Tô Văn Trường
Việc đề cử hai ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào hai chức vụ Trưởng ban Nội chính và Trưởng ban Kinh tế của Đảng nhằm cứu nguy cho tình trạng bên bờ vực thẳm của ĐCSVN, đang làm cho dư luận hết sức “nóng” trong mấy ngày qua. Vương Đình Huệ thôi khỏi nói làm gì, một người chưa để lại dấu ấn, nhưng Nguyễn Bá Thanh thì gần như là một ẩn số với nhiều giải đoán trái ngược trên cả báo chính thống lẫn báo không chính thống – báo mạng.
Quan trọng hơn nữa là liệu một vài cá nhân như bóng cây trên sa mạc có vực lại được một cục diện mà quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” của nhà Phật đã ứng hiện quá rõ? Hay là lần này may ra có hy vọng lội ngược dòng, thực hiện được câu ngạn ngữ Việt Nam “Thời thế tạo anh hùng”, mà một nhà phân tâm học hậu cấu trúc luận người Pháp Jacques Lacan (1901 - 1981) cũng nói gần tượng tự: “En chacun de nous, il y a la voie tracée pour un héros” (Trong mỗi một chúng ta đều có con đường được vạch sẵn cho một anh hùng)?
BVN xin được góp mặt bằng bài của TS Tô Văn Trường dưới đây, một cách giải đoán bằng sự phân tích duy lý và bằng cả kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân tác giả, trong đó có kinh nghiệm tiếp xúc nhiều người gần gũi với chính nhân vật đang là trung tâm của sự bàn luận. Đây là bản tác giả gửi đến BVN ở lần viết hoàn chỉnh nhất.
Nguyễn Huệ Chi
Để quản lý đất nước xã hội phát triển bền vững, điều kiện đơn giản mà
ai cũng thấy là cần có một hệ thống tốt và cả những con người có tâm và
tầm. Hệ thống tốt thì sẽ đảm bảo công việc chạy tốt mà không quá phụ
thuộc vào các cá nhân vận hành hệ thống đó. Hệ thống tốt còn có khả năng
tự bảo vệ (loại trừ các cá nhân không tốt như là PC có cài đặt hệ thống
diệt virus tự động). Hệ thống tốt cũng là một sự đảm bảo cho các cá
nhân tốt (các mắt xích của nó) có được lợi thế và phát huy tối đa năng
lực cũng như các yếu tố lành mạnh. Về mặt phòng chống tham nhũng thì đó
là bộ máy mà “không ai muốn / dám / có thể tham nhũng”… Đó sẽ là mảnh
đất màu mỡ cho các cá nhân có tâm, có tài và có các phẩm chất cống hiến
cho cái chung. Một hệ thống không tốt thì ngược lại. Đáng tiếc là với
các “lỗi hệ thống” mà công luận nhắc đến lâu nay, một hệ thống tốt của
ta vẫn là cái đích còn rất xa. Trong điều kiện đó, các cá nhân dù xuất
sắc đến đâu cũng khó có thể xoay chuyển thế cục.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và 6 Khóa XI, hai Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương đã được lập lại. Việc thành lập trở lại hai Ban đã từng bị giải tán có thể được nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Thay đổi về hai Ban này chắc chắn gây ra phản hồi đối lập nhau: Người thì nhìn như một quyết tâm "nói đi với làm"; người thì cho là Đảng can thiệp sâu. Việc tái lập hai Ban là một bước lùi về thể chế. Nhưng trong tình thế sau Nghị quyết 4 và 5 của Trung ương thì đây là việc làm vớt chót. Hy vọng thành công dù rất mong manh.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và 6 Khóa XI, hai Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương đã được lập lại. Việc thành lập trở lại hai Ban đã từng bị giải tán có thể được nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Thay đổi về hai Ban này chắc chắn gây ra phản hồi đối lập nhau: Người thì nhìn như một quyết tâm "nói đi với làm"; người thì cho là Đảng can thiệp sâu. Việc tái lập hai Ban là một bước lùi về thể chế. Nhưng trong tình thế sau Nghị quyết 4 và 5 của Trung ương thì đây là việc làm vớt chót. Hy vọng thành công dù rất mong manh.
