Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nguy hiểm cho... TỰ DO! (tập 3)

Hành Nhân
Bọn họ vội vàng chở tôi và Hoàng Vi tới đồn CA P. Nguyễn Cư Trinh. Trên đường đi, tài xế xém gây va quẹt và phải thắng gấp mấy lần. Tôi nói với tài xế: "Bác tài chạy từ tư thôi, kẻo lại gây tai nạn đụng chết người ta thì phiền lắm!". Đến đồn CA P. Nguyễn Cư Trinh, họ đẩy Hoàng Vi xuống. Tôi xuống theo Vi ngay sau đó thì bị túm lấy, tách ra, quăng ngược trở lại xe cùng một số đòn đánh túi bụi vào mặt và người tôi.
Họ đưa tôi đến đồn CA P. Cô Giang (Q.1). Lúc xuống xe, tôi yêu cầu họ lần lượt lượm lại mũ vải, đồng hồ rớt trên xe đưa lại cho tôi. Một người đưa cho tôi cái móc chìa khóa, tôi nhận ra đây là cái chìa khóa xe hồi sáng Hoàng Vi có cầm nên giữ giùm để đưa lại cho Vi sau. Mấy người CAKV ở đồn CA P. Cô Giang bỗng thấy lạ khi thấy một xe hơi bản số xanh cùng hai nhân viên thường phục (được nghe nói chính là an ninh) hộ tống một thằng tôi tóc dài, đội mũ vải của dân tộc Thái, quần bị rách thủng đáy, môi dập mắt bầm tiến vào. Họ ngơ ngác hỏi: "Lại chuyện gì nữa đây? Sao mà bầm mắt thế kia cơ chứ?". Tôi cười: "Hỏi mấy người này thì biết!".

Họ dẫn tôi lên tầng 2, trong phòng Hội trường, ở đây có khoảng 2-3 nhân viên CAKV mặc sắc phục đang làm việc. Tôi bị tịch thu hai cái điện thoại để không thể thông báo địa điểm cho ai biết hết. Tự do thông tin về tình trạng, địa điểm cá nhân hiện thời cho bạn bè, người than luôn bị tước đoạt mỗi khi bước vào đồn CA kiểu này. Tay an ninh tò mò bấm bấm vọc vọc hai cái điện thoại của tôi. Tôi liền nói: “Nè anh, anh không được phép coi điện thoại của tôi như vậy chứ! Cái này là cá nhân riêng tư mà. Sao anh dám xâm phạm? Anh để điện thoại tôi xuống đây!”. Hắn thôi dò xét điện thoại của tôi, nhưng vẫn giữ khư khư trên tay.
Tôi hỏi: “Anh là ai mà có quyền muốn làm gì thì làm như vậy? Anh không xuất trình giấy tờ thẻ ngành thì tôi sẽ không làm việc với anh!”. Hắn nói: “Tao là dân thường thôi! Tao thích làm vậy đó! Thì sao?”. Hắn hung hổ xấn đến tát tai tôi một phát. Tôi quay qua phân trần với mấy anh CAKV mặc sắc phục: “Tôi không biết mấy người này là ai, tự nhiên bắt tôi vào đây làm gì, còn hành hung đánh chúng tôi nữa chứ? Mấy anh thấy đó, trong đồn CA mà họ còn đánh tôi như vậy thì huống gì ở ngoài đường?”. Họ tỏ ra bênh vực tay an ninh kia: “Phải làm gì thì mới bị đem vào đây chứ!”. Tôi làu bàu: “Tôi chả làm gì sai cả! Chỉ đi uống café với bạn mà bị hốt vào đây. Tôi cũng đang muốn biết lý do đây nè…”.
Họ điều một tay CA thường phục trẻ măng vào làm việc với tôi, nói là CA ở phường này. Tôi đòi tay này phải xuất trình thẻ ngành, hắn móc ra đưa tôi, tôi lấy một tờ giấy và bút ghi lại: Trần Vũ Long, hạ sĩ quan, CAKV P. Cô Giang. Long sinh năm 1990, mới ra trường được ba năm, nói chung là dáng vẻ đàng hoàng, hiền lành. Long đòi giấy CMND của tôi, tôi móc ví đưa cho hắn. Xong, quay qua hai tay an ninh và mấy viên CAKV, tôi nói: “Giấy tờ tôi hợp lệ, giờ tôi đi được chưa?”. Mấy người kia chặn ngay: “Cứ ở yên đó, giờ viết tường trình đi!”. Tôi đáp: “Tôi không có tường trình gì hết, tôi viết thẳng đơn tố cáo mấy người luôn. Đánh đập, bắt giam tùy tiện người khác. Tôi tố cáo cái đồn CA này bao che cho những kẻ côn đồ kia luôn!”.
