Trong cái không khí của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, bỗng
dưng tôi muốn viết 1 cái gì đó, về Quốc hội. Tôi, cũng như toàn thể
người dân đều mong mỏi Quốc hội của chúng ta sẽ ngày càng phát huy được
vai trò của mình trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất
nước. Dù những điều mà tôi biết, cũng như tư duy của tôi còn hỗn độn,
song tôi đâu quá bận tâm tới điều đó, khi mà tôi thực sự có những điều
muốn tâm sự về vấn đề này...
1. Quốc hội và chủ quyền tối cao của nhân dân
Trước hết tôi muốn bàn về việc, quốc hội là cơ quan dân
biểu – tức đại diện cho nhân dân – thực hiện quyền lập pháp – thứ quyền
thể hiện ý chí chung của quốc gia, của toàn dân. Vậy tôi đặt ra vấn đề,
quyền hạn của Quốc hội nên được đặt ra tới đâu để có thể duy trì chủ
quyền tối cao của dân chúng?
Montesquieu viết rằng: “Trong một nước tự do, mọi
người đều được xem như có tâm hồn tự do, thì họ phải được tự quản; như
vậy tập đoàn dân chúng phải có quyền lập pháp. Nhưng trong một nước lớn
thì không thể mỗi công dân đều làm việc lập pháp. Trong một nước nhỏ,
việc này cũng rất khó khăn; cho nên dân chúng thực hiện quyền lập pháp
bằng cách giao cho các đại biểu của mình làm mọi việc mà cá nhân công
dân không thể tự mình làm lấy được… Ưu thế lớn của các đại biểu là họ có
thể bàn cãi về mọi công việc. Dân chúng thì không làm như thế được. Đây
là một trong những điều bất tiện lớn của thể chế dân chủ”; “Dân
chúng chỉ nên tham gia việc nước bằng cách chọn đại biểu của mình là
những người đủ năng lực làm việc… Cơ quan đại biểu dân chúng không nên
giải quyết các công việc cụ thể, vì họ không thể làm tốt điều này. Cơ
quan đại biểu cho dân chỉ nên làm ra luật, và xem xét người ta thực hiện
luật như thế nào. Điều này thì có thể làm tốt, và không ai có thể làm
tốt hơn là cơ quan đại biểu của dân”.
Như vậy, Montesquieu chủ trương dân chủ đại diện.
Quyền lập pháp của dân chúng cần được trao vào tay của cơ quan dân biểu –
hay Quốc hội.
Song, trong tác phẩm “Khế ước xã hội” của mình, Rousseau lại phản đối dân chủ đại diện. Ông cho rằng: “Dân nước Anh tưởng rằng họ là tự do; họ đã lầm. Sau các cuộc bầu cử dân chẳng là cái gì hết”. Từ đó, ông chủ trương dân chủ trực tiếp đối với quyền lập pháp: "lập
pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt
tới, cơ quan lập pháp bao gồm toàn thể nhân dân hội họp thường xuyên sẽ
đưa ra ý muốn chung của quốc gia”. Lập pháp, trong quan niệm của
ông. chính là chủ quyền quốc gia - đấy chính là ý chí của nhân dân có
chủ quyền và vì vậy nó phải điều chỉnh những vấn đề chung nhất, liên
quan đến tất cả mọi người. Cơ quan này có nhiệm vụ đặt ra một Hiến pháp
và đưa ra một hệ thống pháp luật cho quốc gia. Cơ quan lập pháp sẽ thành
lập Chính phủ để phụ trách vai trò hành pháp cũng như đề nghị phương
pháp lựa chọn các vị thẩm phán vào cơ quan tư pháp.
Rõ ràng, Rousseau đã đặt lập pháp ở vị trí cao nhất,
chi phối các quyền lực khác. Nó mới là sự thể hiện trực tiếp nhất của ý
chí nhân dân, của quyền lực tối cao. Chủ quyền nhân dân thể hiện trong
quyền lập pháp của nhân dân. Tranh luận với Montesquieu, Rousseau chứng
minh rằng tự do chính trị chí có thì có trong một nhà nước nơi nhân dân
có quyền lập pháp trực tiếp. Theo ông, tự do thế hiện ở chỗ công dân
được luật pháp bảo vệ và tự mình được ban hành luật. Do vậy mà luật chỉ
là những điều kiện chính thức của việc tập hợp dân sự. Dân chúng tuân
theo luật phải là người làm ra luật. Để lập pháp thực sự là cơ quan
quyền lực tối cao. Rousseau đòi hỏi mọi người phải tham gia chính sự vì
đó là quyền hạn cũng như trách nhiệm của công dân. Cơ quan lập pháp phải
phản ánh ý muốn chung của toàn dân chứ không phải ý muốn của các đại
diện nhân dân.
