Đào Tuấn
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thăm Cam Ranh. Người Tàu
trổ tài nuôi cá bên quân cảng. Giá “tàu nhanh” bị phá ngoạn mục. Và Bộ
Giáo dục ra đề thi về “sự dối trá”. Tất cả đều có một điểm chung: Đây là
chuyện bình thường.
Trong số thường dân áo vải “đi xe ware, như cu ly, đèo em
đi trà đá đê”, như trong lời bản nhạc nhái “Em yêu ảo lòi” đang hot
trên mạng, hẳn có khối người đặt một dấu hỏi to đùng xung quanh cái sự
sang của những người đẹp. Giàu chưa chắc đã sang, nhưng sang phần nhiều
sinh ra từ giàu. Làm thế nào để chuyển hóa nhan sắc, danh hiệu người đẹp
sang thành tiền hẳn nhiên lại là một loại bí mật
“ai-cũng-biết-là-cái-gì-đó” to tướng của làng giải trí. Ngay sau trường
hợp của người mẫu Hồng Hà, cái giá “tàu nhanh” 1.500 USD rất nhanh chóng
bị phá ngoạn mục: 2.000 USD. Cái dấu hỏi to tướng được tạo bởi “đường
cong” của 3 vòng người đẹp giờ đã được giải đáp. Đấy, bây giờ ai chưa
hiểu vì sao các thôn nữ vé số, thậm chí cả các người đẹp “cá ngựa ngâm
rượu” sẵn sàng chơi nhau để dành danh hiệu trong khi các cuộc thi người
đẹp ao làng nhan nhản thì đã có một bài học nhãn tiền rồi nhá.
Chỉ đáng nói là cô hoa hậu ao làng, người từng “bán vé số dạo để kiếm
từng đồng tiền lẻ”, trước khi sộ khám, vừa khoe: “sure (chắc chắn) mới
chỉ hôn môi bạn trai”. Khổ thân con gà Việt Kiều, mất toi “cái túi LV
4.000 USD” để được một dòng trên facebook của Hoa hậu “Hắn năn nỉ 3 ngày
mình mới ok”.
Nếu ai đó thắc mắc xung quanh câu chuyện cái túi 4.000 USD và cái “vé
tàu” 2.000 USD thì xin giải đáp ngay, rằng: Đó là chuyện quá thường.
Một cô gái bình thường, dù đẹp, có thể đi bán vé số kiếm tiến lẻ, chứ
một diễn viên, một ca sĩ, một người mẫu, một á khôi, nhất là một hoa
hậu- dù ao làng- dứt khoát không thể dùng một cái túi giá tiền ông Cụ.
Hơn nữa, sách cái túi 4.000 USD thì cũng cần cái đồng hồ 4 tỷ, cái nhẫn
“có vài trăm ngàn Obama”, tất nhiên cả siêu xe nữa. Cái danh giết người
là ở chỗ đó. Bởi sắc đẹp không thể mài ra mà bán, “Không tiền thì cạp
đất mà ăn”, huống chi giờ ngoài mấy tay Việt Kiều, tìm đại gia mang họ
“Dậu” hơi bị khó.
Trong khi hoa hậu Việt bán mình để xài đồ chính hiệu Mỹ thì lại có
một người Mỹ, rất “không bình thường”, lại chả biết đồ hiệu là cái quái
gì.
Tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Panetta tiến hành chuyến thăm
“dấu mốc đặc biệt mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước” khi xuất
hiện tại Cam Ranh với cái lối ăn mặc khiến giới “sâu bít” Việt kinh
ngạc. Áo sơ mi xanh nhợt kiểu công nhân xưởng may, quần “nâu kiểu bạc
thếch” như vừa nhặt ở đâu đó, chụp trên đầu cái mũ lưỡi trai in logo của
tàu USNS Richard E.Byrd (chứ không phải tàu Titanic), nom ông y chang
một chủ trang trại vừa trúng vụ vải về thành phố “hoành tráng”.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời vị Bộ trưởng quốc phòng thứ 23 của Mỹ, vị Bộ
trưởng đầu tiên trở lại Cam Ranh từ sau năm 1975 nói đây là “thời khắc
xúc động” với cá nhân ông. Còn ông Panetta thì nói việc “Việc tàu của
hải quân Hoa Kỳ tiếp cận được Cam Ranh” có thể được coi là “một yếu tố
quan trọng trong mối quan hệ của hai nước”.
Có thể là quan trọng, nhưng dẫu sao đây vẫn là sự quan trọng đối với
Mỹ, chứ với Việt Nam ta là chuyện “bình thường”, như khẳng định của một
quan chức Bộ Quốc phòng. Nghĩ đi nghĩ lại sự xuất hiện của “ông chủ
trang trại” Panetta ở Cam Ranh sau ba mấy bốn mươi năm cũng đúng là bình
thường thật. Có điều, bình thường vì không ai dám bảo là khác thường.
