Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Công dân Lê Hiền Đức đừng chần chờ nữa!

Nguyễn Ngọc Già
Sự việc TS. Nguyễn Xuân Diện và công dân Lê Hiền Đức đang bị "tổng tấn công" từ hệ thống công quyền với sự góp sức của bộ phận truyền thông như VTV, HTV, kể cả sự góp tay bỉ ổi của một vài kẻ nhân danh "nhà báo", đang làm dấy lên làm sóng phẫn nộ trên khắp diễn đàn trong và ngoài nước. Điều bức xúc lớn lao của dư luận là việc hành xử nhẫn tâm với một cụ già trên 80 tuổi là điều khó chấp nhận đối với xã hội văn minh.
Hơn nữa, cụ già với tên thật - Phạm Thị Dung Mỹ đã từng được thế giới vinh danh vào năm 2007 với giải thưởng "Liêm Chính" do tổ chức Transparency International (Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế) (1) trao tặng. Giải thưởng không phải hiện kim, thay vào đó là: Tặng vật bằng pha lê cùng với tấm bằng ghi nhận công lao cống hiến của người được trao giải. Giá trị tinh thần cao cả đó càng chứng minh sự trong sạch tuyệt đối cho bất kỳ ai nhận giải thưởng danh giá này.
Chúng ta cũng biết, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đi đầu trong công cuộc chống tham nhũng, như tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp tài chính cho các quốc gia đẩy mạnh chống tham nhũng đồng thời trừng phạt kinh tế với các quốc gia thờ ơ với tham nhũng, các tổ chức, quốc gia trên đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chống tham nhũng trên toàn thế giới, hàng năm tổ chức thường liệt kê thành danh sách và xếp hạng các quốc gia về tham nhũng, là niềm tin cho các nhà đầu tư doanh nghiệp quốc tế. Nó có trụ sở chính tại thủ đô Berlin, Đức (1).
Sau công dân Việt Nam Phạm Thị Dung Mỹ, một trong 3 người đoạt giải Liêm Chính 2009 - 2010 là ông Gregory Ngbwa Mintsa ở Gabon (châu Phi).
Theo trang baomoi.com, cho biết (2):
Năm 2008, ông Gregory Ngbwa Mintsa cùng với chi nhánh Tổ chức Minh bạch thế giới ở Pháp kiện ba nhà lãnh đạo châu Phi dùng tiền tham nhũng mua hàng loạt bất động sản ở Pháp và Mỹ, gồm Tổng thống Omar Bongo ở Gabon (đã qua đời), Tổng thống Sassou Nguesso ở Cộng hòa Congo và Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm nghiệp Teodoro Nguema Obiang Mangue ở Guinea Xích đạo, con trai của Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo. Mặc dù bị đe dọa, bị phong tỏa tiền bạc, thậm chí bị tống giam nhưng ông kiên quyết không bỏ vụ kiện. Công sức của ông đã được đền đáp. Ngày 9-11 vừa qua, Tòa án tối cao Pháp đã ra phán quyết yêu cầu mở cuộc điều tra về bất động sản của các nhà lãnh đạo châu Phi nêu trên ở Pháp.
Hành động dũng cảm, kiên trì đã tạo ra kết quả tuyệt vời của người đoạt giải cùng với sự hỗ trợ tốt đẹp từ Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế.
Với kết quả thành công thượng dẫn, tôi kính đề nghị công dân Phạm Thị Dung Mỹ hãy tiến hành mau chóng:
- Viết một lá thư gởi cho Tổ chức Transparency International (tiếng Việt cũng tốt, tiếng Anh càng hay). Trong đó nêu rõ qúa trình đấu tranh không mệt mỏi suốt 5 năm qua (kể từ khi bà đoạt giải thưởng uy tín này) cho công cuộc giải trừ nạn tham nhũng, mà bà kiên trì theo đuổi cho đến hơi thở cuối cùng. Lá thư đó cũng cần được xâu chuỗi, kết nối với sự kiện bà bị ứng xử kém văn hóa, rất thô bạo vừa qua. Sự việc bà bị vu khống, chậm trễ chăm sóc y tế, bị bỏ đói và nhốt người phi pháp nhiều giờ đồng hồ cần được nhấn mạnh trong lá thư như là sự trả thù từ giới cầm quyền nhắm vào bà và những ai sát cánh cùng bà trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực, chà đạp pháp luật. Đồng thời yêu cầu Tổ chức T.I chỉ định một đoàn luật sư mau chóng đến Việt Nam để hợp tác cùng bà làm việc (cần nêu số lượng Luật sư cụ thể, theo thiển ý của tôi, 5 vị luật sư là tối thiểu).