Tôi viết thẳng một mạch đơn tố cáo kệ lại sự việc bị bắt bớ và hành hung vô lý ra sao. Tôi biết họ bắt mình viết tường trình cũng là để câu thời gian trong lúc chờ người bên CA Thành phố xuống làm việc thôi. Và lá đơn tố cáo kia cũng chả biết phải gởi đi đâu và cho ai vì họ cũng sẽ không bao giờ giải quyết cho mình. Vì thế, tôi không cần phải theo cái công thức mẫu của đơn từ là phải Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập – tự do – hạnh phúc… Khi hai tay an ninh PA 67 quen thuộc xuống làm việc với tôi, tôi thấy hắn cầm đơn tố cáo của tôi nhìn qua rồi mỉm cười, tôi biết họ đang nghĩ gì và tôi cũng cười thầm…
Trong hai tay PA 67 quen mặt, anh Nguyễn Quang Trung tuổi khoảng tầm 40-45 là một người rất khôn khéo. Lần nào trước khi vào cuộc làm công việc “quay dế” tôi, anh ta cũng hỏi tôi muốn uống gì, hút thuốc gì để mua. Tôi yêu cầu café sữa đá, thuốc gì loại nào cũng được. Anh Trung móc ra gói thuốc Kent, kéo tôi ra ngoài ban công làm một điếu cho tỉnh. Anh ta vẻ như trách cứ tôi tại sao lại có mặt ở gần tòa án để bị lôi vào đây, để gặp lại trong hoàn cảnh không vui này. Anh ta thay mặt mấy tên côn đồ kia xin lỗi tôi vì “có thể hơi quá tay trong lúc làm nhiệm vụ”. Tôi nói không phải lỗi của anh, nhưng anh cũng nên có ý kiến lại cấp trên chứ cứ để lính lác hoành hành như vậy thì chỉ làm xấu thêm bộ mặt ngành CA vốn đã không được sự thiện cảm của dân rồi.
Tay an ninh PA 67 trẻ hơn tên là Hưng, năm ngoái phục kích tôi từ nhà Paulo Thành và đi theo tôi cho đến cầu Bình Triệu chỉ vì tôi mặc áo NO-U do báo SGTT in. Hắn lấy lý do là nghi ngờ chiếc xe Honda 67 của tôi là xe gian nên nhờ 2 CSGT túm tôi vào đồn CA P.26, Q. Bình Thạnh (gần bến xe miền Đông) và sau đó thì làm việc về áo NO-U và việc đi biểu tình chống Trung Quốc. Sau lần đó, hắn còn làm việc với tôi 1 lần nữa ở P. Linh Xuân, Q. Thủ Đức nơi tôi thường trú và nhiều lần khác theo đuôi khi tôi đi gặp gỡ bạn bè, café, ăn nhậu… Lúc đầu Hưng nghĩ tôi trẻ tuổi hơn hắn nên ra giọng dạy dỗ, khuyên bảo này nọ. Sau tôi hỏi hắn sinh năm bao nhiêu, học đại học năm mấy, hắn nói sinh năm 1983, học đại học năm 2002. Vậy là tôi phì cười nói: “Vậy Hưng chỉ là em nhỏ thôi! Tôi học đại học năm 2001, trước em nhỏ 1 năm”. Hưng có điện thoại smartphone xịn, hay vào facebook của tôi để theo dõi, cập nhật tình hình. Hưng vào facebook đọc được status của tôi sáng 28/12 là tẩy chay phiên tòa xử 3 blogger và chửi tổ cha mấy thằng nào muốn bắt tôi vào đồn CA thì cười cười và cầm đi khoe hết người này người kia trong đồn xem.