Về tổng thể, cũng là một bước lùi vì xu hướng cải cách là không nên
để tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa Đảng và Nhà nước /
Chính phủ. Tuy nhiên, trong tình trạng tham nhũng tràn lan và quyền lực
không được kiểm soát như trong thời gian qua thì đây có lẽ là một bước
lùi chiến thuật cần thiết trong ngắn hạn. Nói cách khác, vấn đề lỗi hệ
thống của ta vẫn sẽ nan giải chừng nào chưa đảm bảo được dân chủ và
quyền của người dân một cách thực chất theo xu thế tiến bộ của thời đại
là Nhà nước pháp quyền, Xã hội dân sự và Kinh tế thị trường theo đúng
nghĩa của nó.
Thực tế, vai trò cá nhân đối với lịch sử cũng vô cùng quan trọng như
các ông Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc, và cả những lãnh tụ tưởng
như rất thủ cựu như ông Trường Chinh… khi quan điểm “việc nhân nghĩa
cốt ở yên dân” được lấy làm cơ sở. Mặt khác, rủi ro là dù có đi hết cuộc
đời như các vị lãnh đạo đáng kính nói trên thì vẫn không sửa được lỗi
hệ thống mà họ dường như ít khi ở vị trí thuận lợi nhất. Khi họ không
còn quyền lực hoặc thành người thiên cổ thì số phận dân tộc vẫn còn dở
dang và nếu những người kế tiếp không có phẩm chất tương đương hoặc thậm
chí là “phú quý giật lùi” thì đất nước còn gặp nhiều rủi ro, bất hạnh.
Ông Vương Đình Huệ được bổ nhiệm là Trưởng ban Kinh tế Trung ương,
con đường “quan lộ” rất hanh thông (“vo tròn” để mà lăn). Khi làm Bộ
trưởng Bộ Tài chính lời nói và việc làm của ông chẳng để lại dấu ấn gì
đáng nhớ trong dân chúng. Ông còn trẻ, được học hành bài bản, rất biết
túi tiền, thưng gạo của ngân khố, người dân mong ông biết vượt lên chính
mình ở cương vị mới.
Trên công luận cả báo chính thống của Nhà nước và báo mạng đều nói
nhiều về ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành phố Đà Nẵng, tân Trưởng ban
Nội chính Trung ương được coi là một trong số ít các vị Trung ương ủy
viên tâm huyết với vận nước, có chính kiến (qua một số phát biểu), để
lại dấu ấn cá nhân, có nhiều việc làm khiến cho công luận có thể hy
vọng.
Ở tầm địa phương, theo tôi biết có ông Trương Đình Tuyển (Nghệ An),
ông Nguyễn Minh Nhị (An Giang) để lại dấu ấn rõ nét như ông Bá Thanh
nhưng đến nay chỉ còn ông Bá Thanh là đang tại chức và bay bổng ở tầm
cao hơn. Bất kỳ ai nếu có một lần đến Đà Nẵng, cũng có nhiều cảm xúc tốt
về một thành phố phát triển nhanh, trật tự, có điểm PCI luôn trong top
đầu. Có báo còn coi ông Thanh là Triệu Tử Long trên chính trường. Nếu
vậy thì cần phải xem vậy ai là “Lưu Bị và Á Đẩu” của ông ấy! Có ai đó
nhân trận đá bóng gây quỹ từ thiện ở Đà Nẵng coi ông Nguyễn Bá Thanh là
trung phong có hạng và kết luận là trận bóng quan trọng nhất của ông còn
ở phía trước trên sân Mỹ Đình. Trong vai trò mới mà dường như ai cũng
cho rằng ông là một người phù hợp nhất, chắc là ông Bá Thanh sẽ phải sớm
thể hiện bản lĩnh chính trị và năng lực của mình trong môi trường đầy
thử thách cam go mới! Trải nghiệm mới này chắc chắn ở một tầm cao hơn
nhiều so với kinh nghiệm đã qua của ông ở cấp địa phương.