Bạn có thể thấy rằng, quan điểm của Montesquieu và
Rousseau không giống nhau về cơ quan lập pháp. Nếu như Montesquieu cho
rằng sự xuất hiện của cơ quan dân cử là tối quan trọng đối với quyền lập
pháp thì Rousseau dường như lại phản đối điều này, đối với Rousseau
quyền lập pháp thuộc về toàn thể dân chúng, nghĩa là mỗi công dân đều tự
mình phải tham gia hoạt động lập pháp chứ không phải là trao nó lại cho
người dân biểu, và ông cho rằng sẽ là một tai họa cho quốc gia nếu
người dân mất đi quyền trực tiếp tham gia lập pháp này.
Nhưng quan điểm của hai vị ấy không giống nhau không
có nghĩa rằng, chúng ta chỉ có thể tiếp thu một trong hai chứ không thể
tiếp thu cả hai. Tôi nhận thấy rằng trên thực tế, nhiều quốc gia đã
tiếp thu một cách linh hoạt tư tưởng của hai nhà khai sáng vĩ đại ấy. Họ
tiếp thu tư tưởng về nguồn cội của quyền lực do Rousseau đề ra, tức
quyền lực bắt nguồn từ nhân dân và thuộc về nhân dân, hay, “chủ quyền tối cao thuộc về dân chúng”,
trong khi đó họ cũng lại áp dụng mô hình tổ chức quyền lực của
Montesquieu. Lấy nguồn gốc quyền lực theo tư tưởng Rousseau, và tổ chức
chúng theo cách của Montesquieu, bạn có thấy rằng đó là một sự kết hợp
tốt đẹp?
Ta hãy trở về chủ đề chính của chúng ta ở đây. Có lẽ
bạn, cũng như tôi, đồng ý với Montesquieu rằng, toàn thể dân chúng khó
mà tham gia được vào hoạt động lập pháp, ngay cả ở trong thời đại thông
tin liên lạc rất tiên tiến như hiện nay – chỉ cần một cái click chuột là
có thể lấy ý kiến người dân không mấy khó khăn. Nhưng xã hội càng hiện
đại, yêu cầu điều chỉnh của pháp luật càng đặt ra khó khăn hơn trước,
cần những người hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn là toàn thể dân
chúng ngoài lập pháp ra còn phải lo lấy miếng cơm manh áo cho bản thân
mình trước đã. Việc dân chúng ủy quyền cho cơ quan dân biểu – tức Quốc
hội – nắm quyền lập pháp là một điều hợp lý. Những nghị sĩ sẽ lo lắng
làm nhiệm vụ lập pháp của mình hơn là người dân.
Song bên cạnh đó, tôi và bạn lại cũng thấy rằng, tư
tưởng quyền lực thuộc về nhân dân của Rousseau cũng rất đúng đắn và tiến
bộ. Vậy làm thế nào để, tuy dân chúng ủy quyền lập pháp cho Quốc hội
nhưng trong quá trình thành lập và hoạt động của bộ máy Nhà nước, quyền
lực vẫn không thể tách rời khỏi dân chúng?
Tôi cho rằng, dân chúng ủy quyền lập pháp cho Quốc
hội – tức Quốc hội sẽ có quyền lập pháp, nhưng khế ước cơ bản tạo lập
nên Nhà nước và Pháp luật – Hiến pháp – phải do dân chúng lập nên. Ở đó,
Quốc hội sẽ nắm quyền lập pháp, nhưng quyền lập hiến sẽ thuộc về nhân
dân – nhân dân sẽ nắm quyền phúc quyết Hiến pháp. Hiến pháp sẽ chỉ được
thông qua khi toàn dân đồng thuận. Khế ước xã hội từ đó mà được đảm bảo
xuất phát từ nhân dân. Quốc hội không nên nắm toàn bộ cả quyền lập pháp
lẫn lập hiến. Giới hạn quyền lực của Quốc hội chỉ ở quyền lập pháp – chứ
không bao gồm cả quyền lập hiến, mà trao quyền lập hiến trở lại cho dân
chúng – vừa thể hiện được tư tưởng “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”
của Rousseau, vừa phát huy được sức mạnh của cơ chế dân chủ đại diện
theo mô hình của Montesquieu, một sự dung hòa giữa dân chủ đại diện và
dân chủ trực tiếp.
