CTV Danlambao
Khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi hiến pháp
là đợt 'sinh hoạt chính trị quan trọng', TBT Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm
vụ cho lực lượng công an và quân đội phải "ngăn chặn những hành vi lợi
dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống
phá Đảng và Nhà nước".
Chỉ thị như trên
được ông Nguyễn Phú Trọng thay mặt cho Bộ chính trị ký vào ngày
28/12/2012. Dự kiến, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992 sẽ diễn ra trong 2 tháng, từ ngày 2/1 đến 31/3 năm
2012.
Ông Trọng cũng yêu cầu toàn bộ đảng viên phải được 'quán triệt' về
'mục đích, quan điểm, định hướng' trong việc lấy ý kiến nhân dân, kịp
thời 'uốn nắn những biểu hiện lệch lạc'.
Đây được xem như một trong những sự kiện lớn và quan trọng nhất đối
với Đảng CS trong năm 2013. Bộ chính trị đảng CSVN huy động toàn bộ hệ
thống chính trị tham gia vào công việc này.
Chỉ thị này còn yêu cầu toàn bộ các tổ chức Đảng từ trung ương đến
địa phương cùng tham gia và thực hiện. Việc tuyên truyền được giao cho
Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn Hóa, Bộ Thông tin Truyền Thông và toàn
bộ hệ thống báo chí.
Đặc biệt, ông Trọng nhân mạnh hai lực lượng vũ trang là công an, quân đội phải "chỉ
đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã
hội; phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn
chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên
truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta".
Nhóm sửa đổi hiến pháp của quốc hội là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992 cũng được yêu cầu phải 'phối hợp' với Đảng đoàn Quốc Hội.
Trong cuộc họp báo hôm 29/12, trưởng bạn biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp là ông Phan Trung Lý đã tuyên bố: "Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".
Chỉ thị của Bộ chính trị về việc lấy ý kiến sửa hiến pháp do ông
Nguyễn Phú Trọng ký chính là một cái tát vào mặt đối với ông Phan Trung
Lý, thông qua lời đe dọa rõ ràng về cái gọi là 'những hành vi lợi dụng
dân chủ'.
Điều 4 hiến pháp do đảng cộng sàn nhào nặn, quy định quyền lãnh đạo
độc tôn của đảng cộng sản. Những người kêu gọi xóa bỏ điều 4 hiến pháp
từng bị trả thù bởi những bản án nặng nề.
Việc kêu gọi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa hiến pháp cũng chỉ là
một trò mị dân, nhằm tạo bầu không khí phấn khởi giả tạo đối với những
ai còn tin vào chế độ. Rõ ràng, chỉ thị của ông Nguyễn Phú Trọng vừa ban
hành cũng chính là cái tát đau điếng đối với những người còn nuôi hy
vọng đảng cộng sản sẽ tự thay đổi.
Gần đây, cũng có một số ý kiến đề nghị tăng thêm quyền hạn cho Chủ
tịch nước, thông qua việc sửa hiến pháp để cho chủ tịch nước nắm giữ lực
lượng công an, quân đội. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến kế
hoạch sửa hiến pháp như trên, tóm lại cũng chỉ nhằm phục vụ cho các cuộc
đấu đá quyền lực trong hàng ngũ chóp bu đảng.
Bản hiến pháp phải do chính nhân dân tạo nên. Hành động bộ chính trị
đảng CS ra văn bản chỉ thị và đe dọa cho thấy việc sửa hiến pháp cũng
chỉ dành cho nội bộ đảng, chắc chắn không có phần của nhân dân.
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
danlambaovn.blogspot.com
____________________________
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày 28/12/2012, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân
dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo VietNamNet trân trọng
đăng toàn văn Chỉ thị này.
Ngày 23/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua
Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc
vào ngày 31/3/2013.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn
Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí
tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng
cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với
việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân.
Để việc lấy ý kiến nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Bộ Chính
trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân
các cấp thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
1/ Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2
và Kết luận Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XI, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về
dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần đưa nội dung này
vào sinh hoạt của chi bộ, đảng bộ để quán triệt trong toàn thể đảng
viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến
nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
2/ Lãnh đạo tổ chức, đơn vị do mình phụ trách bám sát Nghị quyết số
38/2012/QH13 của Quốc hội và Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của Ủy ban dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý
kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ ở cơ quan, tổ
chức, đơn vị và địa phương.
Đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cần thiết cho cơ quan, tổ chức,
đơn vị ở bộ, ngành, địa phương mình phụ trách tổ chức tốt việc lấy ý
kiến nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn
những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
Chỉ đạo tổ chức, đơn vị tập hợp, xây dựng báo cáo đóng góp ý kiến của
nhân dân, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phản ánh đầy đủ
và chính xác ý kiến của nhân dân.
3/ Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, kiểm tra
việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong lực lượng Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc
phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan tổ chức
hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ
việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và
Nhà nước ta.
4/ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ
quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên
truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để nhân
dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; mở chuyên
trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phản ảnh kịp thời ý
kiến đóng góp của nhân dân.
5/ Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992, trên cơ sở Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân, của
các ngành, các cấp do các địa phương, cơ quan, tổ chức gửi đến, xây dựng
Báo cáo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của
nhân dân để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
trình Quốc hội xem xét, quyết định.
6/ Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn,
đảng ủy trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc
các nội dung trong Chỉ thị này.
Trong quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ
thường xuyên báo cáo tình hình triển khai với Bộ Chính trị để kịp thời
chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương có trách nhiệm
theo dõi, kiểm tra và báo cáo Bộ Chính trị việc thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ đảng.
Nguồn: Vietnamnet
____________________________
NGHỊ QUYẾT số 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 28-12-2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban
hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Nghị quyết này đã được Quốc hội khóa
XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23-11-2012). Báo SGGP giới thiệu toàn
văn Nghị quyết:
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã
được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 6 tháng 8 năm 2011 của Quốc
hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
Sau khi xem xét Tờ trình số 195/TTr-UBDTSĐHP ngày 19 tháng 10 năm
2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ý kiến của các vị
đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã
được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 công bố.
Điều 2. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân
1. Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân,
tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân
trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
2. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Điều 3. Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân
1. Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích
hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và
người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ,
khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết
kiệm.
2. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ,
chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc
tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh
trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu,
thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của
Đảng và pháp luật của Nhà nước.
4. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của
các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ
chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992.
Điều 4. Nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân
1. Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,
bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa
vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học,
công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của
Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy
định của Hiến pháp.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến vào toàn bộ Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực
tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những
vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.
3. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm:
a) Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết này;
b) Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm;
c) Thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội htttp://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng;
d) Các hình thức phù hợp khác.
Điều 5. Đối tượng lấy ý kiến
1. Các tầng lớp nhân dân.
2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương: Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm
toán Nhà nước; các ban của Đảng; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng
Chủ tịch nước.
3. Các cơ quan nhà nước ở địa phương: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ
chức xã hội khác.
5. Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.
6. Các cơ quan thông tấn, báo chí.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu
1. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 căn cứ vào Nghị quyết
này có trách nhiệm ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân; chủ
trì tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân
dân, bảo đảm nội dung, tài liệu, tập huấn cán bộ; tổng hợp và trình Quốc
hội Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân; nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý
kiến đóng góp của nhân dân để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ
quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và
tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
3. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo
kết quả đóng góp ý kiến của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến Ủy
ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
4. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán
Nhà nước, các ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ
tịch nước tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng
góp ý kiến của ngành, cơ quan mình gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992.
5. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức
họp chuyên đề thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì
phối hợp với Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức thảo luận,
lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến
của địa phương mình gửi đến Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992.
6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận
có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì
phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận
tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của các thành viên tổ chức mình, ý kiến
của các tổ chức xã hội khác, ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong
giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở
nước ngoài và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến
gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
7. Các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và
tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của tổ chức
mình gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
8. Các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thu thập, nghiên
cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc thảo luận, thông
qua Hiến pháp tại kỳ họp Quốc hội.
9. Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo
điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên
trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng
tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân
dân.
10. Các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân gửi văn bản đóng góp ý kiến đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
11. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại điều này có trách
nhiệm tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động trong cơ quan, thành viên tổ chức mình và các tầng lớp
nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Điều 7. Thời gian lấy ý kiến nhân dân
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
bắt đầu từ ngày 2 tháng 1 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm
2013.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, tổ chức
căn cứ vào nghị quyết này, Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Ủy
ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tình hình cụ thể của cơ quan,
tổ chức, địa phương mình triển khai tổ chức việc lấy ý kiến nhằm bảo đảm
yêu cầu và tiến độ.
2. Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ngân sách nhà nước bảo đảm.
3. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến
pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu
xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2012.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Sinh Hùng
Nguyễn Sinh Hùng