Nhìn lại con đường “kinh bang tế thế” của ông Nguyễn Bá Thanh ở địa
phương cũng trải qua nhiều khó khăn, sóng gió. Tôi nhớ cách đây đã lâu,
có lần được nghe ông Võ Văn Kiệt trực tiếp kể lại câu chuyện ông Nguyễn
Bá Thanh từ Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh tham vấn ông Kiệt về việc
Trung ương dự kiến điều ông ra đảm nhiệm chức Phó ban ngoài Hà Nội. Ông
Kiệt khuyên đại ý: “Đã làm quản lý không ai tránh được “đụng chạm”, kiện
tụng. Nếu chấp nhận ra Hà Nội lúc này thì mang theo cây vợt tennit làm
“bầu bạn”! Phải ở lại để sửa sai nếu có và khẳng định dấu ấn của mình…”.
Ông Kiệt hiểu rõ ông Bá Thanh năng nổ, gần dân, quyết đoán và sáng
tạo... Tất nhiên cái cách làm việc của người quyết đoán trong hệ thống
của ta khó tránh khỏi gây ấn tượng độc đoán, thế nhưng con người như Bá
Thanh rất cần cho đất nước. Người ta nói khá nhiều về Bá Thanh và cùng
sự đi lên của Đà Nẵng với rất nhiều hy vọng nhưng chưa ai nói được tầm
và thế của ông trong phạm vi rộng của cả nước. Lúc này, nếu có linh
thiêng ở cõi vĩnh hằng, ông Kiệt sẽ chúc mừng việc ông Thanh ra Hà Nội
làm Trưởng ban Nội chính để tạo ra những cú hích nhằm thay đổi hiện
trạng trì trệ và nguy hiểm hiện nay nhưng ông cũng sẽ lo lắng cho người
bạn đồng tâm vì “Hố sâu cũng tương ứng với tai ương đã dựng”!
Ông Bá Thanh là người con của đất Quảng cho nên mang đặc chất Quảng.
Ông là con liệt sĩ, lại lặn lội từ cương vị Chủ nhiệm hợp tác xã đi lên,
luôn gắn liền gần như trực tiếp với đời sống của người lao động nên
cũng có thể tin ông hiểu được họ như hiểu chính mình. Ông thừa biết rằng
chỉ cần ông hiểu họ, đứng về phía họ, bảo vệ họ – những người lao động
đất Quảng đầy gan góc, cần cù, sáng tạo và giàu truyền thống cách mạng –
thì sóng gió nào cũng sẽ vượt qua. Ông mang tiếng độc đoán mà không run
sợ vì ông đồng nghĩa là người đại diện thực sự cho dân đất Quảng. Người
dân tin ông, bảo vệ ông dù có những lúc họ phải hy sinh quyền lợi. Đó
là lợi thế của ông, cái lợi thế này đôi khi cứu ông vượt qua cái tầm của
ông vốn có. Ông là con người của hành động, nhưng ông chỉ hành động khi
ông nhìn thấy, sờ thấy, cảm thấy... Sự nghiệp của ông không phải là một
khối pha lê trong suốt – nếu soi kỹ lại hành trình ông đã đi thì đúng
là thế và hiểu như thế để khỏi ảo tưởng – nhưng quả thật nếu tìm một ai
đó vào cương vị Trưởng ban Nội chính ở thời điểm này thì người xứng đáng
nhất vẫn là Nguyễn Bá Thanh.
Một người bạn của tôi biết ông Bá Thanh từ thời hàn vi, mừng cho ông
một phần thì lo cho ông mười phần. Anh bạn kể lại câu chuyện nhớ lần
“Hội Trỗi” trang bị cho Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng máy chụp cắt lớp đầu
tiên vào năm 1996, ông ở đâu sồng sộc đi vào quát ầm ầm: “Máy chi mà mắc
quá trời, mấy trăm ngàn đô la, Đà Nẵng lấy đâu tiền mua?”. Sau biết
không phải trả tiền ông mừng lắm, kéo tất cả về nhà ông nhậu. Trời xui
đất khiến thế nào ông vừa được người bạn học sinh miền Nam lấy vợ Bắc
mới cho một can rượu làng Vân gần 10 lít. Sáu anh em đi hết cả can, làm
sạch nồi cá kho nhà ông và say túy lúy, v.v. Đặc điểm của Bá Thanh là
biết hòa đồng, cảm thông chia sẻ với mọi đối tượng trong xã hội.