Một lát vào làm việc, anh Trung hỏi và Long ghi biên bản. Hỏi về việc có biết phiên tòa sáng nay không, ra khu vực đó làm gì, đi với ai, có hẹn hò gì không… Trong lúc đó thì có khoảng 3-4 tay an ninh thường phục khác ra vào thông báo này nọ. Có một tay thấy tôi đội mũ thì nhào vào giật mũ, đòi tát tôi, quát tôi rằng trong đồn mà dám đội mũ à? Tôi giật mũ lại, nói: “ủa ông là ai vậy? giấy tờ thẻ ngành gì đâu? trong đây có luật nào cấm không được đội mũ không?”. Anh Trung thấy vậy liền nói: “Thôi cứ để nó đội đi, lãng tử mà!”. Tên kia lừ lừ mắt nhìn tôi rồi bỏ ra ngoài.
Có hai tay khá trẻ nghe anh Trung nói là tên là Toàn và Hoàng từ Cục quản lý XNC xuống để điều tra tôi, hỏi về những lần tôi xuất ngoại. Có vẻ hai tay này khá tức tối với tôi khi địa phương tôi mời 3 lần mà chưa sắp xếp được thời gian để lên phường làm việc (?). Tay Toàn nói tôi phải có nghĩa vụ lên làm việc, vậy mà cố tình không thu xếp lên hợp tác. Tôi trả lời rằng tôi bận nhiều việc nên CHƯA thu xếp được chứ không phải là KHÔNG thu xếp, khi nào có thời gian thì tôi sẽ sắp xếp. Nhưng tại sao không ghi thẳng trong giấy mời là sẽ gặp Cục Quản lý XNC (thay vì lên gặp CAKV) đi thì tôi đã biết là việc quan trọng để mà sắp xếp rồi… Có vẻ hôm nay tôi bị giữ lại trong đồn là để tiện cho họ một công đôi chuyện luôn, vừa giữ chân được tôi vừa để hỏi tôi một số vấn đề mà họ còn tò mò, thắc mắc…
Họ hỏi tôi về mối quan hệ với Mẹ Nấm, Bùi Chát, Tiểu Anh, Hoàng Vi… Họ hỏi về chuyến du lịch qua Cambodia, Thái Lan và gần đây là Philippines. Họ hỏi qua đó làm gì? Đi trong bao lâu? Có gặp người Việt Nam nào bên đó không? Họ muốn biết về khóa học truyền thông nào đó ở Thái Lan mà Mẹ Nấm đã tham gia, hỏi tôi có tham gia không này nọ. Tôi nói rằng không biết gì cả về khóa học ấy, cũng chỉ thấy Mẹ Nấm post hình ảnh và thông tin lên facebook vậy thôi. Nếu họ muốn biết rõ thì nên đi hỏi Mẹ Nấm. Họ hỏi khá kỹ về khóa thực tập làm việc của tôi cho báo điện tử Rappler ở bên Manila. Họ không thể nào ngờ chỉ với khả năng tiếng Anh của mình thôi mà tôi là người Việt Nam đầu tiên được nhận vào thực tập ở một tờ báo điện tử hàng đầu của Phi Luật Tân. Có vẻ họ hơi ngán giới truyền thông (nhất là truyền thông xã hội) thì phải…
Họ hỏi han về gia đình tôi bên Mỹ, hỏi tôi có muốn qua đó không, muốn đi du lịch thăm gia đình không… Rồi kêu tôi phải biết điều hợp tác thì sau này mới có điều kiện này nọ để xuất ngoại. Họ nói lấp lửng ra vẻ tùy vào thái độ hợp tác của tôi mà họ sẽ cân nhắc xem sau này tôi có được phép dùng Hộ chiếu của mình mà xuất ngoại nữa hay không. Tôi chỉ biết gì thì nói đó thôi, còn những vấn đề riêng tư cá nhân thì tôi không muốn tiết lộ. Họ nói họ biết rõ tôi qua nước ngoài làm gì, tôi trả lời rằng các anh biết rồi thì hỏi tôi làm chi, mà nhiều khi tôi trả lời mấy anh cũng có tin đâu, nếu có làm gì sai trái pháp luật thì cứ bắt thôi… Trong lúc đó, họ kiểm tra hai điện thoại của tôi, đọc tin nhắn, ghi lại tất cả nhật ký cuộc gọi và chép hết danh bạ có trong 4 thẻ sim của tôi… Khi đó, quyền bảo mật thông tin cá nhân riêng tư của tôi và bạn bè bị xâm phạm. Tuy tôi có “tự do” đi toilet, đi ra ngoài hút thuốc nhưng dường như tự do đi lại sau này và việc qua khỏi cửa khẩu Việt Nam sẽ bị đe dọa rồi đây… Tay Hoàng bên Cục bắt tôi viết cam kết gì đó, tôi nói thẳng là không viết và chỉ làm việc đến 16h thôi không hơn nữa vì 18h tôi phải đi đám cưới.