Và khi “Ông Mỹ” ở Cam Ranh là chuyện bình thường, thì cũng chẳng có
gì khác thường khi mấy ông ngư dân Tàu cũng ở Cam Ranh, dù chỉ cách quân
cảng Cam Ranh 250m, theo ước tính của Tuổi trẻ. Chuyện này bình thường ở
chỗ, các anh A sáng, A tối dường như không mấy quan tâm đến những “cụ
Lý”, “cụ Đinh” hay kg, kilo, chỉ quan tâm đến… nước biển. Bởi hóa ra,
nước biển Cam Ranh rất hợp với… cá mú. Cá mú giống được mang từ Trung
Quốc qua, nuôi lớn có lẽ cũng bằng thức ăn nhập từ “bạn”, rồi khi bán,
cũng lại xuất về Trung Quốc, qua những con tàu mang cờ 6 sao đến tận nơi
“ăn hàng”. Cá mú nuôi ở Cam Ranh hiệu quả ở chỗ chóng phổng, to đến hai
chục ký với giá bán cả triệu/kg”.
Bạn đừng có hỏi vì sao người Tàu phải lặn lội xuống tận Cam Ranh để…
nuôi cá. Chẳng phải là họ đã tràn ngập Bắc-Trung-Nam, lên cả Tây Nguyên
làm bô xít, ra biên giới thuê rừng đầu nguồn đó sao.
Chỉ có một điều khôi hài là Biên phòng cho biết đã phát
hiện việc người Tàu ở Cam Ranh từ 9-10 năm nay. Năm 2009, lực lượng này
đã tham mưu cho chính quyền cách xử lý. Một quan chức của TP Cam Ranh rỉ
tai báo chí rằng khu vực các anh A sáng, A tối là diện tích mặt nước do
Cảng vụ Nha Trang quản lý. Trong khi giám đốc Cảng vụ Nha Trang lại
“tiết lộ”: Cảng vụ không có chức năng cho phép nuôi trồng thủy sản.
Nghe “cơ quan chức năng” các loại đấu vòng vòng, ai hiểu được mô tê
ra sao chắc cũng có thể hiểu được ý nghĩa bản rap “Em yêu ảo lòi”- đang
sốt trên mạng.
Nhưng đôi khi cũng nên ảo khi phải nhìn những sự thật bình thường
đang nhan nhản trong cuộc đời này, bởi chí ít, nó cho ta một sự lạc quan
AQ kiểu Tàu.
Thì đấy, sự xuất hiện một cách bình thường- trong mắt quan chức địa
phương- của người Tàu ở vịnh Cam Ranh từ cả chục năm nay, có lẽ là một
gợi ý hay cho Bộ Nông nghiệp hôm qua đang tranh luận loạn xị về hướng
đầu tư cho tam nông. Sẽ là rất bình thường nếu mai kia sẽ có một đề tài
tiến sĩ tầm cỡ được thực hiện với đề tài “Nước biển Cam Ranh trong hiệu
quả tuyệt vời với nghề nuôi cá mú và sự cộng sinh của chính quyền”.
“Em yêu ảo lòi”. Đấy là nên một bài hát, dù nhái, mà giờ từ đứa lên 5
cũng đang ư ử cả ngày. Em yêu ảo lòi. Một đỉnh cao của nghệ thuật đặt
tên bài hát. Đỉnh ở chỗ nó khiến những người khăng khăng áo mão đạo đức
chúng ta vỡ đầu, lồi mắt nếu muốn hiểu ý nghĩa.
Nhưng có lẽ cũng phải “ảo” thật, nếu không muốn tẩu hỏa nhập ma mà
chết vì những điều bình thường trần trụi đang vây quanh lũ trẻ.
Năm nay, đề thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục luận về “Thói dối
trá”. Phải công nhận là chỉ với đề thi hết sức bình thường này, Bộ Giáo
dục tỏ rõ cho thiên hạ thấy sự quả cảm của mình. Ai lại chìa lưng làm
thớt thế bao giờ. Cái gì một thời là “hai không”: Nói không với tiêu cực
trong thi cử; Nói không với chạy theo thành tích…
Thành tích thì giáo dục thời “có Nhân” hay “bất Nhân” cũng vẫn
vậy với tỷ lệ tốt nghiệp “thường thôi”: 98-99%. (Dù mới đây có thêm một
phát ngôn bình thường về sự bình thường của hàng ngàn điểm 0 môn sử).
Riêng cái “Không” với tiêu cực trong thi cử, có vẻ, người ngấm đòn nhất
là thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Hôm qua, người đương thời của sự chung thực
ngày nào đã đưa ra bình luận cực hay: “Đề thi năm nay viết về nói dối,
nhưng chưa chắc đã có những trang văn thật”. Thầy Khoa cũng nói thêm
rằng: Ngành Giáo dục ra đề (về thói dối trá) cho thí sinh nhưng chính
lãnh đạo (của ngành) cũng sẽ không làm được.
Nếu vẫn chưa tin vào kinh nghiệm thực tiễn và độ cay đắng của “người
đương thời” xin hãy xem hình ảnh thí sinh chất đống đốt phao thi ở Ninh
Bình. Đây rõ ràng là một sự bất thường trong một hình ảnh hết sức phổ
biến là phao thi trắng sân trường. Nếu ai đó cố chấp bảo rằng đốt phao
thi không có nghĩa là có tiêu cực thì hãy kiên nhẫn và kìm lòng xem thêm
clip giám thị ném bài cho thí sinh ở Bắc Giang.
Ảo lòi. Ngành giáo dục đúng là dại khi ra đề thi về thói dối trá, bởi
sự trung thực giờ mới là bất bình thường.