Đọc các bài báo nói về Bá Thanh, trao đổi với người bạn đồng tâm,
được xác nhận họ viết về ông là đúng nhưng không khỏi giật mình. Dư luận
xã hội chưa từng có thêm sức mạnh cho những nhân tố mới nảy nở như nó
vốn có mà phần nhiều là ngược lại. Chết yểu!. Dư luận (báo chí) chỉ có
ca ngợi công lao, tài đức lúc đương thời của những người đã về hưu, thất
sủng hoặc đã là mồ ma để an ủi họ... thì đều là những nhân vật thành
công thấy rõ như ca ngợi ông Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Từ sân chơi chủ
nhà Đà Nẵng đến sân chơi Mỹ Đình là bất lợi lớn, rất khó lường thành bại
nhưng có điều chắc chắn nó liên quan mật thiết tới trí tuệ, bản lĩnh
của người nhập cuộc, sự ủng hộ của nhân dân và sự “thức tỉnh” của một số
người có thực quyền đang điều hành quản lý đất nước. Lúc này, ca ngợi
nhiều quá sẽ nguy hiểm cho Bá Thanh. Bởi vì cuộc sống là bất phương
trình, các “bầy sâu” đang nở rộ sẽ tìm mọi cách để chống lại ông với các
thủ đoạn khó lường. Để khẳng định mình, ông Thanh cần mạnh mẽ không chỉ
trực tiếp vạch trần các “bầy sâu” mà còn phải khéo léo, tránh thỏa
hiệp, không đi theo “vết xe đổ” mượn cớ lấy "tinh thần nhân văn" để hành
xử như có người đã từng bộc bạch! Thử thách và “cạm bẫy” đối với ông
Nguyễn Bá Thanh trong cương vị mới là rất nhiều. Phép thử đầu tiên là
ông cần tỏ rõ thái độ vì dân của mình thông qua vụ án Đoàn Văn Vươn. Dư
luận có quyền hy vọng ở ông, các fan của ông đang mong ông sẽ tiếp tục
tỏa sáng trên sân bóng chính trị và sẽ có những “bàn thắng để đời” trên
chảo lửa Mỹ Đình hiểu theo nhiều nghĩa. Nếu đoạn đường phía trước có
trắc trở, không vượt qua được thì sẽ là tai họa mà hố sâu cũng sẽ tương
ứng đỉnh cao đã dựng. Cha ông ta đã dạy đi vào đường đời thành công
thường chưa chắc tương ứng với "đồng vốn" bỏ ra, vì vốn không tự sinh
lãi. Còn cá nhân làm nên lịch sử thì theo tôi, bây giờ lịch sử chưa trao
cho ai và cũng không có ai có khả năng làm nên lịch sử - Trừ phi lịch
sử!
Nhìn xa hơn, không chỉ chống tham nhũng, mọi việc vẫn còn ở phía
trước, mà anh hùng cái thế thì không phải học đâu xa. Hãy nhìn sang
Myanmar một đất nước quân phiệt, lòng dân ly tán, mất dân chủ, kinh tế
xã hội trì trệ đã chuyển mình, cải cách mạnh mẽ cả đối nội và đối ngoại
chủ yếu nhờ vai trò của hai người hùng Tổng thống Thein Sein và bà Aung
San Suw Kyi. Ở tầm thấp hơn chỉ mong sao hai ông tân Trưởng ban “Bá -
Vương” cứ lấy câu "Lấy dân làm gốc" làm căn cứ vững chắc cho mọi hoạt
động của mình.
T.V.T.