Rồi họ kiểm soát tất cả đồ đạc của tôi, phát hiện ra chiếc móc khóa của Vi là một máy quay camera (trong khi tôi tưởng là remote chống trộm gì đó). Họ thấy camera này bị mất thẻ nhớ. Họ nghĩ tôi đã giấu thẻ nhớ rồi nên bắt tôi giao ra, tôi nói không biết gì cả, không tin thì cứ xét người. Thế là họ lục soát xét ví, xét người tôi. Dù tôi lấy uy tín của mình ra hứa là không biết gì về cái thẻ nhớ ấy nhưng anh Trung không tin, nói là phải theo lệnh cấp trên. Dường như họ cứ phải làm theo mệnh lệnh như một cái máy mà không hề biết đến và tôn trọng cái gọi là tư cách, uy tín, lời hứa… Thế là tôi buộc phải cởi giầy, tháo mũ, cởi quần áo. Anh Trung khám cả quần lót tôi nhưng vẫn tôn trọng không xâm hại, đụng chạm gì đến “tự do” đang ủ rũ vì chán nản và mệt mỏi với tình người và cuộc đời ở gầm trời này...
Không tìm được gì trong người tôi, bên phía Hoàng Vi cũng thế. Tôi nghĩ có lẽ có lẽ thẻ nhớ đã bị rơi mất đâu đó khi giằng co đến nỗi camera bay nắp luôn. Họ lập biên bản tịch thu, niêm phong cái camera ấy trước sự chứng kiến của tôi. Sau đó tôi ngồi chơi xơi nước, hút thuốc chờ cấp trên xuống lệnh thì tôi mới được cho về. Tôi thấy thật vô lý khi tự nhiên mình lại bị tước mất một số quyền tự do cơ bản của con người. Khi họ cho phép thì mới được gọi điện cho bạn đến đón về, nếu như họ ưng ý thì mới được rời khỏi đồn (dù chả bao giờ tôi muốn tốn thời gian cách vô ích như thế!).
Diên An đến đón tôi về nhà, 19h thì Bách Việt và Hoàng Vi nghe nói cũng được thả ra. Nghe những chuyện xảy ra với Vi, tôi thấy không ngờ người ta lại tàn bạo, hèn hạ và đê tiện như vậy. Hộp cơm trưa cùng với mấy ly cafe sữa trong bụng tôi bỗng dưng cồn cào, tôi nôn hết tất cả trong bụng ra ngoài. Tôi tắm rửa sạch sẽ xong, mệt mỏi quá nên đi nghỉ sớm chứ không còn sức đi đám cưới được nữa. Một số bạn bè gọi điện thăm hỏi, tôi trả lời vắn tắt, cám ơn rồi tắt máy... Tôi biết sáng mai sẽ không thể dậy sớm đi viếng đám tang mẹ anh Lê Thăng Long được nên nhắm mắt cầu nguyện mong bà sớm siêu thoát...
Điều lạ là, tuy cả ngày mặc quần rách trong đồn, cái tôi nghĩ đến nhiều nhất không phải là “tự do” của tôi như thế nào trong cái quần rách ấy mà là cái TỰ DO mọi người dân Việt Nam đang có, đang sống. Nó là như vầy ư? Vậy thì nguy hiểm quá! Nó có thể bị tước đoạt, xâm hại, lăng nhục... bất cứ lúc nào. Và vẫn đang có nhiều người chỉ quan tâm đến cái “tự do” của riêng mình chứ không hề đếm xỉa và tôn trọng đến “tự do” hay TỰ DO của người khác.
Các bạn bè đồng nghiệp báo giới của tôi trên thế giới đã nghe nói nhiều về TỰ DO ở Việt Nam. Họ đã hỏi tôi rất nhiều về tình trạng TỰ DO ở Việt Nam. Họ không ngờ rằng có một ngày, không chỉ TỰ DO mà ngay cả “tự do” của tôi cũng gặp nguy hiểm như thế!
Tôi sẽ giữ lại chiếc quần thủng đáy ở ngay chổ “tự do” để làm kỷ niệm, để nhớ và để nghĩ...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"