2. Quốc hội và cơ chế lưỡng viện
Chúng ta vẫn thường thấy, Quốc hội – hay Nghị viện - ở
những nước tư sản thường được tổ chức theo cơ cấu lưỡng viện, chứ không
phải một viện duy nhất như ở ta. Có khi nào bạn thắc mắc về điều này?
Vậy hãy cùng tôi lắng nghe một câu chuyện:
Sau khi Hội nghị lập hiến ở Mỹ kết thúc, khi Thomas Jefferson từ Pháp trở về, trong một bữa ăn tối đã hỏi Washington "vì sao Quốc hội Hoa Kỳ phải có viện thứ hai trong Quốc hội là Thượng viện?". Khi đó thấy Thomas Jefferson đang rót cà phê từ trong chiếc tách ra đĩa, Washington liền hỏi: "Thế tại sao ngài lại đổ cà phê từ tách ra đĩa vậy?". Jefferson trả lời: "Để làm cho cà phê nguội đi". Washington mỉm cười: "Điều đó cũng giống như việc chúng ta đổ cơ quan lập pháp ấy vào chiếc đĩa Thượng viện để nó nguội bớt đi".
Câu trả lời của Washington rất hóm hỉnh nhưng nói
lên quan điểm của các nhà làm luật tư sản về thiết chế Nghị viện. Họ cho
rằng, Hạ viện thường đại diện cho các tầng lớp dân cư trong xã hội và
thường được coi như cái nhiệt kế của đời sống xã hội, trong khi đó
Thượng viện thường đại diện cho tầng lớp bảo thủ nên ít chịu sự tác động
của áp lực xã hội. Do vậy, thiết chế Thượng viện trong nhiều trường hợp
đã cản trở được những đạo luật ban hành trong những thời điểm bức xúc
của cuộc sống, phản ánh đòi hỏi nhất thời của xã hội nhưng lại thiếu đi
tính bền vững.
Cũng có một lý do nữa để chúng ta hiểu thêm về vấn đề
này. Cơ cấu hai viện tồn tại phổ biến trong các nhà nước tư sản liên
bang. Hạ nghị viện, như chúng ta đã biết được bầu theo tỷ lệ dân số, nó
đại diện cho ý chí của toàn liên bang không phân biệt các bang hợp
thành. Nó do toàn bộ cử tri của liên bang bầu ra. Nhưng có một vấn đề
là, trong một quốc gia liên bang, không phải các bang đều bằng nhau chằn
chặn về số dân, sẽ có bang nhiều dân, bang ít dân. Như vậy, nếu chỉ duy
trì chế độ một viện là Hạ viện, tất sẽ xảy ra tình trạng bang lớn lấn
át quyền lợi của bang nhỏ trong nghị viện bởi đơn giản số cử tri của
bang lớn sẽ đông hơn số cử tri của bang nhỏ trong Hạ viện. Vì vậy cần
xuất hiện thêm một thiết chế nữa trong nghị viện để đảm bảo sự công bằng
giữa các bang. Thiết chế Thượng viện đáp ứng được điều này, bởi Thượng
viện đại diện cho ý chí của các bang và mối liên hệ giữa các bang với
nhau do cử tri của từng bang bầu ra. Số thượng nghị sĩ của mỗi bang là
bằng nhau trong Thượng viện. Thiết chế này sẽ đem lại sự công bình cho
quyền lợi trong toàn liên bang. Một dự luật do Hạ viện tạo ra cần phải
có sự thông qua của Thượng viện, chính là để đảm bảo cho điều đó.
