Patrick Boehler
Diên Vỹ chuyển ngữ
Diên Vỹ chuyển ngữ
Đảng Cộng sản Việt Nam đương quyền không xem năm ngoái là năm tốt đẹp. Nền kinh tế quốc gia đang gặp khó khăn, giới lãnh đạo độc tài đang bị chia rẽ; và có vẻ như là những bè phái kình địch trong Đảng Cộng sản trong khi tìm cách lôi kéo những tiếng nói đối kháng trên mạng xã hội để phục vụ cho mục đích của mình, đã tạo ra một làn sóng phản kháng trên mạng ngày càng trở nên khó kềm chế.
Trong năm qua, các trang blog chuyên đưa ra những tin tức sau hậu trường của giới lãnh đạo cầm quyền đã tạo ra một cơn bão chỉ trích những người thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một trang blog có tên là Quan Làm Báo, xuất hiện trong mùa xuân vừa qua, đăng tải những cáo buộc về mối liên hệ mờ ám giữa các doanh nghiệp lớn và những người thân trong gia đình Thủ tướng. Ví dụ như Quan Làm Báo cáo giác rằng người con gái 34 tuổi của ông là Nguyễn Thanh Phượng, một giám đốc đầu tư với bằng đại học Thụy Sĩ, đang tranh hợp đồng với trùm tài phiệt Nguyễn Đức Kiên, người bị bắt giữ vì tội danh tham nhũng hồi tháng Tám. Phượng khăng khăng bác bỏ tất cả những hành động mờ ám, những tấn công độc địa đến mức Vũ Tường, một phó giáo sư ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Oregon cho rằng chúng phải được “phát tán bởi một thành phần hoặc nhóm lợi ích nào đấy muốn loại bỏ Thủ tướng.”
Đến tháng Chín, Thủ tướng đã thấy quá đủ với Quan Làm Báo nên đã ký một công văn số 7169, ra lệnh nhân viên dập tắt những hoạt động của các blog tương tự, và ngược đời nhất là, không được đọc chúng. Một tháng sau, Quan Làm Báo đã lắng tiếng, nhưng phong cách mạnh bạo của nó đã khuyến khích những nhà báo khác tạo ra những trang blog nặc danh khác chuyên đăng tải những bài viết mà họ không thể đăng được trên môi trường truyền thông nhà nước. “Các phe nhóm kình địch bên trong đảng đã tìm cách dùng những trang blog để phản công lại những bè phái khác,” ông Vũ nói. “Nhưng giờ đây chính quyền đã không thể kiểm soát được không gian blog.”
Theo Carlyle A. Thayer, giáo sư danh dự ngành khoa học chính trị Đại học New South Wales ở Canberra và là một nhà theo dõi Việt Nam kỳ cựu, những trang blog mới đã “châm mồi lửa và ai cũng đọc chúng.” Dân Làm Báo là một trong những trang blog nổi tiếng nhất. Nó có đến nửa triệu lượt đọc vào ngày 12 tháng Chín - ngày mà Thủ tướng ban hành chỉ thị cấm viết blog - căn cứ theo bức thư mở của nhóm biên tập ẩn danh của trang blog này. “Những cộng tác viên của chúng tôi bao gồm không những những người săn tin độc lập và phóng viên tự do, mà còn có những nhà báo của truyền thông chính thống và những người cung cấp tin từ chính phủ,” bức thư viết. Dân Làm Báo, cùng với những trang blog tương tự như Cầu Nhật Tân và Xuân Diện Hán Nôm đã tường thuật những vụ án xử các nhà bất đồng, những vụ tịch thu đất đai, những câu chuyện về quan chức hoang phí và ăn hối lộ, tình hình thị trường nhà đất đang suy yếu trên cả nước và những tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thế giới truyền thông xã hội cũng đang trở thành diễn đàn của những người chống đối. Facebook đang bùng nổ trên quốc gia Đông nam Á này. Trong nửa năm qua, mỗi tháng có gần một triệu người Việt đăng ký tham gia mạng lưới này, biến Việt Nam thành một quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng về lượng người sử dụng Facebook cao nhất trên toàn cầu, trang mạng phân tích truyền thông xã hội SocialBakers cho biết. Trong năm qua, tổng số người sử dụng, đa số là thanh niên thành thị có học, đã tăng gấp đôi đến 10 triệu - chiếm một phần chín dân số - khiến cho một số nhà báo mạnh miệng nhất trong nước chuyển từ blog sang Facebook. Một trong những người này là Trương Huy San, còn có tên là Huy Đức, hiện đang theo học tại Đại học Harvard bằng học bổng Nieman. Ông có khoảng 5 nghìn bạn bè và 13 nghìn người theo dõi trên Facebook, nơi ông thường xuyên đăng các bài viết nhận định về những tranh chấp mới nhất giữa Thủ tướng Dũng và đối thủ chính trị là Chủ tịch Trương Tấn Sang. “Những người như tôi không phải quay lại ngành truyền thông chính thức một khi chúng tôi có thể thảo luận được trên mạng,” ông nói.
