An Thanh Lương
Kính gửi Daw Aung San Suu Kyi kính mến,
Thư này tôi viết sau kì tham quan ngắn ngày đất nước Myanmar tươi đẹp của bà và về nước chỉ mới ngày hôm qua thôi, và trước thềm năm mới 2013, tôi quyết định viết bức thư ngỏ này gửi Daw.
Thưa Bà, Tôi biết tên tuổi Bà từ khá lâu rồi khi Daw nổi lên như là một biểu tượng của cuộc đấu tranh dành tự do nhân quyền cho các đồng bào của Daw dưới ách thống trị của chính quyền quân sự độc tài. Đặc biệt khi Daw được Hội đồng trao giải Nobel dành cho Daw với tư cách là người phụ nữ tiêu biểu đấu tranh cho hòa bình thì khi đó Daw không chỉ là biểu tượng của dân tộc Myanmar đau thương của Daw mà trở thành biểu tượng của một phần nhân loại còn đang bị áp bức bóc lột và bị tước đoạt các quyền tự do dân chủ, quyền con người mà Thế giới đã khẳng định trong đó có cả các đồng bào của tôi.
Chuyến thăm đất nước Myanmar của Daw chỉ trong bốn ngày thôi đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng cả tốt đẹp và chưa tốt đẹp. Tôi đến Myanmar chậm hơn dự kiến hơn một năm vì lí do sức khỏe, nên không được tận mắt chứng kiến những thay đổi diệu kì ban đầu của Myanmar dưới thời chính thể dân chủ do Thống tướng Than Sue lãnh đạo, nhưng qua những gì tôi được trông thấy, được nghe thấy, được sờ thấy, tôi đã hiểu lịch sử đất nước của Dawđã bước sang trang mới và không thể đảo ngược. Mà có được điều đó là bởi vì Myanmar may mắn có được những con người như ngài Than Sue và Daw Aung San Suu Kyi.
Tại một ngôi làng ven đường quốc lộ đi chùa Đá vàng, vào thăm một gia đình người Miến, tôi thấy người ta treo ảnh Daw và người cha đáng kính của Bà. Tại một cửa hàng bán đồ trang sức bằng đá quý ở Yangon, trển tường ông chủ treo quyển lịch 2013 có in nhiều ảnh của Daw Khi bày tỏ lòng ngưỡng mộ người phụ nữ mảnh dẻ nhưng rất cương quyết này, ông chủ đã tặng một thành viên trong đoàn quyển lịch vô giá này. Chúng tôi đã dành thời gian đi tìm mua quyển lịch này nhưng không thấy bán ở đâu cả. Đành đến ngôi biệt thự của Daw bên Hồ chụp tấm ảnh kỉ niệm trước cánh cổng đóng kín như muốn nhắn gửi tới Daw một thông điệp rằng chúng tôi đã đến đây với tấm lòng ngưỡng mộ một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho nền dân chủ và Daw biết không, trên người tôi mặc chiếc áo phông mua ở chợ Scot trên ngực có in hình Dawvới dòng chữ “National League For Dremocracy”, còn phía sau là lá cờ của Đảng NLD bay phấp phới và thầm nhủ mình cũng đã vượt qua được sự sợ hãi mà Daw Aung San Suu Kyi đã nhắn nhủ mọi người.
Tôi thầm nghĩ nếu Dawcó nhà Daw sẽ tiếp đón chúng tôi, những người bạn đến từ Việt Nam như đón tiếp Barack Obama hôm nào, bởi vì Daw là Daw Aung San Suu Kyi nhân hậu. Bà sẽ không biệt đối xử đó là người khách du lịch hay nguyên thủ quốc gia và đó là tính cách của Daw, có phải không Daw Aung San Suu Kyi?
