Hai ngày nay, rất nhiều người theo dõi việc tòa án thành phố
Vinh tiến hành xử 14 thanh niên công giáo về “tội lật đổ chính quyền”.
Dù có thể đoán trước được mọi chuyện, từ việc xử công khai là như thế
nào? Án bao nhiêu năm? Có xét không hay chỉ xử? Thực sự thời điểm này,
không ai trông chờ lắm vào việc luật pháp sẽ được thực thi một cách công
minh. Nhưng theo bản năng, ít nhiều con người vẫn cứ phải hy vọng...
Chỉ cần qua vụ xử phúc thẩm 3 nhà báo tự do gần đây ở Sài Gòn, cũng
có thể hiểu thông điệp của nhà cầm quyền về việc đấu tranh dân chủ. Họ
không chấp nhận tự do dân chủ! Có thế thôi. Hoặc dân chủ hay tự do gì
cũng phải trong khuôn khổ mà họ quy định!
Tôi chợt nghĩ, vậy thì nên bổ sung thêm chữ “theo quy định” hoặc
“trong khuôn khổ” vào sau dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho hết
thắc mắc?
Nhưng nói vậy chưa chắc đã xong. Trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992 , ở
điều 69 có nèo thêm câu “theo quy định của pháp luật” vào cuối câu. Vậy
mà 20 năm nay nào đã thấy mặt mũi cái quy định ấy nó tròn hay méo thế
nào đâu. Không lẽ tới đây, nhân dịp góp ý sửa đổi Hiến pháp, tôi lại đề
nghị bỏ quách cái điều 69 ấy đi. Tôi ví cái điều 69 ấy nó giống như cô
gái về nhà chồng, suốt 20 năm chỉ để làm duyên mà anh chồng không được
sơ múi gì.
Không thắc mắc! Không lạ! Nhưng vẫn cứ phải thốt lên, rằng thật là quái đản!
Quái đản ở cách thức mở một phiên tòa công khai mà thân nhân không
được tham dự. Có giấy mời cũng không được vào. Thứ luật pháp duy nhất có
giá trị ở nơi cửa tòa là từ: CẤM TẤT!
Không ít người bảo, thế thì nói béng là xử kín cho rồi để người ta
khỏi hóng hớt. Bày đặt công khai rồi làm náo loạn cả dư luận lên như
thế. Những gì xảy ra bên ngoài phiên tòa xử 14 thanh niên công giáo ở
Vinh dù không lạ vì có thể dự đoán trước, nhưng nó vẫn là một nỗi hổ
thẹn cho nền tư pháp nước nhà, là nỗi đau nhức nhối trong lòng nhiều
người yêu chuộng công lý.
Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì khi người thân của bạn bị bắt và đưa ra tòa xét xử?
Tôi nhớ phiên tòa xử Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội giết người dạo nào, ai
nấy đều thấy bà mẹ của tội phạm luôn ở phía sau đứa con tội lỗi trong
suốt những ngày xử án. Tội phạm giết người còn thế, huống hồ khi bạn tin
vào sự vô tội và vào chính nghĩa của con em mình, thì đương nhiên bạn
không thể không đứng bên họ trong những giờ khắc quyết định tự do hay
ngục tù...
“Trăm năm trong cõi người ta, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Với những gì đã xảy ra quanh phiên tòa xét xử 3 nhà báo tự do ở Sài
Gòn, hay xét xử 14 thanh niên công giáo ở Vinh, thì câu thơ của cụ
Nguyễn Du mấy trăm năm trước dường như chỉ mới đâu đây thôi.
Tin tức về việc công an cùng với dân phòng và an ninh giăng đầy
đường, ngang nhiên lùng sục, bắt giữ tất cả những ai nghi vấn quay phim
chụp ảnh, hùng hổ đe dọa, xua đuổi những người đến chờ đợi tin tức thân
nhân của họ đều được thông báo lên mạng. Nhưng tai mắt của nhân dân thì
có ở khắp nơi. Tin tức và hình ảnh vẫn liên tục được thông báo lên mạng.
Mỗi một dòng tin, người này bị bắt, người kia bị đánh lại làm cư dân
mạng sôi lên sùng sục vì phẫn nộ. Hôm qua, tôi đang viết bài về “ngoại
giao cái kiểu c. gì thế” thì trên mạng loan tin khẩn cấp: công an bắt
đầu đánh giáo dân đang cầu nguyện ở bên ngoài!
Bà Hóa, mẹ của Phero Nguyễn Đình Cương (một trong những 14 thanh niên công giáo đã bị nhà cầm quyền kết án 4 năm) bị đánh ngất bên ngoài khu vực tòa án .
Những tiếng kêu kiểu như thế nghe nó uất lắm. Nhưng rồi ai cũng thấy
một điều, chính quyền đang run sợ đấy. Họ đang cố giấu diếm nên mới tìm
mọi cách để bịt mắt bịt tai dư luận như thế chứ. Và có lẽ chính quyền
cho rằng, cách ly người thân ra khỏi những người bị đưa ra xét xử là có
thể cô lập họ và làm nhụt ý chí của họ chăng?
Nếu bạn nhìn những gương mặt sáng sủa và rắn rỏi của những chàng
trai, cô gái đang đứng trước vành móng ngựa kia, bạn có thể thấy họ
không hề run sợ. Tôi nhìn cả những gương mặt của người ngồi dự phiên tòa
này, không biết có khi nào họ tự hỏi, điều gì khiến cho những thanh
niên kia sẵn sàng chấp nhận tù đày, chấp nhận hy sinh cả tuổi thanh xuân
cho lý tưởng của họ như thế?
Lời cuối cùng của anh Nguyễn Văn Duyêt trước tòa: "Chỉ có Chúa Kitô clà niềm cậy trông, là tình yêu và là sự thật. Xin gửi đến tất cả mọi người lời cầu chúc bình an! - Hóa ra đây là lời ăn năn hối lỗi theo VTV đưa tin đấy..
Một điều tôi muốn nói thêm ở đây, đó là tinh thần đoàn kết, tương
thân tương ái trong cộng đồng người công giáo, khiến cho nhiều người
khác phải khâm phục và kính trọng. Khi một thành viên trong cộng đồng
lâm nạn, họ sẵn sàng hiệp thông với nhau dù chỉ cầu nguyện để hỗ trợ
niềm tin cho nhau. Với những người có đức tin thì có lẽ đó là điều rất
quan trọng, có thể giúp họ vượt qua mọi thử thách về cả thể xác lẫn tinh
thần.
Ảnh chụp bên ngoài khu vực xử án - Rất công khai! Thế này làm gì chả hăng hái?
Tin vừa đọc trên facebook, VTV đưa tin vào lúc 11 giờ đêm về vụ xử 14
thanh niên công giáo, rằng “Phần lớn các bị cáo đều tỏ ra ăn năn, hối
lỗi và xin được giảm nhẹ các hình phạt để sớm được về với gia đình".
À, cái này không lạ. Nó trái ngược với những gì tôi nghe tin từ thông tin “lề dân”. Tin hay không tùy bạn.
VTV đưa tin vụ xử 17 thanh niên công giáo (www.youtube.com)