Song dù vì bất kỳ lý do gì, thiết chế Thượng viện –
Hạ viện trong Quốc hội các nước tư sản cũng đều thể hiện tư duy kiềm
chế, đối trọng quyền lực của họ. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”,
Montesquieu cũng viết: “… quyền lập pháp được giao cho hai cơ cấu:
một bên là đại biểu quý tộc, bên kia là đại biểu dân chúng. Mỗi bên có
nghị viện thảo luận riêng rẽ theo quan điểm và quyền lợi của mình… hai
quyền lập pháp và hành pháp cần có một uy lực điều chỉnh để dung hòa; mà
bộ phận lập pháp gồm các nhà quý tộc thật là thích đáng để phát huy tác
dụng điều hòa này”. (Cách lý giải của Montesquieu vẫn bị coi là
nặng về chủ trương ủng hộ đặc lợi cho tầng lớp quý tộc, nhưng tư tưởng
cân bằng, dung hòa quyền lực trong hoạt động lập pháp thì không thể phủ
nhận)
3. Quyền lập pháp của Quốc hội hiện nay nên được hiểu thế nào?
Montesquieu nói về quyền lập pháp, đó là quyền “làm ra các thứ luật cho một thời gian hay vĩnh viễn, và sửa đổi hay hủy bỏ luật này”.
Điều 84, Hiến pháp năm 1992 của chúng ta cũng quy định về quyền lập pháp của Quốc hội, đó là: “làm luật và sửa đổi luật”.
Có lẽ, quan niệm truyền thống về quyền lập pháp đều
coi lập pháp đồng nghĩa với “làm luật” – nghĩa là tất cả những hoạt động
để xây dựng nên một đạo luật.
Song hiện nay, quan điểm về quyền lập pháp đã thay đổi
so với trước kia rất nhiều. Đó là do sự thay đổi về tương quan quyền
lực giữa cơ quan lập pháp so với cơ quan hành pháp.
Trước hết hãy cùng tôi điểm qua quyền lực của thiết chế Quốc hội (Nghị viện) trong lịch sử.
Thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản là thời kỳ hoàng kim
của Nghị viện. Do nhu cầu hạn chế quyền lực Nhà vua, phát triển dân chủ
tư sản, quyền lực của Nghị viện được tăng cường. K.Marx gọi đó là thời
kỳ giai cấp tư sản “hoàn bị quyền lực Nghị viện”. Vào thời kỳ thịnh vượng của Nghị viện, ở Anh có một câu ngạn ngữ: “Nghị viện có thể làm được tất cả, chỉ trừ việc biến đàn ông thành đàn bà”. Sau khi mục đích của việc hoàn bị quyền lực Nghị viện đã đạt được, giai cấp tư sản chuyển sang giai đoạn “hoàn bị quyền lực Hành pháp”.
Nghị viện dần dần bị bộ máy Hành pháp thao túng. Ngày nay, như một nhà
nghiên cứu hiến pháp người Pháp – Maurice Duverger – nói, Chính phủ ngày
nay ngày càng có khuynh hướng trở thành một quyền hành thúc đẩy, khởi
xướng, chỉ huy tổng quát quốc gia, lãnh đạo dân chúng trong khi Quốc hội
chỉ đặt một vài biên thùy tổng quát cho hoạt động Chính phủ, đồng thời,
tán thành hay chỉ trích các hoạt động đó mà thôi.
Quyền lập pháp – quyền lực đặc trưng của Quốc hội – cũng không nằm ngoài xu thế này.
Vậy quyền lập pháp hiện nay nên được hiểu thế nào?
Trước hết, lập pháp không đồng nghĩa với làm luật. Thiết kế mô hình ứng
xử cho xã hội – tức xây dựng những dự luật - không phải là nhiệm vụ của
ngành lập pháp mà là của ngành hành pháp. Ngành hành pháp là ngành quan
hệ một cách trực tiếp và thường xuyên nhất với các chủ thể xã hội. Ngành
hành pháp nằm ở vị trí tất yếu để xây dựng mô hình ứng xử phổ biến cho
xã hội. Đó là lí do tại sau hơn 80% luật trên thế giới đều xuất phát từ
ngành hành pháp.
Hoạt động lập pháp của Quốc hội, do vậy, thực chất chỉ là
hoạt động kiểm tra, giám sát sự tương hợp giữa các giải pháp lập pháp
do Chính phủ thiết kế với lợi ích, nguyện vọng chung của toàn xã hội.
Việc kiểm tra này sẽ dẫn tới kết quả là: thông qua, hay không thông qua các chính sách của Chính phủ.
Vì vậy, người ta còn gọi quyền lập pháp hiện nay là “quyền giám sát hành pháp” (cần lưu ý phân biệt với chức năng giám sát tối cao của Quốc hội ở nước ta quy định trong Hiến pháp), hay “quyền thông qua luật”, chứ không phải là quyền “làm luật”
nữa. Chỉ với cách hiểu như vậy, quyền lập pháp mới thực sự là quyền duy
nhất của Quốc hội, bởi Quốc hội mới là cơ quan duy nhất có quyền thông
qua hay không thông qua một đạo luật.