Hiệu quả kinh tế thấp kém cũng làm tăng thêm nỗi bất mãn xã hội. Quốc gia này đã bị tụt hạng từ 112 vào năm 2011 xuống 123 trong năm qua trong bảng Chỉ số Nhận Thức Tham Nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Những vụ tham nhũng lớn đã chiếm lĩnh báo chí trong suốt cả năm và cũng đã xuất hiện trên nền văn hoá đại chúng. Bộ phim truyền hình ăn khách Đàn Trời miêu tả đời sống của một bí thư tỉnh uỷ tham ô, một doanh nhân và một giám đốc đài truyền hình tham nhũng, họ đã dùng tiền hối lộ để tiến thân và làm giàu - một câu chuyện hư cấu nhưng lại quá quen thuộc với nhiều người Việt. Vào tháng Tư, Phạm Thanh Bình, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước Vinashin đã bị kết án tù 20 năm vì đã đưa công ty đóng tàu lớn nhất nước đến bờ phá sản. Vào tháng Tám, Nguyễn Đức Kiên, một ông trùm ngân hàng và bóng đá, đã bị bắt giữ vì “kinh doanh bất hợp pháp.” Vài tuần sau đó, cảnh sát ở nước láng giềng Cambodia đã bắt giữ Dương Chí Dũng, chủ tịch Vinalines, tập đoàn hàng hải lớn nhất Việt Nam, người đã bỏ trốn sau khi công ty bị vỡ nợ với hơn 2 tỉ Mỹ kim, truyền thông nhà nước cho biết.
Trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang quản lý một giai đoạn kinh tế có tỉ lệ lạm phát cao, với giá dùng tăng ở mức trung bình 9,4% mỗi tháng so với một năm về trước, số liệu của chính phủ cho biết. tiêuChiến lược kinh tế nhà nước, phần lớn nương tựa vào việc dựng nên những doanh nghiệp nhà nước lớn dường như đang bị đình trệ. Ngày 24 tháng Mười hai, Tổng cục Thống kê công bố tỉ lệ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua - thấp nhất so với các quốc gia láng giềng Đông nam Á. Cam kết đầu tư nước ngoài giảm 14% trong năm qua, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ điểm công trái chính phủ (với lý do “mức bất ổn cao trong kinh tế vĩ mô”), và chỉ số chuẩn mực VN Index là cổ phần có hiệu quả thấp nhất trong chỉ số cổ phần châu Á trong năm ngoái.
Tuy nhiên, trong khi những khó khăn ở Việt Nam đã cung cấp rất nhiều nguyên liệu cho những tiếng nói chống đối, những người phản kháng cũng vẫn không được yên ổn. Vào ngày 20 tháng Mười một, một toà án phúc thẩm đã giữ nguyên bản án 20 năm tù đối với Đinh Đăng Định, một cựu quân nhân trở thành blogger và là một nhà cổ xuý dân chủ nổi tiếng. Quyết định này xảy ra hai tháng sau khi ba người đứng đầu nhóm Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bị kết án “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Người nổi tiếng nhất trong họ là blogger Nguyễn Văn Hải, còn có tên là Điếu Cày, đã bị kết án 12 năm tù và 5 năm giam giữ tại gia. Người bạn của ông là blogger Tạ Phong Tần bị kết án 10 năm tù và 5 năm giam giữ tại gia. Mẹ của Tần qua đời sau khi tự hoả thiêu vào tháng Bảy để phản đối việc con mình bị bắt giữ.
Bất chấp những cản trở trên, một trào lưu phản kháng đang lớn dần. Hiện tại những cuộc tuần hành mang tính dân tộc chống lại những đầu tư tại Việt Nam cũng như những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng Trung Quốc đã vượt qua con số những cuộc biểu tình chống quan chức tham nhũng và đòi hỏi dân chủ. Nhưng mục đích của chúng là để cho giới trẻ có tinh thần dân tộc kết hợp với những nhóm chống đối khác, bao gồm cả những người hoạt động dân chủ, thành một mặt trận đoàn kết. “Ta có thể thấy mối liên hệ này ngày càng mạnh hơn,” ông Vũ nói. “Giờ đây họ đã bắt đầu tạo kết nối với các nông dân đấu tranh chống tịch thu đất đai, họ bắt đầu tạo kết nối với những người Thiên Chúa giáo đang phản đối các chính sách về tôn giáo của chính quyền.” Trong khi nhiều người vẫn cho rằng các trang blog chống chính phủ vẫn được khoan nhượng vì sự tồn tại của chúng có lợi cho một số thành phần nào đó của Đảng Cộng sản, và có thể giả định rằng sự liên kết chặt chẽ hơn của các nhóm chống đối chắc chắn không là ý định của bất kỳ cán bộ Đảng nào - và điều này có thể làm cho 2013 trở thành một năm khó khăn hơn cho chính quyền Việt Nam so với 2012.
Nguồn: TIME
27.12.2012