tưởng cải cách ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX được một số Nho sĩ đề xướng nhưng đã bị phái bảo thủ rắp tâm bóp chết ngay khi nó được đưa ra nghị triều. Lý do cho việc bóp chết rất đơn giản: Vua, quan nhà Nguyễn luôn đặt ngôi báu, lợi ích bổng lộc của mình lên hàng đầu, nên có thái độ thật “ích kỷ”, trong khi dân chúng thì tăm tối và ngơ ngác trước thời cuộc. Kết quả là nước mất nhà tan: 100 năm nô lệ, 50 năm chiến tranh đẫm máu, không một ai trong số con vua cháu chúa giữ được bổng lộc, không một gia đình nào mà không mất mát đau thương.

Tri ân tấm lòng dấn thân vì đất nước:

Hơn ai hết, là một người cả đời theo Đảng phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mẹ anh Long biết rõ những giá trị cho sự tồn vong của dân tộc nên cụ bà đã đồng ý khi anh bước chân vào con đường đầy chông gai phía trước. Trong lòng cụ đầy âu lo theo bản năng thương con của một người mẹ, dẫu biết con mình hành động vì nghĩa lớn.
Đất nước này, dân tộc này cần những người mẹ như cụ, chỉ có như vậy tiền đồ của dân tộc mới có cơ hồi sinh, tương lai tươi sáng.
Bài viết này như một nén hương cầu mong linh hồn cụ siêu thoát về cõi niết bàn.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"