- Sau khi lá thư này gởi đi, công dân Phạm Thị Dung Mỹ hãy tập hợp đầy đủ các bằng chứng, tài liệu bà bị ngược đãi, hành hạ và bôi nhọ vừa qua, đặc biệt các tài liệu của hàng ngàn dân oan cả nước khiếu kiện, cũng như các bằng chứng cụ thể về tham nhũng (mà có thể bà có được) của giới cầm quyền từ địa phương đến trung ương, để chuẩn bị tiếp đón đoàn luật sư do Tổ Chức Minh Bạch Quốc tế cử đến để hợp tác cùng bà khởi kiện giới cầm quyền Việt Nam.
Bội nhọ danh dự công dân Phạm Thị Dung Mỹ là bôi nhọ danh dự Tổ chức Minh Bạch Quốc tế.
Hạ gục uy tín công dân Phạm Thị Dung Mỹ là hạ gục uy tín Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế.
Việt Nam đã là thành viên WTO, do đó giới cầm quyền cần học lại phép văn minh tối thiểu cần có với bạn bè thế giới. Những ai nhân danh Chính quyền Việt Nam hành xử thô bạo và ngược đãi Giải thưởng Liêm Chính Quốc tế - Phạm Thị Dung Mỹ cần phải được đối diện với vành móng ngựa thế giới để học lại bài học "Tôn trọng Pháp Luật".
Người Việt Nam cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ cho công dân Phạm Thị Dung Mỹ, người đã được Đại sứ Thụy Điển - ông Rolf Bergman nhấn mạnh rằng:
Việt Nam cần tự hào vì có những công dân như bà Lê Hiền Đức, là người không những chỉ muốn Đảng và Nhà nước chấm dứt nạn tham nhũng, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, đóng góp cụ thể vào cuộc chiến chống tham nhũng... hy vọng là bà Lê Hiền Đức sẽ là tấm gương điển hình cho nhiều người Việt Nam khác"
.
Người Việt Nam tự hào về bà, tri ân bà và đồng lòng lên tiếng bảo vệ bà - Người Công Dân Mẫu Mực - Giải Liêm Chính Quốc Tế 2007 - Lê Hiền Đức - Phạm Thị Dung Mỹ.
Nguyễn Ngọc Già
_______________
p/s: Thưa cụ Lê Hiền Đức, "tiên hạ thủ vi cường". Nhiều vụ "ám sát danh dự" trong các năm qua đối với những ai chống tham nhũng, chống hành xử phi pháp, bảo vệ dân oan, chống bất công xã hội đều rơi vào thế bị động. Riêng có Cụ - với danh tiếng và giải thưởng cao quý này - mới có thể tận dụng triệt để nhằm giành thế chủ động, mong Cụ đừng bỏ qua. Bởi những kẻ rắp tâm hạ gục danh dự, uy tín cụ nếu thành công trong việc hạ nhục cụ, coi như thành công tuyệt đối trong việc trấn áp toàn dân.
Xin nhắn riêng anh Nguyễn Xuân Diện: anh cũng nên giành thế chủ động bằng đơn kiện thay vì đơn khiếu nại. Ý nghĩa "chủ động" rất quan trọng trong đấu tranh bất bạo động ngày nay. Mong anh suy nghĩ thêm cũng như trao đổi với các Luật sư và có hành động kịp thời. Đừng để rơi vào thế bị động như nhiều người lâu nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"