Trần Kinh Nghị
Trước tình hình dư luận đang xôn xao xung quanh sự kiện nghi
tham nhũng khiến chính phủ Đan Mạch quyết định cắt tài trợ cho 3 dự án ở
Việt Nam, đã có ngay sự thanh minh đồng loạt từ phía các quan chức dự
án Việt Nam.
Hy vọng những lời thanh minh của họ là đúng sự thật, hoặc ít ra cũng
góp phần "làm chìm" sự kiện mang tầm quốc tế này giữa lúc đất nước đang
đứng trước mấy vụ tham nhũng quốc nội tầy đình có họ "Vina..." . Nhưng
có một chi tiết khiến dư luận khó đồng tình. Đó là bên cạnh những lời
hay ý đẹp của các vị chức trách Việt Nam đều là một cách lập luận "dấu
đầu hở đuôi" như thường lệ. Xin trích ra đây lời của một vị phó GĐ dự án
nói: “Cán bộ khoa học hiện nay không thể sống bằng lương được, vì thế
khi có dự án thì họ phải làm thêm thông qua các hợp đồng này. Bản thân
tôi cũng nhận hai khoản, một là lương của viện, một là khoản “bù lương”
mà phía Đan Mạch đã chấp thuận là 300 đôla/tháng, chứ không phải hai
lương như kiểm toán nói” – theo BáoTT hôm nay 04/6/2012.
Đáng chú ý là, vị phó GĐ này cũng là người có cô con gái “tình cờ”
trúng tuyển học bổng của Đan Mạch đúng vào thời kỳ dự án đang vận hành,
và việc này cũng bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan kiểm toán Đan Mạch.
Lời giải thích trên đây có nghĩa, lương không đủ sống là lý do để vị
phó GĐ phải được "bù lương" bằng tiền lấy từ nguồn tài trợ dự án. Có lẽ
đây cũng là cách hiểu phổ biến trong giới công chức Việt Nam ngày
nay(?). Đó là một hậu quả của cả quá trình lương không đủ sống kéo dài
1/2 thế kỷ, mà trong quá trình đó, tham nhũng đã được "thể chế hóa" dưới
những quy định khác nhau cho phép các cơ quan công quyền, kể cả các
viện nghiên cứu, được "làm ba lợi ích" hoặc được trích tỷ lệ % từ nguồn
thu để bù vào lương, v.v... Rốt cuộc những quy định lúc đầu chỉ là tạm
thời như những giải pháp tình huống thì giờ đây đã trở nên chính thức
tạo cơ sở pháp lý cho công chức có quyền được "bù lương" vào đồng lương
bao giờ cũng có "phần cứng" và "phần mềm"; và theo đó tất cả các cơ
quan, tổ chức nhà nước cũng có quyền "làm kinh tế tập thể" hoặc xè xẻn
các nguồn công quỹ. Có lẽ không mấy nước nào trên thế giới mà người
công chức lại được sử dụng quyền hạn, thời giờ và công sản để kiếm thêm
thu nhập như thế. Đó chính là cái kẻ hở mà từ con kiến đến con voi đều
có thể chui qua vừa khít! Suy cho cùng, đã là quan chức Việt Nam thì ít
nhiều đều can dự vào vấn nạn tham nhũng dù vô tình hay cố ý. Và đó là
môi trường mà "sờ đâu cũng thấy tham nhũng".
Đối với người Việt Nam cách hiểu như ông phó GĐ có thể là bình
thường. Nhưng với quốc tế, không thể có một chế độ lương công nhập nằng
như vậy. Đây chính là một lỗi trong cái gọi là "lỗi hệ thống" mơ hồ lâu
nay. Nó chỉ có thể được chỉnh sửa bởi chính những người đứng đầu hệ
thống, trong đó một việc không thể trì hoãn là thiết lập một chế độ
lương nghiêm chỉnh. Điều mà vị phó GĐ đã "vô tư" nói ra trên đây có thể
là bình thường trong điều kiện Việt Nam, nhưng là điều mà các công tố
viên tại các tòa án quốc tế thường khuyên kẻ phạm tội: Hãy đừng nói gì,
vì những gì ông / bà nói ra sẽ có thể chống lại ông/bà!
Trần Kinh Nghị