Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Lời ai điếu cho một trang Blog.

Cánh Cò
Giết một trang blog có khó không?
Câu hỏi xem ra hơi bị ngớ ngẩn, bởi ai cũng biết đóng một trang blog là chuyện dễ dàng đối với chính quyền hiện nay. Chỉ cần một lệnh miệng từ ai đó có thẩm quyền là bộ 4 T sẽ ngay lập tức thông báo cho dịch vụ Internet tên trang blog đó và trong vòng nửa giờ, trang blog sẽ biến mất cũng nhanh và gọn như khi nó chào đời.
Nhưng cách này sẽ bị tụi “tư bản giẫy chết” tố cáo là vi phạm “blog quyền”.
Cách thứ hai là sử dụng hacker thâm nhập và tung tóe “vi rút” trên đó khiến mọi thứ có liên quan như địa chỉ email của chủ nhân trang blog sẽ rối tung lên và không cách gì tái tạo lại được nếu trang blog không được lưu trữ tất cả những dữ liệu.

Cách này đã được biết nhiều qua cái tên “Sinh tử lệnh” một thời làm nhiều trang blog, website nổi tiếng điêu đứng trong đó có cả VNNet. Tuy nhiên cách này mang vẻ bá đạo khó thuyết phục những người viết blog. Chẳng những không đóng cửa nổi mà còn cho họ cơ hội nổi tiếng thêm khi tái lập trang blog của mình, thường thì lần sau trang blog lại ...đẹp hơn lần trước.
Rất nhiều trang blog Việt Nam có kinh nghiệm về chuyện này và suy cho cùng thì một mình Sinh tử lệnh khó làm nên “chuyện lớn”. Cuối cùng người ta tự hỏi tại sao không đóng cửa trang blog có vấn đề một cách công khai bằng các văn bản được gọi là “quy định”?
Câu hỏi lại phát sinh: định nghĩa thế nào là một trang blog có vấn đề?
Vấn đề ở đây là rất…vấn đề! Hầu hết những trang blog nổi tiếng hiện nay không trang nào cổ xúy cho những việc mà nhà nước xem là vi phạm điều 88. Không dại gì bàn tới đa đảng hay điều 4 hiến pháp. Cứ vô tư nói về tham nhũng, về giáo dục xuống cấp, ngay cả vina này vina khác hay các quan lớn tha hóa thì chả cơ quan nào rỗi hơi để mời bạn lên làm việc.
Hơn nữa, để nhiều trang blog công khai nói sẽ khiến cho cái “mặt bằng” dân chủ có vẻ thực hơn, khó thể cáo buộc Việt Nam là nước thiếu tự do ngôn luận.
Nhưng chớ có dại dột mà vi phạm vùng cấm. Vùng cấm này tùy thuộc vào giai đoạn chính trị lẫn kinh tế và chủ nhân trang blog lanh trí có thể thấy ngay mà không cần nhắc nhở.
Kinh tế chẳng hạn. Cách đây 5 năm có ai đó đá động tới mấy cái quả đấm thép Vina là coi như đụng vào vùng cấm, khác với hiện nay không nói tới Vina mới là chuyện lạ vì báo chí lề đảng đã khơi ra không còn chỗ nào có thể khai thác được nữa.
Tuy nhiên coi chừng, nếu bạn không biết điều, cứ liên tiếp đả thương một vấn đề ung nhọt nhưng nhà nước muốn nuôi dưỡng: vấn đề đất đai, thì hãy chuẩn bị một khả năng sẽ xảy ra cho trang blog của bạn: hacker!
Khi vụ Tiên Lãng xảy ra, blog Cu Vinh có thể nói là nơi truyền thông trực tiếp vụ việc này từ đầu tới cuối. Đến nỗi người ta còn nghi ngờ nó được đỡ đầu bằng một thế lực nào đó khiến cho Cu Vinh có thể công khai xuất hiện tại hiện trường, chụp ảnh phỏng vấn và viết những câu chuyện có sức công phá mạnh như một binh đoàn báo chí. Khi Thủ tướng lên tiếng là lúc trang blog này...tắt tiếng, mặc dù Hải Phòng chưa có một quyết định chính thức nào giải tỏa sự bất bình với dư luận đối với Tiên Lãng.
Blog Cu Vinh tắt tiếng vì chủ nhân của nó không muống trang blog của mình bị biến mất. Người ta nói thế.
