Phạm Thị Hoài
Phát biểu mới đây của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát trên BBC về vụ nghệ sĩ Kim Chi khước từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cống hiến cho chúng ta 3 điều.
Thứ nhất, nó có tính giải trí cao. Đến đoạn “Những cái việc của
ai làm như thế nào, đấy là việc đã có xã hội, đã có mọi người các thứ nọ
kia, chứ chỉ vì một việc rất nhỏ thế này mà nói một vấn đề rất là lớn“, hay chậm nhất đến đoạn “Bởi
vì cái đơn đó là gửi cho Hội Điện ảnh Việt Nam cơ mà, chứ có phải gửi
cho BBC hay cho tất cả các blog khác đâu. Thế thì cái đơn đúng là kính
gửi Hội Điện ảnh Việt Nam mà. Thế thì Hội Điện ảnh Việt Nam chưa xem
xét, chưa ấy gì cả, thì tự nhiên đã công bố hết cả lên trên kia“, ai không bật cười thì rất nên dẫn óc hài hước của mình đi khám bệnh.
Thứ hai, nó giúp ta một lần nữa xác nhận quy luật: Người chọn chức
còn có thể sai, chức chọn người thì bao giờ cũng đúng. Nhìn chức là ra
người. Cả nội dung lẫn cách nói của bà đều đúng như những gì ta có thể
chờ đợi ở một Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, một quan
chức ngành điện ảnh, cũng như trước đó bà từng là Giám đốc Hãng Phim
truyện và Cục phó Cục Điện ảnh. Ở đây một chị Ngát riêng tư nhiệt tình
với bạn hữu mà tôi có chút sơ giao, một giọng thơ Hồng Ngát
được một số đồng nghiệp trân trọng, hay một tác giả Nguyễn Thị Hồng
Ngát được coi là cấp tiến trong thế sự, chỉ là một cước chú [i].
Thứ ba, đáng ghi nhận hơn cả, bà đã đặt được một tên gọi có hiệu lực lâu dài cho cả một phạm trù gồm những nghệ sĩ “tồn đọng”
từ nhiều năm nay, trong đó nhiều người đã về hưu mà chưa được nhà nước
khen thưởng. Họ không phải là những nghệ sĩ giỏi. Giỏi thì đã không tồn
đọng, mà đã “được những cái Huân chương Độc lập hay là Huân chương Lao động hạng nhất từ lâu rồi“. Nhưng cũng không thuộc diện kém. Kém thì thậm chí không lọt vào danh sách tồn đọng. Họ là “những người cũng vừa phải thôi“. Phần thưởng thích đáng cho sự vừa phải của họ là “bằng khen hay là Huân chương Lao động hạng ba gì đấy“.
Nghệ thuật cần rất nhiều sự chia sẻ. Nghệ sĩ cần rất nhiều khích lệ.
Cái Tôi của nghệ sĩ cần rất nhiều vuốt ve. Chính vì thế mà một nghệ sĩ
thà là hạng bét chứ không là hạng vừa phải, thà không được công nhận hơn
là xếp hàng chờ mấy mẩu vụn còn lại khi chiếc bánh đã chia xong [ii].
Hãy hình dung, Ủy ban Nobel bỗng phát bằng khen hay trao Huy chương
Nobel hạng ba cho những ứng cử viên “tồn đọng” từ cả chục năm
nay, nhiều người đã gần đất xa trời. Hai trong số đó là Thomas Pynchon
và Philip Roth. Họ không có gì chung với “những người vừa phải”.
© 2013 pro&contra