(Ngoài vấn đề nhầm lẫn giữa “lập pháp” và “làm luật”,
chúng ta dường như vẫn còn không ít sự nhầm lẫn trong các hoạt động
quyền lực nhà nước, ví dụ không ít người trong chúng ta vẫn coi các hoạt
động điều tra, truy tố, thi hành án là hoạt động tư pháp – thuộc về
quyền lực tư pháp, trong khi đúng ra nó phải là hoạt động hành pháp)
4. Vài suy nghĩ cho Việt Nam…
1. Quyền phúc quyết Hiến pháp
Ta hãy nhìn vào lịch sử lập hiến Việt Nam. Hiến pháp
năm 1946 thực sự là một bản Hiến pháp mẫu mực, khi đã thừa nhận (tôi
dùng chữ “thừa nhận” chứ không phải là “quy định” bởi
đây cần được xem là một quyền tự nhiên) quyền phúc quyết Hiến pháp của
nhân dân. Nhưng những bản Hiến pháp tiếp theo đó, vì nhiều lý do, chúng
ta đã không ghi nhận trở lại quyền này. Tôi mong rằng, nếu có lần sửa
đổi, hoặc thay thế, bản Hiến pháp năm 1992 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét “trao trả” lại quyền phúc quyết Hiến pháp cho dân chúng như nhiều học giả đã từng đề cập trong thời gian gần đây.
Đừng xem nhẹ vấn đề coi Hiến pháp là một bản khế ước
của toàn dân. Nếu chỉ coi nó là một sản phẩm của một cơ quan mà không
phải là ý chí chung của toàn dân, làm sao chúng ta có thể tôn trọng Hiến
pháp? Khẳng định “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” nhưng
lại không thừa nhận nhân dân trực tiếp làm ra Hiến pháp nghĩa là chúng
ta chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề đó.
Bạn sẽ hỏi tôi rằng, tại sao tôi lại đi lấy cách nhìn
của những học giả tư sản để áp vào mô hình của Quốc hội Việt Nam. Vậy
bạn có biết, hiện nay gần như những học giả của chúng ta đều thừa nhận
bản Hiến pháp năm 1946 để lại những dấu ấn to lớn và tiến bộ nhất, và
điểm khác biệt của nó (chỉ có sự khác biệt mới mang lại tiến bộ chứ?) là
Hiến pháp này đã tiếp thu tinh hoa của “Khế ước xã hội” và “Tam quyền phân lập”?
2. Tính bền vững của những đạo luật mà Quốc hội ban hành
Những ngày vừa qua, tôi có đọc được nhiều ý kiến trái
chiều về một số dự thảo luật, đặc biệt là dự thảo luật giáo dục đại học.
Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một dự thảo vội vàng, “cái
cày đi trước con trâu”, “chưa cải cách giáo dục đã định thông qua luật
giáo dục đại học”…, Hay vấn đề dư luận xã hội đòi “sửa đổi Bộ luật hình
sự để tử hình Lê Văn Luyện” trong vụ án giết người, cướp tài sản ở tiệm
vàng mà Lê Văn Luyện là nghi phạm. Tôi cảm thấy dường như Quốc hội của
chúng ta đang thiếu đi một thiết chế tự bên trong nó – như cơ cấu Thượng
viện ở các nước tư sản - để có thể “hãm” lại những bức xúc nhất thời
của một bộ phận tầng lớp dân cư mà tính đến sự bền vững của luật pháp –
một điều tối quan trọng trong một nhà nước pháp quyền. Tôi biết chúng ta
khó có thể dung hòa mô hình lưỡng viện như ở các nước Tư sản, song tôi
hi vọng chúng ta vẫn có thể học hỏi những điều tích cực từ mô hình đó để
có những điều hòa kịp thời trong cơ cấu cơ quan lập pháp hiện nay, tuy
có thể không cần thiết phải lập ra viện thứ hai nhưng những thiết chế
khác sẽ phát huy tốt vai trò này.