Thưa Daw Aung San Suu Kyi
Trên mọi nẻo đường của Mysanmar, ở đâu tôi cũng trông thấy các ngôi chùa thếp một mầu vàng chóe, ở đâu tôi cũng thấy bán nhiều đá quý, chứng tỏ đất nước của Daw rất giầu tài nguyên, nhưng nhân dân của Daw còn nghèo khổ quá. Các nhà sư từ đứa trẻ mới năm sáu tuổi đến các cụ già lụ khụ chống gậy ngày ngày đi khất thực, từ chị bán hoa quả, bán các loại bánh đặc sản địa phương tại một ngôi chợ ven đường đến những thanh niên trẻ tuổi làm phụ kiệu khiêng khách du lịch lên núi cao, ai trông cũng gày gò, đen đúa rất đáng thương. Một bà trong đoàn chúng tôi nặng gần tám mươi cân trông thấy cảnh này đã từ chối quyết định đi bộ lên núi nhưng dốc cao quá không chịu nổi nhịp tim đập quá mạnh đành lại leo lên kiệu. Đếm đó bà mất ngủ vì thương các cháu quá. Hai bên đường tôi rất ít thấy các trường học và rất buồn khi được biết còn trên 15% dân Myanmar thất học và tuổi thọ trung bình của người Myanmar chỉ là 62. Vì thế đất nước Myanmar phải thay đổi và may mắn làm sao làn gió đổi mới đã đến với đất nước này khi các nhà lãnh đạo quân sự đã ý thức được sự mất còn của dân tộc mà thoát khỏi được ý thức hệ lệ thuộc vào nước ngoài. Một là tiếp tục bị ngoại bang chi phối, đàn áp dân chủ, đẩy 135 dân tộc Myaanmar vào cảnh nghèo đói, vào các cuộc chiến tranh sắc tộc triền miên. Hai là đứng về phía nhân dân, thả hết tù chính trị, thực hiện bầu cử tự do đa đảng, mở toang cửa đón bạn bè năm châu bốn biển vào đầu tư. Myanmar đã quyết định đi theo con đường thứ hai hòa hợp dân tộc, cho tự do báo chí mở cửa đón nhân làn sóng đầu tư trong đó Việt Nam là một trong nhữn đối tác quan trọng.
Thưa Bà, Việt nam đổi mới cách đây đã hơn hai mươi năm đã thu được nhiều thành tựu nhưng cũng đã phạm phải không ít sai lầm khuyết điểm. Myanmar đã và đang học tập Việt Nam nên tôi thấy cần phải nói rõ với Daw rằng Myanmar cần chọn lọc các bài học của Việt Nam để vân dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của nước mình. Chính người Việt nam cũng đang phải học tập Myanmar khi lấy đổi mới chính trị làm đầu tầu thúc đẩy đổi mới kinh tế. Điều đó trái ngược hẳn với Việt Nam lấy đổi mới kinh tế tức thay đổi cơ sở hạ tầng theo lý thuyết của Mark trong khi cố neo giữ kiến trúc thượng tầng đã lạc hậu, đã lỗi thời cho nên đến một lúc nào đó sẽ bị chững lại và khi anh cố tình không theo quy luật thì sẽ bị chính quy luật đào thải.
Tôi hoàn toàn tin tưởng khi các cái đầu lớn như Than Sue và các cộng sự xuất thân từ những người mặc áo lính với Daw Aung San Suu Kyi tìm được tiếng nói chung tin cậy lẫn nhau, lấy quyền lợi quốc gia làm trọng thì một Myanmar ở vị trí địa chiến lược quan trọng sẽ có những bước tiến vượt bậc nêu một tấm gương sáng cho mọi dân tộc trong đó có Việt Nam chúng tôi.
Nhân dịp năm mới xin gửi lời kính chúc sức khỏe tới Daw nghị sĩ, chủ tịch Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ NLD, chúc nhân dân Myanmar, đất nước Myanmar phát triển và hạnh phúc.
Hà Nội, 12h ngày 31 tháng 12 năm 2012
An Thanh Lương