Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Quyền của chuột bạch


Trong khi thế giới phấn đấu cho quyền của con chuột bạch thì ở Việt Nam, 213 học sinh ở Nghệ An bị biến thành chuột bạch trong một đề án mang danh khoa học
Việc lấy máu của 213 học sinh, cũng là 213 trẻ vị thành niên tại 2 trường THCS Châu Tiến, Châu Hồng- Nghệ An “nhằm phục vụ cho đề tài, dự án khoa học – công nghệ của Trường ĐH Y khoa Vinh đã được tỉnh phê duyệt”. Đây là khẳng định mới nhất vụ việc mà báo chí thậm chí đã dùng từ “hút máu”.
TS Nguyễn Trọng Tài – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh, được dẫn lời, đã công bố quyết định số 5697/QĐ của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt danh mục 38 đề tài, dự án khoa học – công nghệ, trong đó có đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An”.

“Chúng tôi đã làm đúng các bước theo quy định. Mỗi học sinh chỉ lấy 2ml tại tĩnh mạch cánh tay để xét nghiệm. Trước khi lấy mẫu máu, đoàn đã phát cho một học sinh hai hộp sữa tươi, trị giá 7.000 đồng/hộp”- vị tiến sĩ, đồng thời cũng là nhà giáo này nói. Ông chỉ thừa nhận có sai sót trong “công tác tuyên truyền” cho học sinh và phụ huynh biết ý nghĩa của việc lấy mẫu máu để thực hiện đề tài khoa học của trường.
Như vậy là đã rõ. Vụ việc «hút máu» là có thật. Và nó diễn ra bất chấp sự hoảng loạn của học sinh. Bất chấp sự phản đối của một số thầy cô giáo. Và diễn ra không hề có sự đồng ý của người giám hộ.
Nhưng chẳng nhẽ, việc chọc kim vào một học sinh, vào một đứa trẻ vị thành niên lại có thể được hợp thức, cho dù bằng một quyết định dấu đỏ?
Báo chí đã quên không hỏi, chẳng hạn với tư cách một người cha, TS Tài có đồng ý để một ai đó, nhân danh thí nghiệm chọc kim vào người con ông.
Chỉ vừa tháng 7, Paul McCarney, cựu thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles đã đăng đàn kêu gọi người tiêu dùng toàn cầu tẩy chay các loại mỹ phẩm đã qua thử nghiệm trên chuột bạch và thỏ- những sinh vật bị ép buộc, nhằm chấm dứt việc hành hạ những con vật vô tội. Ca sĩ huyền thoại nói : “Nhiều người không biết về mặt trái của việc “thử” các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp lên động vật, nó gây ra cảm giác đau đớn tột và phải chịu đựng nhiều loại đau đớn khác nhau trong thời gian dài”. Và ông gọi đó là «những sản phẩm của cái ác».
Đối với con người, từ năm 1964, Hiệp hội y khoa thế giới đã ra tuyên bố chung, gọi là Tuyên bố Helsinki nêu ra nguyên tắc cơ bản cho bất cứ thí nghiệm nào trên người là «sự đồng ý tự nguyện». Thậm chí, dự nhất trí đó phải được tự do, không có áp lực chính trị, xã hội, kinh tế. Đặc biệt, đối với nghiên cứu trên trẻ em, người tâm thần không đủ năng lực buộc phải có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp hoặc người thân.
Nhắc lại, tờ Công an TP HCM, tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ «hút máu» đã dẫn lời bà Lê Thị Loan (xóm 6, xã Châu Tiến) mẹ của Lê Thị Khánh Linh, học sinh lớp 6B Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến: “Con tôi kể, cô giáo bắt các em phải cho “bác sĩ” dùng xi lanh lấy máu, nếu em nào không cho phải nộp 50 ngàn đồng và hạ loại hạnh kiểm”.
Thưa TS Nguyễn Trọng Tài, liệu một nghiên cứu khoa học phục vụ con người lại có thể tiến hành trên cơ thể, trong sự sợ hãi của những đứa trẻ? Bất chấp việc tối thiểu là sự đồng ý của cha mẹ chúng?
Thưa các kiểu chính quyền và thầy cô giáo ở Châu Tiến, Châu Hồng, đến con chuột bạch giờ cũng đang được bảo vệ vì sự nhân đạo để thoát khỏi thân phận…chuột bạch. Để ít nhất cũng có quyền của chuột bạch.
Thưa các vị phụ huynh, các vị nghĩ sao khi bỗng một ngày nào đó, các tiến sĩ dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học, một cái quyết định dấu đỏ trong tay, và hai hộp sữa 7.000 đồng, đè nghiến con em chúng ta ra để hút máu?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"