3. Quy định về quyền lập pháp của Quốc hội
Tiến sĩ Vũ Hồng Anh viết: “Hiến pháp của đa số các
nước trên thế giới đều quy định Nghị viện có quyền thông qua luật, chứ
không quy định là Nghị viện làm luật. Bởi lẽ quá trình làm luật gồm
nhiều giai đoạn, trong đó có sáng quyền lập pháp và công bố luật. Thực
tiễn lập pháp của nhiều nước trên thế giới cho thấy đa số các dự án luật
do Chính phủ đệ trình, còn quyền công bố luật theo Hiến pháp, thuộc về
người đứng đầu nhà nước”.
Thiết nghĩ nếu Hiến pháp có sửa đổi, chúng ta cũng nên quy định quyền lập pháp của Quốc hội theo hướng này.
4. Về những đại biểu Quốc hội – hay những Nghị sĩ
Những luật gia ở các nước Common Law đặt ra một vấn đề
đáng phải suy nghĩ, rằng quyền lập pháp được trao cho những nghị sĩ,
vậy là những đạo luật sẽ được thông qua bởi các luật gia bán chuyên
nghiệp – chứ không phải là những luật gia chuyên nghiệp (đó cũng là lý
do mà họ thường coi trọng án lệ - sản phẩm của những thẩm phán, những
luật gia chuyên nghiệp – hơn là luật thành văn).
Tôi không lạ khi một vị đại biểu đáng kính nào đó phát
biểu một câu khiến cả hội trường cười ồ lên. Nhưng xin hãy lưu ý, đó
thật ra không phải do lỗi của họ. Phần lớn đại biểu Quốc hội lại không
phải là luật gia được đào tạo bài bản, nhưng họ lại phải làm một cái
việc là thông qua những dự luật ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh. Tôi cho
điều này cũng giống như bạn bắt một người kém về toán học đi chứng minh
một phương trình toán học khó vậy. Một tập thể những luật gia bán chuyên
nghiệp lại phải thẩm định, thông qua những dự luật – phần lớn của Chính
phủ, nơi có không ít các luật gia chuyên nghiệp – có thể sẽ xảy ra hai
tình huống xấu: Một là, sự không chuyên nghiệp của các nghị sĩ sẽ làm
hỏng một dự luật tốt đẹp; hoặc Hai là, cũng do sự thiếu chuyên nghiệp,
các nghị sĩ dễ bị thao túng bởi các thành viên Chính phủ trong các dự
luật. Dù là bất kỳ khả năng nào diễn ra, chất lượng các đạo luật của
chúng ta cũng thật đáng lo ngại.
Khắc phục vấn đề trên như thế nào? Một, phải có những
đãi ngộ đặc biệt cho các Nghị sĩ để họ toàn tâm toàn ý vào cái việc khó
khăn, hệ trọng kia; và Hai, rất cần có những cộng sự là những luật gia
để làm việc với các Nghị sĩ.
Vấn đề thứ nhất, tôi xin phép chưa bàn đến, vì điều
kiện vật chất của chúng ta còn nhiều vấn đề để có thể đáp ứng những đãi
ngộ đối với các đại biểu Quốc hội như ở các nước tư sản. Nhưng đối với
vấn đề thứ hai, tôi nghĩ rằng không khó để chúng ta có thể làm được. Số
lượng cử nhân luật, luật sư, chuyên gia luật… của chúng ta ngày càng
nhiều thêm, và tôi tin rằng không thiếu người để Quốc hội có thể “trang
bị” cho mỗi vị đại biểu ít nhất là một hay hai luật gia chuyên nghiệp để
tư vấn trong suốt quá trình diễn ra các kỳ họp quan trọng để thông qua
các dự luật.
Tôi đã được chứng kiến những khó khăn của các đại biểu
khi không có một người có chuyên môn tư vấn, giúp đỡ trong công việc
của họ. Nếu Quốc hội có thể xem xét vấn đề này, tôi tin những đạo luật
ban hành trong thời gian tới sẽ tốt hơn.
_______________________
1. Montesquieu, “Tinh thần pháp luật”
2. Rousseau, “Khế ước xã hội”
3. Bùi Ngọc Sơn, “Những góc nhìn lập pháp”
4. Nguyễn Cảnh Bình, “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”
5. PGS. TS. Thái Vĩnh Thắng, “Nhà nước tư sản hiện đại, lý luận và thực tiễn”
6. GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, “Quyền hành pháp và quyền hành chính nhà nước cao nhất”
7. Phạm Thế Lực, “Tư tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm Khế ước xã hội của J.J.Rousseau”.