Đồng giai điệu với blog Cu Vinh là blog Nguyễn Xuân Diện. Trang blog này do một vị Tiến sĩ Hán nôm lập ra vào lúc những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thành hình tại Hà Nội. Trang blog của TS Diện trở thành trang nhà của nhiều cư dân mạng, ngay cả người viết entry này, ông Diện đã thân quen như người nhà qua những thông báo liên tiếp trong 5 tuần lễ có biểu tình chống Trung Quốc tại bờ hồ. Mỗi tích tắc xảy ra được trang blog Nguyễn Xuân Diện theo dõi với đầy đủ hình ảnh lẫn lời bình sự kiện. Bạn biểu tình lẫn không biểu tình của TS Diện ngày một đông hơn và do đó nguồn cung cấp hình ảnh, thông tin ngày càng phong phú và nhanh chóng hơn.
Tin tức người dân Hà Nội biểu tình lan ra khắp thế giới và hình ảnh của nó thì khỏi nói, không đếm xuể như lá mùa thu, đa dạng đến nỗi nhiều cơ quan báo chí nổi tiếng nước ngoài không thể tác nghiệp tại Việt Nam đã dùng chúng mà không sợ bị photoshop.
Hết biểu tình, trang blog làm tiếp vụ Tiên Lãng.
Cũng hình ảnh, cũng lời bình và post cả những góp ý của các nhà cách mạng lão thành một thời nổi tiếng. Tất cả cộng lại khiến trang blog Nguyễn Xuân Diện trở nên cái gai ngày càng nhọn và nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, nó không tuyên truyền những gì sai trái, nó chỉ đưa hình ảnh thật từ các biến cố và do đó không thể nói nó xuyên tạc hay truyên truyền chống nhà nước. Tuy nhiên hình ảnh thật này lại vô cùng tác hại đối với những nhóm lợi ích, nhất là lợi ích từ đất đai.
Hình ảnh người dân trực tiếp chất vấn thanh tra nhà nước trong vụ Văn Giang được mang lên trang blog này một cách sinh động và có tổ chức khiến người dân cả nước thấy được phía sau hậu trường vụ cưỡng chế đầy bất hợp lý này. Sáng ngày 24 tháng 4 năm 2012 trang blog Nguyễn Xuân Diện lại đưa tin từng diễn biến của vụ cưỡng chế Văn Giang bằng hình chụp và video clip khiến cả thế giới như đang xem một bản tin truyền hình của đài CNN trực tiếp tường thuật tại chỗ sự kiện này. Và rồi sau khi clip công an đánh hai nhà báo, đánh cả chị nông dân được post lên trang blog này thì sức nóng ngày một lớn hơn. Vấn đề Văn Giang không còn bưng bít được buộc chính phủ phải cho phép báo chí nhập cuộc, dù ở một mức độ nhỏ hơn sau khi được khoanh vùng.
Giọt nước Văn Giang làm tràn chiếc ly thông tin không định hướng. Hơn nữa dự án Ecopark dính tới nhiều quan chức Hà Nội sau khi trang blog Nguyễn Xuân Diện đã đẩy chính quyền vào sát bức tường của chịu đựng. Cuối cùng thì họ phải ra tay.
Cái gọi là thương binh nặng được áp dụng nhằm tạo cơ hội cho TS Diện chống trả, cho dù là một xô đẩy nhỏ vẫn không làm cho TS Diện sụp bẫy vì ông quá kinh nghiệm với kịch bản “ghè miểng chai vào mặt” của Chí Phèo.
Kịch bản này dù chuẩn bị chu đáo qua nhiều màn, nhiều cảnh vẫn không được khán giả vỗ tay bởi quá lộ liễu và bị dư luận phanh phui khá dễ dàng. Vậy thì đóng trang blog bằng “quy định” nhé?
Theo một entry kỷ niệm trang blog được một năm, ngày 30 tháng 5 năm 2011 sau khi trang blog Nguyễn Xuân Diện bị đánh sập hoàn toàn. Ngày sinh nhật này cũng chính là ngày báo hiệu lễ giỗ của trang blog qua cái giấy mời của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Người ta chờ những entry cuối cùng của TS Nguyễn Xuân Diện về diễn tiến những gì trong buổi gặp mặt đó trên trang blog của ông nhưng mọi người đều thất vọng. Sau khi đến cơ quan theo lời triệu tập, TS Diện mất hút theo trang blog của ông. Như viên đá rơi vào ao, tiếng bõm duy nhất quá nhỏ để làm cho người ta chú ý. Trang blog này bị đóng cửa hay bị hacker?
Dù với tình trạng nào thì người ta vẫn tin rằng áp lực rất mạnh từ sở 4 T sẽ không để cho TS Diện tiếp tục dùng trang blog của mình như một vũ khí chọc thủng bức màn thông tin định hướng hiện nay.
Chỉ có người đọc blog là buồn như...chấu cắn, và người nông dân mất đất thì kể như rơi vào cõi u u minh minh bởi tiếng nói của họ chỉ được… “nói cho nhau nghe”, mong gì các quan bề trên để mắt tới như khi còn blog Nguyễn Xuân Diện?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"